Tag Archive | Việt Nam – Hồ Chí Minh

Cụ Hồ thách đố

Cuộc sống của Bác Hồ bao giờ cũng giản dị vui tươi. Bác làm từ việc lớn, như lãnh đạo cách mạng, đến việc bình thường nhất như xay bột, giã gạo,vác gỗ…

Có lần Bác đang cặm cụi trồng cây khoai môn trước cửa nhà, thấy chúng tôi vào, Bác liền cười nói:

– “Trồng môn trước cửa nhà”, thử đối lại xem sao.

Câu đối cũng khá hóc búa vì “môn” tức là cửa, làm thế nào chọn được vế kia cho chọi.

– “Bắt ốc sau nhà”! – Chúng tôi cùng nhau cười thưa lại sau một lúc lâu suy nghĩ.

Bác cười một cách vui vẻ.

– Tạm cho được!

… … …

Một đêm trăng sáng. Đồng chí ông Ké cùng các đồng chí và tôi đi tắm đêm. Trông thấy bóng trăng sáng vằng vặc trong lòng suối, đồng chí ông Ké nói:

Tôi có một câu đối. Ai đối được tôi gả con gái cho.

Đồng chí ông Ké liền thong thả đọc vế đối:

– “Nguyệt chiếu khê tâm, tâm chiếu nguyệt”

(Mặt trăng soi xuống lòng khe, lòng khe soi lên trăng)

Ai cũng cố nghĩ để đối lại. Riêng đồng chí Hường đối:

– “Hoa sinh thạch diện, diện sinh hoa”

(Hoa nở trên mặt đá, mặt nở hoa)

Ông Ké thốt lên vui vẻ:

– Ô, thế hóa ra mặt rỗ rồi.

– Mọi người cùng phá lên cười vui vẻ. Nghĩ đến vế đối của ông Ké ra, lời lẽ thanh tao, ý tứ sâu sắc, đối được cũng khó. Nhân nhìn trước mắt có cái động núi đẹp đẽ, lúc trẻ tôi vẫn thường cùng bạn bè vào chơi, hét lên một tiếng có ngàn tiếng vọng lại. Tôi nói:

– “Lôi mình không cốc, cốc mình lôi”

(Sấm gọi hang không, hang gọi sấm)

Ông Ké khen:

– Được. Nhưng đồng chí không làm rể được mình vì đồng chí gần bằng tuổi mình rồi, lại đã có gia đình.

Mọi người cười ồ vui vẻ…

Theo 108 Chuyện vui đời thường của Bác Hồ
Tâm Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement

Chuyện đặt tượng Bác ở thành Len

Làm rể Việt Nam, GSTS Vladimir Kolotov là người làm rất nhiều việc có ích cho quê vợ. Anh là một trong những người chủ chốt trong việc lập Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ngoài lãnh thổ Việt Nam và đặt tượng Bác Hồ ở Đại học Quốc gia Saint Petersburg, Liên bang Nga.

len 1Khai trương tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở St. Petersburg.

Tôi gặp Vladimir Kolotov lần đầu ở Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Nga cuối năm 2009. Khi ấy nhà khoa học người Nga trẻ trung, phong độ ấy để lại cho tôi ấn tượng là một người dễ xúc động: Tôi thấy anh rơi nước mắt khi nghe nhắc đến việc Việt Nam vừa khánh thành tượng đài tưởng niệm quân nhân Nga/Xô Viết hi sinh khi làm nhiệm vụ ở căn cứ hải quân Cam Ranh.

Bẵng đi gần hai năm, hôm bật ti vi xem lại cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Mátxcơva “Bài ca chiến thắng” đầu tháng 11 năm 2011, tôi thấy Vladimir cầm mic dẫn chương trình ở đầu cầu Mátxcơva bằng tiếng Việt. Hôm gặp lại cũng ở Hội Việt-Nga cuối tháng 11 năm 2011, tôi hỏi về việc làm chương trình, anh bảo: “Tôi không dám xem lại nữa. Tiếng Việt của tôi hôm đó khủng khiếp”.

Té ra hôm đó người đảm nhiệm bản dịch tiếng Nga cứ đọc gần như đồng thời với Vladimir, mà anh thì không được trang bị tai nghe cách âm, thành ra mọi thứ cứ loạn cả lên, không giữ được sự điềm tĩnh cần thiết.

Tuy nhiên, việc một ông Tây dẫn cầu truyền hình của Đài quốc gia Việt Nam bằng tiếng Việt là một món quà bất ngờ thú vị với khán giả Việt và khó có ai nỡ trách anh về sự thiếu hoàn hảo. Câu chuyện Vladimir kể như một bằng chứng. Một tiếng đồng hồ sau chương trình, anh bỗng nhận được điện thoại của một nhân vật lớn Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất: “Này, cậu làm cái gì trên truyền hình mà một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam gọi điện cho tôi cảm ơn thế?”

len 2Vladimir Kolotov

Vladimir Kolotov là giáo sư, tiến sĩ, Chủ nhiệm bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông tại khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Leningrad trước đây), Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh của Đại học này, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt tại cố đô Nga, thành viên Ủy ban  Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác an ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP).

Tiếng Việt của Vladimir có thể dùng thoải mái ở mọi hoàn cảnh, kể cả các hội thảo khoa học, hội nghị chính thức. Hỏi về bí quyết học, anh cười: “Có người trong khách sạn nhìn cách chọn món và cách ăn của tôi đã đoán: Chắc anh có từ điển tiếng Việt tóc dài?” Đúng rắp! Vợ anh là cô gái Việt anh đã gặp ở Thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác.

Hỏi vì sao chọn chuyên ngành liên quan Việt Nam và Phương Đông, Vladimir chỉ lên trời nói: “Trên đó còn chưa tiết lộ cho tôi lý do. Một tập hợp các hoàn cảnh ngẫu nhiên đã khiến tôi chọn lĩnh vực này, tôi cũng không thật hiểu vì sao. Có lẽ do định mệnh”. Có thể là định mệnh, nhưng một điều chắc chắn là tình cảm của anh với quê vợ tựa trên một cái nền vững chắc tri thức của một nhà Việt Nam học.

Xem danh mục các công trình nghiên cứu đã công bố của anh, thấy đụng chạm nhiều đến các vấn đề chính trị, xung đột và đặc điểm tôn giáo Việt Nam. Đặc biệt, anh phân tích rất kỹ việc các thế lực từ bên ngoài sử dụng các yếu tố tôn giáo trong mô hình “quản lý xung đột” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17, các thế lực thực dân Phương Tây đã lợi dụng các giáo sĩ để thâm nhập vào Việt Nam. Trong thuyết quản lý xung đột có 3 giai đoạn: Một là cải đạo dân bản địa và xây dựng cộng đồng tôn giáo tại chỗ; hai là, gây mâu thuẫn giữa giáo dân và bên lương; ba là thực hiện sách lược gây mất ổn định cục bộ có tính quản lý và tiến tới xâm lược đối tượng.

Lịch sử cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã diễn ra theo kịch bản như vậy. Vladimir chỉ rõ: Chiến thuật đó, cơ chế đó, “mô hình quản lý xung đột” đó cũng đang được các thế lực thù địch với Việt Nam áp dụng ngày hôm nay với việc truyền đạo trái phép ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc…

Vladimir cũng nghiên cứu sâu về các chuyển động chính trị của vùng Đông Nam Á. Phân tích chiến lược của các cường quốc đối với khu vực cực kỳ quan trọng đối với thế giới hiện đại này, anh đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam. Trong bài “Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vực” mà anh viết riêng cho Đài BBC tháng 12 năm 2008, anh nhận định các cường quốc “đều hiểu là họ không thực hiện được chính sách của mình nếu họ coi thường yếu tố Việt Nam. Điều đó khiến chúng ta phải coi yếu tố Việt Nam là hết sức quan trọng trong hệ thống an ninh khu vực đang trong giai đoạn biến đổi”.

Trong các phát biểu khác trên Thanh niên và BBC, anh nhận xét ý đồ chiến lược của Trung Quốc là “rất rõ ràng đó là kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông và kiểm soát tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới này”, là “độc chiếm Biển Đông”. Anh khẳng định: “Theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn không có quyền kiểm soát đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…”.

Vladimir là một trong những người chủ chốt tham gia thành lập Viện Hồ Chí Minh ở Khoa Phương Đông thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg, đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện, tổ chức nhiều hoạt động phong phú của Hội hữu nghị Nga – Việt thành Petersburg mà anh là Chủ tịch…

Viện Hồ Chí Minh được khai trương ngày 19-5-2010, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác. Ngoài các vấn đề liên quan đến Việt Nam, Viện Hồ Chí Minh nghiên cứu các vấn đề quốc tế rộng. Chẳng hạn vừa qua, Viện tổ chức 3 semina khoa học về hiện tượng “Mùa xuân Arập”, phân tích rõ các thủ đoạn, thủ thuật kích động, gây xung đột để can thiệp của một số thế lực. Như việc một clip “biểu tình giải phóng” (cảnh bạo loạn) ở thủ đô Tripoli của Lybia lại được dàn dựng và quay ở Qatar, tại địa điểm có bối cảnh na ná Tripoli…

len 3V. Kolotov thuyết trình về việc dùng mô hình
“Quản lý xung đột” để can thiệp vào Việt Nam .

Vladimir kể rằng ý tưởng thành lập Viện Hồ Chí Minh và đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện trở thành hiện thực là nhờ công lao và sự phối hợp ăn ý của rất nhiều người, trong đó vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về GS.TS E.I. Zelenev – Trưởng khoa Phương Đông, GS.TS N.M.Kropachev – Hiệu trưởng trường ĐHQG St. Petersburg, hai Hiệu phó; hai vị Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga là các ông Bùi Đình Dĩnh và Phạm Xuân Sơn.

Khoa Phương Đông báo cáo ý tưởng thành lập Viện lên Hiệu trưởng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Đại sứ Bùi Đình Dĩnh là người thảo văn bản đầu tiên báo việc này với nguyên thủ Việt Nam lúc đó là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tháng 4 năm 2010, Đoàn đại biểu ĐHQG St. Petersburg đã sang làm việc với Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Sau khi được sự chuẩn y của Chủ tịch nước Việt Nam, một đoàn đại biểu lãnh đạo Việt Nam do ông Tô Huy Rứa dẫn đầu đã sang ký hiệp định hợp tác và khai trương Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ở nước ngoài tại St. Petersburg vào ngày 19-5-2010. Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tặng Viện bức tượng Bác Hồ bằng đồng.

Trường và Viện quyết định đặt tượng Bác trong khuôn viên Viện. Cán bộ của sứ quán Việt Nam ở Nga đã chọn ngày giờ rất cẩn thận, lại đặt la bàn tỉ mỉ để tượng Bác quay hướng nhìn đúng về Tổ quốc Việt Nam. Khuôn viên ngoài tượng Bác còn có tượng Khổng Tử và được hưởng quy chế của bảo tàng ngoài trời.

Lê Xuân Sơn
Theo tienphong.vn
Phương Thúy
(st)

bqllang.gov.vn

Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích

Là người học trò, người cộng sự gần gũi và tin cậy, nhiều năm được sống và làm việc bên Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết:

“Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi và tin rằng vì chỗ đó Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy: Hiện tại, tương lai…”.

Là người sáng lập và xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước những điều mà một đảng cầm quyền nếu không quyết tâm rèn luyện, giáo dục, nếu không thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm hại cho sự nghiệp cách mạng.

Không biết bao nhiêu lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đã viết, đã căn dặn chúng ta về phê bình và tự phê bình. Bác nói: “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ ta phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế nghĩa là phải chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10 năm 1947, Bác Hồ đã viết:

“Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Và Bác nhấn mạnh:

“Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”.

Nói về tư cách của một đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều. Trong đó, điều thứ 8 là: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Điều thứ 10 là: “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài”.

Cũng trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết:

“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư, mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng thêm ra”.

Và những tính tốt ấy theo Bác Hồ gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

1. Nhân: Là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà cương quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân… Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải, họ đều làm được.

2. Nghĩa: Là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

3. Trí: Vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc, vì vậy biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

4. Dũng: Là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc.

5. Liêm: Là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Học tập và nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác luôn luôn coi trọng phẩm chất con người. Đồng thời chúng ta cũng thấy Người luôn luôn có thái độ dứt khoát, kiên quyết, thể hiện một quyết tâm chính trị lớn trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí và những biểu hiện của những suy thoái đạo đức khác. Không bao giờ thấy Bác nói “Đẩy lùi tham nhũng” mà chỉ thấy Bác nói: Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội. Tham ô, lãng phí là một tội ác, là kẻ thù của nhân dân, người cách mạng phải tiêu diệt nó.

Song Bác Hồ cũng nói:

“Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo” lên lợi ích cá nhân, nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể. Lợi ích của cá nhân luôn gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với lợi ích của tập thể thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Đảng đề ra là hợp với lòng dân. Nhân dân ta đang hy vọng và chờ đợi. Tất nhiên đây là một công việc khó khăn, song dù khó khăn cũng phải phấn đấu làm cho thành công, vì xây dựng Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta và chế độ ta.

Một Đảng cách mạng, một người cách mạng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng!

Mác đã từng nói: “Hạnh phúc chân chính của con người là phải hoà nhịp với hạnh phúc của hàng triệu người khác”.

Còn Lê-nin trong những ngày khó khăn của Cách mạng Tháng Mười, Hội đồng dân uỷ được phân phối mỗi người một pút khoai tây. Khi đọc bảng phân phối thấy ghi: “Lê-nin 2 pút, Crupxcaia 1 pút” Crupxcaia là vợ Lê-nin. Lê-nin đã lấy bút chữa lại: “Lê-nin 1 pút, Crupxcaia 0” và ông ghi Crupxcaia không ở Hội đồng dân uỷ.

Những người cách mạng chân chính bao giờ cũng biết quên mình vì hạnh phúc của nhân dân. Và để trở thành những người cán bộ tốt, đảng viên tốt, chúng ta hãy nhớ lời Bác căn dặn: “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích”.

Một nhà thơ đã viết:

“Ta hãy tự trả lời ta – Bạn hỡi

Khi ta vui và cả lúc ta buồn

Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn

Trước phút đi xa, Bác Hồ căn dặn

Không đáng sợ kẻ thù trước mặt

Sợ nhất kẻ thù ẩn náu trong ta!”.

Theo Bùi Công Bính/ baonamdinh.com.vn
Tâm Trang (st)
bqllang.gov.vn

47. Chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công

Từ đời xưa đến nay, chế độ công cộng nguyên thuỷ sụp đổ do chế độ nô lệ thay thế.

Chế độ nô lệ sụp đổ, do chế độ phong kiến thay thế. Chế độ phong kiến sụp đổ, do chế độ tư bản thay thế. Đó là quy luật nhất định trong sự phát triển của xã hội.

Lịch sử loài người là do người lao động sáng tạo ra. Người lao động sáng tạo ra của cải, luôn luôn nâng cao sức sản xuất. Sản xuất phát triển tức là xã hội phát triển. Chế độ nào hợp với sức sản xuất thì đứng vững. Nếu không hợp thì giai cấp đại biểu của sức sản xuất mới sẽ nổi lên cách mạng lật đổ chế độ cũ.

Hiện nay, chế độ tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được. Một là nhà tư bản sản xuất hàng hoá quá nhiều, quá mau, nhưng không bán hết được; vì công nhân thì nghèo khổ, lớp trung và tiểu tư sản thì nhiều người đã phá sản. Hai là tính chất sản xuất là công cộng – hàng nghìn hàng vạn công nhân cùng làm ở một nhà máy. Mà tư liệu sản xuất thì lại nằm trong tay một số rất ít người. Mâu thuẫn ấy gây ra nạn thất nghiệp và nạn kinh tế khủng hoảng.

Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa (cộng sản chủ nghĩa) mới giải quyết được mâu thuẫn ấy.

Mác và Lênin đã vạch rõ con đường để giải quyết: phải kinh qua giai cấp công nhân tổ chức, đấu tranh cách mạng. Kinh qua trường kỳ xây dựng, để thực hiện chế độ cộng sản.

Ngày nay, Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Các nước dân chủ mới Đông Âu và Trung Quốc đang tiến mạnh đến chủ nghĩa xã hội. Ngay ở các nước tư bản cũng có những đảng cộng sản và đang đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản. Thế là chủ nghĩa cộng sản không chỉ ở trong lý luận mà đã thực hiện dần dần ở phần khá lớn trong thế giới. Phong trào cách mạng ngày càng cao, giai cấp lao động đấu tranh ngày càng hǎng cho nên chúng ta có thể đoán chắc rằng: chủ nghĩa cộng sản nhất định thành công khắp thế giới.

cpv.org.vn

48. Dân chủ mới

Từ cộng sản nguyên thuỷ đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tuỳ hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau.

Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) – như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v..

Những đặc điểm của dân chủ mới là gì?

1) Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính (trừng trị) bọn phản động.

2) Trong chế độ dân chủ mới, có nǎm loại kinh tế khác nhau:

A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).

B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).

C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).

D- Tư bản của tư nhân.

E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).

Trong nǎm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản.

3) Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác – Lênin) là tư tưởng lãnh đạo, ngày càng phát triển và củng cố.

4) Đảng Lao động kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động. (Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân có đoàn thể cách mạng chắc chắn của nó như: công đoàn, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ…) thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

5) Trong nước thì nhân dân ta hǎng hái kháng chiến, thi đua sản xuất; quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên. Trên thế giới thì có phe dân chủ hoà bình ủng hộ ta. Vì những lẽ đó ta nhất định thành công.

cpv.org.vn

49. Đấu tranh để thực hiện chủ nghĩa cộng sản

Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản.

Hiểu rõ quy luật phát triển của xã hội, ra sức đấu tranh để thực hiện chế độ cộng sản tức là nhân sinh quan của người cách mạng.

Để thực hiện hoàn toàn dân chủ mới (là bước đầu để tiến dần đến chế độ cộng sản) thì mọi người, trước hết là những người đảng viên phải làm kiểu mẫu:

1- Ra sức đoàn kết đánh đổ thực dân và phong kiến, kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, ra sức củng cố chính quyền nhân dân.

2- Ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí.

3- Ra sức nâng cao trình độ vǎn hoá và giác ngộ chính trị của nhân dân lao động. Giúp đỡ anh em trí thức cải tạo tư tưởng, cải tạo con người, thành người trí thức của cách mạng.

4- Ra sức củng cố Đảng, làm cho Đảng ngày càng lớn, càng mạnh, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng ta cần phải đấu tranh lâu dài và gian khổ để đạt mục đích ấy. Nhưng chúng ta nhất định đạt được, vì Đảng ta kiên quyết, dân ta hǎng hái.

Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Trung Quốc và các nước Đông Âu đang nhanh chóng thực hiện chủ nghĩa xã hội. Các nước bạn dẫn đường đi trước cho chúng ta kinh nghiệm và ủng hộ chúng ta. Chúng ta có quyết tâm: quyết tâm học tập, quyết tâm kháng chiến, quyết tâm công tác, quyết tâm vượt mọi khó khǎn, thì chúng ta nhất định thắng lợi.

cpv.org.vn

50. Kết luận

Chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu Thường thức chính trị 49 lần, hôm nay chúng ta kết thúc.

Chúng ta đã nghiên cứu những vấn đề chính mà mọi người phải biết như:

– Giai cấp là gì?

– Phong kiến là gì?

– Tư bản là gì?

– Đế quốc chủ nghĩa là gì? vân vân… Và đường lối cách mạng và các tổ chức cách mạng như:

– Chính quyền nhân dân.

– Mặt trận dân tộc thống nhất.

– Đảng Lao động.

Chúng ta cũng đã nghiên cứu: chế độ và cách thực hiện dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Vì muốn cho những bài ấy giản đơn và tóm tắt, dễ hiểu, dễ nhớ mà không đào sâu vào các vấn đề. Nhưng nếu các bạn đọc kỹ nhớ suốt, và khéo liên hệ với công việc hàng ngày của mình, thì chắc rằng, những bài ấy giúp ích cho các bạn khá nhiều. Mong rằng các bạn xem lại, ôn lại cho kỹ.

Cái tinh thần nó xuyên khắp các bài ấy là: quyết tâm và tin tưởng.

Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Quyết tâm vượt khó khǎn gian khổ, làm tròn nhiệm vụ, bất kỳ ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, phụ trách việc to việc nhỏ. Quyết tâm đứng hẳn về phe lao động, phe cách mạng. Quyết tâm đưa hết tinh thần, lực lượng mà phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Tin tưởng vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân. Tin tưởng vào tương lai vẻ vang của dân tộc, của thế giới lao động. Tin tưởng vào kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Tin tưởng vào chính sách đúng đắn và lãnh đạo sáng suốt của Đảng và của Chính phủ ta. Tin tưởng vào mình cố gắng thì nhất định thành công.

Nắm vững tinh thần ấy, thấm nhuần tinh thần ấy, là cái chìa khoá để hiểu và để giải quyết các vấn đề.

Chúng ta có hơn 25 triệu đồng chí trong các Đảng Cộng sản và Đảng Lao động.

Chúng ta có hơn 800 triệu anh em là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ mới khác.

Chúng ta có hàng trǎm triệu bầu bạn là công, nông, lao động trí óc khắp các nước tư bản.

Sức ta rất to, thế ta rất mạnh, thời đại ta rất oanh liệt, tiền đồ ta rất vẻ vang. Chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thành công khắp thế giới.

Vậy, mỗi một người chúng ta cần phải cố gắng cho xứng đáng là một chiến sĩ cách mạng, một người thợ xây dựng xã hội mới, đầy hạnh phúc và tự do.

cpv.org.vn

Điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Rumani (1-1-1954)

Kính gửi đồng chí Ghêóocghiu Đê,
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Nhân dân Rumani,

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Rumani, thay mặt nhân dân, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nhân danh tôi, tôi kính gửi đồng chí Chủ tịch, nhân dân và Chính phủ Rumani lời chúc mừng nồng nhiệt.

Chúng tôi phấn khởi theo dõi những thắng lợi của nhân dân Rumani đã đạt được trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí, của Đảng Công nhân Rumani với sự giúp đỡ anh em của Liên Xô vĩ đại.

Chúng tôi chúc nhân dân Rumani đạt được nhiều thắng lợi mới rất to lớn, để góp phần bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới.

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 157,
từ ngày 1 đến 5-1-1954.
cpv.org.vn

Tâm hữu vị ngộ – Tìm bạn không gặp (1954)

Bách lý* tầm quân vị ngộ quân,
Mã đề đạt toái lĩnh đầu vân.
Quy lai ngẫu quá sơn mai thụ,
Mỗi đoá hoàng hoa nhất điểm xuân.

* Thực lục thập công lý.

Dịch nghĩa

TÌM BẠN KHÔNG GẶP

Trǎm dặm* tìm anh mà chẳng gặp anh,
Vó ngựa dẫm vỡ những áng mây trên đầu núi.
Trở về, tình cờ qua một cây mai rừng,
Mỗi đoá hoa vàng là một điểm xuân.

* Thực ra là sáu mươi kilômét.

Dịch thơ

TÌM BẠN KHÔNG GẶP

Trǎm dặm tìm không gặp cố nhân,
Mây đèo dẫm vỡ ngựa chồn chân.
Đường về chợt gặp cây mai núi,
Mỗi đoá hoa vàng một nét xuân

Viết bằng chữ Hán khoảng đầu 1954.
Sách Hồ Chí Minh: Tuyển tập vǎn học,
Nxb. Vǎn học, Hà Nội, 1995, t.3,
tr.195-196.
cpv.org.vn

cpv.org.vn

Thơ chúc Tết (1-2-1954)

Ngày Nguyên đán nǎm Giáp Ngọ

Nǎm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

– Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,
– Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn.
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,
Nǎm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều .

HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 163,
từ ngày 1 đến 5-2-1954.
cpv.org.vn

Thư gửi các cán bộ và chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán nǎm Giáp Ngọ (1-2-1954)

Nhân dịp Tết nǎm Ngọ, Bác thân ái gửi lời chúc các chú: Nǎm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới.

Các chú đã lập được nhiều chiến công. Hôm nay ngày Tết, các chú lại đang xung phong chiến đấu gian khổ, thi đua giết giặc. Bác luôn luôn nhớ các chú.

Bác mong các chú nêu cao quyết tâm, chiến đấu bền bỉ, thu nhiều thắng lợi hơn nữa, làm cho mùa Xuân nǎm nay thành mùa Xuân đại thắng lợi.

Bác chờ tin thắng trận các chú gửi về mừng quà Tết cho Bác. Bác chuẩn bị sẵn giải thưởng cho đơn vị và cá nhân có nhiều chiến công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 7 nǎm 1954
HỒ CHÍ MINH

Báo Quân đội nhân dân, xuất bản tại mặt trận, số 120, ngày 1-2-1954.
cpv.org.vn

Thư gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm (1-2-1954)

Gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ ở vùng tạm bị chiếm,

Nhân dịp nǎm mới Giáp Ngọ, Bác thân ái chúc các cô, các chú nǎm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới.

Nǎm vừa qua các cô, các chú đã anh dũng đánh du kích và bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào.

Sang nǎm mới, cuộc kháng chiến của ta sẽ gay go hơn, nhưng sẽ thu nhiều thắng lợi hơn. Giặc càng thất bại, chúng càng ráo riết dùng những thủ đoạn hung ác để cướp của, bắt người, bắt cả phụ nữ đi ngụy binh để chống lại kháng chiến, giết hại đồng bào và làm bia đỡ đạn cho chúng.

Để phá tan âm mưu của giặc, Bác kêu gọi:

– Cán bộ và chiến sĩ phải thi đua thực hiện những nghị quyết của Hội nghị du kích toàn quốc nǎm ngoái, tiêu diệt thật nhiều giặc để giữ nước, giữ làng.

– Thanh niên nam nữ thì cùng đồng bào ra sức đấu tranh chống giặc, quyết không đi lính cho giặc, hǎng hái tham gia du kích và bộ đội của ta.

– Tất cả mọi người ra sức vận động ngụy binh quay về với Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta sẽ khoan hồng đối với họ.

Đến cuối tháng 3-1954, các địa phương phải báo cáo lên, Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những đơn vị và những cá nhân lập công nhiều nhất.

Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời Bác chúc nǎm mới cho các cụ phụ lão và các cháu nhi đồng.

Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 7 nǎm 1954
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 163,
từ ngày 1 đến 5-2-1954.
cpv.org.vn