Tag Archive | Việt Nam – Hồ Chí Minh

Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến (6-2-1954)

Lòng trách nhiệm và chí cầu tiến là thế nào? – Trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, bất kỳ việc to việc nhỏ đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cho nên việc gì cũng quý, việc gì cũng cần. Công cuộc cách mạng là do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận mà xây dựng nên. Nếu không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại, thì sẽ không thành việc lớn. Công việc xã hội cũng giống như cái đồng hồ, nếu thiếu 1 cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ.

Vì vậy, khi chúng ta phụ trách một công việc gì, bất kỳ to nhỏ, chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ đến việc đó quan hệ với cách mạng, ảnh hưởng đến cách mạng. Chúng ta phải đưa toàn tâm toàn lực làm cho thành công, làm trọn nhiệm vụ. Chỉ làm cho xong chuyện, làm qua loa, tức là có hại cho cách mạng, có hại đến nhân dân.

Tư tưởng ta thông như vậy, thì gặp việc gì chúng ta cũng cẩn thận, cố gắng, quyết tâm làm cho vượt mức. Thế là lòng trách nhiệm.

Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Chúng ta phải kháng chiến thắng lợi, phải thực hiện dân chủ mới, phải tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, nǎng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái.

Chúng ta quyết tâm cầu tiến bộ, quyết tâm vượt khó khǎn, thì dù công việc to lớn như cải tạo xã hội, cải tạo thiên nhiên, chúng ta cũng làm được. Người Liên Xô đã đổi rừng hoang làm thành phố, biến bãi cát thành ruộng vườn, cũng vì có chí cầu tiến không ngừng. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải có lòng trách nhiệm và chí cầu tiến.

C.B.

Báo Nhân dân, số 164,
từ ngày 6 đến 10-2-1954.
cpv.org.vn

Advertisement

Vững chắc và cố chấp (11-2-1954)

Lập trường chắc chắn và tư tưởng cố chấp, hai điều đó khác nhau, nhưng có người nhầm lẫn cố chấp với chắc chắn. Vì nhầm lẫn ấy, mà tưởng chỉ có ý kiến mình là “đúng”, ý kiến của người khác là “sai”. Khi bàn bạc việc gì, dù sai hay là đúng, cũng cứ khư khư giữ lấy ý kiến của mình, tưởng như thế là “lập trường chắc chắn”, “có tính nguyên tắc”. Thế là cố chấp.

Thế nào là lập trường vững chắc?

– Tức là đứng hẳn về lập trường giai cấp công nhân. Không có chút tự tư tự lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Lý luận phải chǎng đều do công tác thực tế thử thách. Việc đúng là đúng, chứ không phải cứ tự cho mình là đúng. Khiêm tốn, cẩn thận, chứ không phải hàm hồ, khinh người. Người khác đúng, thì mình thật thà hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Người khác sai, thì mình chịu khó lắng nghe, bền lòng giải thích. Dù sai lầm của mình rất nhỏ, cũng mạnh dạn thừa nhận, kiên quyết sửa chữa. Dù ý kiến của người khác chỉ đúng một chút, mình cũng phê phán chỗ sai, hoan nghênh chỗ đúng.

Ai mà tư tưởng cố chấp, chắc chắn là người chủ quan. Chỉ nghe, chỉ hiểu một chút, hoặc chỉ có chút kinh nghiệm, rồi cứ lắp nguyên vǎn vào tất cả mọi việc một cách máy móc. Kết quả là đầu óc cứng đờ, không biết biến hoá, trái ngược với thái độ của giai cấp công nhân, trái hẳn với khoa học cách mạng.

Vì vậy, chúng ta phải học tập và rèn luyện, làm cho lập trường vững chắc; và phải chống tư tưởng và thái độ cố chấp, chủ quan.

C.B.

Báo Nhân dân, số 165,
từ ngày 11 đến 15-2-1954.
cpv.org.vn

Điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Liên Xô (26-2-1954)

Kính gửi đồng chí K.Vôrôsilốp,
Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô,

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 36 Ngày thành lập Quân đội Liên Xô, thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và nhân danh cá nhân tôi, tôi xin đồng chí Chủ tịch chuyển tới Quân đội và nhân dân Liên Xô anh dũng lời chúc mừng nhiệt liệt của chúng tôi.

Nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân toàn thế giới tin tưởng vào lực lượng ngày càng lớn mạnh của Quân đội Liên Xô là một đảm bảo vô cùng vững chắc cho thắng lợi cuối cùng của công cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới, dưới sự lãnh đạo của Liên Xô vĩ đại.

Kính chúc đồng chí mạnh khoẻ.

Ngày 22 tháng 7 nǎm 1954
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 168, từ ngày 26 đến 28-2-1954.
cpv.org.vn

Chống nạn giấy tờ (6-3-1954)

Từ các Bộ ở trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang; v.v..

Bộ Tài chính: riêng Vụ ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo dài hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột; v.v..

Bộ Canh nông: là một Bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:

– Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công vǎn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó nhiều cơ quan không cần nhận công vǎn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.

– Quá chậm trễ: chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Vǎn phòng của Bộ.

– Không đúng nguyên tắc: có những công vǎn gửi lên Ban Kinh tế trung ương, mà Bí thư ký tên; công vǎn gửi cho Uỷ ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công vǎn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.

– Cách làm luộm thuộm: như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải gửi trả lại.

– Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật.

Nguyên nhân: Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư… Nhưng không lo việc làm phải ǎn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị, là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế.

Cách chống nạn: Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công vǎn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên.

Kết luận: Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ. Nó là di tích của đế quốc và phong kiến, là hiện tượng tai hại của nạn quan liêu. Mà nạn quan liêu là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí.

Nhân dân rất mong các Bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

C.B.

Báo Nhân dân, số 170, Từ ngày 6 đến 10-3-1954
cpv.org.vn

Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ (3-1954)

Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận,

Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khǎn, nhưng rất vinh quang.

Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khǎn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 3 nǎm 1954
HỒ CHÍ MINH

Quân đội nhân dân,xuất bản tại mặt trận, số 131, ngày 14-3-1954.
cpv.org.vn

Điện của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ (15-3-1954)

Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ,

Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.

Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Ngày 15 tháng 3 nǎm 1954
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo Quân đội nhân dân , xuất bản tại mặt trận,số 133, ngày 18-3-1954.
cpv.org.vn

Điện mừng nhân kỷ niệm Ngày giải phóng nước Cộng hoà nhân dân Hunggari (4-4-1954)

Kính gửi đồng chí Đôbi ítvan,
Chủ tịch Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hoà Nhân dân Hunggari,

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 9 ngày nước Hunggari được Hồng quân Liên Xô anh dũng giải phóng, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân tôi, tôi xin gửi đồng chí Chủ tịch, nhân dân và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Hunggari lời chào mừng nồng nhiệt.

Nhân dân Việt Nam rất phấn khởi theo dõi những thắng lợi to lớn về mọi mặt của nhân dân Hunggari trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Hunggari, với sự giúp đỡ tận tâm của Liên Xô vĩ đại.

Chúng tôi xin chúc nhân dân Hunggari đạt được nhiều thắng lợi mới và tin chắc rằng tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc Hunggari và Việt Nam ngày càng tǎng cường, trong công cuộc đấu tranh chung bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo.

Ngày 4 tháng 4 nǎm 1954
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 176,
từ ngày 6 đến 10-4-1954.
cpv.org.vn

Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan (6-4-1954)

Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Bởi vậy, nhiệm vụ của chi bộ là:

– Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.

– Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

– Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to.

– Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao nǎng suất công tác, giữ gìn bí mật của nước nhà, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc.

– Tǎng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chǎm sóc giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ.

– Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ.

Chi bộ cần phải làm được như vậy. Mà muốn làm được như vậy, thì mỗi một đảng viên phải xung phong làm gương mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng.

Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em”, ngǎn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ.

Cần chú ý: Để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng… Chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.

Các chi bộ bất kỳ ở cơ quan to nhỏ, đều nên đặt kế hoạch thi đua thiết thực, thi hành những công tác nói trên để góp sức làm trọn 2 nhiệm vụ trung tâm mà Đảng và Chính phủ đã đề ra: Đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất.

C.B.

Báo Nhân dân, số 176,
từ ngày 6 đến 10-4-1954.
cpv.org.vn

Những trường học lớn và tốt (26-4-1954)

Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, ta cần một số cán bộ thật nhiều và thật tốt, toàn tâm toàn lực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Hiện nay có ba trường học rất lớn và rất tốt để đào tạo số cán bộ ấy:

– Quân đội nhân dân,

– Thanh niên xung phong, và

– Đội phát động quần chúng (triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất).

Những trường ấy có hàng ức, hàng triệu quần chúng làm giáo viên.

Chiến sĩ và cán bộ được rèn luyện những tính tốt như: quyết tâm, gan dạ, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Được bồi dưỡng tính tổ chức, tính kỷ luật. Do quần chúng thẳng thắn phê bình, mà cán bộ tẩy rửa được những tính xấu như: quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, v.v.. ở những trường ấy, miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tư tưởng thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ.

Những trường ấy vừa huấn luyện vừa thử thách cán bộ. Nếu ai không chịu nổi thử thách trước sự kiểm tra nghiêm khắc mà công bằng của quần chúng, thì người ấy chỉ có thể mình tự trách mình. Nếu thắng lợi trong cuộc thử thách, thì chắc chắn thành người cán bộ tốt, cần cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

C.B.

Báo Nhân dân, số 180,
từ ngày 26 đến 30-4-1954.
cpv.org.vn

Mấy khuyết điểm của báo chí ta (1-5-1954)

So với mấy nǎm trước, thì nay báo chí ta có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Vài thí dụ:

Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích – thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm – thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?

Về thi đua tǎng gia sản xuất thì các báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ, như: nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngǎn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa…

Lại thí dụ như các hội đổi công ở nông thôn, các báo chí ta chỉ nêu những con số phát triển, nhưng không nghiên cứu kỹ càng những hội ấy có ưu điểm gì, để giúp họ phát triển; có khuyết điểm gì, để giúp họ sửa đổi; những khó khǎn gì, để giúp họ giải quyết.

Nói tóm lại: để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gụi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

C.B.

Báo Nhân dân, số 181,
từ ngày 1 đến 5-5-1954.
cpv.org.vn

Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ (8-5-1954)

Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 8 tháng 7 nǎm 1954
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 187,
từ ngày 22 đến 24-5-1954
cpv.org.vn

Giáo dục chi bộ và cốt cán ở nông thôn (9-5-1954)

Sau phát động quần chúng, giáo dục chi bộ và cốt cán ở nông thôn là một việc rất quan trọng và cần kíp.

Có đồng chí nói: nông thôn bận việc nhiều, khó học tập.

– Chính vì công việc nhiều mà càng cần phải học tập, để làm cho đảng viên và cốt cán tư tưởng thông, lập trường vững, làm đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng. Học tập càng khá, thì giải quyết các vấn đề càng dễ dàng, công việc càng trôi chảy.

Có người nói: trình độ cán bộ huyện và xã còn kém, không dạy nổi.

– Trung ương, khu và tỉnh ra sức lãnh đạo, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra việc giáo dục. Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Không tham nhiều, không nhồi sọ. Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành. Cán bộ huyện và xã thì vừa học vừa dạy. Giáo dục theo cách ấy, thì nhất định làm được.

– Vả lại đảng viên và cốt cán đều ước ao học tập để hiểu biết thêm, nâng cao thêm trình độ của mình. Cho nên dù khó khǎn chǎng nữa, họ cũng cố gắng học tập được.

Đối với cốt cán, đồng chí Xtalin dạy chúng ta rằng: Họ tin cậy và quây quần xung quanh Đảng…, họ gắn liền Đảng với quần chúng ngoài Đảng. Cho nên, cốt cán không những là cái khâu liên hệ, mà lại là cái kho dồi dào cho Đảng lấy thêm lực lượng mới. Nếu cốt cán được phát triển và củng cố, thì Đảng sẽ phát triển và củng cố. Nếu không có cốt cán, thì Đảng sẽ khô héo. Lời ấy càng chứng tỏ rằng giáo dục cốt cán là việc rất quan trọng và cần kíp. Mong rằng các cấp uỷ và các ban tuyên huấn có kế hoạch thiết thực để thực hiện việc giáo dục cho họ.

C.B.

Báo Nhân dân, số 183,
từ ngày 9 đến 11-5-1954.
cpv.org.vn