Tag Archive | Tập 9 (1958 – 1959)

Lời giới thiệu Tập 9

Tập 9 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, bao gồm những tác phẩm, bài nói, bài viết, những điện vǎn, thư từ, … của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu nǎm 1958 đến hết nǎm 1959. Các vǎn kiện in trong tập sách này thể hiện sâu sắc những quan điểm, đường lối và chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân ta thực hiện những nhiệm vụ trước mắt của thời kỳ lịch sử mới “là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (tr.156).

Bước sang nǎm 1958, miền Bắc đã kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch. Chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 nǎm (1958-1960) mà trọng tâm là cải tạo nền kinh tế quốc dân và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam đòi hoà bình thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là nội dung chủ yếu được đề cập đến trong các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tập sách này.

Về nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là phải “đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, đồng thời ra sức củng cố và phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, lực lượng lãnh đạo của nền kinh tế quốc dân (tr.319), trong đó “Hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (tr. 589).

Để nông dân phát huy được vai trò tích cực và to lớn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương từng bước đưa nông dân vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp bằng những hình thức, bước đi thích hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, trình độ tổ chức và quản lý của cán bộ cũng như sự nhận thức và giác ngộ của nông dân.

Trong nhiều bài nói của Người với cán bộ và xã viên hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh mục đích của việc hợp tác hoá “Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh” (tr.537), muốn vậy, việc xây dựng hợp tác xã phải làm từ nhỏ đến lớn, “phải theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, không gò ép” (tr.245), “phải tổ chức, quản lý hợp tác xã cho tốt” (tr.537), “Phải làm thế nào cho xã viên trong hợp tác xã thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân trong tổ đổi công và tổ viên trong tổ đổi công thu nhập nhiều hơn thu nhập của nông dân còn làm ǎn riêng lẻ” (tr.410), “phải chú ý phân phối cho công bằng… cán bộ phải chí công vô tư,… phải dân chủ, tránh quan liêu mệnh lệnh,… cần chú trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng” (tr.537, 538), phải “ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã” (tr.539).

Nhấn mạnh quan điểm hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời rất chú trọng vấn đề cải tạo các thành phần kinh tế khác theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đối với thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và những người lao động riêng lẻ khác, Người chủ trương “bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ǎn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện”

(tr. 589). Với các thành phần kinh tế công thương nghiệp tư bản tư doanh và đối với tư sản dân tộc, cǎn cứ vào sự phân tích khoa học những đặc điểm kinh tế tư bản chủ nghĩa và thái độ chính trị của giai cấp tư sản dân tộc ở miền Bắc nước ta trong điều kiện chính quyền dân chủ nhân dân ngày một củng cố và không ngừng lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương dùng phương pháp hoà bình cải tạo: “không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác.” (tr.589).

Những chủ trương thấu tình đạt lý đó vừa thể hiện tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh, vừa củng cố được Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy tinh thần yêu nước của tất cả các tầng lớp, các giai cấp trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiều bài viết và bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: cải tạo và xây dựng là hai mặt có quan hệ chặt chẽ và phải được tiến hành đồng thời, trong đó xây dựng “là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài“. Người chỉ rõ, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta phải tiến hành đồng thời việc cải tạo và xây dựng trên tất cả các mặt: lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, khoa học – kỹ thuật và tư tưởng – vǎn hoá nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới; phải đặc biệt coi trọng việc “phát triển thành phần kinh tế quốc doanh“, bảo đảm vai trò lãnh đạo của nó trong nền kinh tế quốc dân; phải gắn chặt nhiệm vụ phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp;

Trong quá trình từng bước xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, Người chủ trương phải chú trọng cả công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, cả công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương theo phương châm “tự lực cánh sinh”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Người còn chỉ rõ rằng khâu then chốt để đẩy mạnh phát triển công nghiệp là phải gắn chặt việc cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức. Theo Người, để quản lý tốt xí nghiệp, “Tất cả cán bộ lãnh đạo phải thật sự tham gia lao động chân tay. Tất cả công nhân phải tham gia công việc quản lý các tổ sản xuất, dưới sự lãnh đạo của cán bộ các phân xưởng. Sửa đổi những chế độ và quy tắc không hợp lý.” (tr.230).

Đồng thời với việc lãnh đạo cải tạo xây dựng nền kinh tế nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chǎm lo củng cố bộ máy nhà nước khi cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Những tư tưởng của Người về tính chất và tổ chức của một Nhà nước kiểu mới “của dân, do dân và vì dân” và sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, đã được khẳng định trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi…: “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo.” (tr.586). “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải tǎng cường không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân.” (tr.586).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân. Người xác định nhiệm vụ quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là “phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.”(tr.140). Người giao cho quân đội ta một nhiệm vụ hết sức nặng nề và mới mẻ là phải vừa sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa từng bước xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại.

Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiều quan điểm sâu sắc, thể hiện đường lối đúng đắn và lập trường của nhân dân ta kiên quyết đấu tranh đến cùng cho sự nghiệp hoà bình thống nhất đất nước. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc chung một tiếng nói, một lịch sử, một nền vǎn hoá và một nền kinh tế. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu đấu tranh cho tự do độc lập, quyết không một lực lượng nào ngǎn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của mình. “ (tr.40). “Nguyện vọng tha thiết và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước bằng phương pháp hoà bình. Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. (tr.53). Người còn chỉ rõ phương châm và phương pháp của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này là phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở pháp lý được quốc tế thừa nhận, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Tổ quốc như Hiệp định Giơnevơ quy định, và để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó thì mỗi người phải “ra sức xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội”…, phải “làm cho chính trị, kinh tế, vǎn hoá, xã hội ở miền Bắc đều hơn hẳn miền Nam, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam và của cả toàn dân.” (tr.25).

Một nội dung hết sức quan trọng của tập sách này là những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, về xây dựng con người mới, về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Người dạy: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa” (tr. 303).

Trong bài Đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải cóđạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang“. (tr.283). Người nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.” (tr.293).

Ngoài ra, trong tập này còn có những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn … của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến đi thǎm hữu nghị các nước hoặc đón tiếp các nguyên thủ, chính khách nước ngoài đến thǎm nước ta. Những bài đó thể hiện rõ những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về những vấn đề quốc tế, về đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, bình đẳng và cùng có lợi.

*

*      *

So với lần xuất bản thứ nhất, Tập 9 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai đã bổ sung thêm được trên 50 đầu tài liệu.

Tập ký Tình nghĩa anh em Việt – Ấn – Miến do Người viết dưới bút danh L.T., đǎng trên báo Nhân dân từ số 1447 (26-2-1958) đến số 1474 (25-3-1958), sau khi xác minh, đã được chính thức đưa vào tập sách này.

Trong phần Phụ lục, ngoài những Sắc lệnh và Quyết định do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, chúng tôi còn đưa vào một số vǎn kiện như Tuyên bố chung, Thông cáo chung… của Người với nguyên thủ một số nước để bạn đọc tiện tham khảo và tra cứu.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về thời gian và nǎng lực, chắc chắn tập sách này không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa.

VIỆN NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

cpv.org.vn


Bạn muốn download trọn bộ Hồ Chí Minh toàn tập
hãy nhấn vào đây Down load

Advertisement

Lời chúc nǎm mới (1-1-1958 )

Thưa đồng bào yêu quý,

Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chúc đồng bào nǎm mới vui vẻ, mạnh khoẻ, đoàn kết và tiến bộ.

Đồng thời tôi xin thay mặt đồng bào gửi lời nhiệt liệt chúc mừng nhân dân các nước bạn.

Thưa đồng bào, nhân dịp này, tôi xin tóm tắt nhắc lại mấy việc rất quan trọng trên thế giới và trong nước trong nǎm vừa qua để đồng bào rõ thêm.

Nói chung thì tình hình thế giới nǎm ngoái phát triển theo hướng có lợi cho lực lượng hoà bình và chủ nghĩa xã hội.

Việc rất quan trọng là sau ngày kỷ niệm 40 nǎm Cách mạng Tháng Mười (1) vĩ đại, đã có cuộc Hội nghị của các đảng cộng sản, đảng công nhân và đảng lao động các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa (2) . Tiếp theo đó thì có cuộc Hội nghị của 64 đảng cộng sản, đảng công nhân và đảng lao động trên thế giới (3) . Hai cuộc hội nghị ấy đã tỏ rõ sự đoàn kết chặt chẽ không gì lay chuyển được giữa các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Nó đã tỏ rõ quyết tâm của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đấu tranh cho hoà bình thế giới, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay đang có cuộc Đại hội nhân dân Á – Phi họp ở Thủ đô nước Ai Cập (4) , có đại biểu hơn 40 nước tham gia, thay mặt cho 2 phần 3 nhân dân trên thế giới. Tiếp tục và phát triển tinh thần của Hội nghị Bǎngđung (5) , cuộc Đại hội này nhằm mục đích thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á – Phi, chống chủ nghĩa thực dân, chống chiến tranh và ủng hộ phong trào độc lập của các dân tộc.

Kết quả tốt đẹp của những hội nghị ấy có ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn đến vận mạng của nhân dân toàn thế giới: Phong trào đấu tranh cho hoà bình, cho độc lập dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh, bọn đế quốc hiếu chiến do Mỹ cầm đầu ngày càng bị cô lập, chủ nghĩa thực dân đã đến ngày tan rã.

Trong nước ta từ khi hoà bình lập lại đến nay, toàn dân ta từ Bắc đến Nam ra sức phấn đấu để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Nhân dân miền Bắc đã vượt nhiều khó khǎn gian khổ, cǎn bản đã hoàn thành cải cách ruộng đất (6), đã thu được nhiều thành tích trong công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển vǎn hoá, làm cho miền Bắc càng thêm vững vàng. Đồng bào miền Nam đã bền bỉ và anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ – Diệm, đòi cải thiện đời sống, đòi tự do dân chủ, đòi thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình.

Sang nǎm mới, thời kỳ khôi phục kinh tế đã kết thúc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch.

Đó là một tiến bộ mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Chúng ta phải lợi dụng những kinh nghiệm trong mấy nǎm qua, đồng thời xuất phát từ tình hình và đặc điểm của miền Bắc, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải làm cho tốt công tác kế hoạch hoá kinh tế của ta và thực hiện đầy đủ kế hoạch Nhà nước nhằm phát triển kinh tế và vǎn hoá, nâng cao dần đời sống của nhân dân, trước hết là của nhân dân lao động. Phát triển kinh tế và vǎn hoá tức là dần dần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Nhân dân ta hãy đoàn kết chặt chẽ dựa trên nền tảng liên minh công nông, bền bỉ phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, thì chúng ta nhất định thắng lợi.

Xây dựng miền Bắc vững mạnh và tốt đẹp, đồng thời giữ vững và phát triển phong trào yêu nước ở miền Nam là tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hoà bình thế giới.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thống nhất nước nhà, chúng ta có nhiều thuận lợi ở trong nước và trên thế giới. Cũng như phong trào cách mạng trên thế giới, như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, ở Trung Quốc và ở các nước anh em khác, phong trào cách mạng ở nước ta đã liên tiếp thắng lợi trong công cuộc chống đế quốc và phong kiến. Dựa vào thuận lợi ấy, phát huy truyền thống cần kiệm và anh dũng của nhân dân ta, chúng ta sẽ vượt được mọi khó khǎn và giành được thắng lợi mới.

Đồng bào cả nước hãy đoàn kết và đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ (8) , đòi lập quan hệ bình thường giữa hai miền, ra sức phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và cho hoà bình thế giới.

Đồng bào miền Bắc, nhất là anh chị em công nhân, nông dân, thợ thủ công, mỗi người hãy ra sức thi đua sản xuất và tiết kiệm, ra sức sản xuất nhiều, nhanh, tốt và rẻ; do tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm mà xây dựng nước nhà và dần dần cải thiện đời sống.

Cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ở Bắc hãy đoàn kết chặt chẽ với nhau và đoàn kết với đồng bào miền Bắc, ra sức làm việc góp phần vẻ vang vào việc xây dựng và củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Quân đội và công an ta hãy cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật, ra sức bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự, an ninh, ra sức tham gia phong trào sản xuất và tiết kiệm.

Anh chị em lao động trí óc hãy cố gắng học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tuỳ theo khả nǎng mà tham gia lao động chân tay, để tự rèn luyện mình và để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các cụ phụ lão hãy làm gương mẫu “lão đương ích tráng”, đôn đốc con cháu thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Để xứng đáng là người chủ của nước nhà mai sau, các cháu thanh niên hãy xung phong trong mọi việc: đoàn kết, học tập, lao động.

Các cháu nhi đồng hãy chǎm lo học tập và tuỳ sức mình mà tham gia lao động cho quen.

Đảng viên, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng hãy cố gắng công tác và học tập để tiến bộ không ngừng. Tǎng cường đoàn kết nhất trí trên cơ sở tư tưởng Mác – Lênin, nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ. Nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, ý thức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.

Kiều bào ở nước ngoài giàu lòng yêu nước, luôn luôn hướng về Tổ quốc, hãy đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, hãy tôn trọng pháp luật của Chính phủ và tǎng cường cảm tình với nhân dân nước mình ở.

Chúng ta đoàn kết nhất trí, cả nước một lòng, ra sức phấn đấu thì chúng ta nhất định thắng lợi!

Nǎm mới, cố gắng mới, thắng lợi mới!

Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn nǎm!

——————————–

(1) Cách mạng Tháng Mười Nga: Cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin, ngày 7-11 (tức ngày 25-10, theo lịch Nga) nǎm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã vùng dậy lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, thành lập Chính phủ xôviết do V.I. Lênin đứng đầu. Trong cuộc cách mạng này, giai cấp công nhân Nga đã đập tan bộ máy thống trị của giai cấp bóc lột, thiết lập Nhà nước kiểu mới – Chính quyền xôviết, một hình thức của chuyên chính vô sản.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã mở ra một thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động bị áp bức, soi sáng con đường cho các dân tộc bị nô dịch đi tới cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tr.1.

(2) Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa: Họp ở Mátxcơva từ ngày 14 đến ngày 16-11-1957. Tham gia Hội nghị có các đoàn đại biểu của 12 nước xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã thảo luận những vấn đề khẩn cấp về tình hình quốc tế, về cuộc đấu tranh cho hoà bình và chủ nghĩa xã hội và những vấn đề quan hệ giữa các đảng mácxít – lêninnít ở các nước xã hội chủ nghĩa. Hội nghị đã nhất trí thông qua một bản Tuyên bố quan trọng. Những vấn đề nêu lên trong bản Tuyên bố có tác dụng đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa giáo điều và tư tưởng bè phái, củng cố về mặt tư tưởng, tổ chức và tǎng cường sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở những nguyên tắc chung. Bản Tuyên bố cũng nêu lên những nguyên tắc chung về những hình thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở các nước khác nhau, về ý nghĩa lịch sử của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự cần thiết phải tǎng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Tr. 1.

(3) Hội nghị 64 đảng cộng sản, đảng công nhân và đảng lao động trên thế giới: Nhân dịp đến Liên Xô dự Lễ kỷ niệm 40 nǎm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước đã tổ chức một cuộc Hội nghị từ ngày 16 đến ngày 19-11-1957 tại Mátxcơva. Tham dự Hội nghị gồm 64 đoàn đại biểu của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế. Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi ý kiến về những vấn đề cấp bách của tình hình thế giới và ra bản Tuyên ngôn hoà bình, kêu gọi nhân dân toàn thế giới, những người có thiện chí hãy làm cho nhân loại thoát khỏi sự đe doạ của chiến tranh. Tr.1.

(4) Đại hội Á – Phi họp ở Thủ đô Ai Cập: Tức Hội nghị đoàn kết các nước Á – Phi họp ở Cairô (Ai Cập) từ ngày 26-12-1957 đến ngày 1-1-1958.

Dự Hội nghị gồm có các đoàn đại biểu của 45 nước ở châu á và châu Phi. Tuy có sự khác nhau về chế độ chính trị, nhưng các nước đến Hội nghị đã thống nhất mục đích chung là đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo đảm hoà bình và an ninh giữa các dân tộc.

Trong Tuyên ngôn, Hội nghị tuyên bố hoàn toàn ủng hộ “Những nguyên tắc của Hội nghị Bǎngđung”, kêu gọi nhân dân thế giới áp dụng mọi biện pháp có thể để đi đến những thoả thuận và tǎng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

Hội nghị cũng đã kêu gọi chính phủ các nước có vũ khí hạt nhân hãy chấm dứt việc thử và sản xuất vũ khí hạt nhân – bước đầu để đi tới tổng giải trừ quân bị. Sau khi lên án mọi biểu hiện của chủ nghĩa thực dân, Hội nghị đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc vì tự do và độc lập, trong đó có Việt Nam; lên án chính sách phân biệt chủng tộc. Hội nghị kêu gọi mở rộng việc buôn bán với tất cả các nước, không có sự phân biệt đối xử; cộng tác chặt chẽ giữa các nước Á – Phi trong việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Hội nghị đã thành lập Hội đồng đoàn kết nhân dân Á – Phi và Ban thư ký của Hội đồng. Tr.1.

(5) Hội nghị Bǎngđung: Họp từ ngày 18 đến ngày 24-4-1955 tại Bǎngđung (Inđônêxia).

Dự Hội nghị, ngoài 5 nước khởi xướng là Inđônêxia, Ấn Độ, Mianma, Xri Lanca và Pakíxtan, còn có 24 đoàn đại biểu các nước thuộc châu á và châu Phi, trong đó có Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thông cáo chung của Hội nghị nêu rõ: chủ nghĩa thực dân, dưới mọi biểu hiện của nó, là một tai hoạ cần phải nhanh chóng tiêu diệt. Hội nghị hoàn toàn ủng hộ quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, lên

án chính sách phân biệt chủng tộc và yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kết nạp một số nước, trong đó có nước Việt Nam, làm thành viên của Liên hợp quốc. Thông cáo chung kêu gọi các nước hãy tiến hành ngay việc giải trừ quân bị, nghiêm cấm việc sản xuất vũ khí hạt nhân, thực hiện hoà bình, hợp tác thân thiện và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng thương lượng.

Hội nghị Bǎngđung thể hiện bước tiến mới của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ xã hội ở các nước Á – Phi. Tr. 1.

(6) Cải cách ruộng đất: Cuộc vận động chống phong kiến được thực hiện từ tháng 11-1953 và kết thúc vào tháng 7-1956.

Sau gần 3 nǎm tiến hành, cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc nước ta đã giành được những thắng lợi có tính chất chiến lược: đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến; xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến; thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, đưa nông dân lên địa vị người làm chủ ở nông thôn; tǎng cường và củng cố khối liên minh công nông, cơ sở vững chắc của Mặt trận dân tộc thống nhất và của chính quyền dân chủ nhân dân.

Cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng của Đảng. Song trong quá trình thực hiện, có những nơi, những lúc do không quán triệt đúng đường lối của Đảng ở nông thôn, không cǎn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương nên đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Những sai lầm đó đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện và kịp thời chỉ đạo việc thực hiện sửa sai. Tr. 2.

(8) Hiệp định Giơnevơ: Ngày 8-5-1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương chính thức được thảo luận ở Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ).

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do đồng chí Phạm Vǎn Đồng dẫn đầu.

Tham gia thảo luận về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương có Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và đại diện của Lào, Campuchia và của chính quyền Bảo Đại.

Tuyên bố chung của Hội nghị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết vào ngày 21-7-1954. Các nước tham gia Hội nghị đã cam kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, quy định quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

Bản Tuyên bố chung còn ghi rõ, ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự và chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi đó là biên giới chính trị hoặc lãnh thổ và quy định ở Việt Nam cuộc tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước sẽ được tiến hành vào tháng 7-1956.

Nhưng ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã ra sức chống phá việc thi hành Hiệp định. Chúng nhanh chóng hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và cǎn cứ quân sự của chúng hòng xâm lược cả nước ta và toàn bán đảo Đông Dương. Tr.3.

cpv.org.vn

Lời kêu gọi nông dân và cán bộ quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất vụ Đông-Xuân (5-1-1958)

Cùng đồng bào và cán bộ các cấp,

Sản xuất nông nghiệp trước hết là sản xuất lương thực là việc cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Cho đến nay, đồng bào nông dân và cán bộ đã cố gắng nhiều để chuẩn bị vụ chiêm này cho tốt.

Nhưng hiện nay hạn hán nghiêm trọng, mà thời vụ đã đến rồi. Hạn lại có thể kéo dài nữa. Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào nông dân và cán bộ hãy quyết tâm chống hạn, đẩy mạnh sản xuất, để thực hiện tốt kế hoạch nǎm mới.

Đồng bào nông dân không nên vì khó khǎn mà nản lòng, không kiên tâm sản xuất và không hiểu rằng sản xuất là cǎn bản để lợi nhà, ích nước.

Cán bộ không được vì khó khǎn mà bi quan ngại khó, thiếu quyết tâm lãnh đạo chống hạn và sản xuất.

Kinh nghiệm trong kháng chiến và trong ba nǎm khôi phục kinh tế vừa qua đã chứng tỏ rằng không khó khǎn nào mà nhân dân ta đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà không khắc phục được.

Cho nên toàn thể đồng bào nông dân và cán bộ phải:

– Ra sức tập trung lực lượng vào việc chống hạn: khơi giếng, đào ao, sửa cống, đắp đập, khai mương, v.v. để lấy nước mà tát vào ruộng, để cấy cho kịp thời vụ.

– Nhất định không bỏ ruộng hoá, ra sức chǎm bón, vun xới, v.v. cho vụ chiêm này được tốt.

– Các cụ phụ lão hãy đem những kinh nghiệm quý báu của mình ra góp phần giải quyết các khó khǎn về thuỷ lợi và canh tác. Các cụ hãy đôn đốc và khuyến khích con cháu quyết tâm chống hạn và sản xuất.

– Các cháu thanh niên phải xứng đáng là lực lượng chủ chốt và xung phong trong công cuộc đấu tranh chống hạn và sản xuất.

– Cán bộ các ngành, các cấp phải thi đua làm tròn mọi nhiệm vụ chống hạn và chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kế hoạch chống hạn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, với tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh khắc phục khó khǎn.

Thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi chờ tin thắng lợi để khen thưởng những thành tích của đồng bào và cán bộ trong cuộc thi đua này.

cpv.org.vn

Nói chuyện với đồng bào tỉnh Hưng Yên (5-1-1958)

Tỉnh ta đã cố gắng chống hạn. Ví dụ như việc vét cống Vǎn Giang, ngòi Triều Dương, đắp đập Đông Hoa, v.v.. Cống Vǎn Giang đã vét xong rồi, bây giờ đồng bào ta phải cố gắng tát, tát cho đủ cấy, đủ nước chứ không phải tát hời hợt.

Những nơi không có cống thì phải ra sức đào mương, đào giếng.

Cán bộ và đồng bào vét cống Vǎn Giang rất đáng khen.

Những chỗ chịu khó tát và gánh nước để chống hạn cũng đáng khen, như xã Minh Phượng, xã Phan Chu Trinh, xã Phan Sào Nam, xã Phạm Hồng Thái. Chúng ta phải học tập những xã nói trên. Đồng bào những xã ấy đã biết lo xa và ra sức chống hạn.

Trong việc chống hạn, phải tự lực cánh sinh, chớ hoàn toàn ỷ lại vào Chính phủ, chớ ỷ lại vào máy bơm nước, chớ ngồi không mà chờ trời. Tục ngữ ta có câu: “Nhân định thắng thiên”. Cách mạng Tháng Tám 9 thắng lợi, kháng chiến thành công, kết quả to lớn đó là do quân và dân ta đoàn kết nhất trí mà thu được. Chống hạn cũng thế.

Đồng bào tỉnh Hưng Yên vốn đã có truyền thống anh dũng trong kháng chiến và chống hạn trước đây, nay phải cố gắng giữ truyền thống tốt đẹp đó.

Chúng ta quyết tâm thì nhất định làm được. Toàn tỉnh ta có 56 vạn người, thì ít nhất cũng có 36 vạn có thể tham gia chống hạn. Tỉnh Hưng Yên có chín vạn mẫu chiêm. Tính đổ đồng bốn người chống hạn một mẫu. Nhất định làm được.

Cán bộ và đồng bào nên nhớ, trước ngày Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta chỉ có độ 5.000 đảng viên. Thế mà đã tổ chức lãnh đạo đồng bào làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Nay riêng tỉnh Hưng Yên có hơn 6.000 đảng viên, 24.000 đoàn viên thanh niên, 20 vạn hội viên nông hội, lại có bộ đội, Mặt trận, v.v.. Với lực lượng to lớn ấy chống hạn nhất định thắng lợi.

Chính phủ sẵn sàng khen thưởng cho những huyện, xã và cá nhân nào xuất sắc nhất trong việc chống hạn.

Việc chống hạn là một chiến dịch, cho nên phải có thưởng, có phạt. Cá nhân cán bộ, đồng bào nào xuất sắc nhất sẽ được khen thưởng. Những người nào lười biếng, trốn tránh trách nhiệm là phải phạt.

Tôi tin chắc đồng bào tỉnh Hưng Yên sẽ giữ được truyền thống anh dũng trong kháng chiến và chống hạn mấy nǎm trước.

Cán bộ, đồng bào phải quyết tâm làm được những điều đã hứa hôm nay là chống hạn thành công.

—————————–

Nói ngày 5-1-1958.
Báo Nhân dân, số 1399, ngày 7-1-1958.
cpv.org.vn

Nông dân Trung Quốc chống hạn (11-1-1958)

Nǎm ngoái, ở Trung Quốc nhiều nơi mấy tháng liền không mưa. Nông dân đã dốc hết lực lượng ra chống hạn, không chịu bỏ một sào ruộng hoá.

Kết quả là “người đã thắng trời”. Cả nǎm đã thu hoạch được 285 triệu tấn lương thực. So với nǎm 1949 thì số lương thực đó đã tǎng hơn 70%, so với nǎm 1952 thì tǎng 20%.

Trong việc chống hạn, bà con nông dân Trung Quốc cũng làm như đồng bào nông dân ta, nghĩa là dùng sức người. Ngoài những người già yếu tàn tật, phụ nữ có nghén và các trẻ em, còn tất cả mọi người đều tham gia chống hạn. Chỉ trong vòng ba tháng nǎm ngoái, họ đã đào giếng và khơi mương, lấy nước tưới cho hơn 310 vạn mẫu tây.

Họ cũng gặp nhiều khó khǎn, như ở những miền núi và cao nguyên cao hơn mặt biển 2.000 thước. Song nhờ sức đoàn kết và sự quyết tâm, họ đã vượt mọi khó khǎn và chống hạn đã thắng lợi. Thí dụ: tỉnh Thiểm Tây là một vùng đất khô, lại ít mưa, thế mà họ đã đào mương và giếng vượt mức kế hoạch 28%.

Vừa rồi, hơn 15.000 nông dân ngoại ô Bắc Kinh đã đào xong một con mương dài bảy cây số, rộng hơn sáu thước, sâu hơn ba thước, tưới cho 4.000 mẫu tây. Những ngày Tết dương lịch, chẳng những nông dân không nghỉ mà còn có hơn ba vạn cán bộ, công nhân, học sinh và bộ đội ở Bắc Kinh cũng lợi dụng ngày nghỉ đó, đi tham gia đào mương với nông dân. Mặc dù trời rét như cắt, họ vẫn ra sức đào cả ngày cả đêm, cho nên chỉ trong 20 ngày đã đào xong mương.

Hiện nay, chúng ta cũng đang chống hạn, kinh nghiệm của anh em nông dân Trung Quốc rất quý cho ta. Chúng ta đoàn kết nhất trí và quyết tâm, thì công việc chống hạn của ta nhất định cũng thắng lợi như anh em Trung Quốc.

TRẦN LỰC

—————————

Báo Nhân dân, số 1403, ngày 11-1-1958.
cpv.org.vn

Bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội) (12-1-1958)

Thưa các cụ, các đồng chí,

Thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi gửi lời thǎm hỏi đến đồng bào nông dân ngoại thành đang cố gắng chống hạn. Hôm nay tôi đến thǎm xã Mễ Trì vì được báo cáo đồng bào xã này đã có công chống hạn, vì chi bộ, chi đoàn, nông hội, phụ nữ, các chiến sĩ thi đua, các lão nông đã cố gắng.

Xã Mễ Trì làm được tốt, các xã khác chưa làm được như vậy. Vì sao? Nhân dân ngoại thành có 14 vạn người. Nếu trừ cụ già, em bé, phụ nữ có thai nghén thì cũng còn 10 vạn người có sức lao động. Diện tích ruộng là 12.600 mẫu. Nếu chia trung bình ra thì 8 người chống hạn cho 1 mẫu. Một mẫu mà 8 người làm, nhất định được.

Thế tại sao đến nay ngoại thành không làm được?

Chống hạn phải khẩn trương như đánh giặc. Chúng ta sống ở trên mạch nước. Cứ đào thì nhất định có nước, chỉ có đào nông hay sâu mà thôi. Dưới đất có nước sông, nước mạch thấm vào, đào thì phải thấy. Đào 5 nơi không có, đào mãi cũng phải có. Mình thiếu kinh nghiệm thì phải ra sức nghĩ cách bổ sung thêm.

Trước kia đánh giặc, ta không có tàu bay, tàu bò. Giặc mạnh hơn ta nhưng cuối cùng ta vẫn thắng được giặc. Vì ta có sức đoàn kết, vì ta có quyết tâm.

Ở ngoại thành ta có 700 đảng viên, 800 đoàn viên thanh niên lao động, 3 vạn hội viên nông hội, có 363 tổ đổi công. Đó là lực lượng đầu tàu. Trong 10 vạn nhân dân có lực lượng đầu tàu lớn như vậy thì lãnh đạo thi đua chống hạn nhất định thắng lợi.

Kháng chiến khó hay chống hạn khó? Nhất định kháng chiến khó hơn. Nhưng tại sao ngoại thành tới nay chưa chống được hạn?

Đó là vì còn có tư tưởng sai lệch, phải chống hạn ngay trong tư tưởng. Đó là vì thiếu quyết tâm, thiếu đoàn kết, thiếu tư tưởng lâu dài.

Thấy hạn thì bỏ ruộng đi buôn, vậy thử hỏi có tiền mà không có gạo thì có ǎn được không? Nếu ai cũng bỏ ruộng đi buôn cả thì dù có ngồi trên đống vàng cũng không có gì mà ǎn. Thóc lúa ǎn được, vàng có ǎn được không?

Nhân dân ta phải bám lấy đồng ruộng. Ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, đừng chỉ nhìn lợi trước mắt mà quên lợi sau. Đừng có thấy cây mà chẳng thấy rừng.

Phải chống tư tưởng ỷ lại vào dân công các nơi, đợi Chính phủ điều động về, đợi nhân dân các nơi giúp, ỷ lại vào máy bơm.

Muốn có máy bơm phải làm máy bơm. Muốn làm máy bơm phải xây dựng nhà máy. Lấy tiền đâu xây dựng nhà máy? Tiền của dân. Một nhà máy phải xây dựng 2 nǎm mới xong. Hạn có chờ ta có máy bơm không? Không.

Thế thì ta phải tự lực cánh sinh và giúp đỡ lẫn nhau.

Có xã phải chống hạn lâu hơn, có xã đông người hơn, xã đông người giúp xã ít người, xã phải chống hạn ít giúp xã phải chống hạn nhiều, phải đẩy mạnh xây dựng, củng cố các tổ đổi công thì chống hạn mới có kết quả. Chính phủ, Uỷ ban sẽ động viên nhân dân giúp nhau chống hạn.

Một tư tưởng sai lầm là cầu trời, cầu đảo. Khi ta làm cách mạng thì trời làm hay người làm? Khi ta kháng chiến thì trời làm hay người làm? Nǎm trước chống hạn được là vì người hay vì trời?

Trời làm hạn là xấu, ta phải chống lại. Ta phải chống hạn chứ không phải cầu trời.

Nếu chỉ cầu trời thì ngày nay không có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Còn một tư tưởng sai nữa, đó là tư tưởng ích kỷ, địa phương chủ nghĩa. Xóm này đào mương lại sợ các xóm bên cạnh được hưởng. Ví dụ: xã Yên Hoà đào mương lại sợ xã Hoà Bình được hưởng. Như thế là không đúng.

Được mùa thì mọi người được hưởng, nếu không chống hạn thì mọi người đều chịu thiệt cả.

Chống hạn cũng là một chiến dịch: các chi bộ, Uỷ ban phải thiết thực lãnh đạo, phải cùng chống hạn, phải cùng làm với nhân dân. Các đảng viên, đoàn viên, nông hội, phụ nữ phải quyết tâm.

Trong kháng chiến, trong cách mạng, giặc mạnh hơn ta nhưng ta vẫn thắng được giặc. Vì ta có quyết tâm và đoàn kết.

Đảng và Chính phủ sẽ khen thưởng những đơn vị và những cá nhân nào chống hạn tốt, sẽ thưởng cờ, thưởng huy hiệu, thưởng huân chương…

Nói tóm lại, muốn chống hạn được tốt phải:

– Chống lại tư tưởng sai lệch.

– Quyết tâm đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau thi đua chống hạn.

– Có thưởng, có phạt.

Bây giờ tôi nói vấn đề ǎn Tết. Còn hơn một tháng nữa thì Tết.

Nǎm ngoái bà con ǎn Tết mổ lợn, mổ bò, mổ gà. Ǎn tiêu xa xỉ, cờ bạc, rượu chè, ǎn xong rồi thiếu trâu bò cày. Đây là chưa kể rước xách linh đình, đồng bóng, bói toán, v.v. thật là lãng phí, thiếu tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến tǎng gia sản xuất, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Nǎm nay nhất định sửa. Tết vui vẻ không phải là chén chú chén anh. Tết nǎm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm, nhưng phải tích cực chống được hạn.

Mỗi người phải ra sức chống hạn. Ai ai cũng thi đua tham gia chống hạn. Các cụ già có kinh nghiệm, thanh niên có sức lực làm đầu tàu. Các cháu nhi đồng ra đồng động viên, nấu nước cho đồng bào uống. Mỗi người một tay, già trẻ góp sức, nhất định chống được hạn thắng lợi.

Đồng bào hãy giữ tiếng cho ngoại thành của Thủ đô. Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “thủ” là đầu, phải đi đầu, phải kiểu mẫu chống hạn thắng lợi.

Lực lượng điều khiển xung phong là chi bộ, là đảng viên phải gương mẫu.

Có quyết tâm, có đoàn kết nhất trí, nhân dân ta nhất định chống hạn có kết quả tốt.

Cuối cùng tôi nhờ các cụ, các đại biểu, các đồng chí chuyển đến tận đồng bào những sự quan tâm của Đảng và Chính phủ.

Đảng, Chính phủ và tôi sẵn sàng khen thưởng thích đáng cho những xã nào, đơn vị nào, cá nhân nào có nhiều thành tích trong việc chống hạn.

————————–

Nói ngày 12-1-1958.
Sách Thủ đô Hà Nội phải là thành phố gương mẫu, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.94-98.
cpv.org.vn

Bài nói tại Hội nghị chống hạn tỉnh Hà Đông (12-1-1958)

Hôm nay, Bác thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ hỏi thǎm các cụ phụ lão, đồng bào, cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Bây giờ, Bác nói chuyện với các cô, các chú về quyết tâm chống hạn.

Tình hình hạn nghiêm trọng như thế nào đồng bào đã biết rõ. Diện hạn ở Hà Đông nói chung không rộng, nếu cố gắng vẫn chống được. Vì dân số Hà Đông có 82 vạn 4 nghìn người, ruộng cấy chiêm có 40 nghìn 3 trǎm hécta. Trừ một phần ba là các cụ già yếu, phụ nữ có thai nghén, các em bé chưa có sức lao động, cũng còn 54 vạn 9 nghìn người, tính đổ đồng 12 người chống hạn cho 1 hécta, như vậy có khó quá không? Có làm được không? Nhất định làm được.

Chúng ta có chủ lực rất lớn là đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, hội viên nông hội, cộng lại là 27 vạn 3 nghìn người. Mỗi người có tổ chức chỉ cần khuyến khích động viên, đánh thông tư tưởng cho một người nữa là được. Chúng ta có lực lượng tổ đổi công là hơn 2 nghìn 8 trǎm tổ, lại có bộ đội tham gia, nghĩa là có một lực lượng rất lớn để chống hạn và tǎng gia sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh Hà Đông lại có điều kiện thuận lợi hơn nhiều tỉnh khác là có nhiều sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bùi.

Sức người có, điều kiện thiên nhiên có, nhưng chống hạn đến nay còn kém, trước hết là vì tư tưởng chưa thông:

– Có người bi quan, sợ khó, không tin vào đào giếng, đào mương, không hiểu rằng làm việc gì cũng có khó khǎn, chỉ có khó nhiều, khó ít nhưng nếu có quyết tâm là vượt được. Tư tưởng ỷ lại vào máy bơm nước cũng không đúng. Nếu tỉnh nào cũng chờ máy bơm thì Chính phủ phải có hàng vạn cái, phải mở nhà máy, mà mở nhà máy thì phải có tiền, nhân dân phải xuất ra và ít nhất cũng phải 2 nǎm. Nếu chờ máy bơm nước thì ngồi bó tay trong 2 nǎm hay sao?

– Một số đồng bào chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, chỉ thấy lợi ích cá nhân, không thấy lợi ích tập thể, cho nên đã bỏ ruộng đi buôn hoặc làm nghề khác, không tham gia chống hạn. Nông dân phải bám lấy ruộng đất, phải chống hạn, phải tǎng gia sản xuất. Nếu bỏ ruộng đi buôn không ra sức chống hạn để hạn hán mất mùa thì mọi người đều bị đói, người đi buôn cũng không no được.

– Một khuyết điểm nữa là thiếu cảnh giác. Vì Mỹ – Diệm và bọn tay chân của chúng thấy cái gì ta làm tốt thì chúng bóp méo, nói xấu. Như gặp hạn hán thì chúng tìm cách làm cho dân ta xao lãng chống hạn, không tin vào lực lượng mình, mà mê tín cầu đảo cầu trời.

Do những khuyết điểm trên và không quyết tâm, không tin vào lực lượng của mình, của tập thể, cho nên đến nay việc chống hạn còn kém.

Nhưng đồng bào Hà Đông sẵn có truyền thống anh dũng. Trong kháng chiến, đồng bào Hà Đông đã anh dũng chiến đấu. Trong chống hạn, nǎm 1956, Hà Đông được thưởng hai lá cờ chống hạn khá nhất, nǎm 1957 đã tát nước cứu hạn được 2 vạn 3 nghìn hécta, có nhiều đơn vị đã cố gắng. Thí dụ như xã Đông Sơn (Chương Mỹ) tát nước 13 bậc, các xã Duyên Thái, Minh Phú (Thường Tín) có những chiến sĩ cần cù chịu khó, quyết tâm khắc phục khó khǎn, không những đã chống hạn thành công mà còn tǎng được sản lượng. Đó là truyền thống tốt, tất cả đồng bào Hà Đông cần củng cố và phát triển những thành tích đó.

Hiện nay cũng có thành tích như nạo cống Liên Mạc, đắp đập Thanh Liệt, đập Liễn và đang làm máng số 7. Những thành tích bước đầu đó nên khen, nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, không được vì thế mà sinh ra tự mãn.

Làm Cách mạng Tháng Tám còn khó khǎn hơn chống hạn mà lúc đó Đảng Cộng sản Đông Dương mới có non 5 nghìn đảng viên, chưa có chính quyền, nhưng vì đảng viên có quyết tâm cho nên đã lãnh đạo nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Bây giờ, riêng tỉnh Hà Đông có hơn 5 nghìn đảng viên, lại có hàng vạn đoàn viên thanh niên lao động, hội viên nông hội, tổ đổi công, có lực lượng phụ nữ, có cả bộ đội nữa. Đồng bào có quyết tâm thì nhất định sẽ chống hạn được.

– Chống hạn là một chiến dịch, một công tác cách mạng. Đây là một cuộc thử thách. Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, hội viên nông hội cần phải xứng đáng là lực lượng xung phong.

Chống hạn đã là một chiến dịch thì cần phải cố gắng, phải kiên quyết, phải tin tưởng ở chống hạn thắng lợi, phải giúp đỡ nhau, thi đua lập công giữa địa phương này với địa phương khác, giữa đơn vị này với đơn vị khác, giữa xã này với xã khác. Có đoàn kết, có quyết tâm, có giúp đỡ nhau, lại có thi đua thì nhất định thắng lợi.

Đoàn kết phải rộng rãi, không những đoàn kết trong xã, trong tỉnh mà phải đoàn kết với các tỉnh bạn như Sơn Tây 1 , Hà Nam trong việc chống hạn.

Chống hạn là một chiến dịch, đã là chiến dịch thì phải có thưởng, có phạt. Thưởng người tốt, đơn vị tốt, thưởng có nhiều cách, Chính phủ và địa phương sẽ làm. Bác hứa tặng một lá cờ thi đua chống hạn cho huyện nào khá nhất, cố gắng nhất. Cứ trong một đợt ngắn ngày, huyện nào có thành tích hơn cả sẽ được giữ cờ. Có thưởng thì phải có phạt, thưởng phạt phải nghiêm minh. Trừ các cụ già yếu nhiều tuổi, những người thương tật, phụ nữ có thai, các cháu bé, còn ai có sức lao động mà trốn trách nhiệm, lười biếng không đi chống hạn sẽ phải phạt. Còn phạt như thế nào sẽ do khu, tỉnh, huyện quy định cho đúng mức.

Làm tốt những việc nói trên, khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm và truyền thống sẵn có, giúp đỡ nhau đoàn kết thi đua thì chống hạn nhất định thắng lợi.

Sau đây, Bác nói thêm một điểm. Tết nǎm ngoái, có nơi giết trâu bò nhiều, ǎn uống nhiều, thậm chí có nơi còn rước xách, cờ bạc, lãng phí nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất, đến thuần phong mỹ tục, mất đoàn kết, v.v.. Vậy Tết này, cần làm thế nào tránh được lãng phí, cán bộ nên bàn bạc với đồng bào tổ chức Tết cho vui vẻ, mạnh khoẻ, tiết kiệm. Đảng và Chính phủ đã nói “phải tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”… Có người thực hành tiết kiệm, nhưng cũng có người không tiết kiệm mà còn lãng phí. Có nơi còn một số gia đình tổ chức đám ma, đám cưới, ǎn uống xa xỉ rồi mang nợ cả đời, như thế là không tốt. Bây giờ ta phải giữ vững thuần phong mỹ tục, thực hiện đời sống mới.

Hà Đông trong kháng chiến cũng như trong chống hạn trước đây, đều có thành tích, lại có lực lượng lớn. Cán bộ và đồng bào Hà Đông phải cố gắng trong chống hạn, tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để trở thành một tỉnh kiểu mẫu.

Bác chúc cán bộ và đồng bào Hà Đông thắng lợi trong chống hạn và làm vụ chiêm cho tốt.

—————————

Nói ngày 12-1-1958.
Tài liệu lưu tại Vǎn phòng Tỉnh uỷ Hà Tây.
cpv.org.vn

Thư gửi ông Nguyễn Sinh Thoán (13-1-1958)

Thân ái gửi em Nguyễn Sinh Thoán,

Được tin chú Xơơng vừa qua đời, anh rất lấy làm thương tiếc. Anh gửi thư này chia buồn cùng các em.

Chào thân ái

Ngày 13 tháng 1 nǎm 1958
HỒ CHÍ MINH

 

—————————–

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Nói chuyện với anh chị em học viên, cán bộ, công nhân viên Trường đại học nhân dân Việt Nam (khoá III) (18-1-1958)

Hôm nay tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ tới thǎm các đồng chí và hoan nghênh các đồng chí đã đi chống hạn trong những ngày vừa qua. Bây giờ tôi nói chuyện với các đồng chí về chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngǎn trở được.

Chế độ cộng sản nguyên thuỷ biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng.

Để chứng tỏ chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chúng ta chỉ cần ôn lại lịch sử trong 40 nǎm gần đây, từ nǎm 1917 đến nǎm 1957. Đến cuối nǎm 1917, cả thế giới đều còn bị chủ nghĩa tư bản đế quốc thống trị. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, 200 triệu người đã được giải phóng, nhưng hơn 2.000 triệu người vẫn bị chủ nghĩa tư bản đế quốc thống trị.

Ngày nay tình hình đã thay đổi hẳn.

12 nước với 950 triệu người đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lại có hơn 500 triệu người đã giành được tự do độc lập (như Ấn Độ, Inđônêxia, Miến Điện, v.v.). Thế là hơn 1.450 triệu người đã thoát khỏi ách đế quốc.

Ngoài ra còn độ 400 triệu người ở châu á, châu Phi, Nam Mỹ đang đấu tranh chống đế quốc. Chỉ còn lại 400 triệu người ở các nước đế quốc. Nhưng trong số đó, tuyệt đại đa số là nông dân và công nhân, đang đấu tranh chống chế độ tư bản tham tàn ở nước họ. Vì đời sống của công nhân và nông dân đói khổ và thất nghiệp, họ đang đấu tranh rất kịch liệt như ở Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức, v.v..

Mấy con số trên đây chứng tỏ rất rõ ràng: lực lượng xã hội chủ nghĩa và dân tộc giải phóng phát triển rất mạnh, chủ nghĩa tư bản và đế quốc thì đang lǎn xuống dốc rất nhanh.

Một điểm nữa để chứng tỏ thêm sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội: đến nǎm 1917 chỉ có một đảng cộng sản là Đảng Cộng sản Nga. Nǎm 1940-1941, Đệ tam Quốc tế (10) gồm 43 đảng với hơn 4 triệu đảng viên.

Trong Hội nghị ở Mátxcơva cuối nǎm ngoái có 64 đảng cộng sản, đảng công nhân và đảng lao động tham gia, thay mặt cho hơn 33 triệu đảng viên.

Về kinh tế cách đây 40 nǎm, Nga là một nước nông nghiệp lạc hậu. Sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, từ nǎm 1917 đến nǎm 1922, nguỵ quân nguỵ quyền nổi lên lung tung, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc, có những tên nổi tiếng nhất như Cônsắc, Vranghen, v.v., chúng kết hợp với quân đội 14 nước đế quốc chủ nghĩa để hòng tiêu diệt chính quyền xôviết trẻ tuổi (11) .

Cũng trong thời gian này, nạn đói rét và bệnh dịch hoành hành dữ tợn ở Nga. Trời rét xuống 20 độ, 40 độ dưới 0 độ. Nhân dân đói khổ, công nhân, du kích, bộ đội quần áo rách rưới, chân không có giầy mà vẫn phải ngày đêm sản xuất, đánh giặc.

Tới nǎm 1922, nguỵ quân nguỵ quyền bị tiêu diệt. Hết nội chiến thì đế quốc làm vòng vây không cho người Liên Xô ra ngoài buôn bán và không cho người ngoài vào buôn bán với Liên Xô.

Từ nǎm 1918 đến nǎm 1929, nhân dân Liên Xô thắt lưng buộc bụng, nhịn đói nhịn khổ để xây dựng đất nước, có những cái gì quý như bơ, táo, nho, lê, v.v., đều đem bán ra ngoài để mua máy móc về sản xuất và để trả tiền cho các chuyên gia Đức, Mỹ, Anh, v.v.. Trong thời gian này, nhân dân ǎn mặc rất sơ sài, mặc quần áo vải thô, nhà ở cốt sao tránh được mưa, gió, tuyết là được.

Đến nǎm 1930, Liên Xô bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, đến nửa kế hoạch 5 nǎm lần thứ ba thì sinh hoạt của nhân dân càng ngày càng lên.

Nǎm 1941, Liên Xô đang tiến hành kế hoạch 5 nǎm lần thứ ba thì phát xít Đức tấn công. Nó phá hoại và giết rất nhiều người ở Liên Xô. Nhiều thành phố bị phá trụi hết; thành phố Lêningrát bị bao vây 900 ngày, nhưng nhân dân Liên Xô vẫn giữ được mặc dù phát xít khủng bố tàn sát rất dã man (12) .

Nǎm 1945 hết chiến tranh, nǎm 1947 – 1950 nhân dân Liên Xô ra sức kiến thiết lại tiến bộ hơn trước, như thành phố Lêningrát dài 70 cây số to và đẹp hơn trước, nói chung các thành phố đều được xây dựng lại rất đẹp và to.

Như vậy Cách mạng Tháng Mười Nga mới thành công được 40 nǎm: 18 nǎm đấu tranh cực kỳ gian khổ và 22 nǎm ra sức phát triển kinh tế, mà Liên Xô đã tiến lên hàng đầu ở châu Âu.

Về khoa học kỹ thuật, thì ngày nay Liên Xô đã hơn hẳn Mỹ trong nhiều ngành như tên lửa qua các lục địa, vệ tinh nhân tạo, tàu phá bǎng chạy bằng sức nguyên tử, v.v., ngay các nhà khoa học và các nhà báo của các nước đế quốc cũng công nhận là Mỹ muốn theo kịp Liên Xô phải có một thời gian mấy nǎm.

Như trên ta thấy, lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa và hoà bình dân chủ thế giới đang phát triển mạnh và thế lực đế quốc chủ nghĩa đang suy tàn.

Việt Nam ta bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột hàng trǎm nǎm, cách mạng thành công được trên 10 nǎm thì 8, 9 nǎm chiến tranh, thực dân Pháp cướp bóc tàn phá rất nhiều, cho nên nước ta vô cùng lạc hậu về mọi mặt. Ta mới hoà bình được 3 nǎm, nhưng đất nước còn bị chia cắt làm đôi nên khó khǎn rất nhiều.

Tình hình như vậy ta cải thiện sinh hoạt được chưa?

Như nước Nga đông người và to rộng hơn ta, nông nghiệp lạc hậu nhưng vẫn còn hơn ta, mà sau 12 nǎm mới cải thiện sinh hoạt được. Ta mới hoà bình mà cải thiện ngay thì không được. Đảng và Chính phủ nói: cố gắng cải thiện sinh hoạt dần dần, nếu cứ đòi cải thiện ngay là “tếu”, vì muốn cải thiện sinh hoạt phải sản xuất được nhiều. Như thời Pháp thống trị, đồng bào miền Bắc phải mua gạo ở miền Nam ra, bây giờ chẳng những miền Bắc đủ gạo ǎn lại còn thừa để trao đổi ra ngoài. Vấn đề này chính tôi đã xuống thǎm nông dân, chính người nông dân nói hồi Pháp thuộc thì đói khổ, thiếu thốn, ngày nay sinh hoạt no ấm hơn trước nhiều, ngày ǎn hai bữa cơm, có nhà lại ǎn ba bữa.

Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.

Muốn xã hội giàu thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, kết quả sẽ là những thứ gì cũng sẽ đầy đủ dư dật. Lúc đó là lúc ai cũng đưa hết tài nǎng của mình cống hiến cho xã hội, đồng thời ai cần dùng bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Chữ Trung Quốc nói: “Các tận sở nǎng, các thủ sở nhu”. Thế là chế độ cộng sản.

Công cuộc cải tạo xã hội ở Liên Xô khó khǎn hơn ở ta vì trước đây 13 nǎm chỉ có một mình Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, bị các nước tư bản và đế quốc bao vây xung quanh. Nước ta dễ dàng hơn một chừng nào đó, vì ngoài sự cố gắng của bản thân mình, ta lại có sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, lại có kinh nghiệm xây dựng xã hội chủ nghĩa của Liên Xô.

Nhân dân ta nỗ lực cố gắng, cộng với sự giúp đỡ vô tư của các nước bạn, thì khoảng 8 nǎm sẽ cải thiện sinh hoạt là hợp lý. Nếu đồng bào ta cố gắng, ai cũng cố gắng thì tôi đảm bảo 5 nǎm sẽ cải thiện sinh hoạt được.

Các đồng chí có muốn cải tạo xã hội không? Muốn cải tạo xã hội thì phải cải tạo mình. Có một số đồng chí thấy nói chữ cải tạo thì xấu hổ. Cải tạo xã hội thì đồng ý nhưng cải tạo mình thì không đồng ý.

Để cải tạo xã hội, một mặt phải cải tạo vật chất như tǎng gia sản xuất, một mặt phải cải tạo tư tưởng. Nếu không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm việc xã hội chủ nghĩa được.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là gì? Tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói tóm tắt là phải đặt lợi ích chung của cả nước lên trước hết, lên trên lợi ích của cá nhân mình. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa chống đối nhau, nếu cứ lo cho mình không lo cho làng, cho nước thì không thể có tư tưởng xã hội chủ nghĩa được.

Mỗi người phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa đúng đắn, thì mới có thể góp phần xứng đáng vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi người chúng ta phải yêu quý lao động và người lao động, nhất là lao động chân tay.

Chúng ta, nhất là những người trí thức, chúng ta sinh trưởng khá lâu dưới chế độ thực dân và phong kiến, chịu ảnh hưởng chế độ ấy khá sâu, vô tình nhiễm vào những cái xấu cũng khá nhiều, trong bản thân chúng ta tư tưởng cũ còn nhiều. Cách mạng thành công đã 13 nǎm, nhưng lại kháng chiến 8, 9 nǎm, nên việc giáo dục xã hội chủ nghĩa còn ít, tư tưởng cũ chưa đi hết, tư tưởng mới chưa vào nhiều.

Bây giờ các đồng chí có cơ hội để nghiên cứu học tập, cải tạo những cái gì không đúng, học tập những tư tưởng tốt. Ghét, bụi còn chải giũa được, nhưng tư tưởng phải đấu tranh gay gắt, không phải dễ dàng. Đấu tranh để tiến bộ, nếu không đấu tranh thì thoái bộ, nên chúng ta phải cố gắng học tập cải tạo, quyết tâm cải tạo. Đảng và Chính phủ thì cố gắng giáo dục chúng ta, đoàn kết chúng ta, giúp chúng ta cải tạo.

Mục đích cải tạo là làm cho những người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.ý nghĩa hai chữ cải tạo là như thế.

Chúng ta quyết tâm, thì tiến lên chủ nghĩa xã hội nhất định thành công.

*

*     *

Có đồng chí hỏi: chúng ta đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, thì có thắng lợi được không?

Có thể trả lời: chắc chắn sẽ thắng lợi. Chúng ta mỗi người ra sức xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cố gắng làm cho chính trị, kinh tế, vǎn hoá, xã hội ở miền Bắc đều hơn hẳn miền Nam, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam và của cả toàn dân. Từ Bắc chí Nam chúng ta đoàn kết nhất trí, đấu tranh không ngừng, thì chúng ta nhất định sẽ thắng.

Như đã nói trên đây, chủ nghĩa đế quốc ngày càng suy đồi, hoà bình dân chủ và chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển mạnh. Thêm vào đó là lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta nói chung, của đồng bào miền Nam nói riêng. Những điều đó cộng lại, chúng ta có thể chắc chắn rằng: đấu tranh thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình nhất định thắng lợi.

———————————

Nói ngày 18-1-1958.

Sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, t.8, tr.21-27.

10. Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản): Tổ chức cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản, trung tâm lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân thế giới, hoạt động từ nǎm 1919 đến nǎm 1943.

Do ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga nǎm 1917 và khi Quốc tế thứ hai đã hoàn toàn phản bội chủ nghĩa Mác, cuộc đấu tranh của V.I. Lênin và những người cộng sản chân chính chống bọn cơ hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sự ra đời của các đảng cộng sản và tổ chức cộng sản ở nhiều nước trên thế giới. Để giúp các tổ chức này lãnh đạo phong trào cách mạng các nước đi theo con đường của chủ nghĩa Mác chân chính, tháng 1-1919, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, Hội nghị đại biểu của 8 đảng cộng sản và nhóm cộng sản đã kêu gọi tất cả các đảng cộng sản, các tổ chức xã hội chủ nghĩa phái tả tham gia Đại hội thành lập Quốc tế thứ ba.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tháng 3-1919, tại Mátxcơva dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, đại biểu các đảng cộng sản và nhóm cộng sản của 30 nước đã tiến hành đại hội thành lập Quốc tế thứ ba.

Quốc tế thứ ba đã có công lao rất to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Hoàn toàn đối lập với Quốc tế thứ hai, Quốc tế thứ ba rất chú trọng tới vấn đề giải phóng dân tộc. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin được Đại hội lần thứ II (1920) của Quốc tế Cộng sản thông qua đã đặt nền tảng chính trị và tư tưởng cho việc giải quyết đúng đắn những vấn đề phức tạp của phong trào giải phóng dân tộc.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, qua nghiên cứu Luận cương này của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn tin theo V.I. Lênin và Quốc tế thứ ba, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin vào việc giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng nước ta.

Tại Đại hội lần thứ VII (1935), Quốc tế Cộng sản đã chính thức công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ trực thuộc.

Tháng 5-1943, cǎn cứ vào hoàn cảnh mới và đặc điểm phát triển của cách mạng mỗi nước, Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, với sự tán thành của tất cả các phân bộ đã thông qua Nghị quyết giải tán tổ chức quốc tế này. Tr.21.

11. Thời kỳ đấu tranh chống can thiệp vũ trang của nước ngoài và nội chiến ở Liên Xô (1918-1922): Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa đế quốc quốc tế cho rằng nguy cơ trước mắt của nó là nước Nga xôviết. Tuy có những mâu thuẫn, nhưng các nước đế quốc thống nhất với nhau ở mục đích phải tiêu diệt chính quyền xôviết non trẻ ở Nga. Trong nước Nga, bọn địa chủ, tư sản cùng với bọn tướng tá bạch vệ bị Cách mạng Tháng Mười lật đổ cũng ngóc đầu dậy. Chúng đã câu kết, phối hợp với bọn đế quốc và từ nửa đầu nǎm 1918 tấn công nước Nga bằng quân sự cả bên trong và bên ngoài, hòng tiêu diệt chính quyền xôviết và khôi phục chế độ thống trị của các giai cấp bóc lột. Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng bônsêvích, nhân dân và Hồng quân đã vượt qua khó khǎn thử thách liên tiếp đánh bại bọn nổi loạn trong nước, tay chân của đồng minh đế quốc: Cônsắc, I.Uđênitsơ, Đênikin, Grasnốp, Vranghen, v.v., và đánh tan sự can thiệp vũ trang của 14 nước khối đồng minh đế quốc, đuổi quân đội của chúng ra khỏi biên giới.

Cùng với thắng lợi về quân sự, nhân dân Liên Xô còn phá tan những âm mưu của bọn phản cách mạng chống nước Cộng hoà xôviết, như bọn xã hội chủ nghĩa – cách mạng, bọn mensêvích, bọn vô chính phủ, bọn dân tộc chủ nghĩa – những kẻ đã giúp sức và theo bọn tướng bạch vệ và bọn can thiệp nước ngoài. Tr.21.

12. Đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941-1945). Ngày 22-6-1941, phát xít Đức đã huy động một lực lượng khổng lồ gồm 190 sư đoàn, với lực lượng lớn xe tǎng, máy bay và các vũ khí hiện đại khác bất ngờ tấn công Liên Xô dọc biên giới phía Tây. Việc Đức tấn công Liên Xô đã làm cho cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai thay đổi về cơ bản, mặt trận Xô – Đức đã trở thành mặt trận chính. Nhân dân Liên Xô vừa tiến hành Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại vừa đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.

Trong những ngày đầu chiến tranh, Hồng quân bị thiệt hại nặng nề trước những đòn tấn công của các lực lượng trội hơn của quân đội Hítle và buộc phải rút sâu vào nội địa. Trong khi rút lui, quân đội xôviết đã đánh những trận phòng ngự quyết liệt chặn đứng sức tiến công ồ ạt của quân đội phát xít. Trong các trận đánh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trận chiến đấu bảo vệ Lêningrát (nay là Xanh Pêtecbua). Quân đội và nhân dân thành phố đã chiến đấu anh dũng, liên tục 900 ngày trong vòng vây, tiến công, giữ vững và bảo vệ thành phố khỏi ách chiếm đóng của quân đội phát xít. Bằng một loạt các cuộc chiến đấu quyết liệt, cuối cùng bằng cuộc phản công lớn đánh tan quân đội phát xít Đức ở gần Mátxcơva (đầu tháng 12-1941), quân đội và nhân dân Liên Xô đã làm thất bại kế hoạch tiến công bất ngờ của phát xít Đức.

Một loạt các trận đánh có tính chất quyết định như trận Xtalingrát (3-1943) và trận Cuốcxcơ (7-1943) đã làm cho quân đội Liên Xô chuyển hẳn sang thế tấn công đuổi bọn phát xít ra khỏi biên giới Liên Xô.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Liên Xô gắn liền với việc quân đội Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức – Ý – Nhật (nǎm 1945) góp phần giải phóng nhân dân các nước châu Âu, châu Á khỏi ách phát xít. Trong cuộc chiến tranh này, nhân dân Liên Xô đã chịu gánh nặng và thiệt hại to lớn nhất: 20 triệu người hy sinh, 7.110 thành phố, 70.000 làng mạc bị tàn phá. Tr.22.

cpv.org.vn

Thư gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (24-1-1958)

Kính gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội,

Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt cảm ơn Hội đồng nhân dân đã gửi thư báo cáo về kết quả khoá họp thứ nhất của Hội đồng. Đồng thời tôi hoan nghênh tinh thần đoàn kết nhất trí và làm việc khẩn trương của Hội đồng nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Hội đồng nhân dân đã quyết định những công tác thiết thực phục vụ cho lợi ích của đồng bào.

Tôi mong rằng Hội đồng nhân dân sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hǎng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ và những nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Trước mắt là:

– Tích cực chống hạn, đảm bảo kế hoạch vụ chiêm cho tốt;

– Quản lý tốt thị trường, chống đầu cơ tích trữ;

– Đẩy mạnh phong trào tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhằm hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước nǎm 1958 để cải thiện dần dần đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân;

– Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cần khuyến khích đồng bào tổ chức ngày Tết cho vui vẻ, lành mạnh và tiết kiệm, tránh xa xỉ lãng phí;

– Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước.

Chào thân ái

Ngày 24 tháng 1 nǎm 1958
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

——————————-

Báo Nhân dân, số 1421, ngày 29-1-1958.
cpv.org.vn

Bài nói tại Trường Công an Trung ương (28-1-1958)

Bác thay mặt Đảng và Chính phủ hỏi thǎm sức khoẻ các cô các chú.

Các cô các chú có tham gia chống hạn không?

Bác khen các cô các chú học sinh, cán bộ hướng dẫn và anh chị em phục vụ cơm nước.

Bây giờ vào đề:

Các cô các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không?

Tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an có trách nhiệm gì?

Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân.

Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân, vì nhân dân có tin yêu công an thì mới giúp công an chuyên chính thực sự được với địch. Dân chủ và chuyên chính thật là quan hệ mật thiết với nhau.

Có chuyên chính thực sự, có dân chủ thực sự thì mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được. Vì kẻ địch không thể phá hoại được ta mà nhân dân thì an tâm thực hành tiết kiệm và hǎng hái sản xuất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn góp phần vào việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải chuyên chính thực sự và dân chủ thực sự.

Tiến lên chủ nghĩa xã hội là một công cuộc rất phức tạp và nhiều gian khổ.

– Khi chống đế quốc, ai, giai cấp nào yêu nước, đều được tham gia đấu tranh, kể cả địa chủ, quan lại ghét Tây, thế là đông người tham gia nhất.

– Bước vào cải cách ruộng đất, thì địa chủ phản đối ta.

– Bây giờ phải tiến lên chủ nghĩa xã hội thì giai cấp tư sản không thích. Vậy là cách mạng càng tiến lên càng khó khǎn. Công việc chính quyền, công an càng khó khǎn, càng phức tạp. Nhân viên, cán bộ công an càng phải nâng cao chí khí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác.

Chính vì vậy Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an. ở trường này một người giúp đỡ hướng dẫn 4 học viên. Một người phục vụ 4 người như thế là thiếu hay là thừa? Bác thấy là nhiều đấy. Học sinh thì 95% là đảng viên, chỉ còn 5% là ngoài Đảng. Ngoài Đảng nhưng Đảng rất tin cậy, vì các cán bộ đó đã được chọn lọc, rất trung thành với Đảng. Đảng viên thì hầu hết là huyện uỷ viên, một số ít là cán bộ tỉnh. Không có cơ quan nào lại nhiều cán bộ như thế này. Vậy chớ còn kêu là ít cán bộ. Phải thấy là Đảng, Chính phủ hết sức chǎm sóc. Các cô các chú phải xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Chính phủ.

Còn về phần cán bộ công an thì phải như thế nào?

Không phải chỉ muốn không là được. Miệng nói tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng tư tưởng còn không thông và hành động còn không đúng thì không tiến lên được. Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã. Rồi cán bộ làm cho nhân dân hiểu để nhân dân hǎng hái tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Khi đó cả xã hội mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn.

Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm. Phải đề cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật. Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình. Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó. Khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Về công tác: phải đi sâu, phải thiết thực, phải điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, tự túc tự mãn. Gặp khó khǎn, thất bại không được nản chí.

Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu. Quan liêu thì không đoàn kết được ai. Thế mà đoàn kết là rất cần thiết, đoàn kết nội bộ ngành công an, đoàn kết với các ngành khác, đoàn kết với nhân dân. Có thế thì công tác mới làm được.

Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của công an rất lớn, rất nặng nề. Cho nên phải xây dựng một bộ máy công an rất tốt, rất chắc chắn. Ai phải xây dựng? Mỗi một cán bộ công an đều có trách nhiệm vào đấy. Ai cũng tiến bộ, cũng khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, thì toàn bộ bộ máy công an sẽ tốt. Điều đó thật là rõ ràng, dễ hiểu cho nên mỗi cán bộ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng.

Bác nói mấy lời tóm tắt về Hội nghị Mátxcơva.

Hai bản Tuyên ngôn và Tuyên bố rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn.

– Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đây là lần đầu tiên, các đảng anh em họp mặt đông đủ bàn việc thế giới.

– Bản tuyên bố của 12 nước xã hội chủ nghĩa đều nhất trí xác định đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội – do dân chủ bàn bạc mà đi tới thống nhất nhận định.

– Hai bản nêu lên rằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh. Trước đây, xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có 200 triệu nhân dân Liên Xô mà nay, chỉ trong vòng 10 nǎm, đã có 950 triệu người rồi. Phe xã hội chủ nghĩa thật rộng lớn, nǎm ngoái Bác đi bốn vạn cây số mà chỉ đi trong gia đình mình thôi. Có những nước lớn không phải xã hội chủ nghĩa nhưng chống đế quốc: ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia, Ai Cập. Dân số thế giới là 2.500 triệu, dân số đế quốc chỉ có 400 triệu. Phe xã hội chủ nghĩa càng phát triển thì phe đế quốc càng “teo” lại, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh thì phe đế quốc ngày càng đi đến đường cùng.

Dân ta, Đảng ta có góp phần quan trọng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của hoà bình. Ta hết sức tin tưởng vào thắng lợi ấy, mặc dầu trước mắt còn rất nhiều khó khǎn, khó khǎn trong đời sống, khó khǎn vì đất nước bị tạm thời chia cắt. Nhưng khó khǎn chỉ là nhất thời còn thuận lợi thì là cǎn bản. Ta tin chắc ta thắng lợi. Do đó mà ra sức khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Đó là ý nghĩa tóm tắt của hai bản Tuyên bố và Tuyên ngôn. Mỗi người đều phải góp phần thực hiện ý nghĩa và mục đích của hai bản đó. Các cô các chú có quyết tâm thực hiện không?

Cuối cùng, Bác chúc các cô các chú đoàn kết, tiến bộ, gắng làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nhân dân, của Đảng giao cho.

(Cuối cùng Người tặng hội nghị bài thơ sau)

Đoàn kết, cảnh giác,
Liêm, chính, kiệm, cần.
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khǎn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với Đảng,
Tận tuỵ với dân.

—————————-

Nói ngày 28-1-1958.
Tài liệu lưu tại Viện lịch sử Đảng.
cpv.org.vn

Tuyên bố với các đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (3-2-1958)

Trong tình hình hiện nay tư tưởng hoà bình thương lượng đang có những tiến triển mới trên thế giới. Mọi vấn đề giữa các nước đều có thể giải quyết bằng phương pháp hoà bình thương lượng. Miền Bắc và miền Nam là hai bộ phận của một nước, không lẽ gì những nhà có trách nhiệm giữa hai miền lại không thể cùng nhau gặp gỡ và bàn bạc để sớm thực hiện ý nguyện thiết tha của toàn thể nhân dân Việt Nam là thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hoà bình.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà luôn luôn sẵn sàng cùng với chính quyền miền Nam tìm mọi biện pháp nhằm thống nhất đất nước trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ. Mong rằng chính quyền miền Nam đáp lại những đề nghị hợp tình, hợp lý của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lòng mong muốn của toàn dân, mở hội nghị hiệp thương, bàn bạc việc tiếp tục thi hành Hiệp định Giơnevơ, trước mắt là đặt lại quan hệ bình thường giữa hai miền.

——————————–

Nói ngày 3-2-1958.
Báo Nhân dân, số 1427, ngày 4-2-1958.
cpv.org.vn