Với cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy” để có thể gần gũi, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.
Thư viện
Nói chuyện với đại biểu các báo chí về nội trị,ngoại giao nước nhà trong những ngày vừa qua
Với Trung Quốc – hai bên vẫn giữ được tình thân thiện. Hôm trước đây, tôi đã gặp Hà Tổng trưởng. Ông cũng tuyên bố như những yếu nhân Trung Hoa đã tuyên bố, không có dã tâm về đất đai Việt Nam và hy vọng để các nước á Đông độc lập. Tổng trưởng Hà ứng Khâm là một quân nhân, không có quyền nói về chính trị, nên ông không thể nói hơn về nền độc lập của chúng ta. Lấy tình riêng mà nói, Hà Tổng trưởng, mặc dầu từ trước tới nay đối với tôi chưa từng quen biết, nhưng về phương diện cá nhân ông rất tử tế. Điều đó không lạ, là vì, là một người Trung Quốc, ai cũng mong chúng ta được độc lập. Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị, thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân.
Với Mỹ – những phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một cảm tình đặc biệt. Đó là thứ cảm tình giao tế quân nhân phái bộ Mỹ đối với mình. Còn ngoài ra, các đại biểu phái bộ Mỹ vẫn chủ trương thuyết là quân nhân không có quyền nói chính trị.
Với Pháp – rất đơn giản, là Chính phủ buộc Pháp phải công nhận nền độc lập của nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng.
Đã có tướng Alécxǎngđri tới đây xin yết kiến. Sau đó có một nhà báo hằng ngày. Rồi hôm kia đây, lại có hai người quan ba trong phái bộ Pháp đến.
Về vấn đề nội trị:
– Chính phủ Dân chủ Cộng hoà lâm thời là công bộc của dân. Anh em trong Chính phủ, ai là người có tài nǎng, có đức hạnh, giúp đỡ cho dân, cho nước, tất nhiên là được quốc dân hoan nghênh. Là người này hay người khác cũng thế, ai là dân đều có quyền giúp đỡ. Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hoà, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm. Làm việc nước hay làm việc gì khác, người ta thường muốn có một chút danh hay một chút lợi về phần mình. Nhưng, anh em trong Chính phủ lâm thời hiện nay, như quốc dân đã biết, ra gánh vác việc nước, không ai mong danh hay chuộng lợi. Muốn cho danh chính, lợi chính, thì Danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và Lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới. Đồng bào chúng ta đã đi gần vào chỗ chết đói. Và máu của đồng bào chúng ta đang đổ ra trong Nam Bộ. Lúc này, chúng ta phải thực hành cho rộng việc quyên gạo. Trong miền Trung, đã thực hành rồi. Còn ở Bắc Bộ, cũng sắp thực hành nay mai. Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu nǎm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lǎng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi.
Nói ngày 6-10-1945.
Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8-10-1945.
cpv.org.vn
Bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam
Đáng lẽ tôi phải thường thường đến thǎm các đồng chí mới phải, nhưng công việc của tôi nhiều, thành thử tôi chỉ đến được hôm đầu khi khai giảng và bây giờ làm lễ tốt nghiệp thôi. Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Cách tôi làm việc đúng giờ. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm. Tôi không có thể ở lại lâu chờ cử hành lễ tốt nghiệp được, vậy tôi có mấy lời nói chuyện với các anh em.
Tôi nghe nói anh em học tập rất chǎm chỉ và rất tiến bộ, tôi mừng. Một tháng giời học tập của anh em là ít quá phải không? Nhưng cái ít đó cũng tạm đủ để giúp cho anh em sau này học thêm, kinh nghiệm thêm. Anh em sẽ còn học mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xét xem tại sao thất bại để mà tránh đi.
Tôi lấy một thí dụ: các anh em cần đi Sài Gòn, người chỉ đường cho anh em nói phải đi về phương Nam và đi qua những tỉnh Thanh Hoá, Vinh, Huế, Nha Trang chẳng hạn. Người chỉ đường chỉ có thể chỉ cho anh em được thế thôi. Đã có phương hướng sẵn, anh em cứ theo đó mà đi, đến tỉnh nào phải qua những con sông nào, những hòn núi gì, anh em sẽ tìm hỏi sau. Miễn là anh em biết theo phương Nam mà tiến chứ không lầm đường đi ngược lên Bắc rồi hoá đi tới Bắc Kinh là được. Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi. Như vậy anh em học ít nhưng bổ ích nhiều. Tôi nhắc lại: anh em học bấy lâu nay được chừng ấy là quý rồi; rồi sau anh em còn phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc.
Bây giờ đây nước mình có hai việc rất quan hệ phải làm và phải tuyên truyền cổ động cho nhiều người làm: phải kháng chiến và phải cứu đói. Chúng ta phải quyết kháng chiến đến cùng. Trung Bộ và Bắc Bộ tuy chưa bị trực tiếp xâm lǎng, nhưng phải giúp cho cuộc kháng chiến Nam Bộ. Ngoài những mệnh lệnh của Chính phủ, của Đoàn thể 23 phải gắng sức thi hành cho đúng, ta cần phải có sáng kiến, phải nghĩ hết cách giúp vào cuộc giữ gìn đất nước. ở Bắc Bộ ta lúc này bị đói. Từ tháng giêng đến tháng bảy, tháng tám vừa qua, dân ta chết đói hơn hai triệu người, chết gấp bội số đồng bào tử trận tại Nam Bộ. Nạn đói còn nguy hại hơn giặc Pháp nữa. Nhiệm vụ cứu đói của chúng ta rất nặng nề, công việc cứu đói cũng gấp rút như công việc kháng chiến.
Ngoài hai điều kể trên, điều thứ ba là anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh Chính phủ, vì Chính phủ ngày nay là Chính phủ của nhân dân mà anh em là cán bộ của Chính phủ, anh em phải hết sức thận trọng, phải hết sức giữ gìn chớ đi quá tả mà cũng đừng quá hữu.
Điều thứ tư là anh em phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ.
Điều thứ nǎm là mình phải làm gương cho đồng bào, phải siêng nǎng, hǎng hái. Tôi lấy thí dụ như trong việc cứu nạn đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ǎn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải làm mới được.
Nói tóm lại, anh em phải siêng nǎng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Nếu anh em nhớ được tất cả những điều đó thì không lo gì không tiến bộ được dễ dàng và các công việc của Chính phủ và Đoàn thể giao cho anh em sẽ làm thành công được rực rỡ. Mong anh em nhớ lời tôi dặn lúc sắp chia tay này.
Báo Cứu quốc, số 92, ngày 15-11-1945.
cpv.org.vn
Bài nói chuyện với đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang
Trước khi nước ta được độc lập, các đồng bào trên đó ai nấy đã nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, đã gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng dân tộc rất nhiều. Chính tôi có đi qua các miền anh em ở, tới đâu tôi cũng nhận thấy anh em Thổ, Mán ai nấy đều một lòng mong Tổ quốc độc lập, ghét oán bọn giặc xâm lǎng. Trước kia còn thời Pháp, Nhật, tất cả già trẻ, đàn ông, đàn bà… ai cũng tham gia cách mạng hoặc ra mặt trận giết giặc, hoặc ở đằng sau giồng giọt ngô, khoai, giúp cho quân lính mình. Bây giờ, nước ta được độc lập, tôi thay mặt đồng bào Kinh cảm ơn anh chị em. Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn phải gặp rất nhiều nỗi khó khǎn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa. Từ người giàu cho chí kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập, chống bọn Pháp muốn trở lại nước ta lần nữa. Bao giờ bọn giặc Pháp không trở lại được nữa, đồng bào Kinh sẽ được rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ cũng sẽ giúp cho đồng bào Thổ, Mán như sẽ giúp cho các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày… Tôi nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung.
Nói ngày 23-11-1945.
Báo Cứu quốc, số 101, ngày 26-11-1945.
cpv.org.vn
———————————-
1. Tuyên ngôn Độc lập: Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong vǎn kiện lịch sử này, sau khi tố cáo những tội ác tầy trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tr.1.
Bài nói tại Đại hội thanh niên cứu quốc toàn xứ
Về tình hình quốc tế: Các nước chống phát xít trong suốt thời kỳ chiến tranh đã đồng tâm hiệp lực với nhau để đánh tụi phát xít, nay phát xít đã bị thua rồi, thái độ của các nước ấy cũng đổi khác. Thái độ ấy gọi nôm na là ai lo phận nấy, đó là điều thường tình, lần Chiến tranh thế giới thứ nhất 24 chúng ta đã thấy như thế. Tuy nhiên điều đó có ảnh hưởng ít nhiều đến ta. Các nước lo phần các nước ấy, chúng ta phải lo phần chúng ta; chúng ta lo tìm bạn bè, nhưng trước hết chúng ta phải tổ chức lực lượng của chính mình, mà muốn có lực lượng ấy cần nhất là phải biết đoàn kết.
Về tình hình bên trong: Dân ta nhờ có trào lưu thế giới, nhờ có sự đoàn kết của toàn thể dân tộc, nên đã tranh thủ được tự do độc lập. Nhưng nền tự do độc lập ấy còn chưa kiên cố, còn ở bước đầu, còn phải kinh qua nhiều nỗi gay go, khó khǎn. Hiện thời, hai nỗi khó khǎn là sự kháng chiến ở Nam Bộ và nạn đói kém ở Bắc Bộ.
Trước tình thế này, thanh niên có những nhiệm vụ gì?
1) Chuẩn bị luôn luôn. Một mặt ủng hộ sự kháng chiến của anh em Nam Bộ; một mặt chuẩn bị đợi đến lượt mình phải chiến đấu ở Trung và Bắc Bộ.
2) Cứu nạn đói. Mang gạo từ chỗ có đến chỗ không. Quyên gạo. Khuyến nông, không để thừa một tấc đất hoang nào.
3) Sửa soạn cho cuộc Tổng tuyển cử. Tuyên truyền cho dân chúng hiểu cái bổn phận của mỗi người trong cuộc tổng tuyển cử thế nào.
Vài lời phê bình thanh niên: Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên. Chẳng hạn như trong tổ chức còn phân ra nam nữ, không giúp đỡ cho các chị em nữ thanh niên phát triển, số phụ nữ cũng ngang bằng số đàn ông, vậy mà gạt các chị em ra ngoài, tổ chức thanh niên có khác gì đi có một chân.
Một điều nữa là thanh niên có hǎng hái. Nhưng hǎng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại.
Nhiệm vụ chính của thanh niên là xung phong trong ba việc cần yếu nói trên. Và khẩu hiệu là: làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại.
Nói ngày 25-11-1945.
Báo Cứu quốc, số 101, ngày 26-11-1945.
cpv.org.vn
Lời cảm ơn
Tôi trân trọng cảm ơn quý Hội đã quyên nhà, quyên tiền giúp cho quỹ Cứu tế, quỹ Kháng chiến và quỹ Độc lập.
Có người nói: “Hồ Chí Minh không biết làm gì, chỉ nay cảm ơn người này, mai cảm ơn người khác”. Vâng! Tôi vui lòng nhận lời phê bình ấy! Hơn nữa, tôi mong rằng ngày nào tôi cũng phải viết nhiều thư cảm ơn, vì như thế chứng minh rằng đồng bào ta đã sốt sắng thực hành cái khẩu hiệu:
“Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức”.
Quốc dân ta đã hiệp lực đồng tâm, đã đoàn kết chặt chẽ, thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.
Sau đây, tôi nhắc lại rằng nhiều đoàn thể và cá nhân các nơi, và nhiều trẻ em các nơi đã sốt sắng quyên giúp quỹ Cứu tế, quỹ Kháng chiến và quỹ Độc lập.
Tiếc vì bận quá, tôi không cảm ơn khắp được. Vậy tôi xin các đồng bào tha lỗi cho.
Lời chào thân ái.
Hồ Chí Minh
Báo Cứu quốc, số 131, ngày 2-1-1946
cpv.org.vn
——————————–
1. Tuyên ngôn Độc lập: Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong vǎn kiện lịch sử này, sau khi tố cáo những tội ác tầy trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tr.1.
Bài nói tại Trường cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh
Lúc này, chúng ta không cần nói nhiều, mà phải làm cho thật nhiều. Nếu không bị uy hiếp, chúng ta không cần có tự vệ. Tự vệ là vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình. Ta phải ngǎn ngừa mọi sự uy hiếp. Về quân sự, Pháp có thể đánh vào thành phố ta. Về xã hội, có thể phát sinh ra trộm cướp. Về chính trị, có thể có những kẻ phản động phao đồn những tin nhảm để làm náo động lòng dân.
Các đồng chí đến đây theo lớp huấn luyện là học tập cách trị an về vật chất và tinh thần. Những kẻ mưu sự phá hoại đất nước chúng ta, có thể tuyên truyền, đồn phao để chia rẽ sự đoàn kết. Chúng hủ hoá chúng ta về vật chất, về sinh hoạt, vǎn hoá, chính trị. Bởi thế các đồng chí phải học tập thành cán bộ để đi trước sự bảo vệ: Bảo vệ nền độc lập tự do của mình. Không những thế, các đồng chí còn chỉ huy những anh em đi sau. Tóm lại, không những phải học cho biết kỹ thuật, mà còn phải học lý luận về đạo đức, tinh thần nữa.
Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào.
Lãnh đạo về kỹ thuật chưa đủ. Còn phải lãnh đạo về tinh thần. Phải là người tuyên truyền. Phải là những người nói cho dân hiểu. Có phao đồn gì, phải giải thích cho dân. Có mệnh lệnh của Chính phủ, phải giải thích cho dân biết rõ tại sao Chính phủ đã ban bố mệnh lệnh đó.
Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và vǎn hoá. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công.
Nói ngày 7-1-1946.
Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8-1-1946
cpv.org.vn
Nói chuyện với nông dân và điền chủ Hưng Yên
Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thǎm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thǎm đê. Chúng ta cần phải chǎm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt.
Nước ta hồi Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới.
Số thóc góp để đắp đê không phải là một thứ thuế mà chỉ là một thứ lạc quyên thôi, không có gì là cưỡng bách cả. Đê vỡ, ruộng mất, dân nghèo lo đói, điền chủ mất thóc mà thương gia cũng ít phát tài. Cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dập vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa. Khi chưa ốm, ta phải uống thuốc phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc. Vậy các nhà thân hào phải hǎng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê, phải giúp cho họ ǎn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngǎn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa.
Thấy anh chị em và các cháu quần tụ vui vẻ ở đây, tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói. Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc. Chúng ta nỗ lực phấn đấu thì ngày thành công cũng không xa gì.
Nói ngày 10-1-1946.
Báo Cứu quốc, số 140, ngày 12-1-1946.
cpv.org.vn
Lời khuyên anh em viên chức
Anh em viên chức hiện giờ đang gặp nhiều nỗi khó khǎn vì giá sinh hoạt đắt đỏ. Nhưng ta chớ nên quên rằng nước nhà đang ở thời kỳ kháng chiến. Anh em viên chức, cũng như toàn thể quốc dân, muốn qua được bước khó khǎn hiện tại, phải biết hy sinh một chút về tinh thần để tham dự vào công cuộc kiến quốc. Có chịu kham khổ bây giờ, mai sau mới được hưởng nhiều quyền lợi. Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính. Cần, anh em viên chức phải tận tâm làm việc, một người làm bằng hai, ba người. Và phải tôn trọng kỷ luật. Anh em phải theo nguyên tắc là có việc mới cần đến người, chứ không phải là có sẵn người nên phải tìm việc cho làm. Kiệm, phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Rút bớt hết những sự gì không cần thiết, chớ phao phí giấy má và các thứ của công. Phao phí những thứ đó tức là phao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Chớ tưởng tiết kiệm những cái cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người như thế, trǎm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể, lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra.
Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được.
Anh em viên chức phải gột bỏ hẳn những ý nghĩ trái với 4 nguyên tắc trên do chính sách của bọn thực dân gây nên trong đám công chức thời Pháp và Nhật thuộc.
Nói ngày 17-1-1946.
Báo Cứu quốc, số 146, ngày 19-1-1946.
cpv.org.vn
Lời hiệu triệu
Chúng ta phải hiểu rằng: có nhiều thứ chiến tranh: chiến tranh bằng sức người, chiến tranh bằng võ khí, chiến tranh bằng chính trị, chiến tranh bằng tinh thần, v.v..
Hiện nay, ngoài chiến tranh bằng quân sự, bọn thực dân Pháp đang dùng cách chiến tranh bằng tinh thần, chúng giả danh dân ta phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong cho dân ta hoang mang nghĩ ngợi, lo ngại. Đó là nó tấn công tinh thần chúng ta.
Người xưa có nói rằng: “đánh vào lòng là hơn hết; đánh vào thành trì là thứ hai”. Vậy một dân tộc đương vận động như dân ta bây giờ ắt phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh, kiên quyết sẵn sàng đối với mọi tình thế, không bao giờ rối trí sợ sệt. Chúng ta phải học gương anh dũng của dân tộc Trung Hoa trong hồi kháng chiến. Mất Thượng Hải, gìn giữ Nam Kinh, mất Nam Kinh, gìn giữ Hán Khẩu, mất Hán Khẩu, gìn giữ Trùng Khánh, đến Trùng Khánh vẫn chuẩn bị để nếu cần thì giữ nơi khác, quyết kháng chiến.
Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống khiến quân địch không có thức ǎn, không có chỗ ở, không có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang: vì thế ròng rã tám nǎm trời, quân Nhật không nuốt nổi Trung Hoa và ngày nay Trung Quốc đã thắng lợi.
Kinh nghiệm của Trung Quốc bày cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tǎng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn.
– Toàn dân kháng chiến.
– Toàn quốc kháng chiến.
– Việt Nam độc lập muôn nǎm.
Hồ Chí Minh
Báo Sự thật, số 21, ngày 27-2-1946.
cpv.org.vn
Nói chuyện với các uỷ viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ
Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao. Hơn nữa cần phải giải thích cho toàn dân hiểu rõ con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Bản Hiệp định đó đã ký, Chính phủ cố hết sức làm theo đúng. Để gây một sức mạnh làm hậu thuẫn cho Chính phủ, dân chúng không quên chuẩn bị nhưng cũng không nên quên phải luôn luôn bình tĩnh để làm theo mệnh lệnh của Chính phủ. Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân, binh sĩ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công.
Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên cảm tình. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan.
Mai kia đây, quân đội Pháp sẽ về Hà Nội. Đồng bào nên tránh mọi sự khiêu khích để đón tiếp họ một cách hết sức ôn hoà.
Nói ngày 15-3-1946.
Báo Cứu quốc, số 188,
ngày 16-3-1946.
cpv.org.vn
Nhiệm vụ hiện thời của đoàn thể tự vệ
a) Làm cho tổ chức vững chãi và phát triển, lôi kéo các phần tử thanh niên hǎng hái và yêu nước vào đoàn.
b) Cần phải cùng nhau nghiên cứu chính trị để nhận rõ đường lối. Hiểu rõ đường lối chính trị thì công tác đúng.
c) Cần phải quân sự hoá đoàn thể tự vệ, nghĩa là tập dượt cho đều và có một tinh thần kỷ luật, trong công việc hàng ngày cần phải theo một chương trình nhất định có quy củ. Hiện thời mình càng đi gần tới đích càng gặp nhiều nỗi khó khǎn. Nhưng mặc dầu khó khǎn, ta cũng phải cố gắng. Phải tin nhất định là thành công, phải thành công. Nhưng cần nhận rõ tình thế để rồi tuỳ cơ ứng biến mà tiến chứ không hàm hồ làm bừa một cách vô chính trị. Thái độ của ta cần giữ ôn hoà và lịch sự.
Nói ngày 9-4-1946.
Báo Cứu quốc, số 211, ngày 10-4-1946.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.