Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 11, bao gồm những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 1-1963 đến tháng 12-1965.
Các tác phẩm trong tập này phản ánh đầy đủ và sinh động tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện mục tiêu chung là hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trước hết, những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian này thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Người về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Người nhắc nhở: chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh một nuớc nông nghiệp lạc hậu, lại bị chiến tranh xâm lược tàn phá. Chúng ta quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không trải qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, lại trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau.
Hoàn cảnh đó gây ra cho chúng ta không ít khó khǎn. Vì vậy, nhân dân ta phải “dũng cảm phấn đấu, vượt mọi khó khǎn, để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần… chẳng những là vì hạnh phúc của đồng bào ta ở miền Bắc mà còn vì cuộc đấu tranh thần thánh của toàn dân ta để hoà bình thống nhất nước nhà”(tr. 21).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những khó khǎn, nhược điểm và yếu kém trong nền kinh tế của nước ta, nhất là về tổ chức và quản lý kinh tế. Vì vậy, Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra ba cuộc vận động lớn: cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp; cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tǎng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, gọi tắt là cuộc vận động “3 xây, 3 chống” và cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và vǎn hoá miền núi. Người nói: “chúng ta phải thật thà nhận rõ những khuyết điểm và nhược điểm, để kiên quyết sửa chữa: như ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần trách nhiệm còn kém. Chế độ và phương pháp quản lý kinh tế tài chính của chúng ta còn nhiều thiếu sót và lỏng lẻo. Kỷ luật lao động chưa được thật nghiêm túc, Sử dụng lao động chưa được hợp lý. Khả nǎng thiết bị máy móc tuy có khá nhiều nhưng chưa được sử dụng đầy đủ” (tr.109). Vì vậy “mà nǎng suất lao động bình quân tǎng rất chậm, sản xuất phát triển chưa được mạnh mẽ, vững chắc và cân đối…, đời sống vật chất của nhân dân chưa được cải thiện nhiều” (tr. 109). Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc vận động trên đã lôi cuốn hàng triệu người sôi nổi tham gia bàn định phương hướng và kế hoạch sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống của nhân dân.
Tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt nhằm tǎng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong toàn dân trước âm mưu tǎng cường và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bản báo cáo của Người tại Hội nghị là một vǎn kiện rất quan trọng, tổng kết những thành tích xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thắng lợi của quân, dân ta đánh Mỹ – ngụy ở miền Nam trong l0 nǎm, từ 1954 đến 1964. Về những thành quả trong mười nǎm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong 10 nǎm qua, miền Bắc nuớc ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước,xã hội và con người đều đổi mới” (tr. 224).“Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh nǎm mà vẫn quanh nǎm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ǎn tập thể. Đâu đâu cũng có trường học, nhà gửi trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của hợp tác xã, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày càng tiến bộ” (tr. 225). Đồng thời, trong báo cáo Người cũng đề ra những nhiệm vụ trước mắt cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phấn đấu hoàn thành để đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiến lên giành những thắng lợi mới. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt” (tr.227)
Thắng lợi của Hội nghị đã đem lại một không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, làm cho mọi người thêm tin tưởng, hǎng hái vươn lên làm tròn nhiệm vụ, trước hết là hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước nǎm 1964 và kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất.
Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này còn cho thấy mối quan tâm của Người đến đời sống vǎn hoá – tinh thần của nhân dân. Theo Người, chủ nghĩa xã hội không chỉ làm cho mọi người dân có đời sống vật chất ấm no, mà còn phải có đời sống vǎn hoá – tinh thần phong phú. Các bài : Bài nói tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm; Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi; Bài nói tại Đại hội thanh niên Thủ đô; Bài nói tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, v.v. đã thể hiện những quan điểm của Người về cách mạng tư tưởng và vǎn hoá diễn ra đồng thời với cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học – kỹ thuật, nhằm xoá bỏ những tàn dư tư tưởng, thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại, xây dựng một nền vǎn hoá mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới, lối sống mới và đạo đức mới xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (tr. 110).
Trải qua hơn l0 nǎm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã có những bước phát triển hết sức to lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành cǎn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước, hoàn thành được nhiệm vụ của hậu phương lớn là không ngừng chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân ta ở miền Nam đã vượt qua muôn vàn khó khǎn thử thách và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đưa sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến lên từng bước vững chắc.
Trong thời gian này, Người đã viết nhiều vǎn kiện quan trọng, phân tích một cách chính xác tình hình và triển vọng của cách mạng miền Nam, vạch trần bản chất xâm lược của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ đã gây ra ở miền Nam, đồng thời chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhân dân ta tiến lên giành những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa. Trả lời một nhà báo Mỹ, Người nói: “Đã mười nǎm nay, tất cả các Chính phủ Mỹ và tất cả bọn tay sai của chúng muốn dùng sức mạnh tàn bạo của chúng hòng đè bẹp sức kháng chiến của nhân dân một dân tộc anh hùng. Chúng muốn biến 14 triệu đồng bào miền Nam chúng tôi thành những người nô lệ, biến miền Nam đất nước chúng tôi thành thuộc địa kiểu mới, một cǎn cứ quân sự, để uy hiếp nền độc lập của các nước ở Đông Dương và Đông – Nam á, để tiến công miền Bắc chúng tôi” (tr. 273). Nhưng “Nhân dân miền Nam anh dũng quyết không lùi bước trước mũi súng của kẻ xâm lược và lũ bán nước. Đồng bào chúng tôi thà hy sinh hết thảy, nhưng quyết không chịu làm nô lệ” (tr.274).
Sau thất bại thảm hại của kế hoạch Xtalây – Taylo, tháng 3-1964, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch Giônxơn – Mắc Namara nhằm bình định miền Nam trong vòng hai nǎm (1964-1965). Song, mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã vấp phải sức kháng cự vô cùng mãnh liệt của các tầng lớp nhân dân cả nước, trực tiếp là nhân dân miền Nam. Những chiến thắng Bình Giã, Plây Cu, Ba Gia, Đồng Xoài… của nhân dân miền Nam đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, tạo ra những lực lượng rất lớn về vật chất và tinh thần để tiến lên đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc”chiến tranh đặc biệt” mà chúng đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại, thì chúng cũng sẽ thất bại ở bất kỳ nơi nào khác. Đó là ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam ta đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới” (tr.228).
Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa thêm hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam, đồng thời cho hàng trǎm máy bay và tàu chiến tǎng cường đánh phá miền Bắc. Phân tích thế bị động về chiến lược này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bị thua to và sa lầy ở miền Nam, chúng muốn mở rộng chiến tranh đến miền Bắc hòng gỡ thế bí. Như thế khác nào con chó sói hai chân sau đã bị kẹt vào cạm bẫy, muốn thò cả hai chân trước vào cạm bẫy nữa để giải thoát cho hai chân sau! Thật là ngu xuẩn!” (tr. 404). Người khẳng định: “Kế hoạch Taylo đã tiêu tan. Kế hoạch Mắc Namara cũng phá sản. Kế hoạch “leo thang” mà hiện nay đế quốc Mỹ đang cố thực hiện ở miền Bắc cũng nhất định sẽ thất bại. Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng” (tr.432). Người kêu gọi: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”(tr. 434), “dù phải chiến đấu 5nǎm, 10 nǎm, 20 nǎm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” (tr. 470).
“Chống lại và làm thất bại những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền sống, đó là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Bọn đế quốc Mỹ dù có hành động điên cuồng liều lĩnh đến đâu, cũng không thể nào ngǎn cản nổi nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu yêu nước cho đến thắng lợicuối cùng” (tr. 428).
Bị thua đau về quân sự lại bị nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới lên án, Tổng thống Mỹ đã đối phó bằng luận điệu “hoà bình” dối trá, tuyên bố “sẵn sàng thảo luận không điều kiện”. Vạch trần thủ đoạn lừa bịp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Để lập lại hoà bình, chỉ có một con đường đúng đắn, là Mỹ phải làm đúng Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Việt Nam và cuốn gói rút lui có trật tự”(tr. 439), “Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự ” (tr. 405).
Phối hợp với mặt trận quân sự, Người mở rộng mặt trận đấu tranh ngoại giao. Trong các bài trả lời phỏng vấn của phóng viên thông tấn, báo chí nước ngoài, Người đã nêu cao lập trường chính nghĩa và thiện chí hoà bình của nhân dân ta, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước anh em và bè bạn, của các tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới, bao gồm cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Người quan tâm củng cố khối đoàn kết truyền thống giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Người cũng chǎm lo cho việc hình thành trong thực tế một Mặt trận thống nhất phản đế giữa nhân dân Việt – Mỹ, để“Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra,nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt- Mỹ nhất định sẽ thắng” (tr. 524).
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang dâng cao thì trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế diễn ra cuộc khủng hoảng về đường lối, dẫn đến nguy cơ phân liệt. Trong tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết, chủ trương giải quyết mọi bất đồng giữa các đảng và các nước anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lịch sử phong trào cách mạng thường có những mâu thuẫn, có những cuộc đấu tranh về tư tưởng, nhưng kết quả là chủ nghĩa Mác – Lênin thắng lợi, cách mạng ngày càng phát triển.
Chúng tôi tin rằng cuộc đấu tranh tư tưởng trong phe xã hội chủ nghĩa, tuy còn khó khǎn, nhưng sẽ được giải quyết tốt đẹp. Trong cuộc đấu tranh ấy, chúng tôi luôn luôn giữ thái độ kiên trì đoàn kết trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, bảo vệnhững nguyên tắc cách mạng của hai bản Tuyên bố Mátxcơva 1957 và 1960″ (tr.313). Thực tiễn cách mạng Việt Nam những nǎm qua, chứng tỏ đường lối nói trên là đúng đắn, ngày nay, vẫn giữ nguyên ý nghĩa chỉ đạo đối với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Trong tập này, bạn đọc cũng tìm thấy những quan điểm và những biện pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Các tác phẩm như: Đoàn kết tiến lên giành thắng lợi mới; Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định; Những chi bộ tốt; Bài nói tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập, v.v. đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến việc nâng cao trình độ tư tưởng và lý luận của cán bộ, đảng viên; kiện toàn các cấp uỷ đảng địa phương và các tổ chức cơ sở đảng; cải tiến công tác lãnh đạo và lề lối làm việc, chống các tệ quan liêu mệnh lệnh, tǎng cường mối quan hệ với quần chúng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, đề cao tinh thần trách nhiệm, chống mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Người viết: “Mỗi chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Mỗi cấp bộ của Đảng phải là một cơ quan lãnh đạo vững chắc ở địa phương, theo đúng đường lối, chính sách của Trung ương” (tr.23). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của giai cấp vô sản, chứ không vì lợi ích nào khác. Nhưng số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thǎng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi” (tr.374). Hơn 30 nǎm đã trôi qua, song những quan điểm nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vẫn còn ý nghĩa thời sự trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta.
Tập 11 của bộ Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, gồm có 227 bài. So với lần xuất bản trước, lần này được bổ sung thêm 45 bài, trong đó có 13 bài lần đầu tiên được công bố. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm, đối chiếu, xác minh, song do hạn chế về thời gian, chắc chắn tập sách này vẫn không tránh khỏi còn thiếu sót. Chúng tôi mong được sự góp ý của bạn đọc gần xa.
VIỆN NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Bạn muốn download trọn bộ Hồ Chí Minh toàn tập
Tập 11 (1963 – 1965) hãy nhấn vào đây Down load
Bạn phải đăng nhập để bình luận.