Thư viện

Bác Hồ viết về Khổng Tử

Theo gương Bác Hồ làm báo

Ngày 20/2/1927, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Khổng Tử” đăng trên báo “Thanh Niên”, đây là lần Bác viết kỹ nhất về Khổng Tử và Khổng giáo.

Tiếp tục đọc

Advertisement

“Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi”

Lời của Bác - Lời của non sôngVới cán bộ tuyên truyền, Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ đi làm việc chỗ nào phải học tiếng ở đấy” để có thể gần gũi, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào.

Tiếp tục đọc

“Chúng ta muốn hoà bình !”

Ngày 3/1/1947, từ chiến khu, Bác viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, đề nghị tìm kiếm hòa bình. Bức thư đã bị phía Pháp ỉm đi.

– Ngày 3/1/1947, Bác đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, đề nghị  một cuộc gặp mặt. Bức thư đã bị phía Pháp ỉm đi. Đô đốc D’ Argenlieu bình luận đó là thắng lợi đầu tiên…

Từ ngày 19/12/1946, cuộc Kháng chiến Toàn quốc đã bùng nổ. Đọc lại Lời kêu gọi của Bác viết ngay trong đêm hôm đó và được công bố trên  Đài Tiếng nói Việt Nam  và rạng sáng ngày hôm sau, ta thấy câu mở đầu của một lời kêu gọi kháng chiến lại là một khát vọng “Chúng ta muốn hoà bình !…”.

M.Moutet ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget ở Paris 6/1946.  M.Moutet ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget ở Paris 6/1946.

Có thể nói trong hơn một năm từ khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn ngay trong Ngày Lễ  Độc lập 2/9/1945, Bác Hồ đã làm tất cả những gì có thể làm. Kể cả sang tận nước Pháp, ở lại đó 4 tháng để vận động cho cuộc chiến tranh không bùng nổ mà nỗ lực cuối cùng là ký được với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet, một người bạn cũ hội tham gia Đảng Xã hội bản Tạm ước 14/9/1946 ( vào đêm hôm trước ngày Bác rời Paris trở về nước).

Tiếp đó là biết bao nỗ lực để chặn tay những kẻ hiếu chiến trong giới thực dân mà tiêu biểu là Đô độc D’ Argenlieu…

Nhưng cho đến khi quân Pháp ra tối hậu thư đòi các lực lượng quân đội quốc gia của nước Việt Nam độc lập phải nộp vũ khí thì “chúng ta buộc phải cầm vũ khí vi “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Nhưng ngay trong lúc cầm vũ khí chiến đấu, người lãnh đạo cuộc kháng chiến cũng không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để vãn hồi hoà bình…

Ngày 3/1/1947, được tin ông M.Moutet đến Hà Nội lúc này đã bị quân Pháp chiếm đóng, từ chiến khu của cuộc kháng chiến, Bác viết thư cho Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mừng vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, là sứ giả của hoà bình. Tôi rất  mong và rất sung sướng được hội kiến với ngài lâu một chút để tỏ rõ ý muốn thành thực hoà bình và cộng tác của chúng tôi và chuyển đệ với  ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa 2 nước chúng ta”.

Bức thư này đã bị phía Pháp ỉm đi .

Sau này, Đô đốc D’ Argenlieu là kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh Pháp – Việt đã bình luận trong thư gửi tướng De Gaulle :”Nhờ ơn Chúa, Moutet đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh. Đó là một điểm thắng lợi đầu tiên”.

Nhưng cái “thắng lợi đầu tiên” ấy chính là sự khởi đầu cho một thảm bại cuối cùng khi quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ sau đó 7 năm!

X&N
Vkyno (st)

Bác Hồ với những tù binh Pháp

Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường.

– Ngày 30/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thả 200 tù binh Bắc Phi đã bị quân ta bắt trên các chiến trường để thể hiện thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với dân các nước thuộc địa của Pháp.

Cần nói rằng chính sách đối với tù binh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán. Không đầy một tuần sau khi đưa ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” nhiều binh sĩ của quân đội Pháp đã bị bắt làm tù binh. Là người tha thiết không muốn cuộc chiến tranh bùng nổ, chủ trương hoà hiếu nhưng quyết tâm bảo vệ nền độc lập của mình, nhân ngày Thiên Chúa Giáng sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “gửi các tù binh Pháp” (24/12/1946). Thư viết :

30-3-1959 HCM thăm cơ sở sản xuất vận chuyển than ở vùng mỏ Quảng Ninh.jpg (111KB)Ngày 30/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cơ sở sản xuất vận chuyển than ở vùng mỏ Quảng Ninh

“Các bạn, tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình trạng như thế này. Tôi coi các người là bạn của tôi. Tôi biết rằng đó không phải là bởi các bạn, nhưng các bạn cũng như chúng tôi, đều là nạn nhân của bọn thực dân Pháp. Bọn này vì quyền lợi ích kỷ riêng của họ, chỉ muốn đi chinh phục nước người khác.

Tôi mong nột ngày gần đây, hai dân tộc Pháp – Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hoà bình và thân ái để mưu cầu hạnh phúc chung cho hai dân tộc. Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do. Tôi chúc các bạn một ngày Noel vui và một năm tốt đẹp”.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ và đầy hy sinh Bác cũng thực hiện một chính sách nhân dân đối với các tù binh của quân đôi Pháp, nuôi dưỡng trong hoàn cảnh chính những chiến sĩ của mình còn đói, rét, thiếu thuốc men… Do chính sách binh vận tốt nên nhiều tù binh Pháp và đoàn quân Lê dương cũng như những lính thuộc địa đã tình nguyện đi theo kháng chiến.

Sau Chiến dịch Biên giới (1950) cả 2 viên đại tá chỉ huy cấp binh đoàn là Lepage và Charton đều bị quân ta bắt sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đích thân đến nơi giam giữ để an ủi.

Hồi ức của Đại tá Hoàng Thế Dũng người tháp tùng Bác, kể lại rằng, khi giải thích những khó khăn của tù binh Pháp gặp phải, Bác, trong vai cố vấn chính trị của Mặt trận, nói: “Các ông biết chiến tranh là chiến tranh. Nhưng quân đội Việt Nam chỉ làm chiến tranh trong các trận đánh thôi. Sau trận đánh, đối với quân đội bại trận, quân đội Việt Nam coi binh sĩ của nó như là nhân dân Pháp. Sự thiếu thốn chỉ là vì hoàn cảnh…”.

Và trong một lần thăm tù binh Pháp, Bác đã cởi tấm áo khoác của mình cho một sĩ quan ốm yếu của đối phương mà người nhận không hề biết rằng người nhường tấm áo rét cho mình là người đứng đầu Việt Minh đang tổ chức kháng chiến.

X&N
kienthuc.net.vn

Ý kiến của Bác Hồ tại phiên họp của Bộ Chính trị

“Ta có họp, có nghị,có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai làm được thì khen, thấy ai làm sai (…) thì cách chức ngay”.

 – Những phát biểu của Bác tại các phiên họp của Bộ Chính trị thường được bút lục trong biên bản lưu trữ. Dưới đây là một vài ý kiến phát biểu của Bác trong các cuộc họp rơi vào ngày 21/3 của một số năm. Tuy tình hình ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng những tinh thần cơ bản liên quan đến mục tiêu phát triển và phương thức lãnh đạo vẫn còn nhiều điều gần gũi với ngày hôm nay.

Ngày 21/3/1958, tham dự phiên họp của Bộ Chính trị bàn về kế hoạch nhà nước, trong phát biểu kết luận, Bác nhấn mạnh đến việc Trung ương cần kiên quyết đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chú trọng đến các khâu nước, phân và công cụ. Không nhất thiết đưa ra chỉ tiêu mỗi huyện một hợp tác xã mà tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể có huyện có vài ba, có huyện chưa cần lập, cán bộ hợp tác xã nên dùng người của địa phương.

Về công nghiệp phải chú trọng khâu kiểm tra. Vấn đề thu mua “phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức chu đáo thì nông dân mới đồng tình…về giá cả phải định cho phải chăng, không nên hạ”.

Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956

Ngày 21/3/1962, cũng trong một phiên họp Bộ Chính trị bàn về công tác chuẩn bị cho Hội nghị trung ương về công nghiệp, Bác phát biểu: “Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được”.

Bác cũng phê bình: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai làm đựơc thì khen, thấy ai làm sai không có thái độ rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà không thấy phạt một ai), ý tôi còn nhu nhược với vấn đề này”.

Ngày 21/3/1964, cũng tại trong một lần họp Bộ Chính trị, Bác nêu ý kiến: quân và dân ta rất tốt, thiên thời địa lợi cũng không khó khăn lắm, nhưng công việc không chạy do lãnh đạo có sức ỳ lớn, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa tốt, chỉ đạo chưa thống nhất. Bác còn phê bình tình trạng thiếu lương thực, hàng hoá kém phẩm chất, hình thức xấu, giá cả đắt đỏ, thiếu cán bộ cụ thể chịu trách nhiệm và phải coi vấn đề củng cố chi bộ là một trọng tâm.

X&N
kienthuc.net.vn

Ngày Bác Hồ bắt tay viết sách

Bác đã gửi “thư cho các đồng chí Liên Xô” nói về ý định sẽ viết một cuốn sách bằng tiếng Việt, giới thiệu về đất nước Xô Viết.

 – Ngày 28/2/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Anh tại Quốc tế Cộng sản đề nghị gửi cho mình các tờ báo cánh tả như các tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống công nhân) và tạp chí “Quốc tế Công hội Đỏ”, đồng thời đề nghị gửi cả mấy tờ báo cánh hữu, báo “tư sản”: để che mắt và ứng phó “nếu cảnh sát thấy rằng tôi đã nhận những  tờ báo chí “lật đổ”.

Cùng ngày hôm đó, nhà cách mạng Việt Nam lúc này vẫn đang ở Hồng Kông sau khi đã thông báo với Quốc tế Cộng sản về sự kiện “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập”, đã gửi “thư cho các đồng chí Liên Xô” nói về ý định sẽ viết một cuốn sách bằng tiếng Việt để giới thiệu về đất nước Xô Viết:

Ngày 28/2/1969, Bác tiếp các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền BắcNgày 28/2/1969, Bác tiếp các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc

“Các đồng chí thân mến,

Người An Nam, nhất là những người lao động, muốn biết nước Nga. Nhưng các sạp báo cách mạng đều bị pháp luật hà khắc của đế quốc Pháp nghiêm cấm. Hơn nữa, công nhân và nông dân An Nam, phần lớn không biết chữ. Những người có học chút ít không biết thứ tiếng nào khác ngoài tiếng An Nam.

Nhiệm vụ của cúng tôi là phải nói với họ về Tổ quốc của giai cấp vô sản như thế nào. Để làm viêc này tôi có ý đinh viết một quyển sách, bằng tiếng An Nam, đương nhiên, dưới hình thức “Những kỷ niệm về cuộc du lịch của tôi”. Tôi  mong rằng nó sẽ sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện…”

Bức thư kèm theo một đề cương chi tiết về  nước Nga trước và trong cách mạng và nước Nga ngày nay. Nội dung của nó đề cập tới những thay đổi lịch sử, vai trò của các tầng lớp đối với cách mạng và các tổ chức cách mạng. Về nước Nga sau cách mạng, quyển sách sẽ giới thiệu về tổ chức nhà nước và xã hội của nước Nga mới, đời sống của các tầng lớp xã hội, vấn đề ruộng đất, chính sách “Kinh tế mới”,  các thành tựu về kinh tế giáo dục, văn hoá và y tế cùng  Quốc tế Cộng sản và các tổ chức quốc tế …

Để viết quyển sách này, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc tế Cộng sản cung cấp thêm tư liệu gửi qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng thời cũng nêu khó khăn về in ấn, nhất là thiếu các con chữ la tinh đặc thù của tiếng Việt là có nhiều dấu…

X&N
kienthuc.net.vn

Những bức thư Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ

Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ với tư cách là người bảo vệ và bênh vực công lý TG, thực hiện bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.

 – Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập và lên án thực dân Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh “trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới”.

Văn kiện này đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được sự phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”.

Đây là văn kiện mang tính nhà nước thể hiện rõ quan điểm đối ngoại của Việt Nam và quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ.

Ngày từ tháng 5/1945 sau khi tiếp xúc với cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ tại Côn Minh, Hồ Chí Minh đã nhờ người đứng đầu tổ chức này là A. Patti chuyển văn bản tới Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam sau khi tiêu diệt được chủ nghĩa phát xít.

Giữa tháng đó, Bác còn đề nghị chuyển một tài liệu về nạn đói ở Bắc Kỳ tới Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh.

16/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy tay chào cán bộ và đồng bào Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây khi Người về thăm, chúc tết 16/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫy tay chào cán bộ và đồng bào Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây khi Người về thăm, chúc Tết

Ngay sau khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945) với tư cách người đứng đầu Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, Bác đề nghị “nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng: chúng tôi đã đứng về phía Liên Hiệp Quốc chống lại bọn Nhật” và “yêu cầu Liên Hiệp Quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập…”.

Ngày 29/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ chia buồn về việc Đại tá Piter Dewey chỉ huy OSS tại Sài Gòn bị tử nạn.

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Tổng thống Mỹ đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng Tư vấn về Viễn Đông.

Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc quan tâm đến việc Pháp gây hấn và cử phái đoàn điều tra đến Đông Dương.

Ngày 1/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Quốc vụ khanh Mỹ thay mặt Hội Văn hoá Việt Nam gửi 50 thanh niên sang học tập các lĩnh vực kỹ thuật và thành lập mối quan hệ văn hoá hữu nghị với thanh niên Mỹ….

Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Thống chế Tưởng Giới Thạch trình bày tình hình quân Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch nước Việt Nam gửi thư tới Tổng thống Mỹ và Tổng giám đốc Cơ quan Cứu tế Mỹ (UNRRA) kêu gọi giúp Việt Nam chống nạn đói.

Đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới các ngoại trưởng Liên Xô, Mỹ và Trung Hoa Dân quốc tha thiết yêu cầu đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc và “yêu cầu nhận Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc”.

Ngày 18/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Mỹ và chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Marshall yêu cầu có giải pháp hoà bình ở Việt Nam.

Và tiếp sau lá thư ngày 17/2/1946, ngày 18/2, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Bác lại viết thư gửi các Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh đề nghị “hãy làm tất cả để ngăn chặn cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” và tuyên bố : “đặt vấn đề Đông Dương trước Liên Hiệp Quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi độc lập hoàn toàn. Nền độc lập ấy thực tế không còn xa nữa và có thể giúp đỡ chúng tôi hợp tác với các dân tộc khác trong việc xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình lâu dài – những nguyện vọng chính đáng cần phải được bảo vệ”.

X&N
kienthuc.net.vn

Bức điện cuối cùng của Bác Hồ gửi Quốc trưởng Campuchia

Chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 – Ngày 7/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris. Đây cũng là văn kiện cuối cùng trong mối giao tiếp hữu nghị với người đứng đầu Vương quốc láng giềng.

Chỉ hơn nửa năm sau, ngày 2/9/1969 nhà lãnh đạo Việt Nam qua đời. Ngày 9/9/1969, Quốc trưởng Sihanouk đã có mặt tại Hà Nội để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ me Đỏ” viết sau này, Cựu vương Sihanouk đã bày tỏ:

“Từ buổi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi sực nhớ đến câu nói của Người mà tôi cho rằng không gì đúng hơn . Đó là câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ và nhân dân Quảng Ninh(2/1965)Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ và nhân dân Quảng Ninh (2/1965)

Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tôi là một nhà quý tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không chung thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới ba chục tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn cho nước nhà độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đuờng cách mạng gay go ác liệt. Còn tôi, một con người trẻ tuổi lại rất sợ đổ máu. Nhưng cuối cùng chính Cụ đã dạy cho chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do. Đó là con đưòng đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định”.

Cũng trong tập hồi ký này, Norodom Sihanouk còn viết : “Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ.

Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhưng các bạn Việt Nam nói Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi.

Tôi đáp lại: “Thì đây chính là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: ”Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước Ngài vì những trận ném bom của Mỹ”.

Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch Hồ nữa… Chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

X&N
kienthuc.net.vn

Đông Dương – (4-1921)

Tuy rằng Quốc tế Cộng sản đã làm cho vấn đề thuộc địa có được tầm quan trọng xứng đáng với nó bằng cách coi nó là thuộc về những vấn đề thời sự khẩn trương nhất, nhưng trong thực tiễn, các ban thuộc địa ở các cường quốc thực dân, cho đến nay, vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, thậm chí các ban này cũng chưa xem xét vấn đề một cách nghiêm túc!

Sự không hoạt động này thật đáng ngạc nhiên, nhất là khi không còn sự tranh cãi nội bộ trong đảng đã được thanh trừ, và đáng ngạc nhiên khi vấn đề tuyển mộ người thuộc địa lại được chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc của chính quốc nghiên cứu ráo riết. Sự không hoạt động này có lẽ do các đồng chí chúng ta không hiểu biết tình hình chính xác của những xứ bị áp bức. Do vậy, tôi thấy có ích, nếu phác hoạ ngắn gọn ở đây tình hình của một trong những thuộc địa lớn nhất của nước Pháp, là Đông Dương.

Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại.

Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương. Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn vǎn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ – bọn quan lại – cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.

Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi.

Nguyễn Ái Quốc

Tạp chí La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921.
cpv.org.vn

Những kẻ bại trận ở Đông Dương – (8-4-1921)

Trong thời gian chiến tranh vừa qua, cuộc chiến tranh vì chính nghĩa và công lý để cho các dân tộc giành quyền tự quyết, những người An Nam lại buộc phải tình nguyện sang bảo vệ nước Mẹ (?). Bấy giờ người ta nói với họ như đã nói với người Pháp: “Bọn bôsơsẽ trả công!”.

Tuy nhiên, giờ đây hai nǎm sau chiến tranh, nước Mẹ bị mắc nợ một cách thắng lợi, những khu nhà nghỉ mát đắt tiền của các quan chức cao cấp của Nhà nước không đem lại được bổng lộc bao nhiêu, và bọn bôsơ vẫn không trả gì. Bấy giờ, nước Mẹ bảo hộ âu yếm quay về những đứa con nuôi của mình và nói một cách âu yếm hơn nữa: “Vì bọn Đức lật lọng không muốn trả, vậy thì các con, những kẻ lao động An Nam, hãy trả thay cho chúng”.

Nhưng hãy nghe lời nói của ông Xarô tốt bụng, trong một cuộc tranh luận về ngân sách thuộc địa, vị uỷ viên nhân dân thuộc địa đó đã tuyên bố: “Chừng nào mà xứ Đông Dương còn có thể tự đảm đương một số gánh nặng tài chính mà chính quốc không gánh vác nổi, xứ Đông Dương sẽ gánh vác, vì dù sao nước Pháp, chính quốc, đã cứu Đông Dương thoát khỏi sự tham lam của nước Đức”.

Nhân danh hàng nghìn người An Nam đã bỏ thây ở nước Pháp trong chiến tranh, tôi xin cám ơn ông, ông Xarô. Hãy tin chắc rằng chúng tôi biết rất rõ chính chiến thắng trên sông Mácnơ đã ngǎn cản quân xung kích Đức tiến về sông Mê Kông, để truyền bá trên ruộng đồng chúng tôi chế độ dã man của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Phổ. Nếu không có ngài và người thay mặt đáng kính của chúng tôi, ông Utơrây, chúng tôi sẽ mất cái tự do thân yêu được say sưa bằng rượu cồn và cái bình đẳng quý giá được đầu độc bằng thuốc phiện; không có ngài, giai cấp vô sản bản xứ không còn được nhồi nhét vào tai những bài diễn vǎn hay ho và những lời hứa tốt đẹp được ngài ban cho một cách hữu ái; không có ngài…. Nhưng hãy cho qua và quay trở lại bài diễn vǎn của ngài.
Ngài còn nói: “Tôi tin rằng trong một thời gian không xa nữa, xứ Đông Dương sẽ không tiêu mất một đồng xu nào nữa của chính quốc và nó sẽ tự hào và hạnh phúc được đem lại sự đóng góp của mình”.

Nhất định thế, đến thời kỳ đó, không còn xa lắm, như ngài nói, giai cấp vô sản chính quốc sẽ làm nhiệm vụ của mình: họ sẽ tống cổ tất cả bọn ǎn bám ra khỏi cửa; sau khi đã giải phóng mình, họ sẽ giải phóng những người anh em ở Đông Dương; được giải phóng khỏi ách đế quốc chủ nghĩa, nhân dân Đông Dương nhất định sẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơn là ông tưởng, đem lại sự đóng góp của mình, cùng với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung. Trong khi chờ đợi, hãy cứ bắt những người bại trận ở Đông Dương trả tiền. Ngài hãy khéo xoay xở theo phương pháp D. Nếu hòm tiền của nhân dân rỗng, thì còn có các lǎng mộ của vua chúa.

Nguyễn Ái Quốc

Báo La Vie Ouvrière, số 101, ngày 8-4-1921.
cpv.org.vn

Quyền của những người lính chiến – (7-5-1921)

“Những người lính chiến có quyền đối với chúng ta”, ông Clêmǎngxô, người cha của chiến thắng đã nói như vậy. “Những người lính chiến có quyền đối với chúng ta”, những người con, những nạn nhân An Nam nhắc lại như vậy. Đối với ông Clêmǎngxô, những người lính chiến có quyền thiêng liêng là chết đi để bảo vệ két sắt, những chiếc két sắt làm bằng mồ hôi thợ thuyền của họ và nhét đầy bằng máu binh lính của họ. Đối với người An Nam, thì những người lính chiến – hay những người còn lại trong số lính chiến trước kia – có quyền thiêng liêng được bọn tư bản thuộc địa ban cho, là duy trì nền vǎn minh tư sản, nghĩa là đầu độc người bản xứ sau khi đã giết hại một số lớn vì quyền lợi của tư bản.

Theo báo chí Đông Dương, các môn bài bán lẻ thuốc phiện sẽ được cấp cho những quả phụ của binh lính Pháp chết trận và thương binh Pháp.

Như vậy, chính phủ thuộc địa đã làm một việc mà phạm hai tội ác phản nhân loại. Một mặt, họ thấy tự mình làm công việc đầu độc bẩn thỉu đó chưa đủ, họ muốn lôi kéo thêm những nạn nhân khốn khổ của họ trong cuộc chém giết huynh đệ tương tàn tham gia vào. Mặt khác, họ đánh giá quá thấp tính mệnh và xương máu của những kẻ bị họ lừa bịp, mà họ tưởng rằng vứt cho mẩu xương thừa đó là có thể đủ đền bù sự mất mát một cẳng tay cẳng chân hay cái tang của một người chồng.

Chúng tôi tin rằng những thương binh và những quả phụ sẽ đá tung món quà hôi hám đó và sẽ công phẫn nhổ vào mặt những kẻ đã đề xướng việc đó; và chúng tôi chắc chắn rằng cả thế giới vǎn minh và những người Pháp lương thiện sẽ cùng với chúng tôi lên án bọn cá mập ở các thuộc địa đã không ngần ngại đầu độc cả một chủng tộc để làm đầy túi tiền của mình.

Nguyễn Ái Quốc

Báo La Vie Ouvrière,số 105, ngày 7-5-1921.
cpv.org.vn

Phong trào Cộng sản Quốc tế Đông Dương – (5 – 1921)

Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Đấy là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm hiện nay.

Muốn hiểu vấn đề đó, chúng ta phải xem xét tình hình hiện nay ở lục địa châu á về mặt lịch sử và địa lý.

Lục địa rộng lớn đó có diện tích 80 lần lớn hơn nước Pháp (45.000.000 km2), với dân số gần 800 triệu người, có một cơ cấu chính trị tương đối phức tạp.

Trong tất cả các nước châu á, Nhật Bản là nước duy nhất mắc phải một cách trầm trọng nhất chứng bệnh truyền nhiễm là chủ nghĩa tư bản đế quốc. Từ chiến tranh Nga – Nhật, chứng bệnh đó diễn biến ngày càng nguy kịch, lúc đầu bằng sự thôn tính Triều Tiên, tiếp đấy là sự tham gia vào cuộc chiến tranh “vì chính nghĩa”.

Để ngăn cản nước Nhật trượt dài đến vực thẳm của hiện tượng phương Tây hoá không thể cứu vãn nổi, nghĩa là để phá tan chủ nghĩa tư bản trước khi nó có thể bắt rễ sâu vào quần đảo Nhật Bản, một đảng xã hội vừa được thành lập. Cũng như tất cả các chính phủ tư sản, chính phủ Thiên hoàng đã dùng mọi cách mà chúng có thể để chống lại phong trào đó. Cũng như tất cả các lực lượng công nhân ở châu Âu và châu Mỹ, phong trào công nhân Nhật Bản cũng vừa thức tỉnh. Mặc dù sự đàn áp của chính phủ, phong trào do Đảng Xã hội Nhật Bản lãnh đạo vẫn phát triển khá nhanh.

Các đại hội đảng bị cấm ở các thành phố Nhật Bản, những cuộc đình công, những cuộc biểu tình của dân chúng vẫn nổ ra.

Trung Quốc, trước kia và hiện nay vẫn là con bò sữa của tư bản Âu, Mỹ. Nhưng sự thành lập chính quyền của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên ở phía Nam, đã hứa hẹn với chúng ta một nước Trung Hoa được tổ chức lại và vô sản hoá. Có thể hy vọng một cách không quá đáng rằng, trong một tương lai gần đây, hai chị em – nước Trung Hoa mới và nước Nga công nhân – sẽ nắm tay nhau trong tình hữu nghị để tiến lên vì lợi ích của nền dân chủ và nhân đạo.

Bây giờ, chúng ta hãy đi đến châu á đau khổ.

Nước Triều Tiên nghèo đói đang ở trong tay chủ nghĩa tư bản Nhật. ấn Độ – xứ ấn Độ đông dân và giàu có – bị đè nặng dưới ách bọn bóc lột người Anh. May sao, ý chí giải phóng đang làm sôi sục tất cả những người bị áp bức đó, và một cuộc cổ động cách mạng sôi nổi đang lay chuyển tinh thần ấn Độ và Triều Tiên. Tất cả mọi người đều chuẩn bị một cách từ từ nhưng khôn khéo cho cuộc đấu tranh tối cao và giải phóng.

Và Đông Dương! Xứ Đông Dương bị chủ nghĩa tư bản Pháp bóc lột, để làm giàu cho một số cá mập! Người ta đưa người Đông Dương vào chỗ chết trong cuộc chém giết của bọn tư bản để bảo vệ những cái gì mà chính họ không hề biết. Người ta đầu độc họ bằng rượu cồn và thuốc phiện. Người ta kìm họ trong ngu dốt (cứ 10 trường học thì có 1.000 đại lý thuốc phiện chính thức). Người ta bịa đặt ra những vụ âm mưu để cho họ nếm những ân huệ của nền văn minh tư sản ở trên máy chém, trong nhà tù hay đày biệt xứ! 75 nghìn kilômét vuông đất đai, 20 triệu dân bị bóc lột tàn nhẫn trong tay một nhúm kẻ cướp thực dân, đấy là xứ Đông Dương hiện nay.

Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu á, dễ dàng hơn là ở châu Âu.

Người châu á – tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu – vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại. Và đây là lý do tại sao:

Gần 5.000 năm trước đây, Hoàng đế (2.679 trước C.N) đã áp dụng chế độ tỉnh điền: ông chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích. Những đường phân giới được dùng làm mương dẫn nước.

Triều đại nhà Hạ (2.205 trước C.N) đặt ra chế độ lao động bắt buộc.

Khổng Tử vĩ đại (551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn, v.v..

Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết.

Trả lời một câu hỏi của vua, ông đã nói thẳng thắn: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.

Về của cải tư hữu, luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, một phần tư đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn ba phần tư đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng.

Cái thiếu đối với chúng tôi, mà trách nhiệm của chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế, để cho những đồng chí đó có thể giúp đỡ chúng tôi một cách có hiệu quả. Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:

Tự do báo chí

Tự do du lịch

Tự do dạy và học

Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hoá thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man).

Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.

Nguyễn Ái Quốc

Tạp chí La Revue Communiste, số 15, tháng 5-1921.
cpv.org.vn