Tư tưởng nhất quán xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ là nhằm mục đích cao nhất giải phóng con người và ra sức tranh đấu để đòi lại những quyền thiêng liêng của con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho họ. Những tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ vẫn còn nguyên giá trị.
Tag Archive | Phụ nữ
Hồ Chủ tịch và quyền bình đẳng của phái nữ
“Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Hồ Chí Minh
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập đã đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong đời sống của người phụ nữ. Từ nay chị em thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình cùng nam giới chung lo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Như vậy, họ đẫ bình đẳng với nam giới trên cả hai mặt: nghĩa vụ và quyền lợi.
Cuộc đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng nam nữ
Tháng 10-1946 bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được ban hành, quyền bình đẳng giữa nam và nữ được công nhận. Hồ Chủ tịch nói: “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.
Khi quyền nam nữ bình đẳng được công bố và thừa nhận, có người lầm tưởng rằng việc giải phóng phụ nữ như vậy đã được giải quýet, do đó thi hành luật pháp có thể là dễ dàng, thuận lợi. Hồ chủ tịch đã sáng suốt chỉ ra rằng, con đường đấu tranh để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ khó khăn và lâu dài.
“Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to!
Đó là một cuộc cách mạng to và khó”.
Vì vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn đòi hỏi về mặt quan tâm của tất cả mọi người. Đây không chỉ là giải quyết những mâu thuẩn tranh chấp giữa hai giới nam và nữ, cành không phải là việc riêng của phụ nữ.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn giải phóng người phụ nữ không chỉ thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng giữa vợ và chồng trong những công việc gia đình, mà cái căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội,đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới. Cần tổ chức lại đời sống công nông cũng như sinh hoạt gia đình để phụ nữ giảm nhẹ công việc bếp núc, chăm lo con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Từ đó, chị em mới có đủ khả năng làm nhiều công việc chuyên môn và đảm nhiệm được những chức vụ công tác ngang hàng với nam giới. Đó là một cuộc cách mạng thực sự lớn.
“Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu…vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó phải nhất định thành công”.
Trước đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ đã cùng toàn dân đứng lên lật đỗ chính quyềt đế quốc và phong kiến tay sai, giành lại độc lập, tự do và thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Chính quyền mới do nhân dân lập ra, bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho người lao động và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ. Vì vậy, ngày nay chị em hết sức ủng hộ chính quyền cách mạng là lẽ tất nhiên.
Những muốn biến quyền bình đẳng giữa nam nữ, từ một luật lệ trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, biến ý thức tôn trọng phụ nữ thành nếp sống đạo đức của mọi người thì đòi hỏi sự nỗ lực hết sức to lớn của toàn dân, của tất cả phụ nữ để xây dựng một xã hội mới, một kiểu người mới xã hội chủ nghĩa. Hồ Chủ tịch nêu rõ: Muốn thực hiện tốt quyền bình đẳng của phụ nữ phải có sự tiến bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật của nước ta. Phụ nữ phải hi sinh xương máu, lao động gian khổ, góp phần đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp, giáo dục và y tế, xây dựng một đất nước giàu mạnh, phồn vinh, một nền văn hóa, khoa học tiên tiến.
Đấu tranh giải phóng phụ nữ cũng là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó khăn để xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ còn tồn tại dai dẳng trong nhân dân ta.
“Vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại, vì nó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”
Chính từ những nhận định sáng suốt trên, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập, Hồ chủ tịch đã kêu gọi phụ nữ hăng hái cùng toàn dân tham gia ba phong trào cách mạng lớn là: diệt giặc dốt, giặc đói và giặc xâm lăng.
Để khắc phục hậu quả ghê gớm do thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại, Hồ Chủ tịch phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Người đã nhắc nhở tất cả mọi người, trong đó lực lượng chính là phụ nữ thi đua sản xuất “tấc đất, tấc vàng” thực hành tiết kiệm để đảm bảo lương thực cho gia đình và đóng góp nuôi quân.
Suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đặc biệt là phụ nữ công nông, đã nhiệt liệt hưởng ứng lời Bác Hồ dạy. Đảm đang việc sản xuất, chăm lo việc gia đình để chồng con đi chiến đấu. Chị em hàng ngày còn chú ý tiết kiệm lương thực, lập ra những hủ gạo nuôi quân để tiếp tế cho bộ độ. Phụ nữ ra sức thâm canh, tăng năng suất, tăng sản lượng để làm nghĩa vụ bán thóc cho Nhà nước. Những hạt thóc vàng do mồi hôi công sức phụ nữ làm ra, đóng góp cho Tổ quốc để góp phần tạo nên chiến thắng thực dân Pháp và củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân.
Về nhiệm vụ diệt giặc dốt, nhằm xóa bỏ tình trạng dốt nát của nhân dân ta do chính sách ngu dân của thực dân Pháp để lại, Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến phụ nữ, Người đã khuyến khích chị em chịu khó học tập để có khả năng làm chủ đất nước đảm nhiệm những công việc như nam giới. Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học tháng 10-1945, Người đã nói: “Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu và ứng cử”.
Người rất vui mừng khi thấy phong trào Bình dân học vụ, phụ nữ đã tham gia tích cực làm người dạy học cũng như làm học trò. Người đặc biệt khen ngợi các cụ bà ham học đã làm gương, khuyến khích cho thanh niên noi theo: “Nhiều cụ, tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý”.
Hồ Chủ tịch đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Pháp, người động viên chị em phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm của Bà trưng, Bà Triệu, Người tỏ lòng kính trọng các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, luôn luôn gởi lời thăm hỏi các bà mẹ bộ đội, các gia đình liệt sĩ.
Trong bức thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ 8-3-1952, Hồ Chủ tịch đã viết:
“Nhân dịp 8-3 tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hi sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chúc các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”.
Người rất xúc động trước tinh thần yêu thương chiến sĩ của các bà, các cụ trong các Hội chiến sĩ ở các địa phương. Người tỏ lòng biết ơn và nhắc nhở các chiến sĩ phải hiếu với mẹ nuôi bằng cách giết giặc lập công.
Trong thư gửi các Hội mẹ chiến sĩ, Người viết: “Các chiến sĩ thì sẵn sàng hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh đi giết giặc cứu nước, bảo vệ đồng bào. Các cụ, các bà thì thương yêu săn sóc chiến sĩ như con cháu ruột thịt. Thế là các cụ, các bà cũng trực tiếp tham gia kháng chiến… Chẳng những các chiến sĩ mà tôi và Chính phủ cũng biết cám ơn các cụ, các bà”.
Người động viên, ca ngợi tinh thần dũng cảm chiến đấu không quản nguy hiểm khó khăn của các nữ du kích, cũng như thành tích của hàng vạn phụ nữ Kinh, Tày, Nùng, Mán, Mèo, tạm gác việc nhà xung phong đi dân công, xông pha lửa đạn để giúp đỡ bộ đội trong mọi việc. Người nhắc đến câu chuyện nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất to lớn: “Bà cụ Nam (Cao Bằng), 83 tuổi xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ thì bà cụ nói: “Càng già càng phải giúp kháng chiến, sửa đường cho bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận”.
Sự hoạt động hăng hái của các tầng lớp phụ nữ khắp toàn quốc trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu, văn hóa xã hội trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp đã xứng đáng với lời ca ngợi của Hồ Chủ tịch:
“Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Quá trình phụ nữ nước ta tham gia tích cực vào ba phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc xâm lăng cũng là quá trình chị em đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ bản thân mình, phụ nữ ngày càng khẳng định rõ vai trò, khả năng của mình.
Cùng với sự phát triển của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, quyền bình đẳng của phụ nữ trên nhiều mặt được dần dần thực hiện. Trong cải cách ruộng đất, phụ nữ nông dân đã được chia ruộng đất như nam giới; trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, phụ nữ làm việc ngày càng đông và được hưởng quyền lợi ngang hàng nam giới; trong các ngành y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học phụ nữ được học tập, đào tạo bồi dưỡng rộng rãi, không có sự hạn chế nào ngăn cản việc phát triển tài năng của chị em. Nhưng cũng phải thấy rằng phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền bình đẳng của chị em do trình độ phát triển chung của cách mạng Việt Nam.
Trích “Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam”, NXB Phụ nữ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đó là những quan điểm nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ con người và cũng trở lại về với con người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó, phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Người viết “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia” và “An Nam cách mạng cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh BBC (Anh), nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai”.
Trong quá trình hoạt động của mình, Nguyễn Ái Quốc đã dành nhiều bài báo tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đồng thời vạch rõ tình cảnh bị áp bức, bóc lột và đàn áp thậm tệ của nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt Người đã nhấn mạnh rằng ở các nước thuộc địa, phụ nữ chính là những người bị bóc lột tàn bạo và bị áp bức dã man nhất và chiếm số đông nhất. Trong bài “Những kẻ đi khai hóa” (Le Paria, ngày 1-7-1922) và bài “Phụ nữ Việt Nam và chế độ thực dân Pháp” (Le Paria, ngày 1-8-1922), Nguyễn Ái Quốc đã dựng lên một bức tranh cho người đọc thấy tình cảnh của phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đó là hình ảnh về những người phụ nữ lao động nghèo khổ làm nghề gánh muối có thể bị giết chết, bị đánh đập dã man, hoặc chỉ vì một lý do rất nhỏ là làm mất giấc ngủ của một viên Nhà đoan hay dám bày tỏ bất công của mình với chủ. Đó là việc những người phụ nữ bất kể bà già, trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú đều có thể bị hãm hiếp hoặc tra tấn một cách man rợ mà không một người có lương tri nào có thể hình dung nổi.
Nguyễn Ái Quốc cũng vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, và đặc biệt đối với phụ nữ trong nhiều bài viết khác. Người đã không chỉ nêu lên cho người đọc thấy phụ nữ Việt Nam dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp bị áp bức rất dã man, mà còn vạch rõ sự bất công, không có công lý dưới chế độ thuộc địa. Do đó, phải giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bất công và công cuộc giải phóng đó phải gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc. Người chỉ ra rằng, nếu nước nhà được độc lập thì nhân dân mới được tự do, trong đó có cả phụ nữ: “…đàn bà, con gái cũng nằm trong nhân dân, nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự tố cáo tội ác của chế độ thực dân – phong kiến đối với người phụ nữ, mà còn động viên, tổ chức cho phụ nữ tham gia công cuộc giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” được tập hợp từ những bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Người viết: “Ông C.Mác nói rằng: Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào”. Theo Người, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ không chỉ được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà phải được giải phóng khỏi những tàn dư của hủ tục, định kiến hẹp hòi của tư tưởng phong kiến; vươn lên đóng góp sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phụ nữ. Người luôn đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Người nói rằng: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê-nin dạy chúng ta: Phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”. Người luôn yêu cầu Đảng, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hoạt động và Người cũng nghiêm khắc nhắc nhở chị em phải cố gắng tự vươn lên trong lao động, học tập và công tác.
Trước lúc đi xa, trong bản “Di chúc”, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ”.
Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, người phụ nữ đã có sự năng động hơn, được tham gia vào công việc xã hội nhiều hơn trước đây. Thực hiện bình đẳng giới đã tạo điều kiện khích lệ phụ nữ vươn lên trong mọi lĩnh vực. Phụ nữ ngày nay về cơ bản không còn bị ràng buộc bởi những định kiến, những quy ước lạc hậu, cổ hủ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, ở nông thôn, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi bởi đời sống còn khó khăn, nhận thức của gia đình cũng như thôn xóm còn hạn chế về quyền bình đẳng nam nữ. Vì vậy, phát huy vai trò tích cực các tổ chức Hội Phụ nữ ở nông thôn để chị em có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm là điều vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn nữa để phụ nữ được thực hiện một cách toàn diện về quyền bình đẳng của mình như lời căn dặn cuối cùng trong bản “Di chúc” của Bác Hồ kính yêu.
T.D
CMH Theo baoanhdatmui
Bạn phải đăng nhập để bình luận.