Thư viện

Bức điện “tối khẩn”

QĐND – Chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn Thông tin 813 của Quân khu Trị Thiên quyết định ăn Tết trước. Đến ngày 15-1-1968, Đại đội 20 nằm trong đội hình tiểu đoàn đã triển khai nhiệm vụ ở Sở chỉ huy tiền phương. Ngay khi bắt đầu, cả 3 đài 15W của Trung đội 1 (Đại đội 20) đã bắt ngay được liên lạc với đài cấp trên của Bộ Tổng tham mưu. Đêm Giao thừa, rạng ngày Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, Đài QT1 do đồng chí Trần Văn Quyết, Đài trưởng làm việc với đài cấp trên đã bắt liên lạc được ngay. Sau khi trao đổi mật khẩu, Đài chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu đã phát một bức điện gồm 28 nhóm. Chỉ một lần nhưng anh em báo vụ đã thu nhận được bức điện chính xác 100%. Lúc ấy là 2 giờ 30 phút ngày Mồng Một Tết Mậu Thân.

Sau khi nhận được bức điện, đồng chí Trần Văn Quyết đọc ngay bức điện có mã số TKZN (tối khẩn, dịch ngay) qua điện thoại vào cho bộ phận cơ yếu đang trực trong Sở chỉ huy tiền phương. Khoảng 15 phút sau, tất cả các hỏa lực như pháo binh, ĐKZ, ĐKB của Quân khu được bắn xuống các vị trí đóng quân trọng yếu của địch như sân bay Phú Bài, trận địa pháo Bồng Bồng, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 1 của ngụy ở Mang Cá… Từ Sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi nhìn về thành phố Huế, bầu trời rực sáng, những đám cháy bốc cao ở các vị trí đóng quân của Mỹ-ngụy. Cảm xúc chiến thắng dâng trào trong mỗi chúng tôi.

Về sau, chúng tôi được các đồng chí cơ yếu thông báo cho biết là bức điện 28 nhóm do đồng chí Trần Văn Quyết vừa nhận là mệnh lệnh của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gửi cho đồng chí Lê Chưởng, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, ra lệnh cho Quân khu nổ súng tiến công, mở màn Chiến dịch Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.

Đến 6 giờ sáng Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, tôi được đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn thông báo là Bộ tư lệnh Quân khu đã quyết định tặng bằng khen cho đồng chí Trần Văn Quyết, Đài trưởng QT1 và tôi, chính trị viên phó Đại đội 20 đã cùng các đồng chí chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong những giờ, ngày đầu tiên của Chiến dịch Mậu Thân 1968 lịch sử.

Đây là một phần thưởng, một món quà “lì xì” đầu năm của cấp trên cho hai chúng tôi mà trong đời binh nghiệp, chúng tôi không bao giờ quên.

DƯƠNG VĂN TUỆ
qdnd.vn

Advertisement

Chủ động bảo đảm vũ khí cho biệt động Sài Gòn

QĐND – Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, biệt động thành Sài Gòn và các tiểu đoàn chủ lực mũi nhọn được giao tiến công 25 mục tiêu đầu não như: Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh… Các lực lượng biệt động có nhiệm vụ bất ngờ tập kích chiếm giữ bàn đạp sau đó sẽ có các tiểu đoàn chủ lực mũi nhọn và lực lượng nổi dậy của quần chúng tới hỗ trợ dứt điểm, chiếm lĩnh hoàn toàn mục tiêu.

Do có sự phát triển về nhiệm vụ nên lực lượng chiến đấu của biệt động Sài Gòn cũng tăng nhanh và phương thức tác chiến cũng được điều chỉnh. Theo đó, nhu cầu vũ khí, đạn dược không như trước đây, ngoài mìn, lựu đạn còn là hàng tấn thuốc nổ các loại, súng tiểu liên AK, súng cối, B40… Đặc biệt, để phục vụ các đơn vị tiến công dứt điểm các mục tiêu đầu não, ngoài bảo đảm cho chiến đấu thường xuyên còn phải có lượng vũ khí, đạn dược dự trữ.

Kho vũ khí cất giấu dưới hầm phục vụ biệt động thành phố Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Một trong những thuận lợi rất lớn đối với công tác chuẩn bị vũ khí, đạn dược cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là, trên cơ sở dự kiến phương án đón thời cơ chiến lược(1), ngay từ những năm 1964-1965, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã thành lập Ban Bảo đảm gồm hai đội A20 và A30 chuyên trách công việc xây hầm và tổ chức vận chuyển, cất giấu vũ khí, đạn dược sẵn sàng bảo đảm cho biệt động và các tiểu đoàn chủ lực mũi nhọn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nên việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ đưa vào các đội A20, A30 đảm nhiệm việc xây hầm và tổ chức vận chuyển, cất giấu vũ khí, đạn dược được Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu đặc biệt quan tâm. Đích thân đồng chí Tư lệnh Quân khu duyệt từng người một theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngoài tiêu chuẩn đều phải là những cán bộ, đảng viên trung kiên đã có quá trình thử thách trong lao tù, đã từng chịu đựng mọi thủ đoạn tra tấn của địch, Bộ tư lệnh Quân khu yêu cầu tất cả đều phải có nghề nghiệp ổn định, đã tạo được “vỏ bọc” vững chắc, sống hợp pháp trong nội đô. Đây là hai tiêu chuẩn đầu tiên và cũng là hai tiêu chuẩn quan trọng nhất để lựa chọn những người tham gia vào các đội A20 và A30. Bên cạnh đó, các đồng chí tham gia vào các đội đều đã từng trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia phục vụ chiến đấu và là những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng. Những ai được chọn giao nhiệm vụ tối quan trọng này tạm rút khỏi các hoạt động tác chiến trực tiếp.

Có thể nói công tác xây hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí, đạn dược bảo đảm cho các lực lượng tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói chung và biệt động thành Sài Gòn nói riêng đạt đến trình độ nghệ thuật. Với sự chủ động, tổ chức chặt chẽ, cẩn mật, tiến hành khẩn trương, chuẩn bị chu đáo; nhờ tinh thần tận tụy, sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ biệt động nên đến cuối năm 1965, cả hai đội A20 và A30 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được một hệ thống kho hầm bí mật cất chứa vũ khí, đạn dược sát các vị trí chiến lược của địch. Mỗi mục tiêu đều được “dành sẵn” từ 1 đến 3 hầm vũ khí. Số lượng vũ khí mỗi hầm xấp xỉ 1000kg. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

LÊ THÀNH (Theo tài liệu Hội thảo khoa học “Cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”)
qdnd.vn

(1) Dự kiến xuất hiện cuối năm 1965, song do đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào, nên thời cơ chưa xuất hiện.

Cuốn điều lệ Đảng và đồng tiền thấm máu

QĐND Online – Mùa xuân năm 1968, bộ đội Tăng-Thiết Giáp (T-TG) ra quân trận đầu đánh vào cứ điểm Tà Mây – Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Tham gia chiến dịch này có Nguyễn Tiến Chén, Trợ lý thông tin của Tiểu đoàn tăng 198, với nhiệm vụ giữ vững mạch máu thông tin liên lạc cho đơn vị.

Nguyễn Tiến Chén không chỉ là một trợ lý thông tin giỏi, mà còn là thợ cơ công tài ba, trực tiếp ngồi trong xe cùng đồng đội vào trận. Trong trận đánh Làng Vây, được phân công ngồi trong xe tăng chỉ huy của Đại đội trưởng Ngô Xuân Nghiêm, Nguyễn Tiến Chén đã lập công xuất sắc. Trong lần thử lửa đầu tiên, anh đã sớm khẳng định bản lĩnh của một quân nhân cách mạng.

Lúc 1 giờ sáng ngày 7-2-1968, trên hướng tiến công chủ yếu vào cứ điểm Làng Vây của Đại đội tăng 9, xe tăng PT-76 số 565 của Đại đội trưởng Ngô Xuân Nghiêm đang tung hoành bắn phá trong cứ điểm, thì bị một viên đạn súng máy của địch xuyên thủng vỏ thép thân xe và bất ngờ đâm trúng vỏ một quả đạn trong xe làm ba lô, quần áo bắt lửa, xe cháy khói tuôn mù mịt, hệ thống tự động chữa cháy của xe bị hỏng. Lúc đó tình thế hết sức nguy hiểm, nếu không dập lửa kịp thời, lựu đạn và đạn trong xe sẽ phát nổ, nguy cơ mất xe, kíp xe hy sinh là khó tránh khỏi.

Trong tình huống nguy nan ấy, Nguyễn Tiến Chén đã cùng đồng đội dũng cảm, nhanh chóng dùng các bi đông nước đổ ướt giẻ dập lửa, chỉ ít phút sau, lửa bị dập tắt hoàn toàn, xe lại tiếp tục chiến đấu. Chén sung sướng reo lên: “Báo cáo, lửa đã được dập tắt, thằng Mỹ thua xe ta rồi!”.

Lúc này, trận đánh vẫn diễn ra ác liệt, khói lửa mù mịt, đèn dù địch thả sáng rực, đạn cỡ nhỏ bắn vào xe chát chúa. Cùng lúc đó, pháo thủ Loan của xe bị thương, không có khả năng nạp đạn, Trợ lý thông tin Nguyễn Tiến Chén, mặc dù chưa hiểu biết nhiều về súng pháo xe tăng, nhưng trong khoảnh khắc chiến đấu khẩn trương, anh đã đề nghị đại đội trưởng cho mình thay thế vị trí pháo thủ Loan. Nguyện vọng được chấp thuận và sau khi quan sát đại đội trưởng nạp đạn làm mẫu, Chén đã tự lao đạn vào buồng nòng đóng bảo hiểm K52 rồi nạp cả đạn súng máy. Mỗi khi thao tác xong anh dõng dạc hô: “Báo cáo xong!”. Khẩu pháo 76 ly lại gầm lên, lô cốt địch đổ sập, quân địch bỏ chạy tán loạn!

Sau thắng lợi giòn giã ở Làng Vây, Tiểu đoàn xe tăng 198 được lệnh bí mật giấu quân trên đất bạn Lào. Lúc này đúng vào mùa mưa, độ ẩm cao, việc bảo quản điện đài của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, thông tin liên lạc thường xuyên bị gián đoạn, Chén đã đưa ra sáng kiến đắp lò sấy bảo quản các thiết bị thông tin liên lạc và phổ biến sáng kiến đó cho anh em trong đơn vị áp dụng.

Thời gian này, địch đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm, thật hiếm hoi có một ngày bình yên ở cánh rừng miền Tây. Hôm ấy, máy bay B52 của địch lại đến ném bom, chúng dùng bom bi ném xuống khu vực giấu quân của đơn vị. Ngay sau khi dứt tiếng bom, Đại đội phó kỹ thuật Trần Vĩnh Đại, Bí thư Chi bộ đã đi kiểm tra tìm thương binh, liệt sĩ và kiểm nghiệm di vật của liệt sĩ, làm hồ sơ bàn giao lên cấp trên. Nguyễn Tiến Chén – người chiến sĩ xe tăng dũng cảm nằm đó, cả một vùng áo ngực trái anh thấm đẫm máu. Tay đồng chí Đại đội phó Trần Vĩnh Đại run run mở cúc áo túi ngực trái của đồng đội. Thật bất ngờ, trong túi áo có cuốn Điều lệ Đảng và tờ tiền giấy một đồng. Viên bom bi của kẻ thù đã xuyên thủng trái tim anh cùng cuốn Điều lệ Đảng và đồng tiền miền Bắc. Đồng tiền này anh để dành đóng đảng phí. Nguyễn Tiến Chén đã anh dũng hy sinh, cả đơn vị lặng đi vì tiếc thương người đồng đội từng cùng nhau vào sinh ra tử.

Cuốn điều lệ Đảng và đồng tiền thấm máu trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng Tăng-Thiết giáp.

Với hy vọng giản dị rằng sau ngày chiến thắng, những di vật này sẽ trở về với gia đình liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén, đồng chí Trần Vĩnh Đại đã bàn giao những di vật của liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén cho Binh chủng T-TG.

Trong cuộc gặp mặt cựu chiến binh Tiểu đoàn tăng 198 vào năm 2002, khi đồng chí Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng trao di vật của liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén cho chị Nguyễn Thị Bềnh, vợ liệt sĩ, chị đã tâm sự trong nước mắt: “Đã mấy chục năm nay, tôi chỉ mong có được một tấm hình hay một di vật của chồng để phụng thờ và lưu lại cho con cháu. Nhưng đến đây tôi lại cảm nhận sâu sắc được tình đồng đội, đồng chí đáng quý biết bao, nên tôi xin gửi lại di vật này cho Bảo tàng để chồng tôi mãi mãi ở lại bên đồng đội của mình”.

Kể từ ngày đó, đồng tiền thấm máu và cuốn Điều lệ Đảng – những di vật của liệt sĩ xe tăng Nguyễn Tiến Chén được Bảo tàng lực lượng T-TG trân trọng lưu giữ và trưng bày. Nhờ đó, khách thăm quan bảo tàng được nghe câu chuyện kể xúc động về người lính xe tăng giàu lòng nhân ái, giản dị trong cuộc sống, thông minh, sáng tạo trong công tác, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu.

Câu chuyện ấy xảy ra cách đây hơn 40 năm, thời gian đủ nuôi lớn cả một thế hệ. Cuốn Điều lệ Đảng và đồng tiền thấm máu của liệt sĩ như nhắc nhở thế hệ trẻ hãy luôn nhớ rằng, để có được độc lập, tự do hôm nay, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống và hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Những di vật của liệt sĩ Nguyễn Tiến Chén được Bảo tàng T-TG nâng niu giữ gìn, giới thiệu với khách tham quan về trách nhiệm và tình cảm của người đảng viên với Đảng – một nghĩa tình cao đẹp, trong sáng của anh Bộ đội Cụ Hồ.

MINH SEN
qdnd.vn

Tiếng nổ rạng sáng Mồng Hai Tết Mậu Thân

QĐND – Cánh cửa sắt sơn xanh lỗ chỗ vết đạn 12 ly nằm khuất lấp giữa hàng quán bừa bộn, ồn ào là vết tích của trận đánh ác liệt 45 năm trước. Đó là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến thăm căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh)-nơi có căn hầm bí mật cất giấu hơn hai tấn vũ khí của biệt động thành, chuẩn bị cho cuộc tấn công táo bạo trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Ông Nguyễn Quang Vinh giới thiệu cuộn cà tăng và sọt trái cây giấu vũ khí.

Đào hầm vũ khí giữa lòng địch

Trong căn nhà được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, những vật dụng, hình ảnh, tư liệu… của chủ nhân và trận đánh ác liệt Xuân Mậu Thân 1968 vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Căn hầm vũ khí vẫn đấy và 10 năm nay nguyên thiếu tá đặc công Nguyễn Quang Vinh-người được chủ nhân tin tưởng giao trông coi ngôi nhà sau khi mất vẫn chăm lo sớm tối.

Ông Vinh kể: Đầu năm 1967, đồng chí Trần Văn Lai (thường gọi là Năm Lai, Năm U-Som hay Mai Hồng Quế) bỏ ra hơn 400 cây vàng để mua hai chiếc ô tô: Một chiếc Hino biển số EC-6045 và chiếc Citroen biển số NCE-5345. Đồng thời anh mua 3 căn nhà liền kề trong đó có căn nhà gác lửng này. Tất cả đều theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Văn Trí, chính trị viên đơn vị Biệt động 159 (sau đổi tên là J9/T700), thuộc Quân Khu Sài Gòn-Gia Định, theo lệnh của Trung ương Cục miền Nam. Căn nhà có 2 mặt tiền, gồm mặt đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và mặt đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), diện tích khoảng 37m2, dài 14,9m, rộng 2,5m. Dưới lớp vỏ là một nhà thầu khoán có cỡ làm việc cho Dinh Độc Lập, anh Năm dùng căn nhà để chứa vật liệu xây dựng, nhưng thực chất là để cất giấu vũ khí chuẩn bị cho kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Lấy cớ sửa nhà cần đào hầm vệ sinh và hệ thống thoát nước, ngày đêm anh Năm đào hầm bí mật giấu vũ khí…

Gần một năm thực hiện nhiệm vụ tối mật là gần một năm ông Năm Lai sống trong cảnh chồng không gặp mặt vợ, cha không gặp mặt con. Vợ con ở Gò Vấp không hề hay biết ông ngày là một thầu khoán tài ba, đêm lại hì hục một mình đào hầm. Để qua mắt địch, đất đào xong được bỏ vào những thùng các-tông, rồi đưa lên ô tô chở về tận Bình Chánh để đổ. Căn hầm hoàn thành có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm và có 4 lối thoát hiểm. Vũ khí được giấu khéo léo trong những bộ ván bóng lưỡng rỗng ruột, cuộn cà tăng (loại cót dùng làm vách), sọt trái cây…

Tiếng nổ rạng sáng ngày Mồng Hai Tết

Đêm Mồng Một, rạng sáng Mồng Hai Tết, 18 chiến sĩ Đội 5 biệt động di chuyển đến nhà của Năm Lai nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Hoàng Thanh (Ba Thanh), đội xuất phát trên 3 chiếc ô tô và một xe máy hon đa tiến về Dinh Độc Lập. Vì nắm rõ đường ngang ngõ tắt cơ quan đầu não của địch trong lòng bàn tay, Năm Lai được giao làm tài xế và phục vụ chiến đấu.

1 giờ 30 phút sáng Mồng Hai Tết Mậu Thân, chiếc xe Hino của tài xế Năm Lai và các xe khác của đội đến gần đường Nguyễn Du, phía cổng sau Dinh Độp Lập thì bị lính gác ra hiệu dừng lại kiểm tra. Thấy xe vẫn tiến, địch báo động. Các chiến sĩ nhanh chóng xả súng tiêu diệt địch và ném bộc phá để phá cổng. Nhưng đáng tiếc, trái bộc phá không nổ. Các chiến sĩ đành dàn trận trên đường và tìm cách lọt vào bên trong. Địch bắn trả dữ dội khiến hai chiến sĩ hy sinh, hai người bị thương. Lực lượng của địch càng lúc càng đông, chúng điều tới 7 xe Jeep chở đầy lính. Trước tình thế nguy cấp, các chiến sĩ vẫn chiến đấu ngoan cường. Hai xe Jeep của địch bị quân ta dùng B40 và lựu đạn tiêu diệt, bắn gục 20 tên lính. Cuộc chiến đấu mỗi phút càng thêm ác liệt, phía ta thêm một chiến sĩ ngã xuống. Đến 4 giờ, Ba Thanh hy sinh. Thấy không thể cầm cự được lâu và quyết không để rơi vào tay địch, phía ta tạm rút lui. 8 chiến sĩ còn lại rút vào nhà số 56 Thủ Khoa Huân, cố thủ trên tầng 3 và tiếp tục chiến đấu quyết liệt đến viên đạn cuối cùng. Địch dùng thang cứu hỏa leo lên, quân ta dùng đất đá chặn lại. Đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau Muống) đã anh dũng dùng AK chốt chặn địch ở cầu thang và hy sinh. Mờ sáng Mồng Ba, cả 7 chiến sĩ còn lại trên sân thượng chuyển qua ngôi nhà kế bên và tiếp tục vừa đánh địch vừa di chuyển. Đến nhà số 108 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), tất cả rơi vào tay giặc. Nghi ngờ căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu chứa chấp các chiến sĩ biệt động, địch đến bắn phá dữ dội.

Sau trận đánh đó, chủ thầu khoán Mai Hồng Quế (tức Năm Lai) bị truy nã ráo riết. Năm 1972, Năm Lai bị bắt. Địch giam cầm và tra tấn ông dã man ở nhà tù chi khu Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) dù ông đã làm giả giấy tờ và giả điên. Căn nhà rơi vào tay địch nhưng hầm vũ khí mãi là bí mật với chúng. Sau giải phóng, khi căn nhà được thu hồi, lính ngụy mới té ngửa. Có giỏi tưởng tượng thế nào, bọn chúng cũng không thể ngờ rằng: Căn hầm làm nên trận đánh rung động chính quyền Sài Gòn lại nằm trong lòng thành phố.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Năm 2000 khi đang công tác ở Hội Cựu chiến binh quận 3, tôi đến thăm di tích lần đầu tiên và thực sự xúc động khi chứng kiến căn hầm và nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các anh em. Như một duyên số, anh Năm Lai có nhắn nhủ sau này nếu ảnh mất thì nhờ tôi trông coi giùm nơi đây. Năm 2002, anh mất. Tôi về trông coi di tích từ đó đến nay…”.

Bài và ảnh: QUỲNH NGA
qdnd.vn

Lần đầu xe tăng ta xuất kích

QĐND Online – Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Tiểu đoàn tăng 198-Đơn vị xe tăng đầu tiên của quân đội ta đã bất ngờ xuất hiện trên chiến trường và ra quân đánh thắng trận đầu ở Tà Mây – Làng Vây trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, mở đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng-Thiết giáp (TTG) Việt Nam.

Xe tăng vào chiến trường như thế nào? 45 năm đã trôi qua, nhưng đối với nhiều người đến nay đó vẫn là một điều hấp dẫn? Tôi đã may mắn được gặp gỡ những người trực tiếp tham gia đánh trận Tà Mây – Làng Vây, để tìm hiểu về sự kiện “gùi” xe tăng vào chiến trường.

Gặp mặt các cán bộ Tiểu đoàn tăng 198 làm nên chiến thắng trận đầu ngày 7-2-1968

Người đầu tiên mà tôi gặp là ông Hà Tiến Tuân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tăng 198. Tôi hỏi: “Thưa Bác! Bác có thể kể đôi điều về việc “gùi” xe tăng vào chiến trường được không ạ?” Bác nhìn tôi: “Gùi” xe tăng à? Thật là một cách nói nghệ thuật! Tất nhiên mắt xích xe tăng tháo rời ra từng mảnh thì có thể “gùi được, đạn pháo xe tăng cũng có thể gùi được… nhưng không ai có thể “gùi” được thân xe tăng và tháp pháo vì đó là những khối thép nặng hàng chục tấn. Thực chất là ta đã tổ chức hành quân bằng xích để đưa xe tăng vào chiến trường. Đây là cuộc hành quân của xe tăng có một không hai trong lịch sử chiến tranh trên thế giới đấy đồng chí ạ!”

Ông Lê Ngọc Quang, nguyên Chính ủy Binh chủng kể lại: Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Binh chủng đã xác định: “Mặc dù mới chỉ đưa một lực lượng nhỏ đi chiến đấu, nhưng phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu”. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã chọn Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 thuộc Trung đoàn 203 thành lập một Tiểu đoàn mới có phiên hiệu là Tiểu đoàn 198 để đưa vào chiến trường. Ngay sau khi được thành lập, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tăng 198 đã khẩn trương làm công tác chuẩn bị củng cố xe pháo, trang bị kỹ thuật, tranh thủ thời gian huấn luyện bổ sung, đặc biệt là tổ chức huấn luyện cho xe tăng bơi nước tại đập Đồng Tranh, Hòa Bình. Ngày 14-10-1967, Tiểu đoàn tăng 198 bắt đầu thực hiện cuộc hành quân bí mật bằng xích vào chiến trường, xuất phát là huyện Lương Sơn, Hòa Bình.

Sau hơn 50 ngày đêm hành quân vượt hơn 1000km đường Trường Sơn với nhiều địa hình phức tạp dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, Tiểu đoàn tăng 198 đã đến vị trí tập kết an toàn. Đại đội tăng 3 hành quân 931km, ngày 21-12-1967 tới vị trí tập kết ở Nậm Khang trên đường số 9. Đại đội tăng 9 vượt qua chặng đường dài gần 1.500km tập kết tại phía Nam đường 9.

Ông Hoàng Đức Miêng, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số hiệu 555, thuộc Đại đội tăng 9 cho biết: Cuộc hành quân của Tiểu đoàn 198 vào chiến trường chủ yếu được thực hiện vào ban đêm. Để giữ bí mật, các xe tuyệt đối không được bật đèn pha mà phải sử dụng đèn gầm có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương, các đồng chí trưởng xe (hoặc pháo thủ số 2) phải đi bộ trước mũi xe, khoác vải trắng dẫn đường. Các kíp xe phải dùng cành cây tươi che bớt bụi lửa phóng ra từ ống xả, khi lá khô phải kịp thời thay cành cây mới, nhờ đó mà giữ được bí mật, an toàn.

Khi được hỏi để che mắt không quân Mỹ, xe tăng hành quân chủ yếu về ban đêm còn ban ngày làm thế nào để giữ được bí mật khi trú quân, ông Ngô Xuân Nghiêm, nguyên Đại đội trưởng đại đội tăng 9 hào hứng cho hay: Phải ngụy trang cho thật tốt! Đây là điều cực kỳ quan trọng. Công việc đầu tiên là phải xóa hết các vết xích trên lối rẽ vào nơi giấu xe. Nếu là bãi đất trống thì dùng hai cành cây to có nhiều lá buộc vào sau chiếc xe cuối cùng, những cành cây này sẽ xóa đi các vết hằn của xích trên mặt đất. Tất nhiên vẫn phải kiểm tra lại chỗ nào chưa xóa được thì phải xóa cho hết. Nếu phải đi qua đồi cây lúp xúp hay đồi cỏ tranh thì phải đào cây mới trồng lên và phải tưới nước để cây không bị khô héo. Nếu trú quân ở rừng thì tuy có khó khăn về phòng chống cháy, nhưng dễ ngụy trang hơn, chỉ cần buộc vít các ngọn le lại với nhau tạo thành các đường vòm che vết xích đi là được.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng, nguyên Trung đội phó, Trưởng xe tăng 555 bồi hồi nhớ lại: Tuyến đường hành quân được chia thành nhiều cung, mỗi cung chia thành 3 chặng, mỗi chặng (đi trong 1 đêm) trung bình dài 30 đến 45km (Đại đội tăng 3 hành quân 15 chặng, Đại đội Tăng 9 hành quân 23 chặng). Đường Trường Sơn là đường rừng núi hiểm trở, nhiều cua ngoặt gấp khúc, máy bay địch đánh phá ác liệt nên thường xảy ra sự cố kỹ thuật và có thương vong, nhưng nhờ các đơn vị thanh niên xung phong, trung đoàn pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân, các đơn vị bạn cùng nhân dân các dân tộc Lào và nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, che chở, bảo vệ, nên các khó khăn về bảo đảm đường cơ động, sửa chữa, cứu kéo, vận chuyển đều được giải quyết kịp thời, giúp đơn vị hành quân tới đích an toàn, đúng quy định.

Ông Trần Vĩnh Đại, kiện tướng lái xe tăng, nguyên Đại đội phó Đại đội tăng 9 kể lại: Do hành quân đường dài nên bánh đỡ nặng và xích xe bị hư hỏng nhiều, bánh đỡ nặng vỡ hết phần cao su, chốt xích mòn vẹt, vấu xích gãy, cong, vênh, rạn, nứt. Đơn vị phải khắc phục bằng cách đảo xích bên phải sang trái và ngược lại, lắp xen kẽ mảnh xích lành với mảnh xích hỏng để tiếp tục hành quân.

Cuộc hành quân thắng lợi đã khẳng định: Trong điều kiện địa hình hiểm trở của tuyến đường chiến lược, không quân địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm nhưng quân đội ta vẫn có thể đưa được một lực lượng lớn xe tăng vào chiến trường (gồm cả con người và đầy đủ vũ khí, trang bị) để tham gia chiến đấu. Đây là mốc mở đầu cho quá trình triển khai lực lượng TTG ở các địa bàn chiến lược trên chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.

Bài và ảnh: THANH THẢO
qdnd.vn

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 1: Cuộc đối đầu lịch sử

Sau bộ phim tài liệu “Hiệp định Paris 1973” rất thu hút sự chú ý của khán giả, bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan tiếp nối lên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam từ tối 25-1. Bộ phim dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập), thông qua những số liệu và dữ kiện lịch sử, cùng với lời kể của các nhân chứng và sự phân tích của các học giả, sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 1: Cuộc đối đầu lịch sử

Tin liên quan:

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 2: Bí mật kế hoạch X

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Thông qua những số liệu và dữ kiện lịch sử, cùng với lời kể của các nhân chứng và sự phân tích của các học giả, phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 2: Bí mật kế hoạch X.

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 3: Trước giờ G

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Thông qua những số liệu và dữ kiện lịch sử, cùng với lời kể của các nhân chứng và sự phân tích của các học giả, phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 3: “Trước giờ G”.

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 4: Nghi binh Khe Sanh

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 4: Nghi binh Khe Sanh.

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 5: Tết Mậu Thân 1968

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 5: Tết Mậu Thân 1968.

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 6: Mục tiêu chiến lược

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 6: Mục tiêu chiến lược.

Phim tài liệu Mậu Thân 1968 – Tập 7: Huế 26 ngày đêm

Bộ phim tài liệu “Mậu Thân 1968” của đạo diễn Lê Phong Lan, dài 12 tập do Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự (Đài THVN) phối hợp với Hãng phim Truyền hình Bản sắc Việt sản xuất (thời lượng 30 phút/tập). Phim sẽ lần lượt tái hiện lại sự kiện này dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Mời quý vị và các bạn xem tập 7: Huế 26 ngày đêm.