Thư viện

Thuế khoá

Chính sách thực dân ǎn cướp, chẳng những đã tước đoạt mất ruộng đất, của cải, đã xoá bỏ hết mọi quyền lợi, mọi quyền tự do – kể cả quyền tự do thân thể của người dân bản xứ, mà còn bắt họ phải nộp thuế về những mảnh đất cằn cỗi còn lại trong tay họ, nộp thuế về nghề nghiệp sinh sống của họ, nộp cả thuế không khí mà họ thở nữa.

Đột nhiên người ta tǎng thuế thân từ một hào lên hai đồng rưỡi. Những người chưa đến tuổi nộp sưu, nghĩa là dưới 18 tuổi, trước kia không phải đóng góp gì, thì nay phải nộp một thứ thuế nặng gấp mấy lần thuế thân của suất đinh trước kia.

Người ta không những tǎng thuế lên gấp bội và bắt những người chưa hề phải đóng góp nay phải đóng góp, mà điều tai hại nhất đối với dân đinh là thuế suất thay đổi luôn và người dân bị bắt buộc phải mang nhiều loại thẻ tuỳ thân, thẻ thông hành, do đó mà phải đóng góp hết sức vô lý và có tính chất cưỡng bức.

Người An Nam bắt buộc lúc nào cũng phải mang thẻ thuế thân trong người, ai hỏi đến đều phải xuất trình. Thẻ dễ bị nhàu nát và bẩn thỉu, nhưng người nào quên hoặc đánh mất thẻ thì bị bắt và bị tù.

Nǎm 1919, người ta đã bỏ việc phân hạng đóng thuế thân ở Bắc Kỳ, chỉ bằng một nghị định của thống sứ. Mọi người dân từ 18 đến 60 tuổi, đều phải nhất luật đóng 5 đồng thuế thân.

Theo một nghị định khác thì bất cứ người An Nam nào không mang thẻ đều có thể bị tù và buộc phải đóng thuế một lần nữa dù trước kia người đó đã nộp rồi.

Để bù vào chỗ hao hụt do đồng bạc bị sụt giá, một viên toàn quyền đã có sáng kiến tǎng gấp bội số người phải chịu thuế lên để bắt các xã phải đóng góp thêm.

*

*     *

Người An Nam phải đóng thuế nặng hơn người ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương và Nhật Bản nhiều. Nhưng đời sống kinh tế ở Nam Dương, ấn Độ và Nhật Bản lại cao hơn ở Đông Dương nhiều lắm, dân những nước này có thể đóng góp dễ dàng số thuế quá nặng đối với người An Nam.

*

*     *

Trước thời Pháp thuộc, bộ thuế điền thổ ghi đầy đủ ruộng đất công và ruộng đất tư có phân hạng theo loại sản vật trồng trọt. Thuế suất chỉ đánh từ một đến nǎm hào một mẫu đối với ruộng cấy lúa. Đối với các loại ruộng đất khác, thuế suất đánh từ hai hào đến một đồng tư. Đơn vị diện tích là mẫu tức là một diện tích vuông mỗi cạnh độ 150 thước. Chiều dài của một thước An Nam thay đổi tuỳ từng tỉnh từ 42, 47 đến 64 xǎngtimét, do đó diện tích một mẫu tuỳ nơi có thể là 3.970, 4.900 hoặc 6.200 mét vuông.

Để tǎng thêm thu nhập cho Nhà nước, người ta dùng một đơn vị đo đạc, dài 40 xǎngtimét, ngắn hơn tất cả các đơn vị thường dùng, vì vậy diện tích một mẫu chỉ còn 3.600 mét vuông. Bằng cách đó thuế điền thổ đã tǎng lên nhiều hay ít khác nhau tuỳ từng tỉnh: nơi thì tǎng một phần mười, nơi thì tǎng một phần ba, nơi bị thiệt thòi nhất thì tǎng đến hai phần ba.

Từ 1890, thuế trực thu tǎng lên gấp đôi; từ 1896 đến 1898 tǎng lên một nửa và cứ như thế tǎng lên mãi. Các xã thì cứ nai lưng ra đóng góp; còn biết kêu ai bây giờ? Bóp nặn được thì bọn công sứ lại càng ra tay bóp nặn. Bọn Pháp này cho rằng các xã vẫn ngoan ngoãn nộp đủ thuế thì tức là thuế má chưa đến nỗi quá nặng nề!

*

*     *

Hằng nǎm người ta phân bổ cho mỗi làng phải nộp thuế cho một số đinh và một số ruộng đất các hạng. Cần có thêm tiền để chi tiêu chǎng? Người ta cứ sửa lại con số, mặc dầu đang giữa nǎm, rồi người ta bắt các làng phải đóng đủ thuế cho số đinh, điền cao hơn số quy định đầu nǎm. Vì thế mà ở một tỉnh Bắc Kỳ, toàn bộ diện tích chưa tới 120.000 hécta mà bản thống kê lại ghi những 122.000 hécta ruộng và cứ như thế, người An Nam vẫn phải cúi đầu đóng thuế khống cho những ruộng đất không có thực. Có kêu ca cũng chẳng ai thèm nghe!

Không những thuế đã nặng nề mà lại còn thay đổi luôn.

Việc Chính phủ có nhân nhượng phần nào trong việc thu một số khoản thuế lưu thông hàng hoá đã làm cho dân làng bị phiền nhiễu hơn và đã mở đường cho tệ nhũng lạm. Có hôm người ta tha không đánh thuế cho một người gánh một gánh cau, nhưng hôm sau người ta lại bắt người đó đóng thuế tuy gánh một gánh nhẹ hơn. Đánh thuế như vậy thì khó mà công bằng được. Người ta cấp một giấy phép lưu thông cho 150 kilôgam thuốc lào. Sắp xếp làm sao để khỏi phải đánh thuế nhiều lần vào cùng một số thuốc đó khi số hàng này đã chuyển sang tay một chủ khác, hay khi 150 kilôgam thuốc đó đã đem chia cho ba, bốn người mua? Chỉ có tuỳ ở các ông nhà đoan, muốn làm gì thì làm chứ không có luật pháp nào cả. Cho nên người An Nam rất sợ nhà đoan, thoáng thấy nhân viên nhà đoan là họ đã vứt ngay giữa đường thúng muối, thúng thuốc lá hay thúng cau mà họ đang gánh trên vai; thà mất của còn hơn là đóng thuế quá nặng. Có vùng, người An Nam buộc phải nhổ thuốc lào, chặt cau đi, để tránh khỏi bị phiền nhiễu vì các thứ thuế mới.

Nǎm ngoái, miền trung Trung Kỳ bị điêu đứng vì nạn đói. Không cứu giúp thì chớ, Chính phủ còn tǎng thuế lên 30%.

Nhiều tỉnh ở Nam Kỳ bị nạn lụt phá hoại. Người ta cấm người An Nam bàn đến việc đó và cấm tổ chức lạc quyên giúp đồng bào của họ bị nạn. Hơn nữa, trong lúc dân chúng đói khổ vì thiên tai như vậy người ta vẫn bắt dân đóng thuế như thường lệ. Để thu cho được thuế, đã xảy ra bao nhiêu vụ lạm quyền, bao nhiêu cuộc truy bức thậm tệ đối với dân bị nạn.

Ở Cao Miên, có nhiều phụ nữ khốn khổ, chân mang xiềng sắt, phải đi quét đường. Họ chỉ có một tội là không nộp được thuế.

cpv.org.vn

Advertisement

Cuộc kháng chiến

Mặc dầu bọn vua chúa ươn hèn, mặc dầu địch đang chiếm ưu thế và mặc dầu chế độ quân chủ đã làm cho dân chúng quen lạnh nhạt, bàng quan, dân chúng cũng không thể chịu ách ngoại bang mà không bền bỉ chống lại. Lúc mới thấy các tàu chiến lớn và súng ống tinh xảo thì ngạc nhiên, nhưng khi cảm giác đầu tiên ấy đã qua thì những người yêu nước An Nam liền tổ chức đấu tranh. Cuộc xâm chiếm Đông Dương bắt đầu từ nǎm 1858 mãi đến 1909 mới kết thúc. Chính trong thời kỳ này, khi nhà ái quốc Đề Thám chết thì công cuộc chống Pháp có tổ chức và có vũ trang chấm dứt. Người anh hùng dân tộc ấy cùng với một ít nghĩa quân kiên quyết của ông đã chiếm lĩnh cả một tỉnh nhỏ và đương đầu với thực dân Pháp trong nhiều nǎm. Trong thời kỳ chiến tranh ở châu Âu, nhiều cuộc bạo động đã nổ ra nhưng lại bị dẹp tắt ngay trong biển máu. Trong số các cuộc khởi nghĩa đó, cần chú ý đến cuộc nổi dậy của binh lính An Nam – binh lính sắp được đem sang Pháp – do ông vua trẻ Duy Tân tổ chức. Sau khi âm mưu bại lộ, vua Duy Tân bị phế và đày sang châu Phi.

Trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng của một dân tộc bị áp bức có nhiều hành động oanh liệt và nhiều sự hy sinh lớn, giá kể được ở đây để các bạn biết thì hay lắm, nhưng không thể nói hết được trong phạm vi nhỏ hẹp của buổi nói chuyện này của chúng ta. Vậy nên tôi chỉ có thể nhắc lại đây một đoạn hồi ký của phó đô đốc Rêvâye như sau:

“Nếu chúng ta đánh giá một người qua phẩm chất đạo đức chứ không phải qua những tri thức của người đó, thì chúng ta sẽ bớt kiêu cǎng về tính chất cao đẳng của chúng ta đối với người Viễn Đông, những người biết hy sinh một cách có ý nghĩa.

Nǎm 1862, chúng tôi được phái đi đàn áp một cuộc khởi nghĩa. Viên tư lệnh V. sai một trung uý đem quân chặn đường rút lui của nghĩa quân sau khi họ bại trận.

Mặt trời vừa lặn thì viên trung uý đem lính trở về, rất mệt mỏi, người đẫm bùn. Không thấy tù nhân, thấy nét mặt ai cũng có vẻ bối rối, chúng tôi biết ngay là cuộc chinh phạt này không kết quả. Những người An Nam dẫn đường, đầu cúi xuống, tay bị trói, đang đi giữa bốn người lính mang súng. Thân thể họ, gần như trần truồng, mang đầy vết thương. Viên trung uý bước tới trước viên tư lệnh và lúng túng nói:

– Thưa quan tư lệnh, từ sớm những người đưa đường đã dẫn chúng tôi khắp nơi, lội bùn ngập đến bụng, nhưng chúng tôi không tìm thấy một người chạy trốn nào cả.

Viên tư lệnh cho gọi hai người An Nam đến hỏi.

Hai người này là hai anh em vì họ giống nhau lắm. Chỉ có người anh trả lời những câu hỏi của viên tư lệnh:

– Chúng mày biết chỗ, chúng mày đã thú nhận rồi kia mà.

– Có, chúng tôi có biết chỗ.

– Tao đã giải thích cho chúng mày rất kỹ việc hướng dẫn lính đi tìm ở đâu và bằng cách nào rồi. Chúng mày đã khai hiểu rõ hết.

– Chúng tôi hiểu.

– Tao có nói: “Nếu chúng mày dẫn quân lính đi đúng đường thì chúng mày sẽ thoát chết; nếu đem họ đi lạc thì chúng mày sẽ bị xử bắn”, có đúng tao đã nói như thế không?

– Ông chỉ huy có nói như vậy.

– Chúng mày đã cố tâm làm lạc hướng cả đội quân trong đồng lầy.

Hai chàng thanh niên đứng im lặng.

– Lúc ra đi, tao đã nói trước rằng chúng mày sẽ bị bắn, nếu chúng mày không đưa đúng đường… Có phải như thế không? Trả lời đi.

– Ông chỉ huy có bảo như vậy, người anh cả trả lời.

– Vậy chúng mày biết trước chúng mày sẽ bị xử bắn chứ ?

– Chúng tôi đang chờ đây.

Người Nam Kỳ ấy trả lời với một thái độ chịu đựng rất thản nhiên của người á Đông. Thấy tra vấn đã xong, hai người An Nam chào đi ra.

Viên tư lệnh gọi một tên cai người Thổ Nhĩ Kỳ và bảo: “Lấy bốn lính và đem bắn hai tên tù này sau trại”.

Tên cai Thổ Nhĩ Kỳ vẫy hai người An Nam hai người này đi theo không hề ngập ngừng và cũng chẳng kêu ca gì. Một lát sau, tiếng súng nổ.

Viên tư lệnh mặt bừng đỏ, quay về phía chúng tôi nói: “Thật là anh hùng… ở Hy Lạp có lẽ người ta phải dựng tượng họ đấy, còn tôi, tôi phải bắn họ”.

Đến sáng, nhìn ra ngoài pháo thuyền, chúng tôi thấy bên bờ một tấm biển lớn đóng vào thân cây. Người thông ngôn dịch lại cho chúng tôi nghe một đoạn như sau:

“Các ông đã chiếm mất nhiều tỉnh của chúng tôi để làm giàu thêm cho đế quốc các ông, để cho thanh danh các ông càng thêm rạng rỡ. Các ông có đòi chúng tôi chuộc lại đất đai không ? Chúng tôi sẵn sàng trả, miễn là các ông đừng đánh nhau với chúng tôi nữa và đem quân trở về nước.

“Nhưng nếu các ông từ chối, chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu để tuân theo ý trời. Chúng tôi cũng có chút e ngại trước thế lực của các ông, nhưng chúng tôi sợ trời hơn sức mạnh của các ông. Chúng tôi nguyện sẽ chiến đấu mãi mãi không nghỉ. Khi không còn gì nữa, chúng tôi sẽ lấy cành cây làm cờ, làm gậy để vũ trang cho quân đội chúng tôi. Lúc đó các ông làm thế nào mà có thể sống được với chúng tôi?”.

Đây không phải là những lời nói suông: chưa có một dân tộc nào dám tổ chức kháng chiến trong một tình trạng nguy nan như thế.

Lúc phái quốc gia hấp hối, tôi bắt được một tù nhân có mang theo một khẩu súng lục. Tôi tiếc không giữ lại khẩu súng ấy. Súng làm bằng một cái ô! Tay cầm cán ô dùng làm báng súng; cán ô cắt ngắn còn chừng hai mươi xǎngtimét làm nòng súng; trên nòng có đục một lỗ nhỏ để cắm ngòi thuốc nổ.

Với những khí cụ như vậy, và sau những tai biến khủng khiếp, những người chủ trì còn lại của một dân tộc đã bị dồn đến bước đường cùng – vẫn chiến đấu chống lại quân đội phương Tây. Đôi khi họ giết một vài người chúng tôi bằng cạm bẫy, nhất là họ đã làm cho chúng tôi chết vì bệnh tật, vì phải đuổi theo họ trên những cánh đồng lầy uế khí, dưới ánh nắng gay gắt.

Có nhiều lần đuổi theo bắt những người yêu nước đó mà chúng ta thường gọi là kẻ phiến loạn, tôi cảm thấy vô cùng thương xót cho cả dân tộc ấy và cảm phục những người chỉ huy của họ, những người vững lòng tin ở công lý và có một nghị lực bất khuất.

Cuộc đại chiến kết thúc, dân tộc An Nam cũng như các dân tộc khác đã bị mê hoặc theo những lời tuyên bố rộng rãi của Uynxơn về quyền dân tộc tự quyết. Một nhóm người An Nam trong đó có tôi, đã gửi cho nghị viện Pháp và tất cả những đoàn đại biểu ở Hội nghị Vécxây một bản yêu sách sau đây:

YÊU SÁCH CỦA NHÂN DÂN AN NAM

Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Vǎn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.

Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông – Pháp, xin trình bày với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Tự do lập hội và tự do hội họp;

5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;

6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ;

Cuối bản yêu sách, chúng tôi có viết thêm rất nhiều câu ca tụng nhân dân và nhân đạo.

Nhưng sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng “chủ nghĩa Uynxơn” (59) chỉ là một trò bịp bợm lớn. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới.

cpv.org.vn

—————————-

59. Chủ nghĩa Uynxơn: Uynxơn là Tổng thống Mỹ từ năm 1913 đến 1921. Năm 1917, Uynxơn tuyên bố nước Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, đứng về phía Anh, Pháp để chống Đức. Khi chiến tranh sắp kết thúc, Uynxơn đưa ra “Chương trình 14 điểm” làm cơ sở cho Hội nghị Vécxây (1919). Nói chủ nghĩa Uynxơn là nói “Chương trình 14 điểm” đó. Thực chất của nó là chính sách đối ngoại ăn cướp của đế quốc Mỹ chống lại nước Nga Xôviết mới ra đời, lợi dụng sự suy yếu của các nước tư bản châu Âu để nâng cao địa vị quốc tế của Mỹ và tăng cường nô dịch các dân tộc bị áp bức. Nhưng nó lại được che giấu bằng những lời lẽ mị dân về “dân chủ” và “quyền dân tộc tự quyết”.

Giáo hội

Nếu có dân tộc nào phải nhớ ơn Chúa và các giáo sĩ, thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này đã sa vào tình cảnh nô lệ như ngày nay. Bước đầu, khi giúp Gia Long chiếm lấy ngôi vua, Pinhô đờ Bêhen đã làm hết cách dọn đường cho thực dân cướp nước. Cho nên để đổi lấy một ít súng ống, y đã bắt Gia Long nhượng cho Pháp những thương cảng và quân cảng sau này trở thành những cǎn cứ xâm lược của Pháp.

Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam cho đội quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp, dẫn đường cho đội quân viễn chinh và tố giác những người yêu nước. Trong thời chinh chiến ở Bắc Kỳ, nhiều tên giám mục cha cố giả danh đi làm việc thiện, đã len lỏi trong dân chúng An Nam do thám phong trào, đánh cắp kế hoạch phòng thủ thành phố và chuyển cho người Pháp. Biết rõ những vùng giàu có nhưng lại phản đối truyền đạo, đôi khi giáo hội cố ý đưa cha cố về chịu bị ức hiếp để lấy cớ can thiệp và cướp bóc nhân dân.

ở đâu có cuộc nổi dậy, có khởi nghĩa thì nơi đó cha cố biến thành mật thám, nhà thờ Chúa biến thành nơi tra khảo. Trong những buổi xưng tội, bọn cha cố chất vấn người dân quê, doạ nạt họ hoặc hứa hẹn khôn khéo với họ để lấy tin tức về phong trào và các lãnh tụ. Lễ xưng tội xong, các cha chúng ta bèn chạy đi tố cáo với nhà chức trách Pháp.

Về mặt kinh tế cũng như về mặt tinh thần, giáo hội đều tỏ ra rất xứng đáng với Chúa. Lấy danh nghĩa làm việc thiện, người ta tập trung trẻ mồ côi về Nhà chung, thí cho một bát cơm rồi bắt các em làm việc như tù khổ sai. Có những cha cố đã bán những em gái mồ côi do họ trông nom, cho những tên thích đùi non để lấy tiền tiêu. Có cha cố tuyển mộ những người thất nghiệp, đem đi khai hoang và hứa chia lợi cho họ; nhưng khi ruộng đất đã có thu hoạch thì bọn cha cố lại thẳng tay đuổi họ đi.

Để bóc lột người bản xứ, giáo hội đã dùng nhiều mánh khóe mà những thủ đoạn chính như sau:

Trong các cuộc xung đột An – Pháp, người An Nam đi lánh nạn phải tản cư sang các tỉnh lân cận. Khi họ trở về làng thì đất đai của họ đã bị chiếm đoạt. Nhân cơ hội loạn lạc, vắng chủ, Nhà chung đã cướp cả vǎn tự lẫn ruộng đất của họ.

Những nǎm mất mùa, Nhà chung cho nông dân vay tiền nhưng bắt họ phải đưa ruộng đất bảo đảm. Vì lấy lãi cắt cổ nên đến kỳ hạn người nông dân không trả được nợ, thế là tất cả ruộng nương đều rơi vào tay Nhà chung.

Những tên quan cai trị, thống đốc, toàn quyền cũng ít liêm khiết lắm. Chỉ cần nắm được ít giấy tờ bí mật về đời tư và có thể chạm đến thanh danh của họ, thì Nhà chung bèn dùng để làm tiền và đòi hỏi tất cả những điều họ muốn. Vì vậy mà một viên toàn quyền đã phải nhượng lại cho Nhà chung đến 7.000 hécta đất màu mỡ của dân bản xứ. Dân mất quyền sở hữu, bị đuổi đi và buộc phải đi ǎn xin.

Nhà chung còn mở những công ty có những số vốn khổng lồ để khai thác sinh lợi những đồn điền do Chính phủ thuộc địa cho không họ và do “con chiên” cày cấy không công cho họ. Những đồn điền của toà thánh có lúc dùng tới sáu bảy nghìn nô lệ bản xứ. Riêng ở Đông Dương, giáo hội đã chiếm mất 1 phần 5 ruộng đất, và ở Cao Miên đến 1 phần 3.

Đại tá Bécna viết: “Những điều mà người thực dân phải dựa vào Nhà nước mới làm được thì người giáo sĩ vẫn làm được cả, bất chấp Nhà nước. Bên cạnh lãnh địa của người chủ đồn điền, xuất hiện lãnh địa của Nhà chung. Rồi đây không còn rẻo đất nào cho người An Nam cư trú, trồng trọt và sinh sống nữa, nếu họ không cam chịu sống kiếp nông nô”.

cpv.org.vn

Nước An Nam dưới con mắt người Pháp

Nói về nền công lý Pháp ở Angiêri, một nghị sĩ Pháp đã viết một cách châm biếm rằng: “Pháp luật, công lý với người bản xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng lục, súng trường, đó mới là những thứ xứng đáng với lũ sâu bọ ấy!”.

Một người Pháp khác, cũng kêu lên như thế này: “ở Đông Dương cũng đúng như vậy đấy, ở đây “công lý” nằm trong tay những tên quan lại thiếu trách nhiệm, hoặc khi chúng ta phải thực hành công lý, thì bằng súng!”. Một người Pháp khác viết: “Nếu viên chủ sự viện kiểm sát xét kỹ theo đúng tinh thần pháp lý thì trong số hai nghìn đến hai nghìn rưởi biên bản lập hằng nǎm ở Bắc Kỳ, không có biên bản nào là có giá trị đối với Pari cả”.

Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt người bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ǎn cướp hay giết người. Sau đây là vài ví dụ:

Quan cai trị Bôđoanh – bị một viên chức Pháp tố cáo làm giả mạo giấy tờ – được phong chức quyền toàn quyền và được thưởng bắc đẩu bội tinh.

Quan cai trị Đáclơ – bị tố cáo ǎn hối lộ; vì sự nhũng lạm tàn bạo của ông ta mà xảy ra cuộc khởi nghĩa ở một tỉnh làm cho nhiều người Pháp và An Nam chết – lại được cử làm uỷ viên hội đồng thành phố.

Quan cai trị Buđinô – can tội tham ô, thụt tiền công quỹ và nhũng lạm – lại được tha bổng.

Kỹ sư Têa – giám đốc một hãng lớn, bị tố cáo tham ô – cũng được vô sự.

Một tên quan cai trị ở Quảng Châu Loan bị tố cáo là đã dùng nhục hình giết chết hơn hai mươi người bản xứ, lại được tha bổng.

Một tên quản ngục Côn Lôn, bị tố cáo là đã giết một cách thản nhiên một lúc hơn 40 phạm nhân, được trắng án và khen thưởng.

Ông Puốcxinhông thấy một người An Nam dám nhìn vào nhà một người Âu vài giây, đã hùng hổ nhảy ra đánh người An Nam ấy và kết liễu đời anh bằng một phát súng lục bắn vào đầu.

Một nhân viên hoả xa dùng roi mây đánh một người lý trưởng Bắc Kỳ.

Ông Bếch đấm vỡ sọ người lái xe cho ông ta.

Ông thầu khoán Brét đã trói tay một người An Nam cho chó cắn rồi dùng chân đá người ấy đến chết.

Ông Đépphi, chủ sự thuế quan, đá một cái ghê gớm vào mạng mỡ người đày tớ làm anh này chết tươi.

Ông Hǎngri, thợ máy ở Hải Phòng, nghe có tiếng ồn ào ở ngoài phố; cửa nhà ông vừa mở thì một người đàn bà An Nam chạy xộc vào, đằng sau là một người đàn ông đang đuổi theo. Hǎngri vớ lấy khẩu súng và bắn một phát. Người đàn ông ngã vật xuống chết ngay; đó là một người Âu. Hỏi đến thì Hǎngri trả lời: “Tôi tưởng nó là người bản xứ”.

Một người Pháp đem ngựa của hắn buộc vào một cái chuồng trong đó có nhốt con ngựa cái của một người dân bản xứ. Con ngựa đực lồng lên, làm cho người Pháp tức điên lên. Hắn liền đánh người bản xứ hộc máu mồm, máu mũi. Rồi hắn còn trói người ấy lại đem treo lên cầu thang.
Một giáo sĩ (vâng, một môn đồ nhân từ của Chúa) nghi cho một học sinh trường dòng người bản xứ lấy cắp của mình một nghìn đồng, bèn trói anh lại, treo lên xà nhà mà đánh. Người học sinh đáng thương ấy chết ngất đi. Họ hạ anh xuống. Khi anh hồi tỉnh người ta lại treo anh lên tra khảo. Anh ấy đã chết.

Vân vân, v.v..

Bản kê này còn có thể kéo dài không cùng.

Tất cả những tên giết người ấy đều được trắng án. Vì uy tín của người Pháp nên phải như thế đấy!

Phải nhất thiết kết án những người dân bản xứ vô tội cũng như tha bổng những người Pháp có tội.

Khi một người An Nam bị buộc tội là chống Pháp thì người ấy bị đem xử trước một toà án gọi là toà án đặc biệt. Toà án gồm mấy tên quan binh và quan cai trị đều là người Pháp cả. Toà án xử kín và có thể tuyên án tử hình. Không được chống án.

Nǎm 1908, một âm mưu ở Bắc Kỳ bị khám phá. Trong số người bị kết án, có cả đàn bà, trẻ con và cả một thanh niên mà ai cũng biết là ngớ ngẩn.
Đôi khi họ tuyên án vắng mặt người bị cáo, những án khổ sai có khi cả những án tử hình nữa; bị cáo không hề được bào chữa.

Những người bản xứ bị buộc tội về chính trị nặng hay nhẹ, nói chung đều bị bắt, kết án và đem đi đày – chung thân hay 10 nǎm tuỳ đấy. Không cần điều tra xét xử gì cả.
Sau đây là một bản trích lục án để giúp các bạn hình dung được thế nào là công lý đối với những người dân bản xứ.

Trích lục án:

Xét rằng: Những tên A, B, C, D và F đều là những nhà vǎn thân An Nam nổi tiếng, họ biết ai là kẻ phiến loạn chống Pháp nhưng họ lại cho rằng không cần phải theo dõi người ấy (không thấy nói tên kẻ phiến loạn, cũng không nói phải theo dõi người đó đến đâu?).

Xét rằng: Khi đã thấy người đó về nhà, C bèn đi mời B và A về họp bàn (bàn việc gì?).

Xét rằng: C và B và D còn tổ chức cả những hội buôn, những hội diễn thuyết và hội mặc Âu phục, cắt tóc ngắn (khủng khiếp chưa!).

Xét rằng: Tất cả những việc đó, họ đã cùng làm với nhau một lần.

Xét rằng: Trong những bài thơ của họ, có một câu có thể dịch là: “Chịu cảnh ô nhục, chịu thân cá chậu chim lồng”. (Sai. Câu thơ trào phúng chế giễu những cuộc thi cử phải dịch như sau: Nếu các ông còn đeo đuổi mãi những cuộc thi cử lỗi thời ấy, thì trong khoảng trǎm nǎm nữa các ông sẽ được nghe người ta chửi vào mặt. Khi nào thì các ông sẽ thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng ấy?).
Xét rằng: D đã cho phép học trò của anh ta hội họp (!) và những học trò ấy đã đọc câu phương ngôn: “Người trong một nước phải thương nhau cùng” (tội nặng chưa!).

Lại xét rằng: Trong các buổi diễn thuyết họ đã nói đến vấn đề mở mang trí tuệ, họ đã bàn đến những nhu cầu đời sống vǎn minh, đến việc giảm bớt những hội hè đình đám vô ích, đến lợi ích học hành, họ lại còn khêu gợi cho người nghe ý thức về chủ quyền của nhân dân và trình bày điều đó như là một nguyên lý cơ bản (của cái gì?) và gây cho mọi người ý nghĩ khinh bỉ (khinh bỉ ai?).
Xét rằng: Nếu không trừng phạt nghiêm khắc những hoạt động ấy theo đúng pháp luật, thì nhân dân không khỏi bị lôi cuốn theo những gương xấu như vậy.

Chiếu chỉ, xử tên A, B và C tử hình án treo cổ, xử đánh D và F 100 trượng (chỉ có thế thôi à!) và đày chúng biệt xứ đi xa 1.500 kilômét khỏi nước An Nam (chúng ta cần chú ý là những bị cáo không được phép tự bào chữa và họ hoàn toàn không hề biết gì cả về những lời buộc tội lẫn bản án).

Như vậy chỉ vì họ là những nhà vǎn thân danh tiếng, họ đã lập hội và diễn thuyết, họ đã ǎn mặc Âu phục và cắt tóc ngắn, họ đã công kích những việc phù phiếm, hô hào đồng bào của họ thương yêu nhau, và họ đã nói đến dân quyền mà những người An Nam ấy đã bị xử tử hình và bị đày đi biệt xứ.

Công lý nước Pháp ở Đông Dương là như thế đấy!

cpv.org.vn

Việt Nam yêu cầu ca

“Rằng nay gặp hội Giao hoà,
Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình.
Cậy rằng các nước Đồng minh,
Đem gương công lý giết hình dã man.
Mấy phen công bố rõ ràng,
Dân nào rồi cũng được trang bình quyền.
Việt Nam xưa cũng oai thiêng,
Mà nay đứng dưới thuộc quyền Lang Sa.
Lòng thành tỏ nỗi sút sa,
Giám xin đại quốc soi qua chút nào.
Một xin tha kẻ đồng bào,
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.
Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
Những toà đặc biệt bất công,
Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.
Ba xin rộng phép học hành,
Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.
Bốn xin được phép hội hàng,
Nǎm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.
Sáu xin được phép lịch du,
Bốn phương mặc sức, nǎm châu mặc tình
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trǎm đều phải có thần linh pháp quyền
Tám xin được cử nghị viên,
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.
Tám điều cạn tỏ xa gần,
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.
Riêng nhờ dân Pháp công bình,
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái sánh tầy không ai!
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do.
Rộng xin dân Pháp xét cho,
Trong phò tiếng nước, sau phò lẽ công.
Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ.
Để đồng bào lớn nhỏ được hay.
Hoà bình may gặp hội này,
Tôn sùng công lý, đoạ đày dã man.
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả,
Tiếng vui mừng khắp cả đồng – dân.
Tây vui chắc đã mười phần,
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi.
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ.
Nào Ai Lan, ấn Độ, Cao Ly,
Xưa, hèn phải bước suy vi,
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo.
Đồng bào, bình đẳng, tự do,
Xét mình rồi lại đem so mấy người.
Ngổn ngang lời vắn ý dài,
Anh em đã thấu lòng này cho chưa.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Tài liệu viết tay, tiếng Việt,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Dự thảo nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa (12-1921)

Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp vào tháng 8-1920 đã tuyên bố trong những luận cương của Đại hội về những vấn đề thuộc địa rằng:

“Đại chiến ở châu Âu và những kết quả của nó đã chỉ rõ rằng quần chúng ở những nước phụ thuộc ngoài châu Âu gắn bó với phong trào vô sản châu Âu một cách tuyệt đối và đó là hậu quả không thể tránh được do sự tập trung của chủ nghĩa tư bản thế giới…

“Quốc tế Cộng sản phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Nhiệm vụ của nó là tổ chức giai cấp công nhân toàn thế giới để lật đổ nền thống trị tư bản chủ nghĩa và thiết lập chủ nghĩa cộng sản”.

Những chỉ thị đó là cần thiết hàng đầu đối với Đảng Cộng sản Pháp, bởi vì giai cấp tư sản nước này thống trị những thuộc địa mà dân số có tới 40 triệu người.

Những thuộc địa bị các giai cấp thống trị coi là kho chứa nguyên liệu cơ bản mà để làm ra chúng, dân bản xứ bị người ta coi là những con vật kéo xe, như là nơi tiêu thụ dành riêng cho thương nghiệp chính quốc; và cũng là nguồn cung cấp cho chủ nghĩa quân phiệt binh lính cho những cuộc chiến tranh sắp tới do sự đối kháng giữa chủ nghĩa đế quốc kình địch của những nước khác nhau đang chuẩn bị.

Hàng chục nghìn người dân thuộc địa đã chết trong cuộc chiến tranh châu Âu. Hàng chục nghìn người khác còn phải làm nô lệ cho chủ nghĩa quân phiệt Pháp; trong suốt thời kỳ “hoà bình ở tình trạng chiến tranh” nó phái họ sang Đức, Xilixi, Xyri, với khí hậu độc hại nhất đến chết người đối với những con người xứ nóng ấy. Người ta đưa người chính quốc vào quân đội với danh nghĩa quốc phòng: chiêu bài này chỉ có thể dùng ở những thuộc địa mới bị thôn tính; ở đấy, người ta tuyển những người châu Phi và những người châu á bằng những lời hứa dối trá cho tiền bạc hay cho chiến lợi phẩm, bằng rượu, bằng sự chuyên chế hành chính, hoặc là (khi những phương sách đó thất bại) bằng bạo lực, khủng bố và những sự hành quyết làm gương. Qua miệng Mǎnggianh, chủ nghĩa quân phiệt Pháp khoe khoang họ sử dụng 400.000 lính bản xứ; về thực tế và bằng những phương sách duyệt thêm, nó có thể đưa lên một hoặc hai triệu người châu Phi và người châu á. Như thế, nó hy vọng có được những vật hy sinh dễ bảo hơn là công nhân và nông dân Pháp, và cũng là sử dụng được những lứa quân dịch thuộc địa, những công cụ mù quáng để áp bức và đè bẹp giai cấp vô sản châu Âu.

Ngoài sự cần thiết chống lại nguy cơ đối với phong trào giải phóng vô sản là sự can thiệp tuyệt đối của chủ nghĩa tư sản chính quốc đối với dân cư bản xứ bị ép vào trại lính, cần phải thấy được rằng trong một thời kỳ cách mạng, giai cấp tư sản sử dụng những thuộc địa làm nơi trốn tránh của lực lượng phản cách mạng hay ít nhất cũng dựa vào đấy để tổ chức ra nó. Ngay từ bây giờ chúng ta phải dự phòng sách lược này và muốn vậy chúng ta phải cố gắng tranh thủ cảm tình của quần chúng bản xứ và giáo dục họ bằng cách chỉ ra rằng những nỗi đau khổ của họ cũng có cùng nguyên nhân với đau khổ của giai cấp công nhân ở chính quốc. Đề ra nhiệm vụ này chưa phải là tất cả mà còn phải dốc lòng làm những nhiệm vụ thực tiễn phát sinh từ đó. Điều đó không dễ, vì nhiều lẽ:

a/ Thứ nhất, ở trong Đảng Cộng sản còn chưa có truyền thống vững vàng về mặt hoạt động thuộc địa. Quốc tế thứ hai gần như hoàn toàn thờ ơ với việc tạo ra ở thuộc địa phong trào đối kháng chống lại chủ nghĩa tư bản mà bằng lòng với việc đưa ra những bản tuyên bố của chủ nghĩa cải lương lập lờ và vô hiệu quả. Vậy ngày nay Đảng cộng sản phải tổ chức tất cả.

b/ Điều làm cho phức tạp và khó khǎn của sự nghiệp này cũng chính là sự khác nhau của các loại thuộc địa hợp thành lãnh thổ thuộc địa Pháp. Vì thế, những phương sách hoạt động không giống nhau và phải thay đổi theo từng nhóm thuộc địa lớn. Về đại thể, người ta có thể chia các thuộc địa làm 5 loại như sau: Bắc Phi, Tây Phi và châu Phi xích đạo, Đông Dương, Mađagátxca, các thuộc địa cũ.

c/ Một khó khǎn khác là thiếu khả nǎng tự giải phóng ở hầu hết những người bản xứ. Họ không có quá khứ cách mạng; trong nhiều thuộc địa họ quen thói nô lệ và còn chưa nhận khả nǎng tự giải thoát khỏi cảnh đó. Nỗ lực của chúng ta nhằm giải phóng họ và dắt dẫn họ, và qua đó, hành động cách mạng của chúng ta sẽ không được họ ủng hộ nghiêm chỉnh, ít ra là lúc bắt đầu ở những nước có chế độ chuyên chế độc đoán.

Bằng bất cứ cách nào những khó khǎn đó cũng không thể biện minh cho việc Đảng cộng sản từ bỏ một chính sách thuộc địa thực tế và có kết quả. Nếu chúng ta nêu ra những điều đó cốt chỉ ra ích lợi của một tổ chức đặc biệt chuyên lo tuyên truyền cộng sản thành công.

Tổ chức đặc biệt này, Ban lãnh đạo đã chuẩn bị lập một Ban nghiên cứu thuộc địa trong trụ sở Đảng.

Ban này là một cơ quan tư vấn tuyển người trong số các chuyên gia, nghĩa là những đảng viên có hiểu biết về các thuộc địa để đến đó sinh sống.

Nó có nhiệm vụ thu thập tài liệu về thuộc địa, cung cấp cho các Đại hội đảng và trong thời gian giữa hai đại hội, cho Ban lãnh đạo những kết luận có thể cho phép ra những quyết định thích hợp về mặt học thuyết, tuyên truyền và sách lược.

Ban nghiên cứu thuộc địa đã thảo một bản tường trình về tình hình hiện nay của các nhóm thuộc địa khác nhau, xác định rõ ràng những yêu cầu chủ yếu về loại kinh tế, chính trị, và xã hội mà người bản xứ cũng như người lao động chính quốc sống ở thuộc địa cảm nhận thấy. Từ sự kiểm chứng những nhu cầu đó, Ban đã rút ra những kết luận, những quy tắc sách lược thích hợp qua việc vận dụng chúng, để gây nên ở thuộc địa một phong trào đối lập chống chủ nghĩa tư bản và phong trào gây cảm tình với cộng sản.

Vì chương trình nghị sự của Đại hội Mácxây quá nặng nên báo cáo này của Ban nghiên cứu thuộc địa, đáng tiếc là không thể được xem xét và thảo luận ở đó được. Nhưng điều mà người ta có thể trông đợi ở Đại hội Mácxây, trước hết là Đại hội tán thành nguyên tắc thành lập một cơ quan đặc biệt phụ trách chính sách về thuộc địa của Đảng, tiếp đó là uỷ quyền cho Ban lãnh đạo thấy rõ: 1/ Tiếp tục và mở rộng nhiệm vụ chuẩn bị đã được khởi đầu. 2/ Trình bày ở Đại hội sau của Đảng một luận cương về thuộc địa đã được nghiên cứu nghiêm túc để Đại hội thảo luận đến nơi đến chốn sao cho từ đó Đảng có một chính sách thuộc địa rõ ràng, có phương pháp và thiết thực.

Bởi vậy, chúng tôi đề nghị Đại hội thông qua nghị quyết dưới đây:

” Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, họp ở Mácxây sau khi nghe bản báo cáo do Ban lãnh đạo thay mặt Ban nghiên cứu thuộc địa trình bày, chỉ ra sự cần thiết trong thời gian ngắn nhất phải tạo ra một phong trào đối kháng mang tinh thần cộng sản, chống chủ nghĩa tư bản và hai hình thức đặc biệt của nó là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa pháo thuyền ở các thuộc địa.

“Xét tính phức tạp của vấn đề thuộc địa, vì có sự không thuần nhất của các thuộc địa và xét sự phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội thường chậm chạp của dân bản xứ, đồng thời xét đến sức mạnh của chế độ chuyên chế hành chính mà họ là nạn nhân.

“Chuẩn y nguyên tắc lập thành một cơ quan đặc biệt chuyên nghiên cứu và sưu tập tư liệu về thuộc địa là cơ quan tư vấn, đặt dưới quyền kiểm tra của Ban lãnh đạo.

“Giao cho Ban này bằng mọi phương sách cần thiết nhằm tích cực tuyên truyền ngay từ bây giờ về thuộc địa trong khi chờ đợi một dự án hoàn chỉnh và chi tiết về hoạt động thuộc địa được thảo luận ở Đại hội tới của Đảng.

“Đặc biệt Đại hội đề nghị Ban lãnh đạo dành một mục để nghiên cứu vấn đề này trên báo L’Humanité và trong các sách, báo và ấn phẩm của Đảng.

“Đại hội đề nghị các ban nói chung, đặc biệt là các ban tồn tại ở các thuộc địa hay ở những thành phố có quan hệ thường xuyên với các thuộc địa đó cũng như những người cộng sản biệt lập thuộc mọi chủng tộc, hợp tác ngay từ bây giờ với Ban nghiên cứu thuộc địa”.

Tháng 12 nǎm 1921
BAN NGHIÊN CỨU THUỘC ĐỊA

—————————-

Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Hội Liên hiệp thuộc địa (1921)

Đồng bào thân mến,

Nếu câu phương ngôn “Đoàn kết làm ra sức mạnh” không phải là một câu nói suông,

Nếu đồng bào muốn giúp đỡ lẫn nhau,

Nếu đồng bào muốn bênh vực cho quyền lợi của bản thân mình, cũng như quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa,

Hãy gia nhập Hội liên hiệp thuộc địa.

ĐIỀU LỆ TRÍCH YẾU

Điều 2 – Mục đích của Hội là tập hợp và hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp để; soi sáng cho những người dân ở thuộc địa về tình hình mọi mặt ở nước Pháp nhằm mục đích đoàn kết họ; thảo luận và nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa.

Điều 4 – Tất cả hội viên phải đóng hội phí 3 tháng một kỳ là 9 phrǎng.

Điều 10 – Tất cả hội viên bất kỳ lúc nào, đều có thể gửi thư đến trụ sở của Hội để yêu cầu những điều lợi ích mà Hội dành riêng cho các hội viên của mình.

Điều 13 (1) – Hội sẵn sàng giúp đỡ và cứu trợ cho mọi hội viên của các nhóm đã gia nhập Hội.

Điều 14 (2) – Trong phạm vi tài chính sẵn có, Hội có thể cung cấp cho tất cả hội viên những báo chí và tài liệu có liên quan đến sinh hoạt của các thuộc địa, hoặc chuyên lo bênh vực cho các thuộc địa.

BAN CHẤP HÀNH:

Đại diện:

Đông Dương: Nguyễn ái Quốc (thợ sửa ảnh)

Đảo Rêuyniông: Báckítxô (trạng sư)

Đahômây: M.Blôngcua (trạng sư)

Goađơlúp: Giǎng Báptixtơ (nhà buôn)

Quần đảo Ǎngtiơ: Môranhđơ (nhà buôn)

Máctiních: Môngnécvin (đại diện thương mại)

Guyan: Ônôriǎng (Chủ nhiệm) , Giám đốc Hội chữ thập đỏ.

Đồng bào hãy gửi đơn xin vào hội cho Môngnécvin, 9, Phố Valéttơ, quận 5, Pari; hoặc cho Nguyễn ái Quốc, 9, Ngõ Côngpoanh, quận 17, Pari.

Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp
lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

—————————–

1)Ngay sau khi Nguyễn ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ. Nguyễn ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên.

2)Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Nǎm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đǎng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội họp, mít tinh, gửi cho Việt kiều ở Pháp và gửi về nước.

Bản truyền đơn bằng tiếng Việt của Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp

Các bạn lao động bản xứ! Những người cộng sản ở chính quốc hiểu rõ nỗi đau khổ của các bạn… Các bạn bị hai lần bóc lột: là lao động và là dân bản xứ. Những người chủ các bạn từ chính quốc đến không hành động một mình. Những người quyền thế ở nước các bạn, bọn đại địa chủ và bọn cầm đầu muốn giữ của cải và quyền hành của chúng. Để bóc lột các bạn, chúng đã câu kết với chính quyền, bọn thực dân và các công ty châu Âu… Như ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng tôi đã lập ra một Đảng Cộng sản lớn đấu tranh để giải phóng mọi người lao động.

Đảng muốn hoạt động ủng hộ những người anh em của mình ở thuộc địa. Nó đề nghị các bạn cho biết những sự đàn áp mà các bạn là nạn nhân. Nó dành cho các bạn báo chí của nó và sự giúp đỡ của những nhà hoạt động chính trị của nó. Nó đề nghị các bạn giúp đỡ nó tích cực và ở nước thuộc địa nào có chi bộ Đảng, chúng tôi mong các bạn coi đó là những cơ quan bảo vệ các bạn. Nó đề nghị các bạn đoàn kết lại giữa những người lao động ở nhà máy và nông thôn, bến tàu và có những mối quan hệ hữu nghị với những người lao động từ chính quốc tới ngày càng nhiều, họ thuộc cùng giai cấp với các bạn.

Vì nền hoà bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức.

Đǎng trên báo Nhân dân,
số 7.689, ngày 24-5-1975.
cpv.org.vn

Kiến nghị với Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Pháp (10-1922)

Nhận thấy rằng Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ IV sắp tới bàn đến vấn đề thuộc địa và việc đó phải là công tác hàng đầu của những người cộng sản Pháp, trong khi giai cấp tư sản hãm trong vòng áp bức rất nhiều nhân dân thuộc địa.

Quyết định rằng vấn đề thuộc địa sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn quốc của Đảng.

Trong khi chờ đợi, thông qua lời kêu gọi nhân dân thuộc địa do Ban nghiên cứu thuộc địa thảo và đề nghị đǎng lời kêu gọi đó trên báo L’ Humanité.

Yêu cầu các đảng bộ cộng sản ở thuộc địa tǎng cường công tác tuyên truyền và kết nạp đảng viên trong số người bản xứ và yêu cầu cử càng nhiều càng tốt những người bản xứ đi dự Hội nghị toàn quốc.

Viết vào tháng 10-1922. Đǎng báo
Nhân dân, số 7.695, ngày 30-5-1975.

———————

Theo bài đǎng báo.
cpv.org.vn

Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria (1923)

Dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra ngày một ngày hai, bạn đừng đợi gì mà chưa mua báo Le Paria và hô hào bạn bè mua nó. Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ.

Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngǎn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau.

Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới.

Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!

Viết vào đầu nǎm 1923.
Báo Nhân dân, số 7.695,
ngày 30-5-1975.
cpv.org.vn

Chương V : Những nhà khai hoá (H)

Một người An Nam, 50 tuổi, từng làm việc 25 nǎm ở sở xe lửa Nam Kỳ, đã bị một viên chức da trắng giết chết. Đầu đuôi như sau:

Ông Lê Vǎn Tài có bốn người An Nam khác giúp việc dưới quyền mình. Phận sự của họ là đóng cầu mỗi khi có xe lửa đi qua và mở cầu cho thuyền bè qua lại. Theo lệ thì phải đóng cầu mười phút trước khi xe lửa đi qua.

Ngày 2 tháng 4, hồi 16 giờ 30 phút, một người trong bọn họ vừa mới đóng cầu và treo tín hiệu xong thì một xuồng máy công đi đến; trên xuồng có một viên chức người Pháp của xưởng đóng tàu hải quân đi sǎn về. Chiếc xuồng kéo còi. Nhân viên bản xứ liền ra giữa cầu phất cờ đỏ báo cho những người trên xuồng biết xe lửa sắp chạy qua. Thế là chiếc xuồng cập vào một trụ cầu. Người viên chức Pháp nhảy lên bờ, hầm hầm đi về phía người An Nam. Anh này khôn ý chạy về phía nhà ông Tài là “xếp” của mình. Người Pháp đuổi bắt, lấy đá ném theo. Nghe tiếng ồn ào, ông Tài chạy ra, đón viên đại diện của vǎn minh, thì viên này sừng sộ mắng vào mặt ông: “Đồ súc sinh! Tại sao mày không mở cầu ra?”. Vốn không biết nói tiếng Pháp, ông Tài chỉ còn biết trả lời hắn bằng cách trỏ tay vào cái tín hiệu màu đỏ. Cử chỉ đơn giản ấy làm cho vị cộng sự của ngài toàn quyền Lông phát khùng lên. Không phân phải trái, hắn ta nhảy xổ vào ông Tài và sau khi đánh ông nhừ tử, hắn xô ông vào một đống than hồng gần đó.

Người An Nam gác cầu ấy bị bỏng một cách rùng rợn, phải chở đến nhà thương, và sau sáu ngày giãy giụa, ông đã chết.

Người viên chức kia vẫn được vô sự, không bị đòi hỏi gì cả.

Trong lúc ở Mácxây người ta trưng bày sự phồn vinh giả tạo của xứ Đông Dương, thì ở Trung Kỳ dân đang chết đói. ở đây, người ta ca ngợi lòng trung thành, thì ở bên kia, người ta đang giết người!

Trong khi tính mạng một con người An Nam bị rẻ rúng không đáng giá một trinh, thì ngài tổng thanh tra Rêna chỉ bị sướt một chút da ở cánh tay lại được lĩnh đến 120.000 phrǎng tiền bồi thường.

*

*     *

Công cuộc khai hoá người Marốc bằng đại bác vẫn tiếp diễn.

Một viên chỉ huy bộ binh Duavơ 1 đóng ở Xéttát, đã nói với binh sĩ như thế này: “Chúng ta phải diệt cho xong lũ man rợ này. Đất Marốc giàu khoáng sản và nông sản. Chúng ta, những người Pháp, những người vǎn minh, chúng ta đến đây với hai mục đích: khai hoá và làm giàu cho chúng ta”.

Viên chỉ huy ấy nói đúng đấy. Nhất là ông ta đã thành thật thú nhận rằng người ta sang thuộc địa là để cướp bóc người bản xứ. Bởi vì chỉ sau 10 nǎm đặt dưới chế độ bảo hộ, xứ Marốc đã bị người châu Âu cướp mất 379.000 hécta đất trồng trọt, trong đó 368.000 hécta đã lọt vào tay những người Pháp khai hoá. Diện tích Marốc có 815.000 kilômét vuông; nếu công cuộc khai hoá cứ tiếp tục với đà ấy thì chẳng mấy nǎm nữa, người dân Marốc khốn khổ sẽ không còn lấy một tấc đất tự do nào để trồng trọt và sinh sống trên Tổ quốc mình mà không phải chịu cái ách bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa thực dân.

cpv.org.vn

Tại Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mácxây (30-12-1921)

Từ ngày 25 đến 30-12-1921

Phiên họp sáng hôm qua đáng lẽ bắt đầu từ 8 giờ, nhưng đến giờ đó còn vắng nhiều đại biểu ở phòng họp. Vì vậy, đến 9 giờ, chủ toạ Giuynlơ Blǎng mới cho bắt đầu cuộc tranh luận về luận cương phòng thủ quốc gia.

Giuynlơ Blǎng có hai người trợ lý: Nguyễn ái Quốc (Đông Dương) và Raymông Oócliǎnggiơ (Coredơ) (1) .

Đồng chí Nguyễn ái Quốc cảm ơn Đại hội đã dành một chỗ cho các đồng chí da màu, chứng tỏ rằng đó là chủ nghĩa quốc tế chân chính.

Phiên họp buổi chiều do Barabǎng chủ toạ.

Nguyễn ái Quốc yêu cầu Đảng nghiên cứu và tổ chức một chính sách thuộc địa có tính cộng sản. Người đề nghị thành lập một ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng. Ban sẽ trình bày một bản báo cáo trước Đại hội trong nǎm tới.

cpv.org.vn