Một nghị sĩ Pháp đã nói về Angiêri: “ở trên thế giới, không có dân tộc chiến bại nào bị kẻ chiến thắng ngược đãi hành hạ bằng dân tộc thuộc địa !”. Điều ấy đúng với người “Bicô” (1) ở Angiêri và cũng đúng với người “Nhà quê” (2) ở Đông Dương. Một người Pháp khác viết: “Chúng ta trở nên đáng ghét không chịu được … Hình như chúng ta chỉ làm cho người bản xứ không ai chịu nổi sự có mặt của ta. ở châu Âu, người ta coi giống người da vàng như là chứa đựng tất cả những thói lừa lọc xảo trá. ấy thế mà chính chúng ta cũng rất ít chú ý tỏ ra là mình ngay thẳng thành thật”.
Đời sống ở thuộc địa chỉ làm những tật xấu của con người phát triển: những kẻ đã quen mùi chiến tranh lại càng không còn gì là ý thức đạo đức, càng truỵ lạc, bất lương và độc ác; bọn con buôn và những tay lưu manh khác càng thích thú cướp bóc và trộm cắp. ở bên Pháp, họ ít có dịp để làm những việc đó, và họ sợ cảnh sát hơn! ở Đông Dương nhiều khi bọn này chỉ có một mình với vài người An Nam trên một con thuyền hay trong một làng hẻo lánh nào đó, nên họ càng cướp bóc tàn bạo hơn tên cướp châu Âu ở giữa chợ búa đông người, và họ càng tàn nhẫn hơn với những người dân quê dám kháng cự lại họ.
*
* *
Tất cả những người Pháp sang Đông Dương đều nghĩ rằng người An Nam là hạng người hèn hạ hơn họ và phải làm nô lệ cho họ. Họ coi người An Nam như những súc vật phải điều khiển bằng roi vọt.
Phần đông người Pháp ở đây đã quen tự cho mình là thuộc một tầng lớp quý tộc mới, có đặc quyền.
Nhà du lịch xa lạ chưa am hiểu xứ này sẽ rất đỗi ngạc nhiên thấy người Âu, dù là binh sĩ hay thực dân, họ thường chẳng có cách đối xử nào khác với người bản xứ hơn là cách đối xử với tôi tớ của họ. Đối với họ, hình như người bồi là đại biểu cho cả chủng tộc da vàng. Phải được tai nghe người Pháp ở Đông Dương nói về người “da vàng” thì mới biết được họ khinh bỉ người ta đến thế nào. Phải được mắt thấy cách đối xử của người Pháp khi họ gặp người bản xứ, ngay cả ở những nơi người này được có quyền như họ, thì mới biết họ thô bạo đến đâu!
Người Âu nào cũng rất quan tâm đến thái độ phục tùng và cung kính của người bản xứ. Người An Nam ở thành thị cũng như ở thôn quê đều bắt buộc phải ngả nón trước mặt họ. Quá quắt hơn, người ta dùng cả đến gậy hay bắt bỏ tù người bản xứ nào sơ suất không tỏ lòng cung kính đối với họ!
Dù có kính cẩn và ngoan ngoãn đến đâu chǎng nữa, người An Nam cũng chẳng làm vừa lòng chủ mình được. Nếu phạm lỗi hay chỉ sai lầm đôi chút, họ làm sao mà giảng giải, mà phân trần nổi lòng thành thật của mình ? Nhưng nếu người Pháp nói nǎng khó hiểu thì chẳng lẽ một người da trắng lại phải tự nhận lỗi ư? Có một cách dễ hiểu nhau đơn giản hơn: đó là cái batoong. Và lúc nào người ta cũng dùng đến nó.
*
* *
Một nhân viên quân sự viết rằng: Người An Nam rất hiền lành, rất ngoan ngoãn; tuy thế, người ta chỉ nói chuyện với họ bằng những cái đá đít. Anh ta lại nói thêm: Suốt ngày người ta vác gậy và dùng sống gươm để nện người An Nam bắt họ làm việc.
Người ta đã trông thấy các viên sĩ quan hành hạ các cụ già hiền lành và túm râu thầy cúng mà kéo trong khi họ đang hành lễ.
*
* *
Ông Cuốctelơmǎng kể chuyện một cách mỉa mai: Tôi có quen một Ngài có một lối khai hoá thật đáng học tập. Khi Ngài ta ra khỏi cửa, các xe kéo, theo một thói quen như những người đánh xe ngựa ở bên Pháp, xô đến mời Ngài. Bực mình quá, Ngài nắm chắc batoong trong tay, quật vào những người culi, và thừa biết rằng những người culi khốn khổ này chẳng thể ǎn miếng trả miếng với Ngài, Ngài ta càng ra tay quật. Buổi chiều Ngài muốn đi chơi, nhưng culi xe đã biết tính Ngài, không dám lại gần Ngài nữa. Thế là Ngài lại với họ, rồi cầm cái gậy quý hoá của Ngài, quật lên lưng họ để dạy dỗ cho họ biết phải đến hầu Ngài. Ngài ấy bảo: “Vả lại, biết làm thế nào được với cái hạng người ấy, dù chúng đã gần gũi chúng mình bấy lâu nay mà vẫn chưa dám ǎn thịt quay!”. Người ta nghe thấy vô số người Pháp, và không phải là hạng kém cỏi gì đâu- lý luận như thế đấy.
… Khi “những người từng ở Bắc Kỳ” vui đùa trên tàu thì dưới mạn tàu phía bên phải có vài chiếc thuyền bán hoa quả, ốc hến. Để đưa hàng đến tận tay chúng tôi, những người An Nam buộc giỏ đựng hàng vào đầu ngọn sào rồi giơ lên. Chúng tôi chỉ việc chọn mà thôi. Nhưng đáng lẽ phải trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: những ống tẩu thuốc lá, khuy quần, mẩu thuốc lá. (Có lẽ họ làm như thế để dạy cho người bản xứ tính ngay thật trong việc mua bán chǎng!). Đôi khi, để mua vui, một anh sốp phơ nào đó hắt cả một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ. Lập tức có những tiếng rú lên vì đau đớn, những mái chèo vung lên loạn xạ để bơi tránh, làm cho những chiếc thuyền va sầm vào nhau.
Ngay phía dưới tôi, một người An Nam bị bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên, muốn lao xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm, buông tay chèo ôm lấy anh ta và ra sức đè anh ta xuống lòng thuyền. Cuộc vật lộn chưa đầy hai giây vừa kết thúc thì một thùng nước sôi nữa được hắt bởi một bàn tay chuẩn xác lại dội xuống kẻ bất hạnh. Tôi thấy anh ta lǎn lộn trong thuyền, vết thương trơ cả thịt với những tiếng kêu không còn gì là của con người nữa! Và cảnh đó khiến chúng tôi cười; với chúng tôi, điều đó có vẻ cực kỳ ngộ nghĩnh. Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!…
*
* *
Một người lính khác kể: “Trong thời kỳ tôi ở đó (Bắc Kỳ) không có tuần nào là không có vài cái đầu rơi.
Trong tất cả những cảnh tượng đó, tôi chỉ còn nhớ được một điều, là chúng ta còn tàn bạo, còn dã man hơn cả những tên cướp biển. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một kẻ bị kết án sắp phải chết? Tại sao lại có những cuộc hành hạ thể xác, tại sao phải giải những đoàn tù đi bêu khắp các làng mạc?”.
(1) Ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Nguyễn ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên. Tr. 1.
(2) Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp.
Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đăng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội họp, mít tinh, gửi cho Việt kiều ở Pháp và gửi về nước. Tr.1.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.