Thực dân Pháp đánh giá công ơn khai hoá của họ ở Đông Dương bằng những kilômét đường cái mà họ đã đắp bằng tiền và công sức của người An Nam. Song người Pháp cũng chỉ đặt đường xe lửa ở những nơi họ cần dùng để chuyên chở hàng hoá hay quân đội để đàn áp dân chúng; và đường sá đắp không phải để cho người bản xứ đi, vì những người này không có quyền tự do đi lại ngay cả đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, mà là để phục vụ cho người Âu.
Có khi họ cũng hấp tấp xây dựng những công trình xa hoa lộng lẫy, nhưng không phải để cho những người đã bỏ tiền ra, không phải để cho người An Nam được hưởng.
Tai vạ là ở chỗ phần lớn những món tiền sẵn có lại thường đem dùng vào những việc phù phiếm (các quan sứ đi chơi, đi thanh tra, v.v.) còn đường sá cần thiết cho việc khai khẩn và thông thương trong xứ thì chỉ là những vũng nước đọng lầy lội, lún sụt, không thể đi được, dù cho trâu rừng cũng chịu. Đường cái, chỉ đẹp đẽ ở xung quanh tỉnh và các toà sứ còn ngoài ra thì ít ỏi, lại đắp và rải đá rất tồi. Không có lấy một con đường đi xe được vào các vùng đồng ruộng cày cấy.
Một con đường, để nối liền hai tỉnh Nam Kỳ, dài có 34 kilômét, nhưng đã ba mươi nǎm nay, họ mới đổ được ít đất và cát mà đã ngốn hết một số tiền khá lớn, đủ để lát được suốt con đường đó, từ đầu đến cuối, một lớp bạc dày.
ở Huế, người ta có đắp một đại lộ rộng 20 mét – thật ra là vô ích – chạy thẳng từ thành đến đàn Nam giao. Con đường ấy mở qua hai làng và một nghĩa trang, khi làm phải phá hay di chuyển mất sáu ngàn ngôi mộ. Người ta chẳng chịu bồi thường hay giúp đỡ gì cho các gia đình có nhà phải phá, có cây phải chặt, có mồ mả phải khai quật lên.
ở Bắc Kỳ, việc sửa sang tô điểm thành phố làm chẳng hết mấy đồng tiền, nhưng thiệt hại lớn cho người An Nam.
Một viên đốc lý người Pháp chỉ đơn giản ra một nghị định, bắt đắp một đường phố cho dài thêm, làm cho nhà cửa thẳng hàng, phá những lều tranh và phải làm lại bằng gạch. Những người nghèo khổ không có đủ tiền để tuân lệnh phải bỏ thành phố ra đi.
Người An Nam ở gần doanh trại bị đuổi đi. Họ được bồi thường bằng những miếng đất ở phố khác để dựng lại những túp lều tranh của họ.
ít lâu sau, người ta hạ lệnh cho họ phải xây nhà gạch. Nhiều người không có giấy chứng nhận quyền sở hữu vì trước kia sơ suất không xin nên phải bỏ nhà cửa. Thế là thành phố lấy lại đất và bán lấy tiền bỏ quỹ.
Trong phần nhiều các thành phố lớn, một hội đồng thành phố gồm toàn những người Âu, tuỳ ý sử dụng công quỹ do người bản xứ đóng góp mà chẳng đếm xỉa gì đến nguyện vọng và nhu cầu của những người An Nam khốn khổ này.
*
* *
Một người Pháp tự hỏi: Có nước nào trên thế giới dám khoe như Đông Dương có nguyên liệu và nhân công rẻ mạt mà làm một đường xe lửa phải tốn phí từ 16 đến 20 phrǎng một xǎngtimét không ?
Khi làm đường hầm ở đèo Hải Vân, muốn cho công việc mau chóng, người ta đục cả hai đầu vào một lúc. Hai đoạn đục ở hai đầu vào không ǎn khớp với nhau, thành thử ra mỗi đoạn đã thành riêng biệt một đường hầm hoàn toàn. Hầm đục ngay giữa núi đá, thế mà người ta cứ phải xây thêm một lớp đá nữa ở ngoài, trát thật kỹ lưỡng làm hao tốn bao nhiêu của.
Đường Lạng Sơn, đắp để dùng vào việc bình định vùng ấy, dự trù hết có 4 triệu, nhưng làm xong tốn đến 38 triệu.
Chưa cắm được một cái mốc nào trên đoạn đường dự định làm, người ta đã cho trưng thầu cung cấp rất nhiều đường ray và nhiều vật liệu khác. Khi viên thanh tra gần tới, người ta đem chôn biến những đường ray đáng lẽ còn lâu lắm mới phải mua ấy, xuống những hố dài mấy kilômét.
Kỹ sư trù tính hết 94 triệu, nhưng khi chi tiêu lại mất đến 165 triệu.
Ông Combane, nhà thám hiểm kể trên, còn nói thêm rằng: Chỉ việc nghiên cứu để đặt đường xe lửa ở Đông Dương cũng đã tốn hết số tiền lớn có thể đủ để làm cả quãng đường ấy.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.