Những sự biến ở Trung Quốc có hai mặt: sự xung đột giữa các tướng lĩnh Trung Quốc và sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Chính mặt sau này làm cho chúng ta quan tâm hơn cả, vì nó quyết định cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt có thể đưa lại những hậu quả nghiêm trọng nhất.
Hãy thử tóm tắt lịch trình những cuộc can thiệp của nước ngoài trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân thực tế, lý do chính của sự can thiệp hiện tại.
Một số ngày tháng
1635, vua Anh gửi thư yêu cầu cho phép buôn bán ở Trung Quốc.
1830, đại sứ Anh yêu cầu cho phép nhập khẩu thuốc phiện vào Trung Quốc. Yêu cầu bị Trung Quốc bác bỏ.
1836, người Anh nhập khẩu 20.280 hòm thuốc phiện lậu vào Trung Quốc.
1839, nước Anh tuyên chiến với Trung Quốc để bắt buộc nước này phải nhận thuốc phiện.
1841, Hương Cảng bị chiếm đoạt, Trung Quốc phải bồi thường 21.000.000 đồng đôla chiến phí, trong đó 6.000.000 đồng là đền vào giá trị số thuốc phiện bị phá huỷ.
1856, nước Anh gây ra một cuộc chiến tranh mới để buộc Trung Quốc phải hợp pháp hoá việc bán thuốc phiện và mở cửa biển cho nước ngoài vào buôn bán.
1860, quân đội Anh – Pháp chiếm Bắc Kinh. Nhượng bộ: Anh – Pháp được chiếm đóng đảo Víchtôria. Bồi thường: 800 triệu lượng (1) cho Pháp và 10 triệu bảng cho Anh.
1874, Nhật Bản tấn công Trung Quốc. Nhượng bộ: bãi bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở Đài Loan, và đảo này thành thuộc địa của Nhật. Bồi thường: 50 triệu lượng.
1876, chiến tranh với Nga. Nhượng bộ: lãnh thổ bị chiếm đóng. Bồi thường: 900 triệu rúp.
1878, lại xung đột với Anh. Nhượng bộ: thừa nhận trị ngoại pháp quyền. Bồi thường: 20 triệu lượng.
1885, Pháp tấn công. Nhượng bộ: bãi bỏ chủ quyền Trung Quốc ở An Nam , nước này bị Pháp chiếm làm thuộc địa.
1895, Nhật tấn công. Nhượng bộ: Trung Quốc hết chủ quyền ở Triều Tiên. Nước này bị Nhật chiếm làm thuộc địa. Bồi thường: 20 triệu lượng.
1895, Nga, Pháp và Đức cùng tấn công. Nhượng bộ: thừa nhận quyền xây dựng đường sắt. Bồi thường: 3 tỷ lượng.
1897, Đức xâm lược. Kiều Châu bị chiếm đóng, phải thừa nhận quyền khai thác hầm mỏ.
1897, Nga xâm lược. Cửa Lữ Thuận bị chiếm.
1897, Anh xâm lược. Hải Xâm Uy bị chiếm đóng.
1898, Pháp xâm lược. Thừa nhận quyền thiết lập đường điện tín ở Hoa Nam.
1900, Can thiệp vũ trang của Anh, Nga, Đức, Pháp, Mỹ, ý, áo và Nhật (Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hoà đoàn (52) ). Quân
đội nước ngoài đóng ở Bắc Kinh và ở các cửa biển quan trọng. Bồi thường: 450 triệu lượng.
Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh thế giới, bọn đế quốc chủ nghĩa thay thế việc ǎn cướp công khai và vũ trang bằng việc ǎn cướp che đậy và ngoại giao. Chúng thông qua những cuộc hội nghị, lặng lẽ cướp bóc Trung Quốc đang ở trong tình trạng chia rẽ và bị bó tay trước bọn chúng.
1919, Hiệp ước Vécxây chuyển giao tất cả những tô giới của Đức ở Trung Quốc cho Nhật, mặc dầu chính Trung Quốc cũng là một nước đồng minh.
1922, Hội nghị Oasinhtơn thông qua việc các nước Anh, Pháp, Mỹ và Nhật nắm lấy các khoản thu nhập ở Trung Quốc và nắm các độc quyền về rượu, muối, v.v..
1923, Thông điệp của các đại sứ đòi cho Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, và Bỉ quyền quản lý các đường sắt Trung Quốc. Tháng 9 nǎm 1924, hạm đội của các cường quốc nói trên thao diễn trước Quảng Châu.
TìNH HìNH TRUNG QUốC
Chúng ta đã thấy rằng, dưới nhiều lý do khác nhau và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các nước tư bản chủ nghĩa can thiệp vào Trung Quốc trước sau cũng vẫn chỉ nhằm đi tới một kết quả là bắt nhượng đất và lấy tiền bồi thường.
Bây giờ hãy nhìn qua tình hình kinh tế và tài chính của cái nước lớn ấy, nước có một nền vǎn minh lâu đời và hiện đang là đối tượng dòm ngó của bọn chúng.
Từ nǎm 1895, Trung Quốc đã ký kết 16 hiệp ước vay mượn, mà tổng số lên đến:
902.000.000 phrǎng,
61.500.000 bảng Anh,
64.368.000 đôla,
115.000.000 yên,
1.763.000 cuaron Hà Lan.
Thuế quan, thuế chợ, tiền thu về đường sắt, lợi tức về công nghiệp, thuế rượu và thuế thuốc lá, tiền thu về bưu điện và ngân khố quốc gia, thuế muối, v.v. đều phải đem ra bảo đảm cho cái khoản vay mượn ấy.
Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy rằng hầu hết các hải cảng quan trọng, hầu hết các vị trí chiến lược, hầu hết các trung tâm sản xuất hiện đại đều bị nước ngoài chiếm đóng. Song bản đồ vẫn chưa nói được hết. Bản đồ vẫn chưa chỉ rõ được ảnh hưởng của tư bản nước ngoài lan rộng tới đâu, cũng chưa chỉ rõ được tầm đại bác của bọn đánh thuê của nước ngoài có thể bắn tới tận đâu.
Việc biến Trung Quốc Thành thuộc địa
Mặc dầu Trung Quốc rất suy nhược, mặc dầu nội bộ Trung Quốc bị chia rẽ, nhưng dẫu sao con số 11.139.000 km (2) của nó cũng vẫn là một miếng mồi quá to mà cái mõm của chủ nghĩa đế quốc thực dân không thể nuốt trôi ngay một cái được. Và không thể trong một ngày mà đẩy một cách tàn bạo 489.500.000 người Trung Quốc vào xiềng xích của chế độ nô lệ thuộc địa. Cho nên người ta cắt vụn Trung Quốc ra: cách này chậm hơn nhưng khôn hơn.
Một nguyên nhân khác làm chậm việc biến Trung Quốc thành một thuộc địa có tính chất quốc tế là sự tranh giành giữa các nước đế quốc chủ nghĩa.
Nước Pháp đã chiếm được Đông Dương, muốn xâm lược miền Nam Trung Quốc. Việc xây dựng tốn kém con đường sắt Bắc Kỳ – Vân Nam phủ là một bằng chứng về điều đó.
Nước Anh hiện chiếm được Hương Cảng, ít nhất lúc này cũng tạm vui lòng với lối nô dịch kinh tế, nó đã kiểm soát được hầu hết tất cả các nguồn sản xuất; vậy thì ích gì mà phải lúng túng về việc đóng quân trên một lãnh thổ vô cùng rộng lớn nữa? Nhưng không đời nào Anh lại chịu để cho Pháp trở thành một cường quốc thực dân thật sự ở châu á. Và bởi vì ấn Độ đã thức tỉnh đang bắt đầu gạt bỏ ách áp bức kinh tế của nước Anh, cho nên bọn hám lợi nước Anh phải tìm cách vớt bù lại ở Trung Quốc. Nước Nhật quá đông dân vẫn lǎm le chiếm lấy vài tỉnh của Trung Quốc, nhưng khi nào Mỹ lại chịu để như thế, vì nó sẽ là một mối nguy cho Mỹ. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thị trường và có thể là một đồng minh trong một cuộc xung đột với Nhật Bản.
Ý nghĩa của một cuộc can thiệp hiện nay
Trong một cuộc can thiệp hiện nay, bọn đế quốc nhằm hai mục đích. Trước hết, giành thêm những nhượng bộ mới, sau nữa – và tôi cho rằng đây là điều chủ yếu – lật đổ Tôn Dật Tiên. Chúng ta biết rằng các chính phủ lên thay nhau ở Bắc Kinh luôn luôn vẫn thực hiện có một chính sách là: bên trong thì chính sách hủ bại, bên ngoài thì khuất phục trước bọn đế quốc chủ nghĩa nước ngoài.
Trái lại, Tôn Dật Tiên, “người cha của cách mạng Trung Quốc”, người đứng đầu chính phủ Quảng Châu, thì luôn luôn trung thành với những nguyên lý của mình, ngay cả trong những lúc khó khǎn nhất. Cương lĩnh của đảng ông – Quốc dân đảng – là một cương lĩnh cải cách. Cương lĩnh đó gồm những điều khoản chống đế quốc và chống quân phiệt một cách rõ rệt. Đảng đó lớn tiếng tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và với giai cấp vô sản quốc tế. Đảng đó đồng tình với Cách mạng Nga: Thật là một tội lỗi không thể tha thứ được! Chủ nghĩa đế quốc Pháp, kẻ áp bức nhân dân Đông Dương, đang lo ngại về ông bạn láng giềng khó chịu ấy, vì những tư tưởng phá hoại của ông láng giềng cũng có thể xuyên qua biên giới và thâm nhập vào những người nô lệ An Nam của họ. Trung Quốc có biên giới chung với ấn Độ và Triều Tiên. Một nước Trung Hoa thống nhất, tự do và hùng mạnh sẽ là màn giáo đầu của một nước Triều Tiên độc lập và một nước ấn Độ giải phóng. Đế quốc Anh và đế quốc Nhật không thể không lo ngại về điều đó. Nguy cơ tuy còn xa, nhưng suy theo tính chất rộng lớn ấy, thì cũng đã là một mối nguy cơ thực tế rồi.
Chính vì thế mà ngày nay người ta đang tìm cách thanh toán Tôn Dật Tiên và đảng của ông, cũng như trước đây người ta đã tìm cách bóp chết nước Nga cách mạng vậy.
Những khả năng của một cuộc can thiệp vũ trang
Các cường quốc đế quốc chủ nghĩa theo nhau gửi tối hậu thư. Người ta huy động các hạm đội trên mặt biển Trung Quốc. Người ta tập trung tàu chiến vào cửa bể Thượng Hải và cửa sông Dương Tử. Có lẽ sẽ có một cuộc can thiệp trực tiếp chǎng? Điều đó không chắc chắn lắm. Trong cái âm mưu mới chống lại nhân dân Trung Quốc này, Anh nắm vai trò lãnh đạo. Mácđônan sẽ không dám liều lĩnh tiến hành một cuộc can thiệp ra mặt. Ông ta đành chỉ sẽ ra sức giúp cho những kẻ thù của Tôn Dật Tiên, và cái sách lược cổ truyền của chính sách nước Anh lại được tiếp tục thực hiện chờ đợi tình trạng đục nước béo cò.
Những hậu quả của việc can thiệp
Chủ nghĩa tư bản quốc tế đang điên cuồng tích luỹ. Kế hoạch của các nhà chuyên môn đang tổ chức việc nô dịch công nhân nước Đức. Ngoại giao đầy tính chất can thiệp – ngoại giao của các tuần dương hạm, như Tôn Dật Tiên nói – đang chuẩn bị nô dịch những người lao động da vàng. Việc nô dịch hoàn toàn giai cấp vô sản Đức chắc chắn sẽ dẫn tới việc nô dịch giai cấp vô sản châu Mỹ và châu Âu. Kế hoạch Đaoxơ (53) là một sự tấn công trực tiếp vào giai cấp công nhân. Việc biến Trung Quốc thành thuộc địa sẽ khiến cho chủ nghĩa tư bản kiếm được nhân công hết sức rẻ mạt, sẽ hạ thấp tiền lương ở châu Âu và châu Mỹ, sẽ củng cố thế lực tư bản. Việc can thiệp vào Trung Quốc là một cuộc tấn công trực tiếp vào giai cấp công nhân.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 67, ngày 24-9-1924.
cpv.org.vn
——————————
1) Ngay sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây, bọn bồi bút thực dân lồng lộn. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng chỉ trích bản yêu sách : “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Nguyễn ái Quốc viết bài này là để trả lời bài báo sặc mùi thực dân trên. Tr. 1.
2) Bản Yêu sách của nhân dân An Nam: Năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Ngày 18-1-1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp hội nghị ở Vécxây (Pháp). Hội nghị này (còn gọi là Hội nghị hoà bình Pari) nhằm xác định sự thất bại của Đức và các nước đồng minh của Đức, chia lại thị trường thế giới cho các nước đế quốc thắng trận, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp. Nhân danh nhóm người yêu nước Việt Nam, Nguyễn ái Quốc đã gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn ái Quốc còn thuê in thành truyền đơn, đăng trên các báo, gửi đến các nhà hoạt động chính trị có tên tuổi, phân phát trong các buổi hội họp, mít tinh, gửi cho Việt kiều ở Pháp và gửi về nước
53) Kế hoạch Đaoxơ: Kế hoạch bắt nước Đức bồi thường chiến tranh cho các nước Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Kế hoạch này do Đaoxơ, giám đốc một ngân hàng lớn của Mỹ, lãnh đạo việc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị đại biểu các nước thắng trận họp ở Luân Đôn năm 1924. Mục đích chủ yếu của kế hoạch này là dọn đường cho tư bản nước ngoài, trước hết là Mỹ, đầu tư vào nước Đức, đẩy mạnh việc khôi phục tiềm lực công nghiệp quân sự của chủ nghĩa đế quốc Đức nhằm hướng nước Đức vào con đường chiến tranh chống Liên Xô, đồng thời tăng cường chính sách bóc lột, áp bức và đàn áp phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân nước Đức.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.