Tôi có nhiều năm gần gũi, làm việc với luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông là người được sang Pháp học từ năm 13 tuổi và đã học Luật ở Đại học Aix-en-Provence, một thành phố êm đềm gần cảng Marseille. Ông ở Pháp hàng chục năm của thập niên thứ hai, thứ ba của thế kỷ trước nhưng là người luôn giữ tính dân tộc, không lấy vợ Pháp và không vào quốc tịch Pháp. Khi biết tôi nghiên cứu để viết về Bác Hồ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ giới thiệu với tôi một người bạn trẻ của ông, đó là chị Công Thị Nghĩa đang ở Pháp. Khi qua Pháp du học chị lấy tên Thu Trang, chị từng là hoa hậu Sài Gòn, hoạt động điệp báo trong lòng địch, đã bị chúng bắt bỏ tù được luật sư Nguyễn Hữu Thọ cãi trắng án trước tòa, nay là tiến sĩ sử học ở Pháp, chị cũng nghiên cứu về Bác Hồ. Tiếp tục đọc
Thư viện
Bài học về giữ vững độc lập, tự chủ ở Hội nghị Pa-ri
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam
(Nguồn: TTXVN)
QĐND – Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đầu năm 1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Pa-ri (27-1-1973/27-1-2013), bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về ý nghĩa của sự kiện này.
– Là nữ Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất tại Hội nghị Pa-ri, xin bà cho biết cảm xúc của mình khi nhận nhiệm vụ thiêng liêng nhưng cũng đầy khó khăn này?
– Khi được giao nhiệm vụ đi Pa-ri, tôi rất lo vì biết đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, hơn nữa, bản thân tôi không học qua trường ngoại giao nào. Tham gia một cuộc đàm phán tức là tham gia một cuộc đấu tranh chính trị không đơn giản. Nhưng lúc bấy giờ, tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo đã cân nhắc khi cử tôi đi làm nhiệm vụ này, chắc chắn các đồng chí đã tin tưởng và đánh giá tôi có đủ điều kiện cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Điều này đã khiến tôi tự tin lao vào công việc với rất nhiều cố gắng.
– Trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973, giai đoạn đàm phán quyết định nhất là thời gian nào, thưa bà?
– Cuộc đàm phán 4 bên ở Pa-ri nhằm mục đích tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hội nghị đã diễn ra trong hơn 4 năm 8 tháng, nhiều lúc rất khó khăn. Theo tôi, đợt đàm phán có ý nghĩa quyết định nhất diễn ra vào tháng 10-1972. Khi đó phía Mỹ, chính quyền Ních-xơn nghĩ không thể đánh bại chúng ta bằng quân sự. Vì vậy, họ chấp nhận Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra, trong đó chấp nhận rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và để vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam cho các bên của Việt Nam tự giải quyết. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền Ních-xơn đã lật lọng, ngừng đàm phán và tìm mọi cách để không chấp nhận những yêu cầu của Việt Nam, đồng thời gây sức ép để phía ta sửa đổi một số điều trong dự thảo không có lợi cho Mỹ. Mỹ muốn thực hiện các ý đồ bằng chiến dịch “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng vũ khí Mỹ nhưng dùng quân đội miền Nam Việt Nam thay thế quân đội Mỹ để thực hiện thôn tính Việt Nam.
Đỉnh điểm của sự gây sức ép là cuộc không kích bằng B-52, tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc suốt 12 ngày đêm. Nhưng, cuộc không kích của Mỹ đã thất bại nặng nề không những về mặt quân sự mà còn về chính trị, buộc Mỹ phải chấp nhận trở lại đàm phán đi đến ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
– Xin bà cho biết, đâu là nhân tố quyết định thành công của Hiệp định Pa-ri?
– Có thể nói, Hiệp định Pa-ri là kết quả của cả một cuộc chiến đấu trường kỳ suốt 20 năm của quân và dân ta. Từ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1955 ta đã bắt đầu đấu tranh, đến năm 1959, chúng ta vừa đấu tranh vũ trang đồng thời kết hợp đấu tranh chính trị. Thắng lợi đây là thắng lợi quân sự, nhưng cũng là thắng lợi về chính trị đồng thời là thắng lợi về ngoại giao. Nói đến nhân tố quyết định thì phải nói về cả một cuộc đấu tranh lâu dài và thắng lợi trên các mặt trận để đi đến thúc ép Mỹ ký Hiệp định Pa-ri.
– Theo bà, từ Hiệp định Pa-ri có thể rút ra những bài học quý báu nào cho công tác ngoại giao sau này?
– Bài học trước hết là phải giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, phải biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến trường và trên mặt trận ngoại giao – đó là bài học về độc lập tự chủ.
Bài học thứ hai là chúng ta phải hết sức kiên định với lập trường nguyên tắc và mục tiêu chiến lược của mình, nhưng trong sách lược phải biết mềm dẻo. Ví dụ, lúc đầu chúng ta đặt ra mục tiêu trong cuộc đàm phán gồm hai yêu cầu: Yêu cầu quân sự là Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam. Yêu cầu thứ hai là ở miền Nam Việt Nam phải bỏ chính quyền tay sai của Mỹ để nhân dân tự lựa chọn chính quyền của mình. Nhưng dựa trên tình hình thực tế, chúng ta đã tập trung vào một mục tiêu là Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta biết nếu Mỹ rút và chấm dứt sự can thiệp vào miền Nam Việt Nam thì vấn đề miền Nam Việt Nam ta hoàn toàn có thể giải quyết được.
Bài học lớn nữa là chúng ta biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Trong một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt với đối phương mạnh hơn nhiều lần, chúng ta đã biết tranh thủ sức mạnh đoàn kết quốc tế. Có thể nói, phong trào đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ta là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó chính là sức mạnh to lớn đã góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của dân tộc ta.
Theo TTXVN
qdnd.vn
Công tác an ninh bảo vệ Hội nghị Paris
Kỉ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2013):
Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, chưa từng có cuộc hội đàm nào kéo dài suốt 5 năm (Từ năm 1968-1973) như Hội nghị Paris. Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao nổi bật, có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là kết quả cuộc đấu trí, đấu lực kiên trì trên mặt trận ngoại giao. Tham gia vào Hội nghị Paris, có những cán bộ làm công tác an ninh và họ đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi trên bàn đàm phán.
Vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris tôi may mắn được gặp ông Trần Hữu Diệt, một trong những cán bộ Cảnh vệ tại Hội nghị Paris, người trực tiếp bảo vệ đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên đến ngày kết thúc cuộc hoà đàm lịch sử.
Ông Trần Hữu Diệt năm nay đã gần 80 tuổi, hiện là Trưởng ban liên lạc sĩ quan hưu trí Cảnh vệ. Người đầu tiên mà ông nhắc tới là Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), người được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn giao phụ trách công tác an ninh cho cả hai đoàn A và B (Đoàn A bảo vệ phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đoàn B bảo vệ phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam).
Trong số 42 cán bộ Cảnh vệ được lựa chọn kĩ càng (lần lượt trong 5 năm) đưa đi bảo vệ Hội nghị Paris, hiện chỉ còn 27 người, 15 người đã về cõi vĩnh hằng. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn nay đã trên 90 tuổi, đang sinh sống tại TP HCM; một số khác như ông Nguyễn Văn Việt ở Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Chuyền ở Bắc Ninh, ông Lê Văn Chín ở Nghệ An, ông Phạm Quý ở Bà Rịa – Vũng Tàu còn lại phần đông nghỉ hưu tại Hà Nội và đều ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Ông Diệt nhớ lại: Sau chiến thắng Mậu Thân 1968, Hoa Kỳ buộc phải tính đến việc ngồi vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp rút khỏi cuộc chiến tranh hao người tốn của, bị nhân dân thế giới và chính nhân dân Mỹ phản đối.
Đầu tháng 5/1968, chúng tôi mới được biết địa điểm đàm phán là Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp). Paris được lựa chọn sau khi xem xét nhiều địa điểm do các bên liên quan đưa ra. Đây là nơi có phong trào yêu nước mạnh mẽ của Việt kiều, trong đó nhiều người vẫn còn lưu giữ những kỉ niệm với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, luôn dành sự ủng hộ to lớn với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Pháp sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phái đoàn đàm phán của ta.
Ông Diệt nhớ lại lời Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhắc nhở anh em Cảnh vệ trước ngày sang Paris: “Công tác an ninh bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phái đoàn ta, phải xác định dựa vào sức mình là chính, đồng thời phải làm tốt công tác ngoại giao, vận động kiều bào”.
Mới đầu, ta thuê khách sạn Lutestia (quận 6, Paris) để đoàn Chính phủ ta sinh hoạt. Đây là một khách sạn sang trọng, anh em phấn khởi nghĩ là an toàn nhưng khi kiểm tra an ninh ta phát hiện có đến 16 máy nghe trộm ở nhiều chỗ trong các phòng; riêng phòng của đồng chí Xuân Thủy, Trưởng đoàn đàm phán có tới 6 cái! Thật là nguy hiểm. Tất nhiên ta không thể chuyển ngay địa điểm đến nơi khác một sớm một chiều mà phải lập tức có biện pháp đối phó. Từ đó bộ phận Cảnh vệ tham mưu cho đồng chí trưởng đoàn đề ra qui định: Tất cả mọi người không được trao đổi công việc tại phòng riêng, muốn trao đổi phải viết ra giấy rồi hủy luôn hoặc đến cơ quan Tổng đại diện nước ta ở phố LeVerrer để giữ được bí mật. Khi cần thiết phải đi ra vườn trao đổi…
Ông Trần Hữu Diệt (thứ hai từ trái sang), người đã tham gia bảo vệ phái đoàn ta tại Hội nghị Paris. Ảnh: Duy Hiển.
Nhận thấy ở khách sạn Lutesia không thuận tiện cho công tác bảo vệ an ninh, hơn nữa giá thuê rất đắt nên đồng chí Phan Văn Xoàn báo cáo và đề nghị đồng chí Xuân Thủy chuyển địa điểm. Nhân một chuyến đoàn ta đến chào Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, đồng chí Xuân Thủy đã đề nghị và được đồng chí Tổng Bí thư đảng bạn nhiệt tình giúp đỡ, mời đoàn ta về lưu trú tại trường Đảng mang tên Maurice Thoresz (ở Choisy Le Roy, ngoại ô Paris).
Trường này có đủ phòng làm việc, phòng ăn, phòng nghỉ. Các đồng chí cộng sản Pháp đã dành mọi sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả, cử 10 người bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ… Thị trưởng sở tại cũng cử Cảnh sát thường trực cùng bảo vệ với ta suốt ngày đêm và một đội môtô hộ tống đoàn ta khi di chuyển.
Chúng tôi đến nơi ở mới gần được một tháng thì đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Đoàn đàm phán được Chính phủ ta cử sang Paris. Đồng chí đi kiểm tra thực địa và tỏ ý hài lòng, cảm ơn Đảng Cộng sản Pháp. Đồng chí nhắc lãnh đạo đoàn ta cần có một phòng bảo mật. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cố vấn đặc biệt, bộ phận kỹ thuật chỉ trong 3 ngày đã xây dựng xong một phòng đạt tiêu chuẩn, chống được nghe trộm.
Nơi họp chính là ở Trung tâm hội nghị quốc tế thường diễn ra có 4 bên dự gồm: Hoa Kỳ; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Việt Nam Cộng hòa, nhưng các đoàn đều có một địa điểm riêng để họp kín. Đối với đoàn ta, nhờ một Việt kiều là ông Lê Ủy tìm thuê được một ngôi biệt thự 2 tầng xinh xắn ở phố Darthe thuộc thị xã Choisy Leroi. Đây là phố nhỏ ít người qua lại nên đảm bảo được yếu tố bí mật.
Trong số 45 cuộc họp kín tại đây, đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Hariman (trưởng đoàn Mỹ) với Bộ trưởng Xuân Thủy vào đêm 30/10 rạng sáng 31/10/1968. Trong cuộc gặp, ông Hariman thông báo với Bộ trưởng Xuân Thủy: Trong vòng 24 giờ tới, Tổng thống Mỹ Johnson sẽ ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá trên toàn miền Bắc Việt Nam, yêu cầu ta giữ bí mật thông tin này cho đến khi Tổng thống đọc xong bài diễn văn. Để đảm bảo bí mật, ta trao đổi với an ninh Mỹ tất cả hai đoàn đến địa điểm họp mặt đều đi xe dân sự, không có xe cảnh sát Pháp dẫn đường. Ông Hariman và an ninh Mỹ chấp nhận đề nghị này và tỏ ra tâm đắc với sáng kiến của phía Việt Nam.
Ngày 31/10/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ ngày 1/11/1968. Sang đầu năm 1969, Hội nghị 4 bên mở ra, có hiện diện của đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, ông Dương Đình Thảo, ông Trần Bảo Kiếm… đại diện của Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam lần lượt sang Paris. Công tác Cảnh vệ lại thêm nhiệm vụ mới, số người phải bảo vệ được tăng thêm nhưng số sỹ quan Cảnh vệ vẫn như cũ.
Một trong những khó khăn của công tác bảo vệ là sự đeo bám của phóng viên báo chí đối với đoàn ta, vì một số báo chưa hiểu rõ tình hình, vẫn tỏ ra thiên vị phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Một số tờ báo cho rằng Mặt trận giải phóng là “bóng ma Việt cộng”, là “tay sai cộng sản Bắc Việt”… Nhưng khi hội nghị chính thức mở ra, với sự khôn khéo của hai trưởng đoàn ta và các thành viên trong đoàn, dần dần ta đã “thu phục được nhân tâm”.
Chuyện bảo vệ trên đường cũng lắm tình huống gay cấn. Paris thời đó cũng đã có tắc đường nhưng dĩ nhiên không căng thẳng như Hà Nội bây giờ. Để đưa Đoàn đến địa điểm đúng giờ họp, chúng tôi thường cho người đi tiền trạm, thấy không tắc đường mới bàn với cảnh sát Pháp cho xe dẫn. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả, nên phía bạn cũng rất vui vì họ cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng có lần xảy ra sự cố, do đường vắng nên xe cảnh sát dẫn đường chạy tốc độ cao. Hôm đó đoàn ta đi dự buổi họp do kiều bào ta tổ chức ở nhà Tương tế khu phố La – tinh. Lúc 24h đêm cuộc họp mới kết thúc, xe cảnh sát dẫn đoàn về nơi ở. Do tốc độ nhanh một xe cảnh sát đâm vào một xe ôtô khác khiến viên lái xe dẫn đường chết ngay tại chỗ. Hôm sau đoàn ta cử cán bộ mang vòng hoa đến viếng chia buồn. Người vợ cảnh sát lái xe rất xúc động nói: “Chồng tôi hy sinh là sự mất mát lớn đối với tôi và gia đình nhưng cũng góp một phần nhỏ vào cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam”. Tình cảm đó đến nay chúng tôi còn nhớ mãi.
Đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Thắng lợi ngoại giao lịch sử này có phần đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ nói riêng và lực lượng CAND nói chung
Văn Chấn
cand.com.vn
Pa-ri ngày ấy, lẩy Kiều sang Xuân
(ĐCSVN) – 40 năm về trước, nhân dân ta đón Tết Quý Sửu trong niềm vui hân hoan: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết trước Tết ít ngày. Những kỷ niệm về cái Têt đáng nhớ vào mùa Xuân năm 1973 vẫn còn in đậm trong tâm trí những người Việt Nam khao khát hoà bình, nhất là những người tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán lịch sử. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Hà Đăng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27/1/1973) – (Ảnh chụp từ triển lãm)
Tết Qúy Tỵ năm nay 2013 gợi nhớ Tết Qúy Sửu 40 năm về trước. Năm ấy, Tết đến đúng bảy ngày sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (Hiệp định ký ngày 27-1-1973 và Tết Qúy Sửu là ngày 3-2 năm đó). Là thành viên Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị, tôi có mặt tại Pa-ri từ cuối năm 1968. Bốn năm liền chúng tôi ăn Tết trên đất Pháp. Qúy Sửu là tết thứ 5. Cái Tết đặc biệt thú vị. Cái Tết hòa bình đầu tiên của nhân dân ta sau hàng chục năm đấu tranh gian khổ.
Trước mắt chúng tôi vẫn còn công việc chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế được triệu tập sau đó một tháng để ký Định ước quốc tế về Việt Nam (2-3-1973). Sau đó nữa là Hội nghị hai bên miền Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chính quyền Sài Gòn) để giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ miền Nam.Dẫu sao vẫn phải ăn Tết cái đã. Hẵng để cho đầu óc các nhà đàm phán thư giãn mấy hôm.
Một ngày giáp Tết, Bộ trưởng Xuân Thủy cùng một số anh chị em trong Đoàn VNDCCH đến trụ sở Đoàn miền Nam ở Verie Lơ Buytxông chúc tết Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và anh chị em Đoàn chúng tôi. Công khai nói như vậy, thật ra anh Xuân (Xuân Thủy) đến với chúng tôi như người anh cả trong nhà. Anh chúc Tết theo kiểu nhà thơ, nghĩa là nói chuyện thơ, chuyện văn, chuyện đời.
Không nhớ câu chuyện bắt đầu như thế nào mà chị Hai (tên gọi thân mật chị Nguyễn Thị Bình) bỗng nhắc đến anh Sáu (Lê Đức Thọ) và anh Xuân trong lần gặp trước – cũng ở Verie Lơ Buytxông sáng ngày 27-11-1972. Hồi đó, một đợt đàm phán mật giữa Lê Đức Thọ – Xuân Thủy với Kit-xinh-giơ kéo dài liền một tuần mà vẫn chưa ngã ngũ vì Mỹ đòi sửa đổi quá nhiều điều trong Hiệp định đã thỏa thuận ngày 20-12-1972. Chị Hai nhắc lại: “Hồi đó chúng tôi bực quá và cũng sốt ruột quá. Nhưng anh Sáu đã có lời dặn rất đúng: Dằn lòng chờ đợi ít lâu. Chầy ra thì cũng năm sau vội gì. Cứ tưởng năm sau thì cũng phải dài dài, hóa ra mới chỉ hai tháng, tháng Giêng năm nay đã ký được Hiệp định”
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng để nổ ra một trận cười sau đó, nếu không có sự hiểu lầm về từ ngữ. Chữchầy ra mà anh Sáu Thọ phát âm kiểu miền Bắc một số anh chị em miền Nam lại hiểu là trầy da. Ừ nhỉ, cótrầy da tróc thịt, có B52 giội bom vào Hà Nội đi nữa thì ta vẫn cứ thắng và ký được Hiệp định năm sau vội gì! Tôi bình luận: Cái chữ ra mà cứ đọc thành da thì ai mà chẳng nhầm. Chẳng thế mà người ta bảo Thúy Kiều bật đèn xanh cho Kim Trọng làm mọi thứ, miễn là chỉ ngoài da. “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”
Anh Xuân cười hóm hỉnh: “Cậu nói giống hệt như mấy ông miền Nam ở tù với tôi tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa. Các ông ấy cứ đem chữ ngoài da ấy mà bảo chúng tôi xuyên tạc Nguyễn Du. Còn tôi thì nói, cái câu “Thuyền tình vừa ghé đến nơi. Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ”, cứ thử ghép từ miền Nam vào thì thành ra “ghe mèo vừa tấp tới chỗ”, vậy còn ra cái thi tứ gì!
Tôi giả vờ ngây ngô: “Có những câu Nguyễn Du nói, người Nam không hiểu lầm, người Bắc cũng không hiểu lầm, nhưng chẳng ai cãi được. Nguyễn Du bảo Thúy Kiều có mang đấy!”. Và tôi đọc: “Đầy sân gươm tuốt sáng lòa. Thất kinh nàng chửa biết là làm sao” (lúc Kiều chứng kiến cảnh hành hung của bọn Khuyển Ưng, Khuyển Phệ). Tôi nhấn mạnh hai chữ thất kinh và nàng chửa, làm như sau chữ chửa có một dấu phảy vậy. Khác nào nói Kiêu đã mất kinh và có thai. Chị Hai suỵt một tiếng: “Cái ông Đăng này cứ như vậy thì cả ngày không xong. Thôi, để anh Xuân làm thơ đi”.Anh Xuân không làm thơ lúc ấy. Đã có mấy câu thơ mà anh ứng khẩu đọc trong cuộc gặp ngày 27-12-1972:
Vật lộn hôm nay thắng một keo
Anh hùng Nam Bắc biết bao nhiêu
Ngoài trời sương lạnh trong lòng ấm
Hớn hở vui chung đĩa bánh xèo.
Bánh xèo là do anh chị em Đoàn miền Nam làm để thết các anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy khi sang thăm chúng tôi.
Cho đến tối 3 tháng Hai 1973, tối mồng Một Tết Qúy Sửu, kiều bào ta ở Pháp tổ chức ngày hội mừng Xuân, mừng thắng lợi vừa giành được, Bộ trưởng Xuân Thủy mới đọc mấy câu thơ vừa sáng tác:
Xuân Bảy ba đậm đà thắng lợi
Xuân bay lên phơi phới trời xanh
Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh!
Chào chiến sĩ, Chào nhân dân! Chào tình bốn biển!
…Hăm bảy tháng Giêng, ngày mừng chữ ký
Giữa Pa-ri lộng lẫy sắc cờ ta…
Đồng chí Xuân Thủy đối với tôi, là người Thầy về nhiều mặt. Nhưng trong cuộc sống thương ngày, anh coi chúng tôi như em. Ở Pa-ri, đàm phán gay go là thế mà anh vẫn làm thơ, lại còn làm thơ nhiều nữa là khác. Và mỗi lần làm xong một bài thơ, anh đều cho đánh máy mấy bản, gửi cho những anh em gần gũi nhất góp ý. Tôi là một trong số đó. Thật ra chúng tôi chẳng có ý gì để góp ngoài việc nêu lên cảm nhận của mình. Đồng chí Trường Chinh từng gửi thư cho anh:
Mỗi tuần một trận đấu gay go
Mấy tháng chưa xong một ván cờ
Nắm vững phương châm giành thắng lợi
Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ.
Không ai trong chúng tôi không biết là từ những ngày bị giam ở ngục Sơn La, Xuan Thủy đã là chủ bút tờ báo Suối reo và nổi tiếng với mấy câu thơ:
Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo.
Giam người, khóa cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do.
Chúng tôi cũng biết cái tên Xuân Thủy là lấy từ hai chữ đầu của một câu đối dán trên hiệu thuốc Đông y do nhà thơ mở ở Phúc Yên để làm nơi liên lạc với cách mạng từ năm 1934:
Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát
Thủy bát ba lan tứ hải bình
(Xuân về muôn ngàn hoa đua nở
Nước lặng song tan bốn biển yên)
Ở Pa-ri, tôi làm công việc soạn thảo các bài diễn văn chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời. Các bài diễn văn ấy, đều được sửa đi sửa lại nhiều lần qua ý kiến đóng góp của các đoàn viên Đoàn miền Nam. Nhưng cuối cùng vẫn phải đưa lên các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy duyệt, mà Xuân Thủy là chủ yếu. Anh không sửa nhiều nhưng đã sửa chỗ nào là đích đáng chỗ ấy.
Viết diễn văn đàm phán, quả là làm dâu trăm họ. Dự thảo đưa ra, khen ít, chê nhiều. Trong Đoàn, chín người mười ý. Có lần tôi đem nỗi khổ của cái kiểu “làm văn tập thể” ấy giãi bày với đồng chí Xuân Thủy. Anh tủm tỉm trao cho tôi một nụ cười đầy thông cảm:
Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi
Viết đi viết lại vẫn chưa rồi
Người giao anh viết: Anh là Thánh
Anh viết, người chê: dở nhất đời!
Tôi không nhớ trong số 174 bài diễn văn của Trưởng đoàn ta, tương ứng với 174 phiên họp của Hội nghị bốn bên, tôi đã trực tiếp đảm trách bao nhiêu bài và bao nhiêu bài đã được đồng chí Xuân Thủy duyệt. Bởi viết diễn văn không chỉ mình tôi, và anh Xuân Thủy không phải lúc nào cũng có mặt ở Pa-ri.
Chỉ biết rằng vào cái ngày giáp Tết Qúy Sửu ấy, anh Xuân và chị Hai tuy có thấy tôi tếu táo trong việc lẩy Kiều để vui chung nhưng chưa bao giờ ngờ cái tâm ngay thẳng của tôi trong công việc. Lòng tôi lúc nào cũng tâm niệm di ngôn của đại thi hào Nguyễn Du:
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!
Hà Đăng
dangcongsan.vn
Con đường không rải hoa
Đúng 11h ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại phòng khánh tiết Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris, Thủ đô Cộng hòa Pháp) với bốn vị Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Hoa Kỳ (William P. Rogers) và Việt Nam Cộng hòa (Trần Văn Lắm). Quân đội Mỹ đã bắt buộc phải chấp nhận rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện…
Hành trình tất yếu
Mặc dù có ưu thế nhân lực, vật lực hơn hẳn so với chúng ta nhưng Washington đã không thể nào đè bẹp được những nỗ lực vô bờ bến của nhân dân ta chống lại quân xâm lược. Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, Nhà Trắng càng hiểu rõ thêm rằng, lực lượng viễn chinh Mỹ ở Việt Nam cùng quân đội Sài Gòn sẽ không thể bao giờ giành được chiến thắng quân sự ở dải đất hình tia chớp này.
Trong tập hồi ký “Gia đình, bè bạn và đất nước” do Nhà Xuất bản Tri Thức vừa ấn hành vào nửa cuối năm 2012, bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của chúng ta trên khắp chiến trường miền Nam khiến Mỹ phải bắt đầu nhận ra rằng, họ không còn khả năng thắng một nhân dân đã quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập tự do và thống nhất đất nước; họ đã phải tính đến việc xuống thang chiến tranh, buộc phải nghĩ đến một giải pháp chính trị để rút khỏi cuộc chiến vô vọng này, tất nhiên vẫn muốn có được một giải pháp trên thế mạnh. Còn về phía chúng ta, chúng ta cũng đã thấy đến lúc có thể triển khai tiếp cuộc chiến đấu dưới hai hình thức, vừa đánh vừa đàm”.
Sự dính líu trực tiếp của Washington vào cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm cho đại đa số những người dân Mỹ cảm thấy thất vọng. Đầu năm 1969, một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành cho thấy, chỉ có khoảng 29% số người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ chiến tranh ở Việt Nam. Chính vì thế nên ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson, người từng tăng số binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam lên tới gần 540 nghìn tên và vì thế, khiến cho lực lượng này phải chịu những thương vong rất đáng kể, đã phải xuống thang và tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra sau khi tiết lộ rằng ông ta sẽ không ra tái tranh cử Tổng thống thêm một lần nữa. Đồng thời, ông này đã cử người đi đàm phán với đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Paris. Đáp lại, ngày 3/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà cũng đã tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện của Mỹ.
Địa điểm được chọn để tiến hành các cuộc đàm phán tương lai là Paris. Bộ Chính trị Đảng ta đã cử hai nhà lãnh đạo cao cấp là đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy trực tiếp tiến hành đàm phán ở Paris (đồng chí Lê Đức Thọ làm Cố vấn Đặc biệt, còn đồng chí Xuân Thủy, với cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, là Trưởng phái đoàn).
Hội nghị Paris về Việt Nam đã là một cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao quốc tế thời hiện đại. Cuộc đàm phán đầu tiên đã được tổ chức ngày 13/5/1968, thoạt tiên chỉ có sự tham gia của hai phái đoàn từ Washington và Hà Nội sang. Do lập trường kiên quyết của chúng ta, phía Mỹ đã bắt buộc phải mở rộng thành phần tham gia đàm phán. Tới tháng 11/1968 đã diễn ra một cuộc họp trù bị khá đơn giản để thống nhất một số thủ tục kỹ thuật cho quá trình đàm phán bốn bên. Phiên họp chính thức đầu tiên với sự tham gia của bốn phái đoàn diễn ra ngày 25/1/1969 tại phòng họp của trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber nằm cách Khải Hoàn môn khoảng 100m, tức là ở chính giữa Paris…
Cũng theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình, trên bàn đàm phán, các “cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn chúng ta nhằm vào Mỹ phê phán, lên án. Còn Mỹ thì tránh né, đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng…”.
Ở thời điểm này, nước Mỹ đang nằm trong bàn tay chèo lái của vị Tổng thống mới là Richard Nixon. Ông này vừa ngồi chưa ấm chỗ trong Nhà Trắng đã đưa ra học thuyết “đổi màu da trên xác chết” trong chiến tranh Việt Nam. Để dằn mặt đối phương và tìm thêm thế mạnh cho các cuộc đàm phán, ngày 17/3/1969, ông ta đã mở rộng chiến trường bằng một lệnh ném bom xuống lãnh thổ Campuchia, nơi mà Washington cho là xuất phát điểm của các tuyến tiếp tế cho bộ đội chúng ta. Tuy nhiên, vũ lực đã không mang lại cho Nhà Trắng những ưu thế trên chiến trường mà chỉ làm dư luận nhân dân Mỹ thêm phần phẫn nộ. Vì thế nên tới ngày 8/6/1969, Nixon đã phải tuyên bố cho rút bớt quân Mỹ về nước từ tháng 7 năm 1969. Và ông ta đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ cái gọi là thiện chí hòa bình. Và ngày 25/8/1969, Bác Hồ trong thư trả lời Tổng thống Mỹ đã nêu rõ, nếu mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng, thì “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài… Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.
Quang cảnh Hội nghị Paris.
Bước ngoặt quan trọng
Các hoạt động thương lượng ngoại giao bao giờ cũng là sự đồng vọng với những diễn biến trên chiến trường. Hội nghị Paris về Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đó là một diễn đàn đấu tranh chính trị theo nhịp điệu tiếng súng vang lên trên chiến trường. Và trong giai đoạn đầu, khi giữa ta và địch còn ở thế giằng co, thì các cuộc đàm phán tại Paris, nói theo cách của bà Nguyễn Thị Bình, tiếp tục vẫn là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Ngay cả những cuộc gặp riêng, bắt đầu từ ngày 21/2/1970, giữa Cố vấn Đặc biệt Lê Đức Thọ với Cố vấn An ninh Mỹ Kissinger trong suốt một thời gian cũng không dễ dàng dẫn tới được các thỏa hiệp mong muốn. Các cuộc gặp riêng bí mật này cũng vẫn mang tính chất đấu trí và đấu khẩu gay gắt như trong quá trình diễn ra đàm phán công khai.
Đến giữa năm 1972, Washington mới thực sự ngấm đòn từ những thiệt hại trên chiến trường vì những thử nghiệm “thay đổi màu da trên xác chết” đã bị thất bại thảm hại trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang đất Lào của quân đội Sài Gòn cũng như ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, chính quyền Nixon vẫn ngoan cố không chịu nhận ra ngay con đường sáng mà vẫn tiếp tục tìm mọi cách để vừa đánh lừa dư luận trong nước về một thiện chí hòa bình nào đó ở phía họ, vừa muốn dùng vũ khí để đánh gục ý chí của dân tộc ta. Chính vì thế nên ngày 24/3/1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 8/5/1972, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy với ông Kissinger, Nixon tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thả mìn cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, lạch, trên vùng biển phong toả miền Bắc Việt Nam…
Tuy nhiên, Mỹ đã không thể đè bẹp được ý chí của nhân dân Việt Nam bằng bom đạn và chết chóc. Chính vì thế nên ngày 13/7/1972, Washington đã buộc phải chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên tại Paris. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng xác định đây là thời điểm để có thể tỏ ra mềm dẻo dẫn tới những thỏa thuận có thể chấp nhận được. Ngày 11/9/1972, lần đầu tiên kể từ khi Kissinger bắt đầu hội đàm bí mật với Hà Nội vào tháng 8 năm 1969, phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thôi đưa ra “giải pháp cả gói” (Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và xóa bỏ chính quyền do họ dựng lên tại đây) và gợi ý rằng có thể sẽ chấp nhận một cuộc ngừng bắn tại miền Nam Việt Nam mà không cần loại bỏ chính quyền Sài Gòn. Đó đã là sự khai thông cho những bế tắc trên bàn hội nghị…
Tới ngày 12/10/1972, sau những tranh cãi được đánh giá là nảy lửa, Cố vấn Đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Mỹ Kissinger đã cùng đi đến một bản nháp hiệp định gồm 9 điểm. Nội dung đó chưa đầy đủ nhưng nó đã tạo được một bước đột phá lớn. Dự thảo đã tách các vấn đề thuần túy quân sự ra khỏi các vấn đề chính trị, cho phép một cuộc ngừng bắn tại chỗ, sự rút quân đội Mỹ và đồng minh nước ngoài về nước, sự trao trả tù binh Mỹ trong vòng 60 ngày, và thiết lập một qui trình mà qua đó người Việt Nam sau đó sẽ tự quyết định tương lai của mình…
Đã có dự định là tới ngày 30/10/1972 sẽ chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, mọi sự đã không diễn ra như thế vì thái độ lật lọng của chính quyền Mỹ sau khi Nixon biết được kết quả bỏ phiếu đã mang lại cho ông ta thêm một nhiệm kỳ nữa trong Nhà Trắng. Và con người nhẫn tâm và tráo trở này đã cho tiến hành một đợt không kích dữ dội và đẫm máu bằng cả pháo đài bay B52 kéo dài suốt 12 ngày ở Hà Nội, nhằm buộc chúng ta phải quỳ gối chấp thuận những điều kiện ngặt nghèo hơn của Mỹ trên bàn hội nghị. Thế nhưng, Nhà Trắng đã hoàn toàn thất bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội những ngày tháng Chạp năm 1972. Huyền thoại B52 bị phá bỏ, 30 chiếc bị bắn hạ. Dư luận quốc tế đồng thanh lên án hành động tàn bạo này của Mỹ… Và thế là tới ngày cuối cùng của tháng 12 năm đó, Washington đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Paris theo phương án đã ký tắt hồi tháng 10 với một vài sửa đổi nhỏ có tính kỹ thuật…
Kết thúc một hành trình gian khó, không rải hoa. Và lễ ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã diễn ra ngày 27/1/1973 tại Paris. Bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Mọi người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng…”
Theo http://antgct.cand.com.vn
Huyền Trang (st)
40 năm ký kết Hiệp định hòa bình Pa-ri (27-1-1973/27-1-2013)
QĐND – LTS: Giô-dép A.Am-tơ là một luật gia ở Đen-vơ, bang Cô-lô-ra-đô, Mỹ, người đã có một thời gian dài quan tâm đến công tác đối ngoại và hòa bình quốc tế. Am-tơ đã thành lập tổ chức “Quỹ tổ chức nghiên cứu hòa bình” và nhiều năm làm giám đốc tổ chức này.
Một gia đình người Việt Nam ở phố Khâm Thiên để tang người thân bị B-52 Mỹ giết hại. Ảnh: Corbis
Năm 1965, theo yêu cầu của Tổng thống Giôn-xơn, Am-tơ làm đồng chủ tịch các cuộc hội nghị Nhà Trắng nghiên cứu về sự cộng tác quốc tế để “tìm kiếm, thăm dò, suy xét và thảo luận mọi con đường có thể có để đưa đến hòa bình”. Theo Am-tơ, ông vô cùng thất vọng vì Tổng thống Mỹ không cho phép hội nghị thảo luận chính sách của Nhà Trắng đối với Việt Nam.
Qua cuốn “Lời phán quyết về Việt Nam”, Am-tơ cố gắng giải thích sự việc, không đưa những ý kiến cá nhân, mà chỉ nêu những kết luận qua tài liệu nghiên cứu tham khảo trong những năm làm việc tại Nhà Trắng.
Cuốn sách “Lời phán quyết về Việt Nam” ngoài lời mở đầu, gồm 4 phần lớn: Sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam; Cuộc chiến tranh của Giôn-xơn; Cuộc chiến tranh của Ních-xơn; Thảm họa Việt Nam. Cuối cùng là phần kết ngắn: Lời phán quyết của một công dân Mỹ (cũng chính là tác giả).
Nhân dịp 40 năm ký kết Hiệp định hòa bình Pa-ri (27-1-1973/27-1-2013), Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xin trích dịch một phần trong cuốn sách trên đây, nhằm cung cấp thêm một góc nhìn về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam nói chung và khuôn khổ Hiệp định hòa bình Pa-ri nói riêng.
Kỳ I: Kế hoạch “giành chiến thắng”
Vì Ri-chát Ních-xơn công bố “hòa bình đã ở tầm tay” nên ông ta theo đuổi kế hoạch giành thắng lợi hoàn toàn bằng một cuộc tiến công không quân dã man nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh chống Bắc Việt Nam, cố gắng buộc Hà Nội đầu hàng. Ngày 20-11-1972, sau khi cuộc bầu cử đã xong xuôi, Kít-xinh-giơ đồng ý gặp lại ông Lê Đức Thọ. Trong lúc đó, Mỹ tập trung cung cấp cho Sài Gòn mọi vũ khí có thể. Mỹ gửi cho tướng Thiệu một số lượng vũ khí lớn, gồm xe tăng, máy bay lên thẳng, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu. Việc cung cấp vũ khí mà chẳng bao lâu rơi vào tay quân Bắc Việt Nam, tốn của Mỹ nhiều tỷ USD và làm yếu các căn cứ khác của chúng ta trên thế giới. Trong khi đó, quân đội Sài Gòn lại nổi lên “với lực lượng không quân lớn thứ tư trên thế giới, với hơn 2000 máy bay, tuy rằng, phi công của họ chưa được kiểm tra để bay một số các máy bay tinh vi hơn”.
Chính quyền Ních-xơn cố gò ép toàn bộ chương trình viện trợ quân sự của cả năm tới cho quân đội Sài Gòn chỉ trong một vài tuần lễ, trước khi hiệp định hòa bình có thể đạt được.
Kế hoạch In-han-xơ Plớt là một hoạt động trọng yếu cho chiến lược Ních-xơn và Kít-xinh-giơ nhằm chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện của Mỹ. Họ tin tưởng rằng, sức ép như vậy sẽ củng cố lập trường thương lượng của họ và buộc Hà Nội khuất phục theo các điều kiện của họ. Theo quan điểm của Ních-xơn, In-han-xơ Plớt phục vụ hai mục đích. Chương trình đó ủng hộ chế độ Sài Gòn và làm cho Thiệu dễ bảo hơn khi có hiệp định hòa bình. Tổng thống cử tướng He-gơ đến Sài Gòn để giám sát việc giao hàng. He-gơ cảnh cáo Thiệu là sẽ có thể đến lúc Mỹ buộc phải rời khỏi Việt Nam và Thiệu phải hợp tác với Nhà Trắng. He-gơ nói rõ cho nhà lãnh đạo chính quyền Sài Gòn là phải tập trung vào việc làm thế nào để sống sót sau khi Mỹ rời Việt Nam.
Kế hoạch In-han-xơ Plớt còn có một mục tiêu nữa là làm cho Thiệu thấy rằng, Mỹ có ý định đứng sau lưng hắn ta. Để nhấn mạnh điểm đó, Tổng thống Ních-xơn ra lệnh các cuộc đánh phá mới bằng không quân chống Hà Nội ngay vào lúc In-han-xơ Plớt bắt đầu. Hà Nội tố cáo Ních-xơn “củng cố phe lũ Nguyễn Văn Thiệu để chuẩn bị những cuộc xâm lược mới”. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ vẫn trở lại Pa-ri dự một cuộc họp nữa với Kít-xinh-giơ. Tại cuộc họp đó, ông Lê Đức Thọ ra tuyên bố: “Nếu Mỹ kéo dài các cuộc thương lượng trì hoãn việc ký hiệp định và tiếp tục chiến tranh thì người Việt Nam không có cách nào khác hơn là quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu của mình cho đến khi đạt được độc lập, tự do và hòa bình thực sự”.
Mỹ trả lời bằng việc đưa ra những yêu sách mới làm cho nhiều vấn đề đã được thỏa thuận hồi tháng 10-1972 bị lật lại. Bây giờ, Kít-xinh-giơ đòi rằng khu phi quân sự phải được thừa nhận như một biên giới tạm thời. Hà Nội phải rút một số quân khỏi miền Nam và thừa nhận thực sự chủ quyền của chính quyền Sài Gòn. Kít-xinh-giơ cũng phác họa một số phản đối của Thiệu. Khi Oa-sinh-tơn đã ra những yêu sách mới hơn nữa vào ngày 25-11-1972, ông Lê Đức Thọ yêu cầu ngừng họp. Hai bên tỏ ra bế tắc một lần nữa.
Khi rời Pa-ri, Kít-xinh-giơ đe dọa là cuộc chiến tranh sẽ tăng lên trừ phi Hà Nội nhượng bộ. Trong một bức điện cho Kít-xinh-giơ, Ních-xơn viết: “Nếu họ ngạc nhiên vì tổng thống có thể có hành động mạnh mẽ như ông ta đã làm trước cuộc họp cấp cao Mát-xcơ-va và trước cuộc bầu cử thì bây giờ họ sẽ thấy, với cuộc bầu cử bỏ lại sau lưng chúng ta, tổng thống sẽ có bất kỳ hành động nào mà ông ta cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ”.
Rồi Ních-xơn cam kết bí mật với Thiệu là nếu Hà Nội, dù bằng cách nào vi phạm hiệp định đã được dự định thì Mỹ sẽ đến cứu Sài Gòn. Ních-xơn viết: “Tôi xin bảo đảm với ông rằng, nếu Hà Nội không tôn trọng các điều khoản của hiệp định, tôi sẽ có hành động trả đũa nhanh chóng và nghiêm khắc”. Tổng thống bảo đảm với giới nội bộ của ông ta là ông ta có ý định giữ lời cam kết bí mật đó. Ông ta cũng hướng dẫn Lầu Năm Góc hoàn thành việc vạch ra một kế hoạch đặc biệt để thực hiện cam kết đó, gọi là kế hoạch “các thay đổi về tổ chức ở Đông Nam Á”. Kế hoạch đó phác họa việc Mỹ có thể tiếp tục dính líu ở Việt Nam như thế nào: Sau khi đạt được một số giải pháp, bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn sẽ được thay bằng một cơ quan của tùy viên quốc phòng Mỹ, viết tắt là DAO, với nhiều chức năng tương tự.
DAO sẽ phối hợp các hoạt động quân sự “trong nước” điều khiển sự “giám sát của không quân Mỹ” phối hợp các biện pháp an ninh cho quân đội Sài Gòn và thành lập một mạng lưới đưa tin tức tình báo ở miền Nam Việt Nam và các “lãnh thổ kế cận”. Kế hoạch này đặt ra thực tế là dù cho hiệp định có thể nói gì về việc Mỹ rút khỏi Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã có ý định ở lại và chuẩn bị tình huống cho một cuộc chiến tranh không quân mới, dùng B-52 đậu ở Thái Lan trên cơ sở báo động 24 tiếng một ngày.
Kít-xinh-giơ và ông Lê Đức Thọ nối lại các cuộc thảo luận của họ vào tuần đầu của tháng 12-1972 ở Pa-ri. Cả hai đại diện xem xét lại các vấn đề một lần nữa nhưng không bên nào thay đổi lập trường. Kít-xinh-giơ giữ vững những thay đổi lớn mà cả Ních-xơn lẫn Thiệu muốn có trong hiệp định tháng 10 và đe dọa Hà Nội với những cuộc tiến công ném bom hơn nữa nếu Hà Nội không chịu nhượng bộ. Về phần mình, ông Lê Đức Thọ hy vọng buộc được Kít-xinh-giơ thương lượng thực tế hơn.
Phố Khâm Thiên, Hà Nội, bị B-52 của không quân Mỹ tàn phá trong cuộc ném bom Lễ Giáng sinh 1972. Ảnh: Corbis
Cuộc thảo luận bị cắt đứt lần nữa vào ngày 13-12-1972. Kít-xinh-giơ về Oa-sinh-tơn và gặp Ních-xơn ngày hôm sau. Họ quyết định ra một tối hậu thư cho Hà Nội: “Nhượng bộ theo yêu sách của Mỹ trong vòng ba ngày hoặc phải đương đầu với một chiến dịch ném bom”. Hành động nhanh chóng, Kít-xinh-giơ giải thích tình hình cho Đô đốc Mu-rơ của Bộ Tham mưu liên quân và hỏi có bao nhiêu B-52 sẵn có cho một cuộc tấn công Hà Nội. Câu trả lời rõ ràng làm vừa lòng Nhà Trắng. Ngay tức khắc, Ních-xơn ra lệnh các cuộc tiến công không quân lớn nhất của cuộc chiến tranh vào Hà Nội và Hải Phòng.
Để biện bạch cho việc ném bom, Kít-xinh-giơ nói với dân Mỹ rằng, Hà Nội có lỗi và đã phá hoại các cuộc đàm phán tại Pa-ri. Ông ta nói rằng, Hà Nội đã đưa ra “hết vấn đề phù phiếm này đến vấn đề phù phiếm khác” như là một phần của “trò chơi đố chữ” lớn và mỗi lần “một giải pháp sắp đạt được thì lại bị đẩy ra khỏi tầm với của chúng tôi”. Kít-xinh-giơ chỉ làm theo các chỉ thị của Tổng thống Ních-xơn: “Chúng ta phải đóng một vai trò mà chúng ta có thể đóng được làm sao để tỏ ra là Hà Nội chứ không phải chúng ta chịu trách nhiệm về vệc phá vỡ hội nghị. Và rồi chúng ta phải thương lượng ở mức càng thấp càng tốt, hành động càng mạnh mẽ càng hay, mà không gây sự huyên náo về thực tế là chúng ta đẩy mạnh ném bom và do đó nối lại chiến tranh…”.
Trong 12 ngày tiếp theo, từ ngày 18-12 đến 29-12-1972, Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, thả hơn 35.000 tấn bom vào bên trong hai trung tâm đô thị lớn ở Bắc Việt Nam. Lầu Năm Góc đã dùng 200 B-52, các “pháo đài bay” này bay theo từng nhóm 3 chiếc, mang bom 500 và 700 bảng Anh, mà khi thả xuống, đúng là nhấn chìm những khu vực hình chữ nhật, một dặm bề dài, nửa dặm bề ngang của thành phố. Giới quân sự cho rằng, các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch. Và trong phần lớn các trường hợp, khu vực mục tiêu chỉ còn là những đống gạch vụn. Gạch vụn là mục tiêu thừa nhận của Lầu Năm Góc nhằm “làm tê liệt đời sống hằng ngày của Hà Nội và Hải Phòng và phá hủy khả năng của Hà Nội ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam”.
Các cuộc ném bom Lễ Giáng sinh năm 1972 đã tàn phá và gây đau khổ lớn lao. Chỉ riêng ở Hà Nội, hơn 2000 người dân thường chết. Toàn bộ các vùng lân cận đã bị xóa sạch. Các phương tiện vận tải bị hoàn toàn phá hủy. Những nhà thương quan trọng bị tàn phá. Nhà thương Bạch Mai, cơ sở y tế hiện đại nhất của Hà Nội, với hơn 900 giường, đã bị biến thành đống đổ nát. Các nhà báo nước ngoài mô tả những hố bom 50 bộ Anh và những gốc cây trốc rễ trong chính trung tâm Hà Nội.
NGUYỄN HOÀNG biên soạn
qdnd.vn
Có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong lòng Pa-ri (Kỳ cuối)
Sau khi ký Hiệp định Pa-ri
Mặt trận ngoại giao “đợi tin” chiến trường
QĐND – Trên mặt trận ngoại giao, cơ quan của ta ở Pháp cũng nhận thức rằng, Pa-ri là một trong những đài quan sát quan trọng nhất của ta trên thế giới để thu thập tin tức, nghiên cứu các vấn đề phối hợp với chiến trường nên cần phải làm việc khẩn trương và chính xác. Chúng tôi đã huy động hầu hết lực lượng nghiên cứu, tiếp xúc của hai cơ quan Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để tổng hợp và đưa ra nhận định cho thấy những hạn chế của Mỹ trong khả năng trở lại Việt Nam bằng quân sự. Trong đó có một số việc chỉ riêng ở vị trí của tôi mới làm được.
Năm thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri (từ trái sang phải): Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Sung. Ảnh tư liệu
Ví dụ, sau khi ta giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long, tôi có gặp và hỏi ông Nguyễn Duy Quang ý kiến về việc ta giải phóng Phước Long. Ông Nguyễn Duy Quang nguyên là Đổng lý văn phòng của Bảo Đại. Ông này đã tham gia kháng chiến chống Pháp đến năm 1953, là Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4 của ta; năm 1953 trở về vùng tạm chiếm và được chính quyền Sài Gòn sử dụng và chọn làm Đại sứ ở Pa-ri. Ông Quang tỏ thái độ khá lo lắng và nói đại ý không rõ tình hình. Tôi nói: “Chỗ anh em với nhau, tôi xin nói thẳng, năm 1953 anh đã không tiếp tục đi với kháng chiến thì bây giờ anh nên cân nhắc và tôi có thể đảm bảo với anh rằng, nếu anh quay trở về thì vẫn được hoan nghênh”. Ông Quang xin thêm thời gian suy nghĩ. Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi lại chủ động gặp ông Nguyễn Duy Quang. Ông Quang cho tôi biết đại ý là không thấy Mỹ động tĩnh gì. Tôi nhắc lại việc “trở lại với kháng chiến”, ông ta vẫn trả lời lần lữa. Chỉ có một lần tôi hỏi quan hệ giữa Mỹ và Thiệu như thế nào, ông ta trả lời cho tôi hiểu rằng quan hệ đó không tốt.
Cùng với việc thăm dò đối phương, các hoạt động đề cao vị thế quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng được đẩy mạnh. Cao điểm là từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-1975: Đấu tranh cho sự tham gia của Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Hội nghị quốc tế về Luật Nhân đạo tại Giơ-ne-vơ. Đồng thời, tiếp tục tiến hành vận động thêm một số nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Tôi có một số kỷ niệm đáng nhớ giúp cho ta thấy được tình cảm của chính phủ các nước đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời nhiều khi không như biểu hiện về mặt ngoại giao chính thức. Ví dụ như việc tôi xin gặp Đại sứ Van-đơ Clao-xơ, Trưởng phái đoàn của Hà Lan tại Giơ-ne-vơ (về sau ông này làm Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan) nhưng Văn phòng của phái đoàn Hà Lan trả lời đại sứ không tiếp vì cách đó hai ngày đã từng gặp một người xưng là đại diện của ta. “Chúng tôi chưa có ai gặp các ông cả. Ông Võ Văn Sung xin gặp là Đại sứ của Hà Nội tại Pa-ri kiêm nhiệm Đại sứ tại Hà Lan”- ta trả lời. Chưa đầy 15 phút sau, phái đoàn Hà Lan gọi lại cho biết đại sứ có thể tiếp tôi lúc nào tôi muốn. Khi tôi bước vào phòng khách, Đại sứ Van-đơ Clao-xơ vồn vã ra tận cửa đón và nói: “Xin bạn đồng nghiệp miễn chấp vì tôi cứ tưởng người xin gặp tôi là đại sứ của chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn”. Tôi nói: “Lời nói của bạn đồng nghiệp làm cho tôi hiểu được tình cảm thật sự của bạn đối với chúng tôi. Thế lập trường của Sài Gòn thế nào mà Hà Lan không thể ủng hộ được?”. Đại sứ Hà Lan trả lời: “Họ đề nghị tôi chống việc Chính phủ Cách mạng lâm thời tham gia Hội nghị”. Tôi hỏi: “Thế Hà Lan sẽ ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời chứ?”. Trả lời: “Đó là ý định của chúng tôi”. Sự việc này khiến tôi thấy rằng giữa hành động ngoại giao chính thức và tình cảm thực sự có lúc có khoảng cách và không nên vì thế mà xem nhẹ tình cảm thật của bạn bè đối với chính nghĩa của ta.
“Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!”
Hai năm sau ngày ký kết Hiệp định Pa-ri, chúng tôi dự kiến có một hoạt động với ý đồ phục vụ hai mục đích như các việc đã kể trên. Kinh nghiệm vận động Việt kiều hàng chục năm trước ở Pháp và Tây Âu cho thấy, Tết là dịp có thể huy động được số đông Việt kiều và bạn bè quốc tế. Vì vậy, chúng tôi quyết định tiến hành hai đợt hoạt động: Đợt 1 nặng về chính trị làm vào ngày 26-1-1975 nhân dịp hai năm ký kết Hiệp định Pa-ri; đợt 2 tổ chức một đêm Tết lớn với nòng cốt là Hội Liên hiệp Việt kiều gọi là “Tết hòa giải hòa hợp Ất Mão” bao gồm cả Việt kiều ở Pháp và các nước lân cận. Mọi việc diễn ra suôn sẻ đúng với ý định của ta. Sau lễ Tết “hòa giải hòa hợp”, tôi để ý thấy nhiều người xin gặp tôi và có thái độ gần như “chúng ta là cùng một phía”.
Ngày 13-4-1975, tôi được triệu tập sang Mát-xcơ-va gấp và ngày 14-4-1975 tôi được nối “đường dây” mà anh Lê Đức Thọ nói khi lên máy bay rời Pa-ri. Bất ngờ đầu dây bên kia là anh Lê Thanh Nghị. Anh Lê Thanh Nghị đã giao cho tôi một số việc về kinh tế và khoa học kỹ thuật, sau đó nói với tôi về tình hình trong nước và báo riêng “anh Sáu Thọ nhắn anh là các việc cứ xúc tiến như đã bàn; có nhiều khả năng xong trước mùa mưa này”. Trước khi chia tay, anh Nghị nói với tôi một câu đầy xúc động khác với tác phong thường ngày của anh: “Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!”. Tôi thấy trong người như được thêm một sức mạnh mới, phấn chấn hẳn lên. Trên máy bay trở về Pa-ri tôi liên tục nghĩ về công việc của những ngày sắp tới…
BÍCH TRANG
qdnd.vn
(Theo lời kể của nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung – người duy nhất còn sống trong năm thành viên của đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri).
Có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong lòng Pa-ri
Sau khi ký Hiệp định Pa-ri
QĐND – Tham gia cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Pa-ri, sau đó là giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định, nhà ngoại giao Võ Văn Sung là một trong số ít người có may mắn chứng kiến toàn bộ cuộc đụng đầu lịch sử giữa nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ và một nền ngoại giao lão luyện của Mỹ ngay tại Pa-ri.
40 năm sau, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông tại nhà riêng. Qua hồi ức của ông, một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” thầm lặng và không tiếng súng đã diễn ra gay go và ác liệt ngay trong lòng trung tâm văn minh lớn của phương Tây.
Nhà ngoại giao Võ Văn Sung. Ảnh: Song Thanh
Pa-ri, trọng điểm của mặt trận ngoại giao
Tháng 11-1970, tôi sang Pháp, bên trong là tham gia nhóm làm việc của anh Lê Đức Thọ đàm phán “bí mật” với Kít-xinh-giơ, bên ngoài tôi làm Tổng đại diện của chính phủ ta. Tôi nhớ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom B-52 xuống Hà Nội tháng 12-1972, tại Pa-ri ngày nào Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Mô-rít-xơ Su-man và tôi cũng gặp gỡ, hoặc gọi điện thoại cho nhau cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến vì phía Pháp cần có thông tin để có thái độ. Ngược lại, ta cũng mong muốn phía Pháp góp phần lên án cuộc ném bom đó. Ngày 31-12-1972, nghe tôi thông báo thắng lợi của ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 máy bay B-52, ngoại trưởng Pháp đã thốt lên “Thật kỳ diệu” và sau đó đưa tôi ra thềm trụ sở Bộ Ngoại giao. Tại đây, đã có hàng chục nhà báo Pháp và quốc tế chờ sẵn để nghe tôi nói về sự kỳ diệu ấy.
Thực tiễn cho thấy, Pa-ri đúng là môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận và tranh thủ quốc tế tốt cho ta. Trong các năm 1968-1975, ta lần đầu tiên đã đưa ngoại giao thành một mặt trận, thực sự hình thành cuộc đấu tranh: Chính trị, quân sự, ngoại giao chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Các cuộc đàm phán: Hai bên Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ (1968); bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Mỹ – Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam – chính quyền Sài Gòn (1969-1973); đàm phán “bí mật” Lê Đức Thọ – Kít-xinh-giơ (1970-1973); hiệp thương hai bên miền Nam Việt Nam (3-1973 đến cuối năm 1974) đều diễn ra tại Pa-ri.
Liên tục trong 5 năm, thường xuyên có các cuộc mít tinh, biểu tình, hội họp ủng hộ hòa bình ở Việt Nam và lập trường đàm phán của ta. Riêng Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển toàn bộ trường Đảng Trung ương đi nơi khác để lấy địa điểm cho đoàn đàm phán Việt Nam sử dụng. Báo chí Pháp cũng luôn bám sát, phản ánh đều đặn và hầu hết đều bình luận có lợi cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam cũng như bênh vực lập trường có tình có lý của ta.
Đòn cân não sau Hiệp định
Khoảng đầu tháng 5-1973, phía Mỹ đã gặp tôi chuyển đề nghị cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tổ chức cuộc gặp tại Pa-ri giữa anh Lê Đức Thọ với Kít-xinh-giơ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trả lời đồng ý với mục đích buộc Mỹ phải hành động thực sự thi hành đầy đủ các điều khoản của Hiệp định Pa-ri. Đợt gặp này bắt đầu từ 17-5 đến 13-6-1973. Anh Lê Đức Thọ bác bỏ mọi điểm xin sửa đổi của phía Mỹ và nêu điều kiện, phải ký như đã thỏa thuận nếu không thì kết thúc hội đàm. Sài Gòn tiếp tục đánh thì ta phải đánh trả lại. Thái độ miễn cưỡng của Mỹ và sự ngoan cố của Nguyễn Văn Thiệu cho ta thấy rõ khả năng thi hành Hiệp định Pa-ri ngày càng ít.
Ngày 25-11-1974, anh Lê Đức Thọ sang Pa-ri công tác đã gặp và yêu cầu tôi chuẩn bị để kịp thời xử lý những hoạt động ở Pháp trong tình huống sự chỉ đạo cụ thể của trong nước sang Pa-ri không thể kịp thời. Trước khi lên máy bay, anh Thọ còn cho tôi biết, sẽ có “đường dây” báo riêng cho tôi biết “thời điểm” để tôi hiệp đồng tốt với “nhà”. Từ đây, tôi cho rằng vấn đề hàng đầu có ý nghĩa cốt lõi khi quyết định dùng quân sự là việc đánh giá đúng ý đồ và khả năng Mỹ có đưa quân trở lại miền Nam để cứu chính quyền Sài Gòn không…
BÍCH TRANG
qdnd.vn
(Theo lời kể của nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung- người duy nhất còn sống trong 5 thành viên của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri).
(Còn nữa)
Ngày “họa mi” rời ngục tối
QĐND – Chuyến bay cuối cùng chở tù chính trị từ Cần Thơ về Lộc Ninh theo Hiệp định Pa-ri vừa hạ cánh, hàng trăm người lập tức ùa tới. Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy viên trung úy cai ngục lẽo đẽo bước theo một cô gái. Khi mọi người xúm đến ôm chầm cô gái vào lòng, viên sĩ quan ngụy nước mắt lưng tròng, đứng lặng nhìn. Khoảnh khắc ấy đã đi vào tác phẩm của các văn nghệ sĩ có mặt lúc bấy giờ. Cô gái ấy là Trần Thu Hồng, vừa tròn 17 tuổi, nhưng đã phải ở tù hơn 4 năm…
“Họa mi” Trần Thu Hồng sau ngày ra tù.
“Họa mi” trong “chuồng cọp”
Cô gái của 40 năm trước, giờ đã là một phụ nữ U.60, đã có cháu nội, nhưng chị vẫn rất đẹp. Những năm tháng chịu cực hình, đòn roi trong “chuồng cọp”, tù ngục và chuỗi thời gian vất vả nơi thương trường dường như không làm nhạt phai nét xuân sắc của chị. Là một phụ nữ thầm lặng và bình dị nên cái tên của chị còn xa lạ với truyền thông. Cũng bởi vì: “Từ lúc đi làm cách mạng cho đến những năm tháng bị tù đày, mình đều được các chị, các anh, những đồng chí đi trước dìu dắt, giúp đỡ. Công lao của các anh, các chị lớn lắm chứ mình thì cũng bình thường thôi…”. Ấy là chị khiêm nhường nói thế, nhưng khi tiếp xúc với các đồng đội của chị và được xem các tài liệu, tác phẩm văn học viết về chị ngày ấy, tôi mới nhận ra, chị là một con người đặc biệt. Điều đặc biệt nhất, chị là nữ tù chính trị trẻ tuổi nhất. 13 tuổi đã bị địch bắt giam vào “chuồng cọp”. Và những câu chuyện cảm động trong lao tù cũng bắt đầu từ cái “nhất” ấy.
Sinh ra ở vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam, lên 10 tuổi chị đã được dìu dắt, tham gia làm giao liên cho các cơ sở cách mạng trong vùng. Năm 1968, chị sa vào tay giặc trong một lần đi trinh sát, tìm đường cho đoàn cán bộ vượt sông. Bị địch bắt, chị đã mưu trí hét toáng lên, báo động cho đoàn cán bộ của ta rút êm vào rừng. Chị bị tống giam vào nhà tù Non Nước ở Đà Nẵng, biệt giam vào “chuồng cọp” ở nhà lao Phú Tài (Quy Nhơn). Sau đó, chị nằm trong nhóm 10 nữ tù bị địch liệt vào hàng “cứng đầu” bắt giam vào hầm cầm cố. Năm 1972, gần 1000 nữ tù chính trị, trong đó có nhóm 10 nữ tù “cứng đầu” bị đưa vào nhà tù Cần Thơ.
Ở cái tuổi thiếu niên, mọi đường đi, nước bước của Hồng đều được các chị đi trước hướng dẫn, dìu dắt. Cô bé dù phải chịu cực hình, tra tấn tàn khốc, vẫn không mất đi nét duyên nhí nhảnh trời cho. Hồng càng lớn càng xinh đẹp, là “con chim họa mi” trong tù. Tiếng hát líu lo và sự hồn nhiên, nhí nhảnh của tuổi mới lớn ở Hồng đã làm bừng lên tinh thần lạc quan, ý chí đấu tranh của chị em tù. “Tại sao lại có thể bắt giam một cô bé xinh đẹp, trong trẻo, hồn nhiên như vậy?”. Viên sĩ quan cai ngục tên Thọ ở nhà tù Phú Tài nhiều lần thốt lên như vậy. Vẻ đẹp thánh thiện của nữ tù chính trị tuổi trăng tròn đã làm mềm lòng một số sĩ quan, binh lính cai tù. Nhiều đối tượng trong số đó được ta cảm hóa, trở thành “tay trong”, tích cực giúp đỡ tù nhân. Ngày Hồng bị chuyển vào nhà tù Cần Thơ, trung úy Thọ, không hiểu vì lý do gì, một thời gian ngắn sau đó cũng có mặt trong đám cai tù ở đây. “Có một số cai tù luôn tỏ ý giúp đỡ chúng tôi. Các chị thường nói vui với tôi, có lẽ thấy mày xinh đẹp nên chúng nó nương tay. Nhưng tôi thì nghĩ, có thể có những trường hợp người của ta cài cắm vào…” – chị Hồng kể.
Bà Thu Hồng và cháu nội hiện nay.
Một trong những nhân vật “bí ẩn” ấy là trung sĩ, y tá trưởng tên Sỹ ở nhà tù Cần Thơ. “Lúc bị bắt, trên người tôi có một đôi khuyên tai, một chiếc nhẫn và một dây chuyền vàng. Tôi đã giấu được. Đến khi vào nhà tù Cần Thơ, tôi nhờ Sỹ bán số nữ trang này để lấy tiền mua sắm đồ dùng, vải vóc phục vụ chị em trong tù. Sỹ giúp đỡ chị em tôi rất tận tình mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì…” – chị Hồng nhớ lại.
Ký ức ngày về
Hôm đó tầm 5 giờ chiều, Sỹ đưa Hồng từ bệnh viện về lại trại giam, khi đi ngang qua sân bay Trà Nóc, bất ngờ Hồng nghe tiếng hét: “Hiệp định Pa-ri được ký rồi!”. Cô bé như quên hết tất cả, nhảy phốc lên chạy một mạch về buồng giam, vừa chạy vừa hét toáng lên: “Cách mạng thắng lợi rồi! Hiệp định Pa-ri được ký rồi! Chúng ta được tự do rồi…”. Thế là suốt đêm hôm đó, nhà tù như mở hội. Các buồng giam vang lên tiếng hát của tù nhân: Đảng đã cho ta một mùa xuân… Nhờ chiếc ra-đi-ô mà Sỹ mua giúp, buồng giam 10 nữ tù chính trị “cứng đầu” vừa nghe đài vừa hát vang những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ…
Trưa hôm sau, tù nhân được ăn một bữa rất ngon. Thức ăn có đủ món thịt, cá, rau xanh, cơm trắng. Trước khi thực hiện thủ tục trao trả tù binh, trung úy Thọ cho gọi Hồng lên phòng điều hành. Anh ta nói:
– Tôi đã có thiện cảm với em từ ngày em còn ở nhà tù Phú Tài. Em xinh đẹp, lại rất trẻ, phải chịu cảnh tù đày… Bây giờ được trả tự do rồi, chi bằng em ở lại đây, tôi sẽ lo cho em một cuộc sống sung sướng, giàu sang, hạnh phúc.
Hồng đáp:
– Cảm ơn lòng tốt của ông. Nếu thực tình ông có thiện tâm như vậy thì hãy làm một việc gì đó có ích cho dân, cho nước. Tôi làm sao có hạnh phúc khi các đồng chí của tôi suốt ngày đêm bị người của các ông tra tấn, đánh đập. Làm sao có hạnh phúc nếu người chồng của mình làm tay sai cho bọn Mỹ, phản bội lại Tổ quốc, nhân dân. Chị em tù chúng tôi sống chết có nhau. Các chị đi đâu, tôi đi đó.
Một cuộc hội ngộ của các nữ tù chính trị ở Quảng Nam.
Trung úy Thọ cố thuyết phục, níu kéo nhưng Hồng nhất định không nghe. Trong lúc đó, 9 nữ tù chính trị chưa thấy Hồng trở lại cũng dứt khoát không chịu lên máy bay. Có mấy chị xông thẳng vào phòng điều hành đòi trung úy Thọ phải đưa Hồng ra máy bay gấp. Chuyến bay sắp cất cánh nhưng bên ta phát hiện còn thiếu 10 người trong danh sách, lo sợ bị bọn chúng thủ tiêu nên kiên quyết đòi phía bên kia phải bàn giao đủ. Tình thế ấy buộc trung úy Thọ phải để cho Hồng trở về. Hồng và các đồng chí của mình vừa bước lên cầu thang máy bay thì trung úy Thọ cũng vội vã bước theo. Đó là chuyến bay cuối cùng từ Cần Thơ về Lộc Ninh thực hiện việc trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri.
Cuộc đón tiếp tù nhân tại sân bay Lộc Ninh diễn ra hết sức cảm động. Hồng nhận được thật nhiều tình cảm, sự động viên, mến mộ của các bác, các chú, các cô. Chứng kiến ngày về của Hồng trong vòng tay yêu thương của đồng bào, đồng chí, trung úy Thọ đứng im một góc, nước mắt chảy dài. Anh ta lặng lẽ rời Lộc Ninh theo máy bay trở lại Cần Thơ…
Trong đoàn người đón tù chính trị trở về có nhiều văn nghệ sĩ. Hình ảnh của nữ tù chính trị tuổi 13 đã trở thành nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong bài thơ “Em về chiến thắng” tặng nữ tù chính trị tuổi 13 Trần Thu Hồng của nhà thơ Trần Đình Vân đăng trên Báo Giải Phóng sau đó có đoạn: Em gái cười như ánh mặt trời/ Màu da xanh bỗng chuyển hồng tươi/ Em ơi Trái Đất này vui lắm/ Em đó niềm vui của mọi người… Thằng ngụy khoanh tay đứng lặng nhìn/ Cả rừng người đến đón mừng em/ Nghĩ chi nó bước chân không vững/ Nắng hắt bên lề bóng đổ nghiêng… Nhưng “bài thơ” tuyệt vời nhất dành tặng chị trong ngày trở về chính là tình yêu của nhà thơ Đỗ Nam Cao ở Ban Văn nghệ giải phóng. Cảm phục tinh thần cách mạng của người con gái xứ Quảng, nhà thơ Đỗ Nam Cao sau cuộc đón chị ở sân bay đã đem lòng yêu mến. Năm 1977, họ trở thành vợ chồng.
Giờ đây, chị Hồng sinh sống cùng hai con (một trai, một gái) ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Hôm đến dự ngày giỗ đầu của nhà thơ Đỗ Nam Cao, tôi được gặp nhiều bạn tù ngày xưa của chị. Trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, ngoài chị Hồng, tất cả các chị trong nhóm 10 nữ tù chính trị ngày ấy đều đã qua thời con gái. Nay, mỗi người một hoàn cảnh. Có người đã mất. Có người vẫn phải còng lưng làm đủ nghề mưu sinh khi cõi ngày đã cạn và ước mơ về một mái ấm gia đình mãi mãi không thành hiện thực. Trong câu chuyện với tôi, các chị nhắc đến những kỷ niệm ở chốn lao tù. Chìm trong muôn vàn tội ác và sự tàn khốc của kẻ thù, vẫn le lói những gam màu nhân ái. Trung úy Thọ, trung sĩ Sỹ, trung sĩ Tấn, trung sĩ Trường… là những con người như vậy. Không biết bây giờ họ ở đâu? Nếu có một cuộc hội ngộ, biết đâu lại gợi ra thật nhiều điều chưa bao giờ nói…
Bài: PHAN TÙNG SƠN – Ảnh: HỒNG THU
qdnd.vn
Hà Nội tặng thành phố Choisy le Roi bức tranh gốm Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Pa–ri
QĐND – Ngày 27-1, các nghệ sĩ của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành bức tranh gốm Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Pa-ri tặng thành phố Choisy le Roi (Pháp).
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (trái) bên bức tranh gốm Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris.
Bức tranh gốm là quà tặng của TP Hà Nội, do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thiết kế và cùng cộng sự thể hiện. Các bức ảnh lịch sử về cuộc đàm phán Hiệp định Pa -ri được họa sĩ Thu Thủy in trên gốm, lưu giữ những hình ảnh lịch sử về Bác Hồ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, toàn cảnh ngày ký kết hiệp định… Những bức ảnh lịch sử này được sắp đặt trên nền hai dải lụa mềm uốn lượn tượng trưng cho sông Hồng của Việt Nam và sông Seine của Pháp. Bức tranh sẽ được đặt trong phòng họp lớn của Tòa thị chính thành phố Choisy le Roi và dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 20-3 tới.
VƯƠNG HÀ
qdnd.vn
Những chuyện chưa kể bên lề Hội nghị Pa-ri
QĐND Online – Bên lề đàm phán ở Hội nghị Pa-ri 40 năm trước có những câu chuyện, tình tiết ít người được biết. Xin chia sẻ những mẩu chuyện thú vị do ông Lưu Văn Lợi, nguyên Thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri kể lại.
Nhiệt tình biếu… gà
Các nhà ngoại giao của ta tham gia đàm phán ở Pa-ri đã nhận được những sự quan tâm giản dị nhưng rất chân thành, tình cảm của bà con Việt kiều. Có cặp vợ chồng, vợ người Việt, chồng là người Pháp trước đó từng đi lính sang Việt Nam. Cả hai vợ chồng đều rất yêu Việt Nam, nhớ Việt Nam lắm nhưng không có điều kiện để về nước. Biết có đoàn đàm phán Việt Nam đang ở Pa-ri, vậy là hằng tuần, khá đều đặn, ông chồng tự lái xe chở 50 con gà tới biếu đoàn đàm phán VNDCCH đang ở trường Đảng Maurice Thorez ở Choisy Le Roi. Ông tới nhiều lần đến mức ông bảo vệ người Pháp đã quen mặt và những lần sau thấy xe chở gà của ông tới là ra mở cổng ngay, không cần phải xin phép. Vợ chồng họ làm việc này trong hai năm liền, tới mức đoàn miền Bắc mặc dù rất cảm động nhưng cũng thấy ái ngại và phải nói cám ơn, nếu không họ còn tiếp tục biếu gà.
“Tôi không cười thì khóc à”
Báo chí ở Pa-ri hồi ấy săm soi nhất cử nhất động của hai đoàn ta và Mỹ rất ghê, nhất là trong những cuộc đàm phán riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ. Họp trong phòng mà có phóng viên còn thuê nhà bên cạnh, dỡ cả mái ngói để trèo lên rồi chĩa máy ảnh sang. Hai ông cố vấn họp xong đi ra ngoài cửa, có bắt tay không, có cười không, mặt lạnh hay cười…đều bị chụp lại rồi đưa lên báo. Có lần họp căng thẳng, quyết liệt, kết quả chưa ngã ngũ mà chẳng hiểu sao báo chí lại đồng loạt đăng tin nghe chừng đàm phán có tiến triển. Thì ra họ chụp được cảnh đồng chí Lê Đức Thọ đang cười, dẫu chưa biết ông cười vì cái gì, họp có kết qủa không nhưng đã vội tung tin lên báo theo chiều hướng tích cực. Ở Hà Nội theo dõi tin tức thấy vậy gọi sang hỏi tình hình thế nào, sao đồng chí Thọ lại cười! Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ mới lộ ra rằng: “Tôi không cười thì khóc à, vì Kít-xinh-giơ bắt tay tôi chặt quá!”.
Cánh nhà báo “bé cái nhầm”
Ở Pa-ri, đoàn ta nhận được sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí thuộc Đảng Cộng sản Pháp. Vào kỳ nghỉ hằng năm, một số đồng chí tình nguyện tham gia phục vụ hậu cần các đoàn đàm phán của ta. Một số người còn mang theo cả ô tô riêng tới phục vụ việc đi lại của đoàn. Có lần họp quan trọng với đoàn Mỹ ở địa điểm do ta chọn, vì không muốn bị cánh báo chí làm phiền, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thủy đã lên xe của một đồng chí Pháp đi theo lối cổng sau, chạy thẳng tới chỗ họp. Trong khi đó, một xe khác đi lối cổng chính đằng trước hòng đánh lạc hướng cánh báo chí đang tập trung chờ bám theo. Là xe xịn nên khi kéo kính lên và đóng cửa xe thì khó nhìn được bên trong. Ngoài cổng chính vẫn có mấy ông bảo vệ mở cửa, bảo vệ đứng gác bồng súng chào như bình thường. Thế nên các nhà báo đã bị nhầm là xe chở đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy nên vội vã phóng mô tô đuổi theo. Nhưng đi một lúc, ngó nghiêng mãi thì các tay săn tin, săn ảnh phát hiện không phải hai ông trên xe nên vội vàng quay lại. Lúc đó, thì xe hai chở hai đồng chí đã đi lâu rồi nên địa điểm lần họp đó được giữ kín.
Tình báo tồi
Trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, có giai đoạn Mỹ đòi ta không được đưa thêm quân miền Bắc vào miền Nam. Mỹ còn đưa ra các bằng chứng để cáo buộc ta về việc này. Có lần họp, đoàn Mỹ đưa bằng chứng là mấy bức ảnh màu chụp từ vệ tinh, trong đó chụp bộ đội của ta đang ở trong rừng mà Mỹ cho là đang trên đường hành quân vào Nam. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rất nhanh, phản ứng trước tiên bằng tiếng cười to, chắc khỏe, có ý “khinh khi” sự bịa đặt của Mỹ. Rồi đồng chí nói, tình báo của các ông tồi lắm. Lúc chúng tôi không đưa quân nữa thì các ông lại chụp ảnh này. Tôi nói với các ông chứ rừng Việt Nam chỗ nào chả giống chỗ nào. Các ông ra Bắc chụp quân mà đội mũ cối, sao vàng, đeo lon thế này là bình thường. Nhưng lúc chúng tôi đưa đại pháo và cả xe tăng vào Sài Gòn thì tình báo các ông lại chẳng biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải. Tấm ảnh Mỹ đưa ra không hề chính xác, vì khi dàn trận, quân ta không đeo lon, đeo sao như thế. Sau đó, ta họp báo cũng nêu tình tiết này nhằm cho thế giới biết âm mưu và thủ đoạn của Mỹ.
Ông “nghễnh ngãng” ở Hội nghị Pa-ri
Trưởng đoàn Xuân Thủy nổi tiếng là người hay lái vào các vấn đề đàm phán khi gặp đoàn Mỹ một cách khéo léo. Suốt thời gian diễn ra hội nghị hai bên giữa đoàn VNDCCH và đoàn Mỹ (từ tháng 5 đến tháng 11-1968), ta chỉ nhắc đi nhắc lại yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc trước khi bàn sang các vấn đề khác. Trong khi Mỹ muốn bàn đồng thời hai vấn đề quân sự và chính trị trên nguyên tắc “có đi có lại”. Suốt mấy tháng trời, trong các cuộc họp, ta chỉ nêu độc vấn đề như trên, còn Mỹ nhất định không chịu. Thế nên báo chí gọi đây là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Song rốt cuộc, do các diễn biến thay đổi trên chiến trường và sức ép mạnh mẽ của dư luận, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom hoàn toàn và vô điều kiện miền Bắc Việt Nam. Sau đó, trong một buổi nói chuyện khi kết thúc hội nghị hai bên giữa trưởng đoàn Xuân Thủy và trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man, ông Ha-ri-man tâm sự với ông Xuân Thủy rằng: “Tôi già trên 80 tuổi rồi, nên tai hơi khó nghe”. Đồng chí Xuân Thủy bèn nói ngay: “Bây giờ tôi mới biết ông nghễnh ngãng. Thảo nào chỉ có một câu là “Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc” thôi mà tôi nói suốt gần 6 tháng ông mới nghe ra”.
MỸ HẠNH-ANH THƯ
qdnd.vn
Hiệp định Paris – Sự khẳng định quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam
QĐND – Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình là một văn bản mang tính pháp lý quốc tế, chỉ được thực hiện khi kết cục thắng – thua trên chiến trường của các bên tham chiến đã được phân định một cách rõ ràng [1]. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (5-1954) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (20-7-1954) và Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) là những minh chứng hùng hồn, mãi trường tồn trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và thậm chí cả cách thức tổ chức thực hiện của các hiệp định trên có những điểm khác biệt nhau. Điều này có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của đất nước ta ở thời kỳ “hậu” của mỗi hiệp định cũng hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng khác biệt đó có nhiều cách luận giải, song vấn đề cốt lõi trực tiếp nhất chính là sức mạnh nội lực và vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế-yếu tố quyết định đến vấn đề tự quyết dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Giành được chính quyền không lâu, nhân dân Việt Nam lại phải tiến hành kháng chiến chống quân xâm lược Pháp lần thứ hai. Với sức mạnh của toàn dân tộc vào trận, đồng thời được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bè bạn, nhất là về vũ khí, phương tiện quân sự, bằng tư duy độc lập, sáng tạo trên nền tảng “cách đánh giặc” của tổ tiên, quân và dân ta đã tìm ra những cách đánh phù hợp và hiệu quả, từng bước phát triển quy mô tác chiến từ cấp trung đoàn lên đại đoàn và nhiều đại đoàn, chuyển thế cuộc kháng chiến từ cầm cự sang phản công và tổng phản công; đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó và cuối cùng làm nên một trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; buộc chúng phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Tuy nhiên, do quan hệ quốc tế phức tạp lúc đó, nên những quy định trong Tuyên bố chung của Hội nghị quốc tế này về giới tuyến quân sự, khu phi quân sự… đã “vô tình” tạo ra những “kẽ hở” nhạy cảm để ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp, xâm chiếm miền Nam. Vậy là, chúng ta chưa thực hiện được quyền tự quyết vận mệnh của dân tộc mình. Lường định trước diễn biến phức tạp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chúng ta phải chuẩn bị đánh một trận nữa với một đế quốc lớn hơn.
Vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, kinh tế, xã hội, quốc phòng còn chồng chất khó khăn, lại bước ngay vào cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ; do vậy, bên cạnh việc động viên nỗ lực cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước anh em. Do vậy, từ năm 1955 đến 1975, các nước XHCN anh em mà Liên Xô và Trung Quốc là trụ cột đã viện trợ cho nhân dân ta khối lượng lớn vật chất thiết yếu trị giá 7.076 triệu rúp [2]. Mặt khác, nhiều cán bộ chỉ huy các cấp và cán bộ khoa học kỹ thuật của quân đội ta được các nước bạn tiếp nhận sang đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ cho kháng chiến. Một số nước còn cử những đoàn chuyên gia kỹ thuật quân sự sang giúp huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho bộ đội binh chủng kỹ thuật của quân đội ta… Cuộc kháng chiến của ta còn được nhân loại tiến bộ và cả nhân dân Mỹ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là, những vũ khí, trang bị quân sự mà các nước viện trợ được quân và dân ta sử dụng hết sức hiệu quả; những thắng lợi Ấp Bắc, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài (1963-1965), hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968), Tiến công chiến lược 1972 là những minh chứng hùng hồn. Đặc biệt, với đòn Mậu Thân 1968, chúng ta đã buộc giới cầm quyền Nhà Trắng phải đến Hội nghị Pa-ri để bàn bạc về vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trải qua cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt suốt 4 năm 9 tháng với 202 phiên họp công khai và 24 lần tiếp xúc riêng nằm trong bối cảnh quan hệ quốc tế có lúc rất nhạy cảm, đến đòn quyết định năm Nhâm Tý (1972), chúng ta đã buộc Mỹ chấp thuận văn bản Hiệp định Pa-ri do phía ta soạn thảo và dự định ngày ký.
Tuy nhiên, để cố cứu vớt thể diện, Nhà Trắng đã quyết định mở cuộc tập kích không quân chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng điểm khác của miền Bắc – “Tung con át chủ bài cuối cùng”- với hy vọng sẽ “làm mềm xương sống Hà Nội”, buộc ta phải ký một hiệp định theo sự áp đặt của họ.
Sau kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta, hạ gục 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, gây chấn động thế giới, rung chuyển Nhà Trắng và nước Mỹ, sáng 30-12-1972, Ních-xơn phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, đề nghị Chính phủ ta trở lại bàn đàm phán Pa-ri. Ngày 27-1-1973, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Pa-ri theo văn bản ta dự thảo. Với 9 chương, 23 điều và 4 Nghị định thư kèm theo, nội dung chủ yếu của Hiệp định Pa-ri khẳng định: Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; các bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn; Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chống Việt Nam dân chủ cộng hòa; … thừa nhận sự hiện diện hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam, sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Tiếp đó, ngày 2-3-1973, đại diện 12 chính phủ, gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Việt Nam cộng hòa và 4 nước trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đã họp tại Pa-ri để ra Định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định Pa-ri và các Nghị định thư về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được thi hành một cách nghiêm chỉnh và triệt để.
Phải khẳng định rằng, từ xưa đến nay, chưa bao giờ việc ký kết một văn kiện về quyền dân tộc cơ bản của nhân dân một nước lại được các dân tộc và nhân dân thế giới theo dõi chăm chú, chứng giám trang trọng như Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là minh chứng khẳng định vị thế, uy tín và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Hiệp định Pa-ri được ký kết, quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân Ất Mão (1975). Đây thực sự là cột mốc vàng đánh dấu quyền tự quyết dân tộc của người Việt Nam được thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn.
————–
Đại tá, TS NGUYỄN HUY THỤC
qdnd.vn
[1] Chỉ với trường hợp chiến tranh xâm lược và chống xâm lược.
[2] Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị – Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) – Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1995, tr. 317.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.