QĐND – Chuyến bay cuối cùng chở tù chính trị từ Cần Thơ về Lộc Ninh theo Hiệp định Pa-ri vừa hạ cánh, hàng trăm người lập tức ùa tới. Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy viên trung úy cai ngục lẽo đẽo bước theo một cô gái. Khi mọi người xúm đến ôm chầm cô gái vào lòng, viên sĩ quan ngụy nước mắt lưng tròng, đứng lặng nhìn. Khoảnh khắc ấy đã đi vào tác phẩm của các văn nghệ sĩ có mặt lúc bấy giờ. Cô gái ấy là Trần Thu Hồng, vừa tròn 17 tuổi, nhưng đã phải ở tù hơn 4 năm…
“Họa mi” Trần Thu Hồng sau ngày ra tù.
“Họa mi” trong “chuồng cọp”
Cô gái của 40 năm trước, giờ đã là một phụ nữ U.60, đã có cháu nội, nhưng chị vẫn rất đẹp. Những năm tháng chịu cực hình, đòn roi trong “chuồng cọp”, tù ngục và chuỗi thời gian vất vả nơi thương trường dường như không làm nhạt phai nét xuân sắc của chị. Là một phụ nữ thầm lặng và bình dị nên cái tên của chị còn xa lạ với truyền thông. Cũng bởi vì: “Từ lúc đi làm cách mạng cho đến những năm tháng bị tù đày, mình đều được các chị, các anh, những đồng chí đi trước dìu dắt, giúp đỡ. Công lao của các anh, các chị lớn lắm chứ mình thì cũng bình thường thôi…”. Ấy là chị khiêm nhường nói thế, nhưng khi tiếp xúc với các đồng đội của chị và được xem các tài liệu, tác phẩm văn học viết về chị ngày ấy, tôi mới nhận ra, chị là một con người đặc biệt. Điều đặc biệt nhất, chị là nữ tù chính trị trẻ tuổi nhất. 13 tuổi đã bị địch bắt giam vào “chuồng cọp”. Và những câu chuyện cảm động trong lao tù cũng bắt đầu từ cái “nhất” ấy.
Sinh ra ở vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam, lên 10 tuổi chị đã được dìu dắt, tham gia làm giao liên cho các cơ sở cách mạng trong vùng. Năm 1968, chị sa vào tay giặc trong một lần đi trinh sát, tìm đường cho đoàn cán bộ vượt sông. Bị địch bắt, chị đã mưu trí hét toáng lên, báo động cho đoàn cán bộ của ta rút êm vào rừng. Chị bị tống giam vào nhà tù Non Nước ở Đà Nẵng, biệt giam vào “chuồng cọp” ở nhà lao Phú Tài (Quy Nhơn). Sau đó, chị nằm trong nhóm 10 nữ tù bị địch liệt vào hàng “cứng đầu” bắt giam vào hầm cầm cố. Năm 1972, gần 1000 nữ tù chính trị, trong đó có nhóm 10 nữ tù “cứng đầu” bị đưa vào nhà tù Cần Thơ.
Ở cái tuổi thiếu niên, mọi đường đi, nước bước của Hồng đều được các chị đi trước hướng dẫn, dìu dắt. Cô bé dù phải chịu cực hình, tra tấn tàn khốc, vẫn không mất đi nét duyên nhí nhảnh trời cho. Hồng càng lớn càng xinh đẹp, là “con chim họa mi” trong tù. Tiếng hát líu lo và sự hồn nhiên, nhí nhảnh của tuổi mới lớn ở Hồng đã làm bừng lên tinh thần lạc quan, ý chí đấu tranh của chị em tù. “Tại sao lại có thể bắt giam một cô bé xinh đẹp, trong trẻo, hồn nhiên như vậy?”. Viên sĩ quan cai ngục tên Thọ ở nhà tù Phú Tài nhiều lần thốt lên như vậy. Vẻ đẹp thánh thiện của nữ tù chính trị tuổi trăng tròn đã làm mềm lòng một số sĩ quan, binh lính cai tù. Nhiều đối tượng trong số đó được ta cảm hóa, trở thành “tay trong”, tích cực giúp đỡ tù nhân. Ngày Hồng bị chuyển vào nhà tù Cần Thơ, trung úy Thọ, không hiểu vì lý do gì, một thời gian ngắn sau đó cũng có mặt trong đám cai tù ở đây. “Có một số cai tù luôn tỏ ý giúp đỡ chúng tôi. Các chị thường nói vui với tôi, có lẽ thấy mày xinh đẹp nên chúng nó nương tay. Nhưng tôi thì nghĩ, có thể có những trường hợp người của ta cài cắm vào…” – chị Hồng kể.
Bà Thu Hồng và cháu nội hiện nay.
Một trong những nhân vật “bí ẩn” ấy là trung sĩ, y tá trưởng tên Sỹ ở nhà tù Cần Thơ. “Lúc bị bắt, trên người tôi có một đôi khuyên tai, một chiếc nhẫn và một dây chuyền vàng. Tôi đã giấu được. Đến khi vào nhà tù Cần Thơ, tôi nhờ Sỹ bán số nữ trang này để lấy tiền mua sắm đồ dùng, vải vóc phục vụ chị em trong tù. Sỹ giúp đỡ chị em tôi rất tận tình mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì…” – chị Hồng nhớ lại.
Ký ức ngày về
Hôm đó tầm 5 giờ chiều, Sỹ đưa Hồng từ bệnh viện về lại trại giam, khi đi ngang qua sân bay Trà Nóc, bất ngờ Hồng nghe tiếng hét: “Hiệp định Pa-ri được ký rồi!”. Cô bé như quên hết tất cả, nhảy phốc lên chạy một mạch về buồng giam, vừa chạy vừa hét toáng lên: “Cách mạng thắng lợi rồi! Hiệp định Pa-ri được ký rồi! Chúng ta được tự do rồi…”. Thế là suốt đêm hôm đó, nhà tù như mở hội. Các buồng giam vang lên tiếng hát của tù nhân: Đảng đã cho ta một mùa xuân… Nhờ chiếc ra-đi-ô mà Sỹ mua giúp, buồng giam 10 nữ tù chính trị “cứng đầu” vừa nghe đài vừa hát vang những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ…
Trưa hôm sau, tù nhân được ăn một bữa rất ngon. Thức ăn có đủ món thịt, cá, rau xanh, cơm trắng. Trước khi thực hiện thủ tục trao trả tù binh, trung úy Thọ cho gọi Hồng lên phòng điều hành. Anh ta nói:
– Tôi đã có thiện cảm với em từ ngày em còn ở nhà tù Phú Tài. Em xinh đẹp, lại rất trẻ, phải chịu cảnh tù đày… Bây giờ được trả tự do rồi, chi bằng em ở lại đây, tôi sẽ lo cho em một cuộc sống sung sướng, giàu sang, hạnh phúc.
Hồng đáp:
– Cảm ơn lòng tốt của ông. Nếu thực tình ông có thiện tâm như vậy thì hãy làm một việc gì đó có ích cho dân, cho nước. Tôi làm sao có hạnh phúc khi các đồng chí của tôi suốt ngày đêm bị người của các ông tra tấn, đánh đập. Làm sao có hạnh phúc nếu người chồng của mình làm tay sai cho bọn Mỹ, phản bội lại Tổ quốc, nhân dân. Chị em tù chúng tôi sống chết có nhau. Các chị đi đâu, tôi đi đó.
Một cuộc hội ngộ của các nữ tù chính trị ở Quảng Nam.
Trung úy Thọ cố thuyết phục, níu kéo nhưng Hồng nhất định không nghe. Trong lúc đó, 9 nữ tù chính trị chưa thấy Hồng trở lại cũng dứt khoát không chịu lên máy bay. Có mấy chị xông thẳng vào phòng điều hành đòi trung úy Thọ phải đưa Hồng ra máy bay gấp. Chuyến bay sắp cất cánh nhưng bên ta phát hiện còn thiếu 10 người trong danh sách, lo sợ bị bọn chúng thủ tiêu nên kiên quyết đòi phía bên kia phải bàn giao đủ. Tình thế ấy buộc trung úy Thọ phải để cho Hồng trở về. Hồng và các đồng chí của mình vừa bước lên cầu thang máy bay thì trung úy Thọ cũng vội vã bước theo. Đó là chuyến bay cuối cùng từ Cần Thơ về Lộc Ninh thực hiện việc trao trả tù binh theo Hiệp định Pa-ri.
Cuộc đón tiếp tù nhân tại sân bay Lộc Ninh diễn ra hết sức cảm động. Hồng nhận được thật nhiều tình cảm, sự động viên, mến mộ của các bác, các chú, các cô. Chứng kiến ngày về của Hồng trong vòng tay yêu thương của đồng bào, đồng chí, trung úy Thọ đứng im một góc, nước mắt chảy dài. Anh ta lặng lẽ rời Lộc Ninh theo máy bay trở lại Cần Thơ…
Trong đoàn người đón tù chính trị trở về có nhiều văn nghệ sĩ. Hình ảnh của nữ tù chính trị tuổi 13 đã trở thành nhân vật trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong bài thơ “Em về chiến thắng” tặng nữ tù chính trị tuổi 13 Trần Thu Hồng của nhà thơ Trần Đình Vân đăng trên Báo Giải Phóng sau đó có đoạn: Em gái cười như ánh mặt trời/ Màu da xanh bỗng chuyển hồng tươi/ Em ơi Trái Đất này vui lắm/ Em đó niềm vui của mọi người… Thằng ngụy khoanh tay đứng lặng nhìn/ Cả rừng người đến đón mừng em/ Nghĩ chi nó bước chân không vững/ Nắng hắt bên lề bóng đổ nghiêng… Nhưng “bài thơ” tuyệt vời nhất dành tặng chị trong ngày trở về chính là tình yêu của nhà thơ Đỗ Nam Cao ở Ban Văn nghệ giải phóng. Cảm phục tinh thần cách mạng của người con gái xứ Quảng, nhà thơ Đỗ Nam Cao sau cuộc đón chị ở sân bay đã đem lòng yêu mến. Năm 1977, họ trở thành vợ chồng.
Giờ đây, chị Hồng sinh sống cùng hai con (một trai, một gái) ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Hôm đến dự ngày giỗ đầu của nhà thơ Đỗ Nam Cao, tôi được gặp nhiều bạn tù ngày xưa của chị. Trở về cuộc sống đời thường sau chiến tranh, ngoài chị Hồng, tất cả các chị trong nhóm 10 nữ tù chính trị ngày ấy đều đã qua thời con gái. Nay, mỗi người một hoàn cảnh. Có người đã mất. Có người vẫn phải còng lưng làm đủ nghề mưu sinh khi cõi ngày đã cạn và ước mơ về một mái ấm gia đình mãi mãi không thành hiện thực. Trong câu chuyện với tôi, các chị nhắc đến những kỷ niệm ở chốn lao tù. Chìm trong muôn vàn tội ác và sự tàn khốc của kẻ thù, vẫn le lói những gam màu nhân ái. Trung úy Thọ, trung sĩ Sỹ, trung sĩ Tấn, trung sĩ Trường… là những con người như vậy. Không biết bây giờ họ ở đâu? Nếu có một cuộc hội ngộ, biết đâu lại gợi ra thật nhiều điều chưa bao giờ nói…
Bài: PHAN TÙNG SƠN – Ảnh: HỒNG THU
qdnd.vn