Có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong lòng Pa-ri

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri

QĐND – Tham gia cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Pa-ri, sau đó là giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định, nhà ngoại giao Võ Văn Sung là một trong số ít người có may mắn chứng kiến toàn bộ cuộc đụng đầu lịch sử giữa nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ và một nền ngoại giao lão luyện của Mỹ ngay tại Pa-ri.

40 năm sau, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông tại nhà riêng. Qua hồi ức của ông, một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” thầm lặng và không tiếng súng đã diễn ra gay go và ác liệt ngay trong lòng trung tâm văn minh lớn của phương Tây.

Nhà ngoại giao Võ Văn Sung. Ảnh: Song Thanh

Pa-ri, trọng điểm của mặt trận ngoại giao

Tháng 11-1970, tôi sang Pháp, bên trong là tham gia nhóm làm việc của anh Lê Đức Thọ đàm phán “bí mật” với Kít-xinh-giơ, bên ngoài tôi làm Tổng đại diện của chính phủ ta. Tôi nhớ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom B-52 xuống Hà Nội tháng 12-1972, tại Pa-ri ngày nào Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Mô-rít-xơ Su-man và tôi cũng gặp gỡ, hoặc gọi điện thoại cho nhau cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến vì phía Pháp cần có thông tin để có thái độ. Ngược lại, ta cũng mong muốn phía Pháp góp phần lên án cuộc ném bom đó. Ngày 31-12-1972, nghe tôi thông báo thắng lợi của ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 máy bay B-52, ngoại trưởng Pháp đã thốt lên “Thật kỳ diệu” và sau đó đưa tôi ra thềm trụ sở Bộ Ngoại giao. Tại đây, đã có hàng chục nhà báo Pháp và quốc tế chờ sẵn để nghe tôi nói về sự kỳ diệu ấy.

Thực tiễn cho thấy, Pa-ri đúng là môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận và tranh thủ quốc tế tốt cho ta. Trong các năm 1968-1975, ta lần đầu tiên đã đưa ngoại giao thành một mặt trận, thực sự hình thành cuộc đấu tranh: Chính trị, quân sự, ngoại giao chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Các cuộc đàm phán: Hai bên Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ (1968); bốn bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Mỹ – Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam – chính quyền Sài Gòn (1969-1973); đàm phán “bí mật” Lê Đức Thọ – Kít-xinh-giơ (1970-1973); hiệp thương hai bên miền Nam Việt Nam (3-1973 đến cuối năm 1974) đều diễn ra tại Pa-ri.

Liên tục trong 5 năm, thường xuyên có các cuộc mít tinh, biểu tình, hội họp ủng hộ hòa bình ở Việt Nam và lập trường đàm phán của ta. Riêng Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển toàn bộ trường Đảng Trung ương đi nơi khác để lấy địa điểm cho đoàn đàm phán Việt Nam sử dụng. Báo chí Pháp cũng luôn bám sát, phản ánh đều đặn và hầu hết đều bình luận có lợi cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam cũng như bênh vực lập trường có tình có lý của ta.

Đòn cân não sau Hiệp định

Khoảng đầu tháng 5-1973, phía Mỹ đã gặp tôi chuyển đề nghị cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tổ chức cuộc gặp tại Pa-ri giữa anh Lê Đức Thọ với Kít-xinh-giơ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trả lời đồng ý với mục đích buộc Mỹ phải hành động thực sự thi hành đầy đủ các điều khoản của Hiệp định Pa-ri. Đợt gặp này bắt đầu từ 17-5 đến 13-6-1973. Anh Lê Đức Thọ bác bỏ mọi điểm xin sửa đổi của phía Mỹ và nêu điều kiện, phải ký như đã thỏa thuận nếu không thì kết thúc hội đàm. Sài Gòn tiếp tục đánh thì ta phải đánh trả lại. Thái độ miễn cưỡng của Mỹ và sự ngoan cố của Nguyễn Văn Thiệu cho ta thấy rõ khả năng thi hành Hiệp định Pa-ri ngày càng ít.

Ngày 25-11-1974, anh Lê Đức Thọ sang Pa-ri công tác đã gặp và yêu cầu tôi chuẩn bị để kịp thời xử lý những hoạt động ở Pháp trong tình huống sự chỉ đạo cụ thể của trong nước sang Pa-ri không thể kịp thời. Trước khi lên máy bay, anh Thọ còn cho tôi biết, sẽ có “đường dây” báo riêng cho tôi biết “thời điểm” để tôi hiệp đồng tốt với “nhà”. Từ đây, tôi cho rằng vấn đề hàng đầu có ý nghĩa cốt lõi khi quyết định dùng quân sự là việc đánh giá đúng ý đồ và khả năng Mỹ có đưa quân trở lại miền Nam để cứu chính quyền Sài Gòn không…

BÍCH TRANG
qdnd.vn

(Theo lời kể của nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung- người duy nhất còn sống trong 5 thành viên của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri).

(Còn nữa)

Advertisement