Có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong lòng Pa-ri (Kỳ cuối)

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri

Mặt trận ngoại giao “đợi tin” chiến trường

QĐND – Trên mặt trận ngoại giao, cơ quan của ta ở Pháp cũng nhận thức rằng, Pa-ri là một trong những đài quan sát quan trọng nhất của ta trên thế giới để thu thập tin tức, nghiên cứu các vấn đề phối hợp với chiến trường nên cần phải làm việc khẩn trương và chính xác. Chúng tôi đã huy động hầu hết lực lượng nghiên cứu, tiếp xúc của hai cơ quan Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để tổng hợp và đưa ra nhận định cho thấy những hạn chế của Mỹ trong khả năng trở lại Việt Nam bằng quân sự. Trong đó có một số việc chỉ riêng ở vị trí của tôi mới làm được.

Năm thành viên chính thức của đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri (từ trái sang phải): Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Sung. Ảnh tư liệu

Ví dụ, sau khi ta giải phóng toàn bộ tỉnh Phước Long, tôi có gặp và hỏi ông Nguyễn Duy Quang ý kiến về việc ta giải phóng Phước Long. Ông Nguyễn Duy Quang nguyên là Đổng lý văn phòng của Bảo Đại. Ông này đã tham gia kháng chiến chống Pháp đến năm 1953, là Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu 4 của ta; năm 1953 trở về vùng tạm chiếm và được chính quyền Sài Gòn sử dụng và chọn làm Đại sứ ở Pa-ri. Ông Quang tỏ thái độ khá lo lắng và nói đại ý không rõ tình hình. Tôi nói: “Chỗ anh em với nhau, tôi xin nói thẳng, năm 1953 anh đã không tiếp tục đi với kháng chiến thì bây giờ anh nên cân nhắc và tôi có thể đảm bảo với anh rằng, nếu anh quay trở về thì vẫn được hoan nghênh”. Ông Quang xin thêm thời gian suy nghĩ. Sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi lại chủ động gặp ông Nguyễn Duy Quang. Ông Quang cho tôi biết đại ý là không thấy Mỹ động tĩnh gì. Tôi nhắc lại việc “trở lại với kháng chiến”, ông ta vẫn trả lời lần lữa. Chỉ có một lần tôi hỏi quan hệ giữa Mỹ và Thiệu như thế nào, ông ta trả lời cho tôi hiểu rằng quan hệ đó không tốt.

Cùng với việc thăm dò đối phương, các hoạt động đề cao vị thế quốc tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng được đẩy mạnh. Cao điểm là từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2-1975: Đấu tranh cho sự tham gia của Chính phủ Cách mạng lâm thời ở Hội nghị quốc tế về Luật Nhân đạo tại Giơ-ne-vơ. Đồng thời, tiếp tục tiến hành vận động thêm một số nước công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Tôi có một số kỷ niệm đáng nhớ giúp cho ta thấy được tình cảm của chính phủ các nước đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời nhiều khi không như biểu hiện về mặt ngoại giao chính thức. Ví dụ như việc tôi xin gặp Đại sứ Van-đơ Clao-xơ, Trưởng phái đoàn của Hà Lan tại Giơ-ne-vơ (về sau ông này làm Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan) nhưng Văn phòng của phái đoàn Hà Lan trả lời đại sứ không tiếp vì cách đó hai ngày đã từng gặp một người xưng là đại diện của ta. “Chúng tôi chưa có ai gặp các ông cả. Ông Võ Văn Sung xin gặp là Đại sứ của Hà Nội tại Pa-ri kiêm nhiệm Đại sứ tại Hà Lan”- ta trả lời. Chưa đầy 15 phút sau, phái đoàn Hà Lan gọi lại cho biết đại sứ có thể tiếp tôi lúc nào tôi muốn. Khi tôi bước vào phòng khách, Đại sứ Van-đơ Clao-xơ vồn vã ra tận cửa đón và nói: “Xin bạn đồng nghiệp miễn chấp vì tôi cứ tưởng người xin gặp tôi là đại sứ của chính quyền bù nhìn ở Sài Gòn”. Tôi nói: “Lời nói của bạn đồng nghiệp làm cho tôi hiểu được tình cảm thật sự của bạn đối với chúng tôi. Thế lập trường của Sài Gòn thế nào mà Hà Lan không thể ủng hộ được?”. Đại sứ Hà Lan trả lời: “Họ đề nghị tôi chống việc Chính phủ Cách mạng lâm thời tham gia Hội nghị”. Tôi hỏi: “Thế Hà Lan sẽ ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời chứ?”. Trả lời: “Đó là ý định của chúng tôi”. Sự việc này khiến tôi thấy rằng giữa hành động ngoại giao chính thức và tình cảm thực sự có lúc có khoảng cách và không nên vì thế mà xem nhẹ tình cảm thật của bạn bè đối với chính nghĩa của ta.

“Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!”

Hai năm sau ngày ký kết Hiệp định Pa-ri, chúng tôi dự kiến có một hoạt động với ý đồ phục vụ hai mục đích như các việc đã kể trên. Kinh nghiệm vận động Việt kiều hàng chục năm trước ở Pháp và Tây Âu cho thấy, Tết là dịp có thể huy động được số đông Việt kiều và bạn bè quốc tế. Vì vậy, chúng tôi quyết định tiến hành hai đợt hoạt động: Đợt 1 nặng về chính trị làm vào ngày 26-1-1975 nhân dịp hai năm ký kết Hiệp định Pa-ri; đợt 2 tổ chức một đêm Tết lớn với nòng cốt là Hội Liên hiệp Việt kiều gọi là “Tết hòa giải hòa hợp Ất Mão” bao gồm cả Việt kiều ở Pháp và các nước lân cận. Mọi việc diễn ra suôn sẻ đúng với ý định của ta. Sau lễ Tết “hòa giải hòa hợp”, tôi để ý thấy nhiều người xin gặp tôi và có thái độ gần như “chúng ta là cùng một phía”.

Ngày 13-4-1975, tôi được triệu tập sang Mát-xcơ-va gấp và ngày 14-4-1975 tôi được nối “đường dây” mà anh Lê Đức Thọ nói khi lên máy bay rời Pa-ri. Bất ngờ đầu dây bên kia là anh Lê Thanh Nghị. Anh Lê Thanh Nghị đã giao cho tôi một số việc về kinh tế và khoa học kỹ thuật, sau đó nói với tôi về tình hình trong nước và báo riêng “anh Sáu Thọ nhắn anh là các việc cứ xúc tiến như đã bàn; có nhiều khả năng xong trước mùa mưa này”. Trước khi chia tay, anh Nghị nói với tôi một câu đầy xúc động khác với tác phong thường ngày của anh: “Sắp thống nhất rồi anh Sung ơi!”. Tôi thấy trong người như được thêm một sức mạnh mới, phấn chấn hẳn lên. Trên máy bay trở về Pa-ri tôi liên tục nghĩ về công việc của những ngày sắp tới…

BÍCH TRANG
qdnd.vn

(Theo lời kể của nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung – người duy nhất còn sống trong năm thành viên của đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Hiệp định Pa-ri).

Có một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” trong lòng Pa-ri (Kỳ 1)

Advertisement