Đấu tranh dư luận ở Pa-ri
Cuộc trả lời phỏng vấn lúc nửa đêm
QĐND – Một giờ sáng 4-9-1969, điện thoại của bộ phận báo chí đoàn CPCMLT tại Massy đổ vang. Giờ này trong nước, Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa đến cho đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài cái tin vô cùng đau đớn: Bác Hồ đã qua đời.
Phóng viên AFP xin lỗi là đã gọi tôi vào lúc này và đặt ngay câu hỏi: Hà Nội vừa thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời. Xin được biết bình luận của người phát ngôn Mặt trận dân tộc giải phóng về sự kiện này.
Những ngày trước đó chúng tôi trong hai đoàn đã sống trong tâm trạng lo lắng và đau buồn vô hạn khi được thông báo mật là Bác ốm nặng. Không khí trong đoàn vắng lặng hẳn đi, chúng tôi khóc thầm nhưng vẫn phải làm ra vẻ bình thản.
Phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam lan rộng khắp thế giới. Ảnh tư liệu
Tôi trả lời: “Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ vĩ đại, là người Cha của cả dân tộc chúng tôi. Người qua đời là một mất mát to lớn không gì bù đắp được”.
Lại hỏi: “Ông có nghĩ rằng sự qua đời của Chủ tịch có tác động đến cuộc chiến đấu của đồng bào các ông không?”.
Trả lời: “Tất nhiên tác động rất lớn: Đồng bào chúng tôi ở cả hai miền Nam, Bắc sẽ càng đoàn kết, quyết tâm hơn bao giờ hết, chiến đấu kiên cường hơn nữa để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước”.
Lại hỏi: “Theo ông sự kiện này có tác động gì đến Hội nghị bốn bên”?
Trả lời: “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh cho một giải pháp bảo đảm các quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân chúng tôi, như Hồ Chủ tịch đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
“Chim bồ câu” quấy nhiễu
Hoạt động báo chí của chúng tôi đặc biệt nhắm vào dư luận Mỹ. Ngay từ những ngày đầu mới đến Pa-ri, chị Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn CPCMLT đã có sáng kiến viết một bức thư ngỏ gửi hai viện Quốc hội Mỹ và nhân dân Mỹ kêu gọi họ tác động buộc chính quyền Mỹ ngừng bàn tay tội ác, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều cuộc gặp gỡ với báo chí và nhân sĩ Mỹ đã diễn ra tại trụ sở đoàn Mặt trận. Bản thân tôi đã dự một cuộc phỏng vấn bất thường do một kênh Truyền hình Mỹ tổ chức tại Versailles. Trong cuộc phỏng vấn này, bốn người phát ngôn của bốn đoàn ngồi ở bốn bàn đối diện đặt trong cùng một phòng và trả lời bằng tiếng Anh. Những câu hỏi đặt ra rất “hắc”, nhưng anh Ngạc, phát ngôn cho đoàn miền Bắc và tôi đã được dặn trước là phải bình tĩnh trả lời, nhắm đối tượng là người dân Mỹ mà nói. Chúng tôi dùng lời lẽ lịch sự nhưng mạnh mẽ vạch tội ác của chính quyền Ních-xơn tiếp tục và tăng cường và mở rộng chiến tranh gây đau thương, tang tóc cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, kêu gọi những người có lương tri ở Mỹ hãy cùng chúng tôi chặn bàn tay tội ác của Ních-xơn. Nhiều lúc trong quá trình cuộc “phỏng vấn bốn bên” này, tôi thấy người dẫn chương trình vung tay muốn cắt lời chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn nói hết ý của mình.
Vào lúc này, dư luận Mỹ và thế giới càng thấy rõ trở ngại cho một giải pháp hòa bình không phải là VNDCCH và Việt cộng mà chính là chính quyền Ních-xơn và chính quyền Sài Gòn. Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lan rộng ra tất cả các tầng lớp nhân dân, ngay cả trong chính giới, trí thức, nghệ sĩ và binh lính, cựu chiến binh Mỹ. Các đoàn đại biểu các tổ chức chống chiến tranh Mỹ như tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình đến Pháp gặp hai đoàn chúng ta. Tôi được thấy họ cùng ngồi, cùng trò chuyện, cùng cười, cùng khóc, cùng hát với các thành viên nữ trong đoàn, như những người chị em. Không phải người Mỹ nào lúc mới đến cũng thông cảm với chúng ta, nhưng phần lớn dần dà họ hiểu ra và những cuộc gặp như vậy đã góp phần “làm tan băng giá” trong trái tim người Mỹ, như nhiều vị khách đã nói.
Phải chăng vì vậy mà giới cầm quyền Mỹ đặc biệt căm thù phong trào hòa bình. Về sau này Kít-xinh-giơ viết trong Hồi ký “Những năm ở Nhà Trắng”: “Những con bồ câu chứng tỏ rằng chúng là loài chim đặc biệt quấy nhiễu và năm tháng qua đi chúng cũng không trở nên tốt hơn”.
Cuộc họp báo cuối cùng
Tháng 3-1972, quân và dân ta mở cuộc tấn công chiến lược rộng lớn ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng Liên khu 5 giành thắng lợi lớn. Ngày 6-4-1972, Mỹ ném bom miền Bắc trở lại với quy mô chưa từng có, kể cả Hà Nội và Hải Phòng, sử dụng cả máy bay chiến thuật và chiến lược. Tình hình hết sức căng thẳng. Dư luận lo âu không biết rồi Hội nghị Pa-ri có còn hay không, người ta bàn tán về nhiều khả năng và không ít người lo ngại bản chất cực kỳ phiêu lưu, hiếu chiến của chính quyền Ních-xơn.
Hội nghị Pa-ri đã ở năm thứ tư (1972) cũng là năm các phiên họp bốn bên bị cắt quãng nhiều lần. Cuộc kháng chiến ngoan cường, bất khuất của nhân dân ta đã buộc Mỹ tiếp tục đàm phán và hai bên đi đến một văn bản dự thảo hiệp định mà ông Ních-xơn vào ngày 20-10-1972 xem như đã hoàn chỉnh và thỏa mãn. Nhưng sau đó, Mỹ lại trở mặt, đòi sửa hầu hết các điều khoản chủ yếu đã thỏa thuận mà họ nói là “theo yêu cầu của Sài Gòn”.
Ngày 18-12, Ních-xơn ra lệnh cho B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trong chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ 2” kéo dài 12 ngày đêm, nhưng cuối cùng đã thảm bại. Thất bại đau đớn này đã buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau lễ ký kết, nhiều nhà báo quen thuộc kéo về “ngôi nhà nhỏ bên hồ”, trụ sở của đoàn CPCMLT để gặp Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Chị đã nói về ý nghĩa Hiệp định, về những việc chúng ta còn phải đấu tranh để Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Chị cảnh báo âm mưu lật lọng, vi phạm Hiệp định của chính quyền Ních-xơn và chính quyền Thiệu… Chị nồng nhiệt cảm ơn các nhà báo quốc tế đã theo dõi Hội nghị suốt bấy nhiêu năm và đã góp phần vào thành công của Hội nghị. Nhiều nhà báo ngồi lại với chúng tôi rất lâu, cùng nhau ôn lại những ngày tháng không thể quên của cuộc hội nghị dài nhất trong lịch sử này.
Trước khi ra về, một nhà báo Mỹ hỏi tôi: “Ông có nhắn gì người Mỹ không?”. Tôi cầm tay ông và đáp: “Tôi mong ông nhắn với họ rằng họ hãy “Remember Vietnam!”- nhớ mãi Việt Nam để không bao giờ lại để cho những người cầm quyền của họ phạm lại sai lầm bi thảm như cuộc chiến tranh Việt Nam”.
LÝ VĂN SÁU
Nguyên Phát ngôn viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri
qdnd.vn
(Hết)