Đấu tranh dư luận ở Pa-ri
QĐND – Những năm sau này, khi chiến tranh đã chấm dứt và đất nước đã thống nhất, nhiều người bạn hỏi tôi: “Cậu ngồi ở Hội nghị Pa-ri gần 5 năm, họp báo gần trăm lần, nói cái gì năm này qua năm khác mà không sợ lặp đi lặp lại à?”. Câu hỏi vừa dễ, vừa khó trả lời. Suy nghĩ kỹ thì những người làm công tác phát ngôn báo chí chúng tôi, trong chừng ấy năm trời chỉ nói bằng nghìn cách khác nhau một chân lý không gì thay đổi được, đó là: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam dầu ở miền Nam hay miền Bắc cũng đều có nghĩa vụ thiêng liêng chung lưng đấu cật chống xâm lược Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Kỳ 1: “Trận địa mới” ở Pa-ri
Những người phát ngôn không “mặn mà” với họp báo
Ông Oan-tơ Cron-kít (Walter Cronkite), nhà bình luận chính của Hãng truyền hình Mỹ CBS và là một người được coi là có quan điểm khách quan, sau khi đi Sài Gòn để tận mắt xem xét tình hình đã đưa ra kết luận: “Giờ đây có lẽ điều chắc chắn hơn bao giờ hết là cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam đã đi vào chỗ bế tắc… Chỉ còn một cách để người Mỹ thoát khỏi vũng lầy và thương lượng với Hà Nội”. Tuy nhiên, trong nước Mỹ cũng như trên thế giới còn không ít người chưa hiểu rõ nguyên nhân và nguồn gốc của cuộc chiến tranh Việt Nam và chịu ảnh hưởng của những luận điệu của bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Mỹ. Nhiều người còn chưa hiểu rõ “Việt cộng” là những người thế nào và chưa tin Việt Nam lại có thể chiến thắng được. Hội nghị Pa-ri về Việt Nam mở ra cho ta một trận địa mới để làm sáng tỏ những vấn đề ấy và tranh thủ sự đồng tình của công luận ngay tại một trung tâm báo chí quan trọng của thế giới là Pa-ri.
Ông Lý Văn Sáu (bên phải), Người phát ngôn đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại một cuộc họp báo ở Hội nghị Pa-ri. Ảnh tư liệu
Hội nghị Pa-ri không chỉ là “diễn đàn” đấu trí, đấu lý giữa Việt Nam và Mỹ mà còn là nơi để ta đấu tranh dư luận nhằm kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận đối với Việt Nam cũng như vạch trần tội ác của Mỹ và chính quyền tay sai. Hoạt động báo chí của ta tại Hội nghị Pa-ri chính là công cụ đắc lực trong cuộc đấu tranh trên mặt trận dư luận ấy.
Theo thỏa thuận giữa các bên, sau mỗi phiên họp chính thức của hội nghị “bốn bên” sẽ có họp báo của các người phát ngôn các đoàn. Phát ngôn báo chí cho đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam) qua các thời kỳ có các anh Dương Đình Thảo, Trần Hoài Nam và tôi. Những lúc chúng tôi đi công tác thì các anh Đinh Bá Thi, Trần Văn Tư chủ trì. Về phía đoàn Mỹ, người phát ngôn báo chí thường thay đổi, thời gian đầu là ông Đa-vít A. En-giơ (David A.Engel), rồi tới ông Lê-đô-ga (Ledoga). Nhưng xem chừng họ không “mặn mà” lắm với các cuộc họp này vì thường bị các nhà báo chất vấn tới tấp. Người phát ngôn báo chí của đoàn chính quyền Sài Gòn là ông Nguyễn Triệu Đan, người “bao sân” hầu như suốt mấy năm hội nghị. Cũng có lúc ông Nguyễn Xuân Phong, phó đoàn, họp báo thay ông Đan. Ngoài các cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, hai đoàn ta là VNDCCH và Mặt trận còn tổ chức các cuộc họp báo riêng, bất thường mỗi khi có sự kiện quan trọng.
Những người bạn cầm bút ở Pa-ri
Nhìn lại gần trăm cuộc họp báo, phải công nhận rằng giới báo chí quốc tế thật là những người kiên nhẫn và nhạy bén. Có những nhà báo không bỏ lỡ cuộc họp báo nào của chúng ta, dần dà họ trở thành những người bạn quen, như ông S. Gên-dơ-bớc (Serges Gainzbourg) hãng AFP, ông Xét-bon (Sedbon) hãng Roi-tơ, ông I-tô (Ito) hãng NHK (Nhật Bản), bà Phlo-ra Lê-uýt (Flora Lewis) của tờ New York Times và nhiều người khác. Các nhà báo cộng sản và cánh tả Pháp và các nước châu Âu là những người bạn trung thành chẳng những ủng hộ mạnh mẽ lập trường chính nghĩa của ta mà còn cung cấp cho ta nhiều thông tin và giúp chúng tôi cách phát biểu và trả lời như thế nào cho hợp với báo chí phương Tây. Trong số họ có những người có điều kiện vào Sài Gòn và đi đến nhiều vùng ở miền Nam, kể cả các vùng chiến sự. Họ thường thông tin cho chúng tôi biết trước khi đi và trở về lại cung cấp cho chúng tôi nhiều tin tức và những bức ảnh quý giá…
Trong số những nhà báo theo dõi hội nghị, tôi muốn được nhắc đến nhà báo và nhiếp ảnh người Pháp Rô-gơ Pích (Roger Pic), nhà báo người Ô-xtrây-li-a Uyn-phrét Bớc-xét (Willfred Burchett), chuyên gia về các vấn đề Đông Dương, cả hai đều đã được Mặt trận mời vào thăm vùng giải phóng. Nhà báo Bớc-xét cho biết, trong một chuyến bay quốc tế ông tình cờ ngồi cạnh một viên đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, làm quen và hỏi thăm về chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Ông đại sứ buột mồm nói: “Ồ, đó chẳng qua là việc thay đổi màu da các xác chết!”. “Định nghĩa” này về chính sách dã man của Mỹ, dùng người Việt giết người Việt, nhằm kéo dài chiến tranh, duy trì bè lũ bù nhìn ở Sài Gòn đã được chúng ta nhắc đến để vạch mặt Mỹ, ngụy tại bàn hội nghị mà họ không cách gì chối cãi được.
Cũng xin được nhắc đến chị Ma-đơ-lin Ríp-phô (Madeleine Riffaud), nhà báo của Đảng Cộng sản Pháp từng có mặt ở Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp, đã được gặp Bác Hồ và vào thăm vùng giải phóng miền Nam. Chị cùng với tổng biên tập Giăng Mo-rô (Jean Moreau) và nhà báo Giăng Ê-min Vi-đan (Jean Emile Vidal) của báo L’Humanité… đã viết nhiều bài nghị luận và phóng sự sắc bén, ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ta. Chị Ma-đơ-lin Ríp-phô cũng là người đã sáng tác ra cụm từ “đội quân tóc búi” (L’armée des chignons) mà chúng ta gọi là “đội quân tóc dài” để nói về người phụ nữ miền Nam kiên cường bất khuất đấu tranh chống Mỹ, ngụy.
LÝ VĂN SÁU
qdnd.vn
Nguyên Phát ngôn viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri
———
Còn nữa