Đấu tranh dư luận ở Pa-ri
Vùng giải phóng của các ông là ở đâu?
QĐND – Phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam khai mạc lúc 10 giờ 30 phút ngày 25-1-1969 (sau phiên họp trù bị ngày 18-1). Phải nói rằng đây là một sự mở đầu lịch sử đối với nhân dân ta. Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, trên thực tế các nước lớn thảo luận và thỏa thuận với nhau. Lần này chính nhân dân ta là người đến Hội nghị trực tiếp đấu tranh với cường quốc số một là Mỹ để tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến tranh mà Mỹ đã sa lầy và đang tìm “lối thoát trong danh dự”.
Phiên họp thứ nhất kết thúc lúc 6 giờ chiều với thỏa thuận duy nhất là tuần sau sẽ họp lại cùng ngày, cùng giờ. Ra về các trưởng đoàn phát biểu ngắn tại cổng lớn của Trung tâm, các người phát ngôn và các nhà báo tức tốc phóng xe về nơi họp báo, lúc này còn ở phố Suchet.
Đoàn VNDCCH trả lời báo chí sau một phiên họp ở Pa-ri. Ảnh tư liệu
Cuộc hội nghị bốn bên bắt đầu như vậy đó, các phiên họp về sau này cũng theo một khuôn khổ. Dư luận thế giới chăm chú theo dõi để biết rõ lập trường của các bên và hy vọng về một giải pháp. Ngay từ phiên họp đầu tiên người ta đã thấy chỉ có đoàn Mặt trận và đoàn VNDCCH là đưa ra những đề nghị cụ thể.
Về sau này trong Hồi ký của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, ông ta viết rằng “những phiên họp công khai tạo cho người Bắc Việt và đồng minh Việt cộng của họ một diễn đàn hàng tuần trên vô tuyến truyền hình và tác hại rất lớn đối với Mỹ ở tại ngay nước Mỹ”.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên, Người phát ngôn đoàn Mặt trận lên tiếng trước. Phòng họp báo lớn ở phố Suchet đã chật ních phóng viên các báo, hãng thông tấn, hãng truyền hình và đài phát thanh, có thể nói khắp các châu lục. Hàng chục ống kính và micro chĩa về chúng tôi, ánh đèn chiếu làm chúng tôi lóa mắt. Tôi ngồi trên bục họp báo, bên phải là chị Phạm Thanh Vân làm thư ký, bên trái là anh Huỳnh Hữu Nghiệp, một nhà trí thức quê miền Nam, đỗ bằng tiến sĩ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, đến giúp làm phiên dịch cho tôi. Sau này, anh Nghiệp cũng ngồi cạnh tôi trong hầu hết cuộc họp báo. Với cách phiên dịch chuẩn xác và đúng văn phong báo chí anh đã góp phần quan trọng vào việc tranh thủ dư luận.
Tôi tường thuật tóm tắt diễn biến của phiên họp và tuyên bố “sẵn sàng trả lời các câu hỏi nếu có”. Sau một loạt các câu hỏi về chi tiết của phiên họp, bỗng bên tay trái tôi xuất hiện một nhà báo Mỹ mà tôi chưa được biết danh tính. Ông này đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới hai phần ba lãnh thổ Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?”.
Tôi trả lời: “Điều ông hỏi cũng là điều bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông báo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam, những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi đấy”.
Có tiếng vỗ tay trong phòng họp
Vào thời điểm ấy quân Mỹ và Sài Gòn đang ráo riết phản công, đánh phá ác liệt các vùng giải phóng của ta. Vùng giải phóng ở đồng bằng Liên khu 5 bị thu hẹp lại. Ở Nam Bộ hầu hết các vùng giải phóng đều bị lấn chiếm. Trên toàn miền Nam, Mỹ-ngụy lập 5.800 ấp chiến lược và 6.964 đồn bốt để khống chế đồng bào ta. Vùng giải phóng của ta từ 7,7 triệu dân rút xuống chỉ còn 4,7 triệu người. Còn máy bay Mỹ kể cả B-52 thì trong những ngày ấy ném bom khắp nơi, ngay cả ngoại vi Sài Gòn.
Về sau này, tháng 6-1975, trong một chuyến đưa một đoàn nhà báo quốc tế về thăm tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) và Bến Tre, tôi được gặp mấy đồng chí lãnh đạo, trước ở R. Có đồng chí vỗ vai tôi và nói: “Lúc tụi này nằm dưới hầm, bom Mỹ nổ trên đầu, mà qua đài BBC nghe cậu nói nơi đó là vùng giải phóng tụi này khoái lắm”.
“Con lạc đà chui qua trôn kim”
Phiên thứ hai của Hội nghị bốn bên họp ngày 31-1-1969 là một phiên đầy kịch tính. Phạm Đăng Lâm đã lên gân đọc một bài phát biểu dài 26 trang, cả dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp mất 2 giờ, góp nhặt tất cả những luận điệu chống cộng rẻ tiền, xuyên tạc nguồn gốc chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, nói xấu Mặt trận và chế độ miền Bắc, huênh hoang khoe chế độ Sài Gòn là độc lập, dân chủ, yêu nước. Chúng tôi ngồi nghe vừa buồn cười cho cái trò quạ mượn lông công, vừa tức giận trước những luận điệu láo xược của họ. Phát biểu của trưởng đoàn Mỹ chỉ ba trang, lên giọng dàn hòa, rồi đòi lập lại quy chế khu phi quân sự, rút quân miền Bắc.
Trở lại phòng họp, anh Trần Bửu Kiếm, Trưởng đoàn Mặt trận và anh Xuân Thủy, Trưởng đoàn VNDCCH tập trung nói rõ nguồn gốc cuộc chiến tranh Việt Nam, vạch mặt Mỹ là kẻ đã chà đạp lên Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, xâm lược miền Nam, lập nên chế độ bù nhìn, thối nát, độc tài của Thiệu, tay sai cho Mỹ. Bộ trưởng Xuân Thủy đã dẫn lời của Tổng thống Ních-xơn đe chính quyền Thiệu khi chính quyền này không chịu cử đại biểu đến Pa-ri, rằng “cái đuôi con chó không thể vẫy được con chó”. Anh phê phán họ là những kẻ “rước voi về giày mả Tổ”.
Phiên họp này mãi đến gần 6 giờ chiều mới kết thúc. Cuộc họp báo sau đó cũng rất sôi nổi. Anh Nguyễn Thành Lê, phát ngôn chính của đoàn VNDCCH đã nói về phản ứng của đại biểu chính quyền Sài Gòn trong phiên họp là “như đỉa phải vôi”. Một nhà báo Pháp hỏi tôi: “Ông nghĩ gì về việc trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?”, tôi đáp: “Con lạc đà chui qua lỗ trôn kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước”. (Tôi nhắc đến một điển tích trong Kinh Thánh).
Hôm sau tờ báo công giáo La Croix viết: “Người phát ngôn Việt Cộng cũng dùng đến điển tích trong Kinh Thánh”, còn báo Le Monde thì viết: “VNDCCH và Mặt trận đã dùng mọi danh từ trong vườn thú để ném về phía Mỹ và Sài Gòn”.
Và cứ như vậy, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, mỗi cuộc họp báo là một dịp để chúng tôi giới thiệu diễn biến hội nghị, tình hình chiến trường và chính trường miền Nam, vạch trần những tội ác, âm mưu, thủ đoạn và luận điệu dối trá của đối phương, làm rõ lập trường chính nghĩa của ta và giải đáp những câu hỏi của các nhà báo. Đối với những người phát ngôn chúng tôi, mỗi cuộc họp báo là một quá trình nghiêm túc theo dõi tình hình và dư luận, chuẩn bị nội dung và dự kiến các câu hỏi và phương án trả lời.
LÝ VĂN SÁU
Nguyên Phát ngôn viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri
qdnd.vn
(Còn nữa)