Kỳ 3: “Quả bom” nổ trên bàn hội nghị

Đấu tranh dư luận ở Pa-ri

Một cuộc họp báo sôi nổi hiếm hoi

QĐND – Tháng 5-1969, gần 5 tháng trôi qua từ phiên họp lần thứ nhất, Hội nghị bốn bên “giẫm chân tại chỗ”, hết phiên này qua phiên khác các bên tiếp tục “cuộc đối thoại giữa những người điếc”. Ta đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết quân đội khỏi miền Nam, từ bỏ bè lũ Thiệu-Kỳ. Mỹ cũng đòi ta “chấm dứt xâm lược”, rút hết quân miền Bắc khỏi miền Nam, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam…

Các cuộc họp báo tại Trung tâm Kleber nhiều khi trở nên chán ngắt và số nhà báo đến dự cũng ít hẳn đi. Tuy nhiên, mặt trận dư luận tiếp tục sôi động. Phong trào nhân dân thế giới nhất là ở Mỹ và châu Âu đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi tận dụng thời gian này để mở rộng diện tiếp xúc với các nhà báo các nước để trò chuyện, tìm hiểu và trình bày, phân tích cho họ hiểu về đất nước và nhân dân Việt Nam, về tình hình và cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Tại trụ sở của đoàn ngày nào cũng có vài cuộc gặp gỡ nhà báo, nhà sử học, nhà nghiên cứu, chính khách các nước, các cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình hoặc phát thanh. Vào các ngày cuối tuần, chúng tôi chia nhau đi các địa phương của nước Pháp và một số nước châu Âu để nói chuyện với báo chí, các chính khách, các giới nhân dân và bà con kiều bào.

Một phiên họp tại Hội nghị Pa-ri. Ảnh tư liệu

Ngày thứ năm, 8-5-1969 là ngày họp phiên thứ 16. Tối hôm trước, không khí chuẩn bị cho phiên họp ở hai đoàn Việt Nam rất khẩn trương, chúng tôi làm việc đến tận ba, bốn giờ sáng để chuẩn bị cho “sự kiện lớn”. Sáng hôm đó, trước khi đi họp chúng tôi đã “rỉ tai” cho một số nhà báo và hãng thông tấn quen biết rằng, họ hãy “chờ điều mới”.

Trưởng đoàn Mặt trận Trần Bửu Kiếm, vẫn với giọng khoan thai như mọi phiên nói: “Hôm nay nhằm bày tỏ thiện chí và với lòng mong muốn đưa Hội nghị chúng ta khỏi bế tắc, tôi thay mặt Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra “Giải pháp toàn bộ 10 điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam”. Rồi ông chậm rãi đọc từng điểm một, bao gồm giải pháp về tất cả các vấn đề quân sự, chính trị, quan hệ đối nội và đối ngoại của miền Nam Việt Nam trong tương lai, việc giải quyết hậu quả chiến tranh, việc kiểm soát quốc tế, kể cả việc thống nhất đất nước trong tương lai. Khi anh Kiếm đọc đến đoạn nói: “Vấn đề các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”, chúng tôi thấy trưởng đoàn Mỹ Lót-giơ (Lodge) ghi vội điều gì đó trong sổ tay.

Thực ra đây là lần đầu tiên trên bàn hội nghị có một đề nghị giải pháp đầy đủ, cụ thể, với những điểm rất mới mà các nhà quan sát chính trị đều chú ý. Giải pháp nêu lên những đòi hỏi chính đáng và nguyện vọng xây dựng một miền Nam hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ, có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, kể cả Mỹ, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

Về sau này, trong Hồi ký “Những năm ở Nhà Trắng”, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Kít-xinh-giơ nhận xét Giải pháp 10 điểm của Mặt trận, đã viết: “Kế hoạch này lời lẽ thì xấc xược, về nội dung thì phiến diện. Tuy nhiên, chỉ riêng sự có mặt của một kế hoạch hòa bình của cộng sản, dù cho bản thân nó là bất ngờ, đã dấy lên một sự phản ứng tức khắc của Quốc hội, của các phương tiện đại chúng và của công chúng làm áp lực lên chính phủ, đòi không để lỡ mất thời cơ này”.

Có lẽ họ đã thông báo cho nhau, các nhà báo đến rất đông. Chúng tôi phân phát văn bản Giải pháp toàn bộ và bài phát biểu của anh Trần Bửu Kiếm. Chúng tôi cũng nói cho họ biết thái độ lúng túng và phản ứng tiêu cực của hai phái đoàn Mỹ và Sài Gòn. Ít khi có một cuộc họp báo sôi nổi như lần này. Các nhà báo muốn biết thêm chi tiết và bối cảnh của Giải pháp, về chính quyền miền Nam sau này, về định nghĩa đường lối trung lập v.v.. Nhiều nhà báo tức tốc về tòa soạn để đưa tin và viết bài và không mấy người ở lại dự cuộc họp báo của đoàn Mỹ và Sài Gòn. Một tờ báo Pháp đưa tít: “Kế hoạch hòa bình của Việt Cộng: Quả bom nổ trên bàn hội nghị”.

Cuối tháng 5-1969, tôi được theo anh Trần Bửu Kiếm sang thăm Cu-ba. Tại cuộc hội đàm với Bộ Chính trị và Chính phủ Cu-ba, anh Kiếm đã thông báo tình hình miền Nam và trình bày lập trường “10 điểm” của Mặt trận. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) đã nhiệt liệt ca ngợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta và ủng hộ mạnh mẽ lập trường “10 điểm” của Mặt trận, khẳng định một lần nữa sự ủng hộ chí tình dành cho Việt Nam. Trên đường về, anh Kiếm đã ghé thăm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân An-giê-ri, hội đàm với Tổng thống H. Bu-mê-điêng (Houari Boumediene) và Ngoại trưởng A. Bu-tê-phlích-ca (A.Bouteflika), giành được sự ủng hộ kiên quyết cho Giải pháp 10 điểm.

“Giải pháp hòa bình” của Ních-xơn

Sau khi đề Giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận được công bố, trong thế bị động, ông Ních-xơn lên truyền hình ngày 14-5-1969 đưa ra “kế hoạch hòa bình 8 điểm” để giải quyết vấn đề Việt Nam. Ông ta khoe khoang “thành tích” 4 tháng đầu cầm quyền, tuyên bố muốn rút quân Mỹ nhanh chóng nhưng đòi phải “có đi có lại”, phải rút đồng thời và nhanh chóng quân đội của cả hai bên trong vòng 12 tháng (có nghĩa là đòi quân miền Bắc cùng rút với quân xâm lược Mỹ). Làm ra vẻ rộng lượng, ông Ních-xơn tuyên bố “đồng ý” để cho Mặt trận dân tộc giải phóng “tham dự sinh hoạt chính trị ở Nam Việt Nam, tham gia bầu cử tự do dưới kiểm soát và giám sát quốc tế”. Ông Ních-xơn nói dài dòng về Hiệp định Giơ-ne-vơ, về ngừng bắn, về trao trả tù binh và không quên đe dọa sẽ “dùng biện pháp cứng rắn” nếu sự mềm dẻo của Mỹ bị hiểu lầm là thế yếu”.

Trong nhiều phiên họp và nhiều cuộc họp báo, hai đoàn Việt Nam vạch trần luận điệu hiếu chiến giả nhân giả nghĩa của Tổng thống Mỹ và đòi Mỹ phải chấp nhận Giải pháp toàn bộ 10 điểm của ta, nhất là về luận điệu “cùng rút quân” và “tuyển cử tự do” trong khi vẫn duy trì chính quyền Thiệu-Kỳ.

LÝ VĂN SÁU
Nguyên Phát ngôn viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pa-ri
qdnd.vn

(Còn nữa)

Advertisement