Đóng góp của lực lượng Công an nhân dân vào thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam

(ĐCSVN) – Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là “thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”. Thắng lợi đó là sự kết tinh của quá trình đấu tranh đầy cam go, thử thách của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao.

Lực lượng công an nhân dân đã đóng góp không nhỏ
vào thành công của Hội nghị Paris về Việt Nam
(Ảnh tư liệu)

Cách đây 40 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại thủ đô Paris, nước Cộng hòa Pháp. Đây là văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của nhân dân, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài, gay cấn, phức tạp và giành thắng lợi toàn diện cả mục tiêu đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao như tại Hội nghị Paris. Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới “đánh cho Ngụy nhào” như lời dạy và lời tiên đoán vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuối cùng đã giành thắng lợi trọn vẹn thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là “thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”. Thắng lợi đó là sự kết tinh của quá trình đấu tranh đầy cam go, thử thách của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và chủ trương sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta “vừa đánh vừa đàm” trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị Paris là một cuộc đấu trí, đấu mưu, đấu lực, đấu pháp hết sức gay go giữa ta và Mỹ trên nhiều phương diện. Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi đó. Nhờ nắm chắc tình hình, luôn cảnh giác cao độ, vận dụng sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời biết tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ Pháp và kiều bào cho nên công tác đảm bảo an ninh và bảo vệ phái đoàn đàm phán đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hội nghị Paris.

Để phục vụ mặt trận đấu tranh ngoại giao, ngay từ phiên họp đầu tiên của Hội nghị, ngày 13-5-1968, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã cử một số cán bộ, chiến sĩ có trình độ và kinh nghiệm làm công tác an ninh và bảo vệ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoạt động tại Hội nghị và sau đó hơn 40 lượt cán bộ chiến sĩ công an được cử tới Paris để làm công tác bảo vệ an ninh và cảnh vệ cho cả hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị. Với phương châm: Công tác an ninh phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, dựa vào sức mình là chính, đồng thời làm tốt công tác ngoại giao vận động kiều bào, lực lượng Công an đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh cho cả hai đoàn tại nơi ở, nơi làm việc, hội họp, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người cũng như các tài liệu bí mật quốc gia liên quan đến đàm phán; bảo vệ an toàn những chuyến đi lại từ Hà Nội đến Paris và ngược lại của các đồng chí Cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thuỷ và nhiều cuộc đi thăm các nước của bà Nguyễn Thị Bình – đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam v.v…

Thông qua công tác xây dựng cơ sở trong các tổ chức Việt kiều yêu nước, qua công tác trinh sát, tình báo, ta nắm được danh sách phái đoàn và ý đồ của Mỹ đến đàm phán tại Hội nghị Paris. Những tin tức đó được kịp thời báo cáo với lãnh đạo Đảng để có chủ trương, biện pháp chỉ đạo đấu tranh trên bàn Hội nghị. Trong quá trình diễn ra Hội nghị, lực lượng bảo vệ đã thường xuyên nêu cao cảnh giác, giữ vững kỷ luật, tham mưu cho lãnh đạo, hướng dẫn cho các thành viên trong đoàn đảm bảo cho hoạt động của đoàn tuân thủ nghiêm ngặt những nội quy, quy định về quan hệ, đi lại, tiếp xúc, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, các quy định về bảo vệ cơ quan phái đoàn, bảo vệ tài liệu, giữ gìn bí mật về chủ trương, đường lối của Đảng. Trong hoạt động nghiệp vụ, lực lượng an ninh đã chủ động bố trí những buồng BHP (“buồng hạnh phúc”), BBM (buồng bí mật), thậm chí nhiều vấn đề không được trao đổi bằng miệng mà phải viết ra giấy, khi cần thiết phải trao đổi ngoài sân hoặc trong vườn khuôn viên biệt thự… Vì vậy, mọi thông tin hoạt động đàm phán của phái đoàn ta, các bí mật tin tức, biện pháp đấu tranh ngoại giao của Đảng và Chính phủ đều giữ được bí mật đến phút cuối cùng, khiến cho địch luôn bị bất ngờ, đối phó bị động.

Ở những địa điểm phái đoàn ta hội họp, nơi làm việc, nghỉ ngơi, lực lượng Công an Việt Nam đều phối hợp với lực lượng Cảnh sát, An ninh và các lực lượng tiến bộ của nước Cộng hòa Pháp lập kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn cả trên đường di chuyển và ở nơi làm việc. Đặc biệt, tổ Tình báo F68 đã có những thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ an toàn phái đoàn ta tại Hội nghị. Bằng trí tuệ sắc sảo, sự nhạy cảm, khôn khéo, thông qua công tác trinh sát kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng công an đã phát hiện và vô hiệu hóa các phương tiện kỹ thuật nghe, chụp ảnh trộm của đối phương. Khi Hiệp định Paris chuẩn bị được ký kết, qua công tác tình báo, lực lượng công an nắm được âm mưu của Mỹ muốn thay đổi một số nội dung trong dự thảo Hiệp định. Những tin tức trên đã được kịp thời báo cáo với lãnh đạo Đảng để có chủ trương và biện pháp đấu tranh buộc Mỹ phải chấp nhận những điều khoản đã thỏa thuận tại Hội nghị. Tuy số lượng cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo vệ Hội nghị không nhiều, nhưng do biết dựa vào tập thể, tranh thủ được sự đồng tình và giúp đỡ của Chính phủ và các lực lượng tiến bộ Pháp, đồng thời biết phát huy tác dụng các biện pháp nghiệp vụ nên lực lượng Công an Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.

Hội nghị Paris về Việt Nam kết thúc đã 40 năm và đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Những bài họcđó vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự và thiết thực đối với lực lượng Công an nhân dân trong tình hình thế giới đầy biến động và phức tạp hiện nay. Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973 – 27-1-2013), lực lượng Công an nhân dân tự hào, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi tới của dân tộc, quyết tâm phát huy tinh thần và bài học của Hội nghị Paris trong công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ và chủ động hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Bình Ban (Viện Lịch sử Công an, Bộ Công an)
cpv.org.vn

Advertisement