QĐND – Cuộc đàm phán Pa-ri và Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Là một trong số ít những nhân chứng còn lại từ cuộc đàm phán lịch sử này, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh đã chia sẻ với chúng tôi những bài học thực tiễn quý báu về đấu tranh ngoại giao khi đó.
Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh.
Mặt trận thứ hai
Có thể nói, cuộc đấu tranh ngoại giao trong suốt quá trình đàm phán ở Pa-ri giữ một vai trò hết sức quan trọng. Nếu nói quân sự là mặt trận thứ nhất, mặt trận quyết định, thì ngoại giao là mặt trận thứ hai, mặt trận mang ý nghĩa chiến lược. Để phát huy được ý nghĩa chiến lược này, ta cần xác định rõ ngoại giao có nhiệm vụ gì và đàm phán Pa-ri để thực hiện điều gì?
Đương nhiên, không phải đàm phán với Mỹ là có thể ký ngay hiệp định chấm dứt chiến tranh và bắt Mỹ rút quân được. Vì vậy, ta phải dùng đàm phán để tấn công, lên án Mỹ, cô lập, làm rối loạn hậu phương địch để phục vụ cuộc chiến đấu của quân đội ta, cổ vũ cho quân đội ta đánh mạnh. Mấu chốt ở đây là ngoại giao phải song song, phải bám sát với chiến trường. Khi quân đội có chiến thắng thì làm sao phát huy thắng lợi đó trên bàn ngoại giao.
Ngược lại, khi quân ta gặp khó khăn, ngoại giao phải đỡ lấy để Mỹ không lấn tới. Ví như những năm 1969, 1970 và 1971, lực lượng ta bị tổn thất: Đất mất, dân mất, quân chủ lực phải tránh sang Lào, sang Cam-pu-chia… Ba năm đó, ngoại giao cũng cầm cự, nhưng cầm cự không có nghĩa là nhân nhượng. Nghệ thuật là ở chỗ cầm cự mà vẫn phải tấn công địch, vẫn phải lên án, đòi địch rút quân. Ta đã từng đề nghị Mỹ rút quân trước 31-12-1971, rồi dăm ba bữa lại đưa ra đề nghị khác. Cả thế giới theo dõi những đề nghị đó. Nhưng trên thực tế, ta đề nghị mang tính tấn công thế thôi chứ làm sao ép nó rút quân trước ngày 31-12-1971 được. Khi ấy, ta chưa đủ mạnh để ép nó rút quân trước ngày 31-12-1971. Ta đề nghị “cò cưa” như thế để biểu thị có thiện chí và vẫn giữ vững lập trường, chủ trương, nhưng cũng đồng thời là để chờ quân ta giành chiến thắng trên chiến trường quân sự.
“Biết địch biết ta, trăm trận không thua”
Người xưa có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận không thua”. Hiểu và đoán biết trước được ý đồ của địch cũng là một trong những nghệ thuật quan trọng của ngoại giao. Nếu đoán biết được Mỹ làm gì, đánh chỗ nào, lập luận nó thế nào thì ta sẽ tìm được cách đối phó. Với việc Mỹ đòi miền Bắc rút quân, đòi đàm phán không điều kiện, đòi ở trên thế mạnh, ngoại giao ta phải đàm phán làm sao đánh bại các thủ đoạn đó để bảo vệ lẽ phải của ta, để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.
Ta cũng biết chắc rằng, trên chiến trường, ta chưa thể đánh thắng Mỹ chỉ trong một ngày, một tháng, một năm. Mà chiến tranh phải kéo dài nhiều năm. Cho nên, ta chủ trương suy tính làm sao kéo dài được đàm phán mà địch lại không thể đổ lỗi cho ta được. Ta tính trước, khi nào cần kéo dài, ta kéo dài. Khi nào cần đi sâu, đi vào thực chất, ta sẽ đi vào đàm phán thực chất. Những bước đi của người đàm phán giống hoàn toàn như người đánh trận. Do vậy, thời cơ là yếu tố quyết định thắng bại. Ngoài thận trọng, khéo léo, ta cũng phải linh hoạt nắm bắt cơ hội. Biết dân Mỹ quan tâm tới 300 tù binh toàn sĩ quan cao cấp “con ông cháu cha”, ta nắm lấy thời cơ này để tranh thủ được dư luận Mỹ. Ta cân nhắc khi nào dân Mỹ “sôi sục” về vấn đề thả tù binh nhất, khi nào Quốc hội Mỹ họp bàn về vấn đề này thì đó cũng là lúc ta ấn định thời hạn thả tù binh.
Đề cao Mặt trận
Tại Pa-ri, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán chính thức, ngồi cùng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán song phương với Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Có một điều nổi bật, thể hiện rõ chính sách ngoại giao khôn khéo và sáng suốt của Việt Nam trong những năm đàm phán Pa-ri, đó là trong những phiên họp 4 bên, đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa thường nhường quyền phát ngôn đối với tất cả các vấn đề liên quan đến hiệp định hòa bình cho đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Kể cả thứ tự phát biểu cũng ưu tiên đoàn Mặt trận giải phóng trước.
Có thể hiểu điều này từ câu phân tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam dân chủ cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Vừa là hai mà là một, vừa là một mà lại là hai. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau”. Ta chủ trương, Mặt trận Dân tộc phải được coi như người phát ngôn về những đề nghị hòa bình được đưa ra. Bởi trong việc tranh thủ dư luận, đấu tranh lên án tấn công Mỹ thì phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là rất quyết liệt, mạnh mẽ, rất có tác dụng. Với chính sách ngoại giao hòa bình trung lập, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng dễ đi vào lòng người. Thêm vào đó, khi ở diễn đàn đàm phán công khai, ta nhường quyền và sức mạnh tấn công địch cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nghĩa là ta tôn trọng và đề cao vị thế của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Đó là một đặc thù, một ưu thế mà không nước nào trên thế giới có được trong cùng một hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.
Bài và ảnh: NGỌC THƯ
qdnd.vn