“Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” – Kỳ cuối: Thắng lợi

Đến cuối tháng 9/1972, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là thời cơ thuận lợi để ép Mỹ đi vào đàm phán thực chất. Đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mang từ trong nước sang “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Chúng tôi được thông báo nội dung Dự thảo Hiệp định đã được Bộ Chính trị trong nước cân nhắc rất kỹ.

Bộ trưởng Xuân Thủy (phải) và ông Hariman, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (trái) tại cuộc họp báo sau Phiên thứ 27 Cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện chính phủ Hoa Kỳ ở Pari ngày 23/10/1968.

Từ ngày đầu cuộc đàm phán đến tháng 9/1972, lập trường của Việt Nam luôn nhấn mạnh hai nội dung cơ bản, được coi là giải pháp “cả gói”: Mỹ phải rút quân hoàn toàn vô điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam và phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên, hai vấn đề này phải gắn chặt với nhau. Dự thảo Hiệp định lần này, ta chủ động nhấn mạnh việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, song nới lỏng yêu cầu vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam.

Khi biết được nội dung cụ thể của Dự thảo Hiệp định, một số đồng chí trong đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời chúng tôi cũng có những băn khoăn. Liệu để lại vấn đề chính trị ở miền Nam thì Mỹ có chịu rút quân thực sự không? Có thể chấm dứt chiến tranh không? Kinh nghiệm ở Lào cho thấy sau Hiệp định Genève 1962 vì chấp nhận chính phủ liên hiệp nhiều thành phần mà đã dẫn đến nội chiến. Và còn hàng chục vạn anh chị em tù chính trị của ta, có đảm bảo họ được thả và an toàn không? Chúng tôi phải trao đổi với nhau nhiều ngày, hình dung tình hình miền Nam sau rút quân… sẽ như thế nào? Nhưng rồi mọi người cũng hiểu việc quân Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam là vấn đề mấu chốt.

Trong hơn 2 tháng giữa đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Henry Kissinger cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, có những cuộc tranh cãi “nảy lửa”, xung quanh bản Dự thảo Hiệp định Paris. Lúc đó, dư luận quốc tế, nhất là ở Paris, nói nhiều về ông cố vấn, đặc biệt là Kissinger, như là một nhà ngoại giao khôn ngoan, có kinh nghiệm về đàm phán chính trị… Có người hỏi tôi gặp ông Kissinger không? Sự thật là tôi gặp ông nhiều lần nhưng mà “gián tiếp”, trong các cuộc đối thoại giữa hai ông cố vấn, khi nói đến lập trường của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, chỉ một lần tôi và ông ấy trực tiếp nói chuyện với nhau là khi Hiệp định Paris được ký kết xong, để nâng cốc sâm – panh, chúc mừng hòa bình!

Đến đầu tháng 10/1972, hai bên đã thỏa thuận về cơ bản một dự thảo và dự định đến ngày 30/10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh. Những ngày này hai đoàn đàm phán chúng tôi hoạt động rất nhộn nhịp. Đoàn miền Nam tăng cường các cuộc tiếp xúc để làm rõ thêm lập trường của ta, tố cáo địch ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh. Nhiều đại biểu các nước muốn biết kết quả của các tiếp xúc “bí mật”. Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng… Quả nhiên đến đầu tháng 11/1972, khi Nixon thắng cử, thì ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18/12 đến ngày 31/12, bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng.

Khi nghe Mỹ dùng B52 oanh tạc thủ đô và các thành phố lớn của ta, chúng tôi thực sự lo. B52 là máy bay giội bom hiện đại nhất của Mỹ, bay cao trên 10 km, có hệ thống máy bay chiến đấu hỗ trợ và gây nhiễu khiến rađa của ta khó phát hiện, tên lửa khó bắn trúng… Các bạn ở Pháp và các nước cũng đều lo lắng cho chúng ta, liệu lần này ta có chống cự được không? Đây là đòn đánh phản trắc và quyết liệt nhất của Mỹ. Ngày 21/12, chúng tôi tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Đó là những ngày vô cùng căng thẳng.

Chúng tôi hồi hộp theo dõi tình hình trong nước. Đến khi nghe tin chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi ở Hải Phòng, rồi ở Hà Nội, liên tiếp bắn rơi một, hai, ba máy bay B52… chúng tôi vui mừng khôn xiết, tin rằng cuộc oanh kích cực kỳ dã man này của kẻ thù nhất định bị quân đội và nhân dân anh hùng của chúng ta đánh bại. Ngoài việc lo cho cái chung, tất cả anh chị em trong đoàn, nhất là các chị, đều hồi hộp theo dõi nghe ngóng các trận mưa bom B52 có rơi vào khu vực người thân mình đang sống không? Riêng tôi, khi nghe tin Mỹ giội bom trúng thị xã Hưng Yên, một thị xã nhỏ cách Hà Nội khoảng 30 km, tôi bàng hoàng lo lắng, không biết các con tôi có thoát khỏi nguy hiểm không? May quá, vài ngày sau, các đồng chí trong nước báo tin các con tôi đều an toàn. Tôi thở phào!

Tôi được gọi về nước cấp tốc. Đến Trung Quốc tôi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và một số lãnh đạo khác của Trung Quốc. Chủ tịch Mao nói: “Sao các đồng chí Việt Nam phản ứng mạnh như vậy? Rồi Mỹ sẽ ra đi thôi”. Tôi không hiểu ý của Chủ tịch nên cũng không trả lời. Giữa đêm 30/12, tôi về Hà Nội, được tin Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt ném bom.

Mỹ đã cay đắng thấy rằng cả B52 cũng không thể làm nhụt ý chí của nhân dân ta. Trái lại, ngoài thất bại quân sự, tổn thất nặng nề về B52, thất bại chính trị của Mỹ còn lớn hơn. Cả thể giới lên án Mỹ. Chính phủ Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng ra tuyên bố “đáng tiếc” trước hành động này của Mỹ.

Sau này, tôi được biết từ những năm 1960, Hồ Chủ tịch đã nói: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta. “Và theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52. Quả là Bác đã nhìn xa và quân đội ta thật anh hùng, thông minh.

Ngày 21/1/1973, tôi trở lại Paris, thời tiết Paris bớt lạnh, nắng đẹp. Ngày 23/1/1973 đồng chí Lê Đức Thọ và Henri Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Và Hiệp định Paris được ký kết. Đòi hỏi dai dẳng từ đầu của Mỹ “Hai bên cùng rút quân (quân Mỹ và quân miền Bắc)”, cái gọi là “có đi có lại” đã thất bại. Phải ký Hiệp định hòa bình với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rõ ràng Mỹ không còn con đường nào khác. Chúng ta đã đạt được thắng lợi to lớn, quan trọng, Mỹ phải rút hết đi, còn quân Việt Nam vẫn ở trên đất Việt Nam.

Trong lòng tôi, một cảm xúc mãnh liệt, bên cạnh một cảm giác bình thản, vì đinh ninh cái gì phải đến, tất sẽ đến.

Ngày 27/1/1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc. Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời.

Tất cả các báo trên thế giới để đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Mọi người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng.
Đêm 26 tháng Giêng, trong cả hai đoàn hầu như không ai ngủ, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc sẽ làm trong ngày hôm sau.

Sáng 27/1/1973, phòng hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà hội nghị, hàng vạn người – kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước – vẫy chào chúng tôi giữa một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh. Tôi bước và phòng họp, rất hồi hộp… Đúng 10 giờ, bốn Bộ Trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P. Rogers), Cộng hòa miền Nam (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định.

Đặt bút ký văn bản Hiệp định Paris lịch sử, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc… Khi nhớ đến những người không còn nữa để biết được sự kiện này, tôi trào nước mắt. Tôi đã được thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trực diện với Mỹ tại Paris, được thấy niềm tự hào vinh quang cùng với ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn. Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận đối với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay, biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã tin cậy giao cho tôi nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này. Tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc bà con Việt kiều tại Pháp và các nước xung quanh, cảm ơn bạn bè quốc tế đã hết lòng vì cuộc chiến đấu của chúng ta, cảm ơn sự đoàn kết cộng tác của tất cả anh chị em trong hai đoàn đàm phán và các cơ quan, đoàn thể của ta ở Paris. Và tôi nghĩ đến gia đình, đến chồng con…

(Trích hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)
baotintuc.vn

————————

Tin liên quan:

Advertisement