Ngày 20/12/1960, sau bốn năm đấu tranh chính trị quyết liệt không thành, nhân dân miền Nam Việt Nam đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đoàn kết các tầng lớp nhân dân giương cao ngọn cờ tiếp tục đấu tranh chống xâm lược đòi độc lập và thống nhất.
Mặt trận tuyên bố lập trường hòa bình trung lập, là một chủ trương rất phù hợp với tình hình, làm nổi bật nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân miền Nam và tranh thủ được sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân thế giới, từ các lực lượng cách mạng tiến bộ đến các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, hòa bình, các đảng phái chính trị khác nhau, kể cả những người không ưa chủ nghĩa xã hội và “sợ cộng sản”. Trong gần 16 năm, lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận đã phấp phới bay trên hầu khắp năm châu, thực sự là biểu tượng cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống dưới lá cờ vẻ vang này vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Ngày 9/5/1968, tại sân bay Buốcgiê (Pháp), đông đảo kiều bào Việt Nam, nhân dân Pari và các phóng viên nước ngoài vây đón đồng chí Xuân Thủy, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Pari tham dự cuộc đàm phán hòa bình. Ảnh: Tư liệu – TTXVN
Tại cuộc đàm phán bốn bên ở Pari, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với tư cách đại diện của nhân dân miền Nam đang trực tiếp chiến đấu đã đưa ra giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình, và từng thời kỳ, linh hoạt theo từng bước diễn biến của cuộc đấu tranh, đã đưa ra những sáng kiến mà chúng tôi gọi là những cuộc tấn công ngoại giao, tỏ rõ thiện chí của mình, tranh thủ thêm dư luận, đẩy đối phương vào thế ngày càng lúng túng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tư cách đại diện cho nhân dân miền Bắc, hậu phương của cuộc chiến đấu, luôn đề cao vai trò của Mặt trận, ủng hộ mọi giải pháp do Mặt trận đưa ra. Đến nay nhớ lại tôi vẫn còn như thấy bên tai tiếng nói điềm đạm, khoan thai của đồng chí Xuân Thủy mỗi lần tôi tuyên bố một sáng kiến mới: “Tôi hoàn toàn nhất trí với bà Bình”. Đấy cũng là lúc ở trong nước vang lên tiếng nói tha thiết của nhân dân hai miền: “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”. Về mặt công khai là vậy, còn bên trong hai đoàn phối hợp với nhau rất chặt chẽ dưới một sự chỉ đạo linh hoạt và tinh tế từ trong nước.
Bước vào đàm phán, buộc phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán, là một thất bại lớn của Mỹ. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn chúng ta nhằm vào Mỹ phê phán, lên án. Còn Mỹ thì tránh né, đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng…
Sau 5 tháng hội nghị, ngày 8/6/1969, Tổng thống Nixon tuyên bố chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, để lộ ý đồ dùng người Việt đánh người Việt, báo chí quốc tế thì gọi là “thay màu da trên xác chết”.
Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber của Pháp nằm trên đường Kléber, cách Khải hoàn môn gần trăm mét, tức ở chính giữa thủ đô Pari. Tòa nhà kiến trúc hơi xưa, không rộng lắm, nhưng rất uy nghi. Một cái sảnh dẫn đến phòng họp lớn, xung quanh có bốn phòng làm việc. Có hai cửa chính đi vào, đoàn Mỹ và chính quyền Sài Gòn cùng vào một cửa, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam một cửa.
Phiên họp đầu tiên là sự kiện quan trọng, có thể nói cả thế giới đều hướng về nơi đây, mong hội nghị sẽ sớm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh đã gây biết bao đau thương hơn chục năm trời. Các nhà báo đến rất đông. Nhân dân Pari, đặc biệt đông đảo kiều bào ta với lá cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ của Mặt trận hân hoan chào đón hai đoàn chúng tôi. Lác đác cũng có mấy lá cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn. Khó nói hết được cảm xúc của bà con Việt kiều trước cảnh lá cờ của Tổ quốc và của Mặt trận xuất hiện giữa Pari, lại trong ngày diễn ra một sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc chiến đấu gian nan và anh hùng của nhân dân ta. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ dưới hai ngọn cờ vinh quang này. Có cụ phụ lão Việt kiều nghẹn ngào tâm sự: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi đâu có quyền được phất lá cờ này. Có người đã vì nó mà phải bị bắt bớ tù đày. Nay thấy đại diện của ta giương cao ngọn cờ của đất nước, được cả cảnh sát Pháp hộ tống đi giữa Pari, còn vui sướng nào bằng!”. Còn chúng tôi, được vinh dự thay mặt nhân dân hai miền đang chiến đấu để đến đây, chúng tôi hiểu sâu sắc dù nhiệm vụ của chúng tôi có khó khăn đến mấy cũng không thể so sánh được với sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ ta trên chiến trường. Nhưng tiền tuyến ngoại giao này cũng là một mặt trận, cố gắng góp phần đắc lực nhất cho thắng lợi của chiến trường. Trong suốt bốn năm liền, cứ mỗi ngày thứ năm hàng tuần, hai đoàn chúng tôi đến trung tâm hội nghị Kléber chính là để làm nhiệm vụ đó, nhiệm vụ vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ trước dư luận thế giới, làm rõ chính nghĩa vì độc lập, tự do và thống nhất của nhân dân ta.
Trong các phái đoàn ở hội nghị điều đáng chú ý là ba đoàn không có thành viên nữ, chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có. “Đội quân tóc dài” miền Nam có mặt tại Pari. Đoàn chính quyền Sài Gòn lúc đầu có Nguyễn Thị Vui, nhưng sau không thấy xuất hiện nữa. Cũng khá lý thú là chuyện thiết bị kỹ thuật: trên bàn của hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có một máy magnétophone để thu phát biểu của mỗi đoàn, trong khi phía Mỹ thì đầy máy móc hiện đại, có thể thông tin thẳng về Washington, quả thật “tương quan” rất chênh lệch. Nhưng về đấu lý ta chẳng hề thua, nhất là khi mọi người đều có thể thấy thái độ khoan thai, điềm đạm mà cứng cỏi của đồng chí Xuân Thủy. Đồng chí Xuân Thủy và tôi (sau khi nhận nhiệm vụ thay đồng chí Trần Bửu Kiếm) đã làm trưởng đoàn đàm phán đến khi hội nghị kết thúc, trong lúc Mỹ thay trưởng đoàn tới năm lần (Cabot Lodge, David Bruce, William Porter, Habib, Bunker). Nhiều nhà bình luận đã nói vui: “Việt cộng nhất định thắng vì họ quá kiên trì!”. Đây cũng là sự thể hiện quyết tâm sắt đá của ta, và sự lúng túng của Mỹ.
Tại bàn hội nghị, tôi thường chú ý quan sát hai đoàn đối phương, nhất là đoàn chính quyền Sài Gòn, trong nhiều năm do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn. Nhìn họ, tôi tự hỏi không biết họ đang nghĩ gì trong đầu, về tương lai của đất nước, và của chính họ? Sau này, tôi được biết Phạm Đăng Lâm là người cùng quê với tôi, quả là Mỹ chia cắt đất nước, đến từng xóm làng, từng gia đình.
Cuối tháng 4/1969 tôi về Hà Nội để nhận chỉ thị mới. Tôi đi thăm ba tôi ở Bệnh viện Việt – Xô. Ba tôi nằm bệnh viện đã mấy tháng rồi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp Ba. Cuối tháng 5, ở Pari, tôi được tin ba đã mất. Tôi vô cùng đau đớn, ân hận đã không có mặt bên cạnh ba trong những giây phút cuối cùng của ông.
Cũng lần về nước này, Bác Hồ gọi tôi đến thăm và ăn một bữa cơm với Bác, Bác hỏi thăm về công việc đàm phán ở Pari phong trào kiều bào ở Pháp, ở Anh… Bác dặn tôi hết sức quan tâm vận động nhân dân các nước, vì họ là những người yêu chuộng hòa bình và công lý. Tôi không ngờ đó là lần cuối tôi được gặp Bác.
Tôi đem đến bàn hội nghị lập trường 10 điểm của Mặt trận. Đồng chí Trần Bửu Kiếm, trưởng đoàn, tuyên bố lập trường này tại cuộc họp ở Kléber ngày 8/5/1969. Tác động của lập trường 10 điểm rất lớn, đặc biệt đối với dư luận Mỹ, chính điều này cắt nghĩa cho những hoạt động sôi nổi, có lúc quyết liệt ở Mỹ trong thời gian đó.
Đầu tháng 9, một điều vô cùng đau đớn đối với chúng tôi: Bác Hồ, vị cha già của dân tộc đã ra đi… khi cuộc chiến đấu của nhân dân đang trong giai đoạn quyết liệt.
Ngày 2/9, tôi và đồng chí Xuân Thủy về Hà Nội, chịu tang Bác. Cả nước đau buồn.
Chính quyền Nixon hy vọng nhân dân ta sẽ xao lòng, nhưng ngược lại càng thương nhớ Bác, nhân dân ta càng quyết tâm chiến đấu để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ sớm đến thắng lợi cuối cùng. Hai đoàn đàm phán của chúng tôi ở Paris cùng một tâm nguyện: đấu tranh đi đến một giải pháp đảm bảo hoàn toàn quyền độc lập tự do thiêng liêng của dân tộc.
Nguyễn Thị Bình
baotintuc.vn
Kỳ 3: Mặt trận báo chí