Ngày 17/9/1970, tại bàn đàm phán Pari chúng tôi mở đợt tấn công 8 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30/6/1971 và gạt bỏ Thiệu – Kỳ – Khiêm, thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời ở miền Nam và được dư luận thế giới hoan nghênh, cho là linh hoạt, mềm dẻo.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Pari tại Phòng họp Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Pari (Thủ đô CH Pháp) ngày 13/5/1968. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bên phải) và đoàn đại biểu Hoa Kỳ (bên trái) tham dự Hội nghị. Ảnh Tư liệu -TTXVN
… Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn hội nghị cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đến những tháng cuối năm 1971, đầu 1972 thế địch ta giằng co, trên bàn hội nghị cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục nhưng là “Cuộc nói chuyện giữa những người điếc” như lời các nhà báo. Có thể nói đây là thời gian chán ngán nhất của chúng tôi. Những lúc như thế càng thấy nhớ gia đình. Tôi đọc đi đọc lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc của Mai, con gái tôi, đã mười một tuổi (khi tôi ra đi, cháu mới lên tám) “Chừng nào mẹ về với chúng con?”. Chồng tôi vẫn ở trường Công binh nhưng sức khỏe anh đã bắt đầu giảm sút. Tôi thêm một mối lo mà chẳng biết làm sao, tôi không được ở gần để chăm sóc anh…
Tâm trạng riêng của tôi là vậy, và tôi biết mỗi người trong đoàn đều có những ngổn ngang riêng, nhưng có điều rất đặc biệt là tất cả chúng tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam có thể thất bại. Chúng ta nhất định chiến thắng, vấn đề chỉ là “lúc nào?”.
Tháng 2/1971, Mỹ mở chiến dịch đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt liên lạc giữa Bắc – Nam, hòng bao vây cô lập Quân giải phóng của chúng ta, nhưng chúng đã thất bại nặng nề. Khi chúng tôi từ Pari thông báo cho Stockholm, Rome, Montréal, New York về việc Mỹ mở rộng xâm lược đối với Lào, thì từ các nơi này tin tức lập tức lan truyền đến các nước khác. Các cuộc biểu tình, mít tinh liền nổ ra khắp nơi, lên án Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh.
Những ngày đó, cả hai đoàn Nam Bắc chúng tôi rất bận rộn. Chúng tôi thực hiện cái mà chúng tôi gọi “đối ngoại phối hợp với chiến trường”. Hơn một tháng sau, quân Mỹ – ngụy phải rút khỏi Nam Lào, tổn thất rất lớn về quân sự và cả về chính trị. Thế ta ngày càng mạnh lên rõ rệt. Với ý thức hết sức khiêm tốn, tôi nghĩ có thể nói những chiến sĩ ở Pari bấy giờ cũng đã góp phần dù nhỏ và gián tiếp của mình vào chiến thắng Nam Lào năm ấy.
Ngày 1/7/1971, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đưa ra kế hoạch nổi tiếng 7 điểm: Mỹ rút hết quân đi đôi với việc thả tù binh, chính quyền miền Nam phải từ chức và nhường chỗ cho một chính quyền mới sẵn sàng bàn bạc với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc. Như vậy là ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lại thêm một bước đi khôn khéo của chúng ta. Trong ngoại giao vẫn thế, rất nhiều khi mềm dẻo lại chính là tấn công. Sáng kiến này gây chấn động mạnh, được dư luận thế giới hoan nghênh, nhiều Chính phủ các nước lên tiếng ủng hộ. Oasinhtơn tìm cách bày mưu khác. Kissinger rồi Nixon đi thăm Bắc Kinh, thâm ý làm cho mọi người nghĩ rằng vấn đề Việt Nam sẽ do các nước lớn giải quyết với nhau, và cũng còn nhằm chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Báo chí nước ngoài nói nhiều về cuộc họp bí mật ở Thượng Hải và tuyên bố của Trung Quốc “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”. Tôi nghĩ rằng rồi lịch sử sẽ còn ghi nhớ cuộc họp bí mật “không bình thường” này.
Không gì có thể làm cho nhân dân hai miền chúng ta nhụt chí, cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao càng được đẩy mạnh.
Giữa năm 1971, tôi về Hà Nội đúng những ngày lũ lụt lớn. Quân đội và nhân dân đang cố gắng vừa chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, vừa giữ vững đê sông Hồng, phá cả đê bao Gia Lâm để nước không tràn vào Hà Nội.
Tháng 3/1972, quân dân ta bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị – Thừa Thiên là hướng quan trọng. Chiến dịch ở Quảng Trị kéo dài đến tháng 9/1972 là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Tôi trở lại Pari đầu năm 1972 và lại tiếp tục đến Kléber mỗi sáng thứ năm. Trên chiến trường lúc này rất căng thẳng, nhưng trên bàn hội nghị thì vẫn là cuộc đối đáp “giữa những người điếc”. Cảm giác chán ngán vẫn đeo đẳng, cứ phải tố cái âm mưu, tội ác của Mỹ – Thiệu, đòi Mỹ rút quân không điều kiện, không biết chừng nào mới ra khỏi bế tắc. Phải tìm cách gỡ ra cho kỳ được. Ngày 11/1/1972, tôi được chỉ thị tuyên bố 2 điểm, đề nghị một giải pháp logic và hợp lý: Rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần: Chính phủ Cách mạng Lâm thời, chính quyền miền Nam và thành phần thứ ba.
Lúc này trên chiến trường quân ta ở thế phản công, ở Mỹ là năm bầu cử Tổng thống, Nixon đang chịu áp lực mạnh của nhân dân đòi đưa binh lính Mỹ về nước. Tôi cho rằng lập trường 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cùng 2 điểm nói thêm, nhấn mạnh đến yêu cầu Mỹ phải rút quân, để các bên Việt Nam ở miền Nam giải quyết vấn đề nội bộ của mình, là một chủ trương chiến lược sáng suốt và đúng lúc, chúng tôi ra sức tuyên truyền, giải thích… Dư luận thế giới, đặc biệt ở Mỹ hoan nghênh, chính quyền Sài Gòn càng lúng túng, mâu thuẫn nội bộ của họ càng tăng, họ càng bị nhân dân căm ghét.
Để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh ở Việt Nam, tại Pari phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu. Có thể nói đến lúc này trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao đều vào hồi quyết liệt. Đồng thời không quân Mỹ còn dự định ném bom phá đê sông Hồng giữa mùa nước lớn hòng dìm xuống nước mấy triệu con người. Lúc đó, tại bàn hội nghị, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng tố cáo âm mưu độc ác của Mỹ. Chúng ta đã mời nhiều đoàn khách quốc tế đến tận nơi để quan sát. Chính vào lúc này, chị Jane Fonda đến thăm đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Pari, ăn cơm với tôi, rồi đi thăm Việt Nam. Và cũng vào dịp này, ông Ramsey Clark – nguyên Bộ trưởng Tư pháp dưới thời kỳ Tổng thống Johnson, đã từ chức vì không tán thành chính sách chiến tranh của Mỹ, cũng đi Hà Nội. Cả hai, chị Jane và ông Ramsey, sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, đều nói điều “mắt thấy tai nghe” rằng đó là những đê điều bảo vệ đồng bằng sông Hồng, không phải là hệ thống quân sự như chính phủ Mỹ lừa dối dư luận. Ông Raymomd Aubrac, người bạn lớn của chúng ta ở Pháp cũng rất tích cực vận động Vatican, Liên hợp quốc lên tiếng ngăn chặn kế hoạch tội ác nói trên. Ở trong nước, chiến tranh lên đến đỉnh cao ở cả hai miền. Đường mòn Hồ Chí Minh bị bắn phá 24/24 giờ mỗi ngày. Các cảng ở miền Bắc bị thủy lôi bao vây.
Ở Pari, chúng tôi từng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng. Không có tin tức cụ thể, kịp thời, nhưng những gì được thông báo làm nhói tim chúng tôi. Chúng tôi biết các chiến sĩ của chúng ta đều rất trẻ. Họ hiểu cuộc giành giật “đất” ở đây có nghĩa là giành lại Tự do và Độc lập cho Tổ quốc, và họ sẵn sàng hy sinh. 81 ngày đêm khốc liệt, quân ta không giữ được Thành cổ, nhưng tinh thần kiên cường chiến đấu của các chiến sỹ là thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển được của cả dân tộc, và ở Pari chúng tôi hiểu chính tinh thần đó đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của chúng tôi trên bàn hội nghị.
(Trích hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)
baotintuc.vn
Kỳ 5: Thắng lợi