Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử – Kỳ 1: Lên đường*

LTS: Hội nghị Pari về Việt Nam, cuộc đàm phán hòa bình dài nhất, gay go nhất thế kỷ XX đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế. Ngoài tên tuổi của những nhà ngoại giao tầm cỡ lớn như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, nhân dân Việt Nam và thế giới vẫn còn nhắc đến Madam Bình (Nguyễn Thị Bình), nữ Bộ trưởng ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ 20 – một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và đầy bản lĩnh. Những năm tháng đại diện cho đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN), sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam (CPCMLTMN) tham gia đàm phán ở Hội nghị Pari đã được bà kể lại trong cuốn Hồi ký vừa xuất bản năm 2012. Để giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ về Hội nghị Pari, được sự đồng ý của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Báo Tin tức xin trích đăng một số nội dung trong chương “Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” – viết về Hội nghị Pari từ năm 1968-1973.

Giữa tháng 7/1968, tôi cùng các đồng chí Dương Đình Thảo, Lý Văn Sáu, Ngọc Dung… được lãnh đạo Ban Thống nhất mời lên phổ biến chủ trương của Đảng về “đánh và đàm”. Tôi hiểu đây chưa phải là lúc giải quyết vấn đề giữa ta và Mỹ, mà là triển khai thêm một hình thức đấu tranh mới. Trên chiến trường phải tiếp tục đánh mạnh hơn nữa để cho kẻ địch biết rằng dù có tàn bạo đến mấy chúng cũng không thể khuất phục được nhân dân ta, và đấy là nhân tố quyết định; đồng thời tình thế cũng đã cho phép chúng ta mở thêm mặt trận ngoại giao rộng lớn hơn làm cho thế giới hiểu rõ hơn nữa mưu đồ và tội ác của Mỹ ở Việt Nam hòng áp đặt sự thống trị của chúng lên một dân tộc nhỏ, nghèo, chỉ mong muốn hòa bình tự do, không hề chạm đến lợi ích của nước Mỹ. Mặt trận mới này sẽ giúp ta tranh thủ thêm nữa dư luận quốc tế, dư luận Mỹ, cô lập các phần tử hiếu chiến, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường. Đương nhiên chúng ta cũng đã nghĩ cuối cùng chiến tranh cũng phải kết thúc và hai bên sẽ phải ký kết hiệp định hòa bình… trên bàn đàm phán.

Gần sáu năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tôi đã tích lũy được một số kiến thức ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị, nhưng tôi không nghĩ mình lại may mắn được chọn lựa cho nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng này: cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu tháng 11/1968, kết thúc ngày 27/1/1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10/1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế.

Trước ngày đi, tôi điện cho anh Khang từ trường Công binh ở Bắc Giang về gặp. Tôi bối rối không biết nói thế nào với chồng tôi, và trước các con tôi còn quá nhỏ mà phải xa mẹ biền biệt. Anh Khang hiểu tôi phải đảm nhiệm một công việc rất quan trọng, anh không hỏi gì cụ thể, chỉ động viên: “Em có việc phải làm, cứ yên tâm đi, các con đã có anh và ba lo”. Tôi thương quý và biết ơn anh vô cùng.

Tôi, đồng chí Dương Đình Thảo, cùng Bình Thanh, Phan Bá, Nguyễn Văn Khai là bộ phận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi trước để tham gia hội nghị trù bị, Chúng tôi bay qua Bắc Kinh, rồi Mátxcơva. Đối với mọi người, đoàn chúng tôi “đi công tác Cuba”. Ngày 2/11/1968, khoảng 2 giờ chiều, thời tiết Pari bắt đầu lạnh, trời âm u sẩm tối, chúng tôi đáp xuống sân bay Bourget phía bắc Pari. Trên máy bay, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy đám đông người chờ đón. Hồi hộp, xúc động, mừng vui!

Chúng tôi dặn nhau phải có thái độ đàng hoàng, tươi cười như đồng chí Xuân Thủy đã dặn. Hôm ấy, tôi mặc áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám với khăn quàng cổ đen có điểm hoa. Vừa bước vào nhà ga, mặc dù có anh em bảo vệ người Pháp và người Việt to lớn vạm vỡ dẫn đường, chúng tôi vẫn bị đám đông trong đó có nhiều nhà báo, nhiếp ảnh… bao vây xô đẩy. Tôi suýt ngã, nhưng tôi và Bình Thanh, là thư ký và phiên dịch của tôi, luôn đi sát nhau. Chúng tôi có nhiệm vụ nêu rõ lý do và ý nghĩa sự có mặt của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Pari. Tôi cố gắng nói dõng dạc, Bình Thanh cũng dịch mạch lạc rõ ràng, nhiều người khen cô nói tiếng Pháp rất hay không thua gì người Pháp. Xung quanh chúng tôi vang tiếng bàn ghế gãy, kính vỡ vì người ta chen lấn để được nhìn thấy, nghe và chụp ảnh các thành viên trong đoàn.

Về đến biệt thự Thévenet, nơi các đồng chí đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê hộ từ trước, chúng tôi lúng túng trước cảnh các nhà báo, nhiếp ảnh cứ bám theo, có người leo cả qua tường, có người để máy ảnh qua kẽ hở ở cửa để chộp lấy một vài hình ảnh đặc biệt của đoàn “Việt cộng”. Nhưng rồi chúng tôi cười xòa, nói với nhau: Chúng ta đến đây trước hết là để tuyên truyền, tranh thủ dư luận, vậy sao lại phải ngại báo chí, nhiếp ảnh, trái lại mới phải. Tất nhiên cần có kế hoạch chu đáo. Hai ngày sau chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo lớn. Có đến hơn 400 nhà báo. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với nhiều nhà báo đến thế. Tôi phát biểu, nêu lập trường chính nghĩa của Mặt trận và thiện chí muốn tìm giải pháp hòa bình. Các nhà báo thi nhau hỏi. Tôi thầm lo, sợ mình nói có sơ hở sẽ bị họ khai thác, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra bình tĩnh, điềm đạm. Đưa tin về cuộc họp báo này, các nhà báo đều tỏ ra có thiện cảm, không “bắt bẻ” gì nhiều. Trước mặt họ là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền lành, đến từ một vùng đất đang rực cháy lửa chiến tranh, ăn nói có lý có tình, hẳn bước đầu đã gây cho họ cảm tình. Những ngày sau đó nhiều nhà báo và hãng truyền hình muốn phỏng vấn riêng, có ngày đến vài ba cuộc. Công việc rất căng thẳng, nhất là phải ngồi trước ánh đèn pha chiếu vào mặt. Anh em trong đoàn động viên tôi: Như vậy là họ chú ý nhiều đến đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đúng như điều chúng ta mong muốn.

Đáng lẽ cuộc họp trù bị Hội nghị bốn bên bắt đầu họp từ ngày 6/11/1968, nhưng phía Mỹ lấy lý do là chính quyền Sài Gòn chưa đến nên chưa họp, và cái cớ họ trì hoãn nữa là vấn đề thủ tục, mà nổi lên là hình thù cái bàn… Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy: Trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán. Từ tháng 5 đến tháng 10/1968, cuộc bàn cãi giữa đồng chí Xuân Thủy trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Harriman Đại sứ Mỹ đã rất gay gắt về vấn đề vai trò của đoàn Mặt trận. Phía ta nêu rõ Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống Mỹ nên đương nhiên phải là một bên đàm phán. Mỹ thì cho rằng Mặt trận là “người của miền Bắc”, là ‘cộng sản” muốn lật đổ “quốc gia” ở miền Nam. Ta nói rằng chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ. Cuộc đấu tranh “bốn bên hay hai bên” có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Chúng ta yêu cầu một cái bàn vuông cho bốn bên đàm phán hoặc một cái bàn tròn chia bốn. Mỹ đòi một cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc một cái bàn tròn chia đôi… Có điều vui là đoàn đồng chí Xuân Thủy đã nhận được nhiều mẫu bàn của các hãng làm đồ mộc nổi tiếng thế giới gửi đến chào hàng. Chắc đoàn Harriman cũng nhận được như vậy. Sau cùng đi đến thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to, đường kính 8 m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là hai bên hay bốn bên cũng được. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta đoàn Mặt trận và đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi thành hai đoàn riêng biệt. Đối với dư luận cách ngồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là không có lợi cho họ, có thể thấy rõ chính quyền Sài Gòn là tay sai của Mỹ, làm sao mà đại diện được cho nhân dân miền Nam?

Ngày 27/11/1968, cuộc họp trù bị được tiến hành. Cuộc họp đơn giản, chủ yếu giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, như số lượng thành viên chính thức, thứ tự phát biểu… Nhưng mãi đến 25/1 năm sau, hội nghị 4 bên mới chính thức bắt đầu. Đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, tôi và đồng chí Trần Hoài Nam làm phó đoàn. Việc có hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là điều đặc biệt hầu như chưa từng có trong lịch sử ngoại giao quốc tế, và tôi nghĩ cũng cần nói rõ điều này. Đấy là sự hiện diện của hai thực thể, đại diện cho một cuộc chiến đấu, dưới một sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về mặt chính trị ngoại giao chúng ta đã thiết lập một thế trận “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai phái đoàn trên hai góc độ khác nhau phát huy sức mạnh của mình tạo thế cho mặt trận đối ngoại trở nên rộng lớn và sống động, cùng góp sức vào thắng lợi chung của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.

Chúng ta đều biết sự thật lịch sử: Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève năm 1954, theo đó Pháp và các nước cùng công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Riêng Mỹ không ký vào Tuyên bố chung. Trong bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ chúng ta buộc phải chấp nhận đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai, việc thống nhất đất nước sẽ thực hiện qua một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam được tổ chức sau hai năm. Nhưng hiệp định ký chưa ráo mực, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, thay chân Pháp, phá bỏ Hiệp định Genève 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa thực dân mới của Mỹ.

Nguyễn Thị Bình
baotintuc.vn

Kỳ 2: Quyết tâm sắt đá
* Đầu đề nhỏ do Ban biên tập đặt

Advertisement