Những người tiếp lửa – Bài 2: Chiến đấu bằng… cây cọ

Cùng với cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ bảo vệ tiếng loa, làm vững lòng quân dân thủ đô, trong những ngày chiến đấu gian khổ này, có những họa sỹ đã vẽ không ngừng nghỉ, sử dụng cây cọ để cho ra đời những bức tranh cổ động treo ở Bờ Hồ, dựng ngay nơi bom Mỹ bắn phá, tố cáo tội ác của giặc, khích lệ quần chúng tiếp tục chiến đấu. Và họa sỹ Trường Sinh – họa sỹ sáng tác của Phòng Thông tin, Sở Văn hóa Hà Nội lúc đó có lẽ là người vẽ nhiều nhất, với 28 bức tranh cổ động trong vòng 12 ngày đêm cuối năm 1972. Những bức tranh của họa sỹ Trường Sinh đã kịp thời động viên, khích lệ mọi người tham gia chiến đấu, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của quân dân thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Họa sĩ Trường Sinh với một trong những bức tranh do ông vẽ trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm năm 1972.

Ở tuổi gần 80, mái tóc đã bạc trắng, nhưng họa sỹ Trường Sinh vẫn giữ được “phong độ” của một con người vốn rất nhiệt tình, năng động. Và dù rất bận, nhưng ông vẫn dành thời gian kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trong 12 ngày đêm ác liệt của Điện Biên Phủ trên không 40 năm về trước.

Mở đầu câu chuyện, ông Sinh khoe: “Tôi đã từng được nhận giấy khen của Tổng cục Thông tin vì đã nhiệt tình phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đấy nhé. Và tôi cũng tự hào mình là người đã vẽ nhiều tranh cổ động nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tính từ năm 1962, khi bắt đầu vẽ cho đến hết năm 1975, tôi đã vẽ được khoảng 1.000 bức tranh cổ động. Riêng trong 12 ngày đêm Mỹ đưa máy bay B-52 ra Hà Nội, tôi đã vẽ đến 28 bức tranh cổ động khác nhau…”.

“Thật kinh khủng, không thể nào tưởng tượng được!”, đó là cảm giác mà họa sỹ Trường Sinh không thể nào quên sau gần 40 năm. Thời gian đó, do yêu cầu công việc, nên mỗi khi Mỹ đánh bom khu vực nào, ông thường chạy đến hiện trường để xem, chụp ảnh về làm tư liệu vẽ tranh. Ông Sinh nhớ lại: “Khi chứng kiến những cảnh tan hoang do bom Mỹ tàn phá, nhìn thấy những người dân vô tội bị chết thảm, dân quân tự vệ, cứu thương đổ về tìm kiếm và cứu những người còn mắc kẹt trong những đống đổ nát… tôi thấy căm phẫn trước những tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ. Là một nghệ sỹ sáng tác, tôi thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng, bằng những tác phẩm của mình, cho mọi người dân trong nước và trên thế giới, thấy được tội ác của Mỹ. Chính điều đó đã thôi thúc tôi vẽ thật nhiều, vẽ không ngừng nghỉ trong suốt những ngày bom đạn ấy”.

28 bức tranh họa sỹ Trường Sinh vẽ trong suốt 12 ngày đêm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không, không bức nào giống bức nào. Bức ông vẽ cảnh Mỹ ném bom Khâm Thiên, có bức vẽ cảnh tan hoang ở Bệnh viện Bạch Mai, khu An Dương, một số bức tranh vẽ cảnh máy bay B-52 bị bắn rơi…

Chủ đề các bức tranh của ông thường theo diễn biến của cuộc chiến. Đêm hôm trước Mỹ đánh vào khu vực nào, thì ngay trong buổi sáng hôm sau đã có tranh cổ động dựng tại khu vực đó. Thông thường, khi ông vẽ phác thảo xong, Ban Tuyên huấn duyệt và chuyển ngay cho một nhóm anh em họa sỹ khác phóng lên những tấm panô cỡ lớn. Ông Sinh kể lại: “Cũng có khi mình vẽ phác thảo rồi chuyển đi để anh em mô phỏng lại, cũng có khi mình trực tiếp ra vẽ cùng anh em… Điều kiện khi đó rất khó khăn, màu thiếu, bút thiếu, xưởng vẽ không có, nhiều phác thảo được vẽ tại nhà (số 8 Lò Sũ), nhiều khi vẽ tại cơ quan… Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn để trong buổi sáng hôm sau, bức tranh đó có mặt tại nơi xảy ra sự việc để mọi người cùng xem”.

Để có được những bức tranh cổ động kịp thời, đúng chủ đề, ông thường phải đến tận nơi xảy ra sự kiện, chụp ảnh, rồi tự mình vào phòng tối, in tráng ảnh làm tư liệu về vẽ tranh. Đã 2 lần ông “suýt” bị mất mạng chỉ vì mải theo dõi xem máy bay bắn phá chỗ nào để lấy tư liệu để vẽ tranh. Lần thứ nhất vào đúng đêm Mỹ ném bom phố Khâm Thiên. Ông kể : “Hôm đó, trực chiến tại cơ quan, tôi trải chiếu nằm dưới chân cột tòa nhà thông tin triển lãm (45 Tràng Tiền hiện nay). Khi nghe tiếng bom, tôi liền chạy ra ngoài xem chúng đánh khu vực nào, lúc quay về thì thấy một tảng đá cẩm thạch to gần 2 m2 đã rơi đúng chỗ tôi vừa nằm. Lần thứ hai là hôm máy bay B-52 quần thảo khu vực bờ sông, anh em trong cơ quan đều xuống hầm trú ẩn ở sân Sở Văn hóa (47 Hàng Dầu), tôi cứ đứng mãi ở cửa hầm, ngửa mặt lên trời xem máy bay bắn phá khu vực nào. Đang đứng nghển cổ nhìn, thì anh Ngô Minh, khi đó là Trưởng Phòng Sáng tác vừa đi trực tác chiến về. Thấy tôi đứng chắn cửa hầm, anh Minh bảo: “Cậu vào đi”, rồi anh đẩy tôi xuống hầm. Tôi vừa chui xuống, bỗng nghe một tiếng “xoẹt” trên đầu, rồi thấy anh Minh kêu: “Nóng quá, nóng quá!”. Khi anh Minh bỏ chiếc mũ nhựa ra, thấy một viên bi xuyên qua mũ, sạt qua đỉnh đầu cháy xém cả tóc… Tôi giật mình nghĩ: Nếu lúc đó anh Minh không về, tôi sẽ vẫn đứng đó “ngắm” máy bay, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…” – ông nhún vai cười và nói.

“Nguy hiểm như thế, nhưng lúc đó tôi không thấy sợ, vẫn đi, vẫn vẽ. Chỉ có điều lúc nào cũng thấy thèm… ngủ”. Thấy tôi cười, ông nói như phân bua: “Cô tính, trong 12 ngày đêm, đêm nào ít thì 1, đêm nhiều vẽ tới 2, 3 bức tranh nên tôi gần như không có lúc nào được ngủ. Nhiều khi đang nói chuyện tào lao với đám bạn, mình ngủ gật lúc nào cũng không biết, anh em trong cơ quan ai cũng phải buồn cười, và bảo: Ông này dễ ngủ quá!”.

Đến ngày cuối cùng của chiến dịch 12 ngày đêm, họa sỹ Trường Sinh vẽ cả một bức tranh to với lời chú dẫn “Khải hoàn môn của học thuyết Níchxơn”. Chỉ tay vào những hình ảnh trong tranh, ông giải thích: “Mục đích của Níchxơn khi đem B-52 bắn phá miền Bắc, và cao điểm là 12 ngày đêm đánh phá thủ đô Hà Nội là muốn dùng sức mạnh quân sự đè bẹp ý chí, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Nhưng chúng đã không thể làm được việc đó, chúng ta có mất mát, có thiệt hại nặng nề, nhưng tinh thần chiến đấu của chúng ta không hề giảm sút, mà ngược lại còn lên cao. Trước đau thương, mất mát, mọi người càng quyết tâm chiến đấu. Cuối cùng, Mỹ đã phải chịu thua cùng với những tổn thất nặng nề và rút quân khỏi Việt Nam. Rất nhiều binh sỹ Mỹ bị chết, người còn sống thì thương tích đầy mình khi trở về nước…”. Bức tranh này sau đó đã được vẽ và treo trên các đường phố Hà Nội và trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm.

Họa sỹ Trường Sinh cho biết: “Tượng đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên bây giờ, được lấy từ hình tượng trong một bức tranh cổ động của tôi hồi đó”. Rồi ông kể lại, ngay sau khi Mỹ ném bom Khâm Thiên, ông đã chạy đến hiện trường, chứng kiến những cảnh tượng tang thương; trở về cơ quan, ông xúc cảm và vẽ ngay bức tranh cổ động có hình ảnh bà mẹ chít khăn tang bồng đứa con thơ. Ngày hôm sau, bức tranh cổ động đó đã được dựng ngay đầu phố Khâm Thiên. Sau đó, một số ý kiến cho rằng, bức tranh đó vẽ thảm quá, sợ sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu của anh em, nên đã gỡ xuống.

Sau này, hình ảnh trên bức tranh đó của ông được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh cũng vẽ hình tượng bà mẹ ôm con thơ trên những bức tranh cổ động hay những bức tường lớn. Trên cơ sở hình ảnh trong bức tranh đó, nhà điêu khắc Nguyễn Tự (làm cùng cơ quan ông) đã tạo hình bức tượng đài trong khu tưởng niệm trên phố Khâm Thiên.
Ông Sinh khoe: “Không chỉ bức tranh, mà toàn bộ phác thảo của khu tưởng niệm Khâm Thiên cũng là tôi vẽ đấy nhé”. Rồi ông kể lại, hồi đó, sau trận ném bom hủy diệt của Mỹ, ông được Giám đốc Sở Văn hóa thông tin giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc xây dựng khu tưởng niệm ở Khâm Thiên, và ông đã vẽ những bản phác thảo đầu tiên để các nhà tạo hình tham khảo và xây dựng. “Tôi đã dành cả tình cảm và tấm lòng của mình để vẽ phác thảo đài tưởng nhớ những người dân đã hy sinh trong trận ném bom thảm sát năm ấy” – ông Sinh xúc động nói.

Họa sỹ Trường Sinh cho biết, do không có điều kiện giữ, nên số lượng tranh cổ động ông vẽ còn lại không nhiều (khoảng 200 bức). Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông sẽ tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày 40 bức tranh cổ động ông đã vẽ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số đó, có 10 bức tranh cổ động ông vẽ từ năm 1965-1968, 10 bức tranh vẽ trong giai đoạn 1969-1970 và 20 bức tranh cổ động được ông vẽ trong giai đoạn 1971-1972, đặc biệt có 5 bức tranh được ông sáng tác ngay trong những ngày B-52 Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội cuối năm 1972. Triển lãm dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 23/12/2012, tại Trung tâm nghệ thuật Việt Art, số 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Đây sẽ là dịp để công chúng thủ đô một lần nữa được nhìn thấy những bức tranh đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Hà Nội năm nào.

Phương Lan
baotintuc.vn

Bài cuối: Tiếng hát át tiếng bom

Advertisement