Những ngày mùa đông năm 1972, hàng trăm pháo đài bay của quân đội Mỹ điên cuồng trút hàng vạn tấn bom xuống thủ đô Hà Nội, hòng đưa miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”. Nhưng dưới sự chỉ huy, lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, với tinh thần bất khuất, quân dân Hà Nội đã anh dũng, kiên cường chiến đấu và làm nên một trận “Ðiện Biên Phủ trên không”.
Chiến thắng của quân dân Hà Nội trong trận chiến cuối năm 1972, bên cạnh các chiến sỹ, những người hết mình chiến đấu bảo vệ bầu trời thủ đô năm ấy, còn có nhiều người tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng họ đã có những đóng góp không nhỏ như những người tiếp lửa khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân Hà Nội. Đó là những cán bộ công nhân của Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội có nhiệm vụ bảo đảm thông suốt cho hệ thống loa phòng không báo động báo an; là người họa sỹ vẽ tranh cổ động, là người nhạc sỹ sáng tác bài hát khích lệ tinh thần quần chúng vững vàng chiến đấu…
Bài 1: “Đồng bào chú ý”
“Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý
Tây Nam Hà Nội 50 km có máy bay địch
Tây Nam Hà Nội 50 km có máy bay địch,
Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu…”
Tiếng loa bình tĩnh, chắc gọn nhưng không kém phần hào hùng ấy đã vang lên mạnh mẽ liên tục, trong suốt những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Và trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tiếng loa ấy càng trở nên thân thiết, không thể rời xa với quân dân thủ đô. Tiếng loa báo động, đôn đốc thúc giục những người lính vào vị trí chiến đấu, tiếng loa báo động, báo an giúp người dân Hà Nội kịp thời xuống hầm trú ẩn tránh bom, hoặc trở lại với công việc thường ngày… Và 40 năm sau, tiếng loa ấy dường như vẫn in sâu trong ký ức của nhiều người, nhất là những người trực tiếp có mặt làm nhiệm vụ trong những ngày tháng đó. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi tìm đến gặp ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội, đơn vị phụ trách toàn bộ hệ thống loa phòng không báo động, báo an ở Hà Nội, nghe ông kể về những ngày tháng chiến đấu bảo vệ hệ thống loa phòng không năm ấy.
Ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội.
Đón tôi là một ông lão tuổi ngoài 80, nhưng vóc dáng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi nghe tôi nhắc đến những ngày tháng chiến đấu cuối năm 1972, ông Viễn hào hứng hẳn lên, và ký ức về những ngày tháng mà ông cùng anh chị em trong Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội bảo vệ tiếng loa phát thanh dưới mưa bom lại ùa về. Ông ôm một tập tài liệu quý – mà ông vẫn gọi đó là “bảo bối” của mình – ra khoe: Đó là những bài ông viết về cuộc chiến đấu bảo vệ tiếng loa, về những khó khăn, gian khổ, về sự dũng cảm, mưu trí của anh chị em trong xí nghiệp để đối phó với kẻ thù khi ấy. Trong số đó có một cuốn sổ vô cùng quý giá, đó là cuốn nhật ký chiến đấu của ông ghi cẩn thận từng giờ, từng phút Mỹ ném bom Hà Nội 40 năm về trước.
“Ngày 18/12/1972, 19h40’ – 20h45’, địch đánh phá khu Đông Anh, Uy Nỗ, Yên Viên, Giáp Nhất, cảng sông…;
Ngày 19/12, từ 1h25’ – 1h45’, địch đánh phá khu vực cảng… 4h40’ – 5h50’ địch lại đánh phá ác liệt đài phát thanh Đại Mỗ, đài phát thanh Mễ Trì, Hưng và Tỵ đi xem xét tình hình…”.
Đó là những dòng nhật ký loằng ngoằng chữ và số, được ông Viễn viết vội trong tiếng bom thù.
Lần giở cuốn “Nhật ký chiến đấu” đã ngả vàng, ông Viễn xúc động ngỡ như mọi việc mới xảy ra cách đây chưa lâu. Ông kể: – Chiều ngày 18/12/1972, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cho nhóm phóng viên thường trú ở hầm chỉ huy Hội đồng phòng không nhân dân thành phố biết, khả năng địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội đêm đó. Vào thời điểm đó, hệ thống truyền thanh của xí nghiệp được xem như một binh chủng thông tin, chỉ đạo chiến tranh, chỉ huy chiến đấu của Bộ Tư lệnh Thủ đô, có nhiệm vụ rất quan trọng là cấp báo, báo động, báo an trực tiếp cho quân và dân Thủ đô thông qua hệ thống loa được truyền trực tiếp bằng đường dây. Một đường dây trực tuyến đã được chúng tôi đặt từ Bộ Tư lệnh Thủ đô đến phòng máy của xí nghiệp nên việc truyền tải các thông tin rất nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Đúng 19 giờ 40 phút ngày 18/12, được lệnh của Hội đồng phòng không nhân dân thành phố, đài chúng tôi truyền từ hầm chỉ huy của Hội đồng lên mạng lưới truyền thanh toàn thành phố băng ghi âm tiếng còi báo động và hướng dẫn phòng không nhân dân: “Đồng bào chú ý! Giặc Mỹ đang thua to, chúng âm mưu đánh phá điên cuồng vào Hà Nội. Hội đồng phòng không nhân dân thành phố ra lệnh, khi có báo động, mọi người phải xuống hầm trú ẩn, không ai được đi lại, đứng ngồi trên mặt đất”. Đây là một mệnh lệnh báo tin có máy bay B – 52 vào đánh phá Hà Nội. Và sau những hồi còi cấp báo và mệnh lệnh chiến đấu dõng dạc, là những tiếng nhắc nhở bình tĩnh và đàng hoàng với những khoảng cách thời gian đều đặn.
Chỉ sau 2 ngày đế quốc Mỹ ném bom rải thảm, những khu vực trọng điểm như ga Yên Viên, ga Dục Nội, Cổ Loa, các bến phà… là những điểm mà cơ sở hạ tầng kĩ thuật đường dây bị đánh phá nặng nề. 22 giờ ngày 20/12, Chủ tịch Hội đồng phòng không thành phố Trần Vĩ gọi điện đến Xí nghiệp truyền thanh yêu cầu: Phải đảm bảo bằng được tiếng loa ở những khu vực trọng điểm, đặc biệt khu ga Yên Viên, ga Dục Nội, Đông Anh… để cho lực lượng dân quân vận chuyển hết hàng hóa tập kết ở đây đi. Số hàng hóa, thuốc men lên đến hàng nghìn tấn do Liên Xô ủng hộ và viện trợ, từ đây sẽ chuyển đi cả nước, nhất là cho chiến trường miền Nam. Giặc Mỹ biết thế nên liên tục cho máy bay quần đảo và trút bom không ngừng xuống khu vực này. Vì bị đánh phá ác liệt, nên hệ thống truyền thanh của huyện Đông Anh bị phá hủy nghiêm trọng. Đích thân ông Viễn đã lên đường sang khu vực này chỉ huy trực tiếp.
Sau khi thực địa tình hình, để ý theo dõi đường bay của máy bay B – 52 trong mấy lần đánh phá, ông nhận thấy hướng máy bay rải bom là dọc tuyến đường sắt từ ga Yên Viên đến ga Cổ Loa, Đông Anh, và đường dây loa truyền thanh cũng cùng hướng này nên hư hỏng rất nhiều. Biết được nguyên nhân, 3 giờ sáng, ông đánh thức đồng nghiệp dậy, cùng họp bàn tìm phương án để tránh bom hiệu quả nhất.
“Thay vì mắc từng loa một, chúng tôi quyết định kéo dây đến một nơi xa vùng trọng điểm khoảng 2 – 3 km, mắc loa ở đầu gió và sử dụng loa to hướng vào vị trí trọng điểm. Nếu một loa không đủ thì mắc cả chùm 2 – 3 loa. Nhờ vậy, các vùng trọng điểm vẫn duy trì được tiếng loa ngay cả khi có máy bay địch bắn phá. Sau khi mắc loa theo phương án mới, thử loa tốt xong, tốp công nhân truyền thanh đi vào tận khu ga để kiểm tra.
Nhóm công nhân bốc vác hàng hóa chạy ùa ra hoan hô. Họ bắt tay nhau hân hoan. Một anh công nhân bốc vác hồ hởi nói: Có tiếng loa rồi, chúng tôi rất yên tâm, cảm ơn các anh… Thế là họ mang hộp lương khô, thực phẩm bị bom làm móp méo ra mời các anh công nhân truyền thanh liên hoan vui vẻ” – ông Viễn tự hào kể lại.
Trong 12 ngày đêm Mỹ bắn phá, hàng trăm kilômét đường dây bị đứt, hỏng, hàng nghìn chiếc loa ở nội, ngoại thành bị mất tiếng. Tại tất cả những điểm này, đều có mặt kịp thời những công nhân truyền thanh. Họ làm việc như các chiến sỹ. Nai nịt, thắt lưng, quần áo gọn gàng, kìm dây sẵn sàng lao đi sửa đường dây. Nhiều khi sửa xong, vừa về đến trụ sở xí nghiệp thì địch lại đến đánh, đường dây bị phá, họ lại xông ra sửa chữa. Đang ngày nghỉ ở nhà, có báo động là họ lại đạp xe thẳng đến xí nghiệp nhận nhiệm vụ, không một ai bỏ vị trí chiến đấu… Cả những người bị bom đánh sập hầm như Nguyễn Trọng Nhị, đứng dậy được là xông ngay ra trận tuyến, cả những công nhân nhà cửa bị bom địch phá tan như Vũ Duy Lễ, Nguyễn Công Niết, Lê Quang Nhánh, Ngô Sĩ Bắc… cũng xếp khó khăn riêng lại để xông lên bảo vệ tiếng loa.
Trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội đã phát trọn vẹn trên hệ thống loa phòng không thành phố toàn bộ mệnh lệnh của Hội đồng phòng không thành phố, gồm 64 lần cấp báo báo động, báo an và hàng trăm lần thông báo có máy bay địch. Trong đó, ngày và đêm 21/12 có số lần cấp báo, báo động và báo an nhiều nhất (10 lần); ngày và đêm 20/12 có 9 lần; ngày và đêm 19/12 là 8 lần. Lần cấp báo dài nhất kéo dài từ 23 giờ 10 phút ngày 19/12 đến 2 giờ ngày 20/12. Sự vận hành của những chiếc loa phòng không đã khiến một hãng thông tấn phương Tây thời ấy từng phải viết: “Người Hà Nội có một hệ thống dự báo phòng không rất hoàn chỉnh”. |
Không chỉ ở ngoài đường dây, mà ở đầu các trạm máy, nơi đầu não phát ra mệnh lệnh của Hội đồng phòng không, cũng là trận địa rất căng thẳng. Suốt 12 ngày đêm, những công nhân nữ như Vũ Thanh Vân, Ngô Thị Lai, Doãn Thị Chắt, Đỗ Thị Ngọc, Trần Thị Sửu, Bùi Thị Tuyết, Phạm Thị Ngân… đã gắn liền cuộc sống của mình với máy phát. Họ ăn cạnh máy, nằm cạnh máy, làm việc cùng với máy, thức thâu đêm với máy… Khi những người khác có thể xuống hầm trú ẩn, thì họ vẫn phải trực tại máy, dưới tầm B – 52. Có lúc hơi bom dội mạnh làm rung chuyển phòng máy, họ vẫn bình tĩnh những thao tác điều khiển máy nhẹ nhàng, chính xác và kịp thời phát ra những mệnh lệnh chiến đấu, những tin chiến thắng làm nức lòng người dân thủ đô.
Nhờ vậy mà phố Khâm Thiên có tiếng loa ngay sau 2 giờ bom dứt, bệnh viện Bạch Mai, xã Mễ Trì, khu An Dương, khu Mai Hương, khu Gia Lâm, khu Văn Điển… chỉ sau 3 – 4 giờ bom dứt, tiếng “Đồng bào chú ý” lại vang lên. Đối với những người Hà Nội, tiếng loa đã trở thành một cái gì đó vô cùng thân thiết. Tiếng loa không chỉ xua tan sự lạnh lẽo, chết chóc mà quân thù gây ra, nó còn làm ấm lòng người dân ở những nơi bom đạn hủy diệt, vững lòng những đơn vị làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả, cứu sập, chữa cháy, cứu thương… Vì thế, mọi người khi vào cuộc đều rất bình tĩnh, không hề nao núng hay run sợ trước bom đạn.
Trước khi chia tay, ông Viễn hào hứng khoe: “Chiếc máy nói tự động do chúng tôi sáng tạo và mấy chiếc máy phát thanh gắn bó với chúng tôi trong những ngày chiến đấu ác liệt đó đã được đưa vào Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Chiến thắng B – 52 như một “nhân chứng” nhỏ bé để nhớ về những chiến công hào hùng của cha ông đấy nhé”.
Phương Lan
baotintuc.vn
Bài 2: Chiến đấu bằng… cây cọ