Nếu như tranh cổ động là những bản thông tin bằng hình ảnh ngắn gọn nhất, súc tích nhất truyền tải thông tin, thông điệp đến với mọi người thì âm nhạc lại là sợi dây tình cảm kết nối con người để tạo thành sức mạnh rất lớn. “Tiếng hát át tiếng bom”, góp phần động viên khích lệ tinh thần quân dân cả nước trong những ngày chiến đấu gian khổ ấy.
Trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, nhạc sỹ Phạm Tuyên, khi ấy đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã sáng tác 2 bài hát, một bài hát trữ tình có tên “Hà Nội những đêm không ngủ” với giai điệu mượt mà tha thiết, và “Hà Nội – Điện Biên Phủ” với lời ca đanh thép, giai điệu hào hùng, và bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ” ấy như lời động viên tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu cho quân và dân Hà Nội, đồng thời làm ấm lòng những người chiến sỹ đang chiến đấu trên những mặt trận khác, đặc biệt là ở vùng đất khói lửa Quảng Trị và tiền tuyến lớn miền Nam.
Sức lay động của từ “Điện Biên Phủ”
Cho đến tận bây giờ, nhạc sỹ Phạm Tuyên vẫn không thể quên được những ngày tháng ác liệt cuối năm 1972 ấy, ông xúc động kể lại: “Ngày không lực Hoa Kỳ bắt đầu đánh phá, tất cả người dân Hà Nội được động viên đi sơ tán. Vợ con tôi, Đài phát thanh cũng như các đoàn nghệ thuật đều đi sơ tán cách Hà Nội vài chục kilômét. Tôi đã xin ở lại cùng một vài anh em nhạc sỹ khác trực về công tác phát thanh văn nghệ trên làn sóng.
Khi đó, chúng tôi ý thức rất rõ về tác dụng to lớn của lời ca tiếng nhạc trên làn sóng đài Trung ương đối với đồng bào cả nước, nhất là đối với chiến sỹ đồng bào ở tiền tuyến lớn miền Nam. Chúng tôi được thông báo về khả năng địch sẽ ném bom các cơ sở của đài nếu chúng đánh phá Hà Nội; và khu vực phố Quán Sứ, nơi có trụ sở chính của đài cũng nằm trong trọng điểm ném bom của địch”.
Và cái ngày đó đã đến: Khởi sự là ngày 18/12/1972, tiếp sau là 4 giờ sáng ngày 19/12/72, Đài phát sóng lớn nhất của ta ở Mễ Trì, ngoại thành Hà Nội bị địch đánh sập. Trưa hôm đó, khoảng 11 giờ 30 phút, địch ném bom Đài phát sóng Bạch Mai (Ngã Tư Vọng) và đó cũng là khu tập thể mà chúng tôi ở. Hình như sau cuộc oanh kích đó địch cảm thấy chưa đạt yêu cầu nên ngày 22/12, từ 4 giờ sáng, địch lại dùng B-52 ném bom rải thảm khu vực này một lần nữa. Và lần này chúng đã biến khu tập thể chúng tôi thành một đống gạch vụn. Trưa hôm đó, từ nơi trực ở phố Quán Sứ, tôi vội đạp xe về xem lại căn nhà của mình ở khu tập thể. Vệt bom đã đi đúng vào căn nhà của tôi. Chiếc đàn dương cầm bị vỡ, phím đàn xộc xệch.
Giường ngủ, tủ sách bị sập gãy, sách nhạc, bản nhạc bị cháy xém trong căn phòng đã bị sập mái… Trên đường trở lại cơ quan, khi đi qua Bạch Mai, ga Hàng Cỏ… tôi chứng kiến bao nhiêu cảnh thương tâm, hoang tàn, đổ nát. Nhưng tôi cũng thấy ấm lòng trước cảnh từng đội dân phòng giúp dân cứu sập hầm, cảnh bà con lối xóm giúp nhau nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận bom. Ở Bệnh viện Bạch Mai, việc cứu chữa và nhịp sinh hoạt vẫn tất bật, hối hả. Rồi khi đạp xe qua phố Bà Triệu, những lúc không có còi báo động, tiếng hát vẫn ngân vang…”.
Ấn tượng sâu sắc với những việc mình thấy, mình gặp trên đường, đêm hôm ấy, trong một đợt báo động kéo dài, ngồi trong căn hầm ở ngay khu vực trọng điểm, nhạc sỹ Phạm Tuyên đã viết bài hát trữ tình “Hà Nội, những đêm không ngủ”, ghi lại tình cảm của mình trong những ngày đầu của đợt tập kích địch (mà theo ông, thời điểm đó không thể biết được lúc nào trận chiến sẽ kết thúc), thầm gửi tình yêu thương, nỗi nhớ nhung tới vợ con lúc này đang ở nơi sơ tán, đêm đêm vẫn nhìn về vầng lửa đạn đang bao trùm cả thủ đô:
“Ơi các chị em đang giờ đây tạm xa Hà Nội/Trông thấy chăng ráng đỏ rực hào quang trên thành phố của ta?/ Hà Nội đêm nay vẫn hát vang bài tình ca. Hà Nội anh hùng: Thủ đô của chúng ta”…
Đến ngày 25/12, Hà Nội không có tiếng máy bay, vì địch cũng nghỉ để ăn lễ Giáng Sinh. Nhưng sang ngày 26/12, Hà Nội lại rung lên trong tiếng máy bay và tiếng đạn bom. Khu phố Khâm Thiên đông đúc đã bị ném bom rải thảm. Đau thương, tang tóc trùm lên cả một dãy phố lao động vốn vô cùng sầm uất đông vui trước đây. Đêm 26/12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B-52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn ‘Điện Biên Phủ’ ngay trên bầu trời Hà Nội”. Và trong cuộc giao ban sáng 27/12, lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đồng chí Trần Lâm – Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam lúc đó truyền đạt lại cho anh em. Giữa thời khắc ấy, trong không khí căng thẳng ấy, tiếng “Điện Biên Phủ” vang lên bỗng có sức lay động kỳ lạ, làm người nhạc sỹ cảm thấy nghẹn ngào. Ngay đêm 27/12, ông đã ngồi trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ, hí hoáy viết bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ” với âm điệu quyết liệt, nhằm truyền tải ý chí mạnh mẽ của người Hà Nội chống đế quốc Mỹ bạo tàn xâm lược đến với mọi người. Bài hát như một hành khúc đĩnh đạc, khỏe khoắn, mở đầu với cảnh hào hùng: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi…
Nhưng sang đến đoạn 2, lời bài hát vừa hào hùng, vừa tha thiết:
“Hà Nội đây! /Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này/Phất ngọn cờ sao chính nghĩa./ Hà Nội ơi! Trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai. Ghi chiến công tuyệt vời: Một Điện Biên sáng chói! Hà Nội ơi….”. Bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ” đã được ông hoàn thành ngay trong đêm, và gần như không phải sửa chút nào.
Tín hiệu của ngày chiến thắng
Nhấp một ngụm nước trà, nhạc sỹ Phạm Tuyên chậm rãi kể tiếp: “Ngay sáng hôm sau, anh Trần Lâm hỏi tôi: Cậu làm gì hí hoáy cả đêm thế? Tôi mới hát cho anh nghe. Nghe tôi hát xong, anh bảo: “Sự quyết liệt này đúng là của Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không đấy. Cậu đem sang báo Nhân Dân đăng ngay!”. Thế là, vừa đứt đợt báo động, đường phố còn vắng tanh, tôi đạp xe đến tòa soạn báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống. Tòa soạn báo cũng đi sơ tán gần hết. Anh Thép Mới, lúc đó là Phó Tổng biên tập, và một vài anh trong tòa soạn hơi ngạc nhiên khi thấy một anh chàng nhạc sỹ lại đến thăm tòa soạn lúc này. Tôi đưa bản nháp của bài hát, rồi trên chiếc ghế đá trước gốc cây đa ở sân tòa soạn, tôi hát cho các anh nghe. Các anh cũng rất tâm đắc, bảo tôi nhờ người chép lại cho sạch sẽ để báo lên khuôn, in ngay trong ngày mai, cùng chuyên mục mới “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Tôi quay về nhờ anh Phan Nhân (người trực cùng tôi hôm đó) chép lại nhạc cho bài hát, rồi gửi sang báo Nhân dân. Và sáng 29/12, chúng tôi vô cùng cảm động khi thấy bản nhạc đã được in trang trọng trên báo.
Bản nhạc đã được đăng, nhưng ca khúc phải thực sự có giá trị khi ngân vang thành âm thanh. “Nghĩ là làm, chiều 29/12, mặc dù anh em đoàn văn nghệ đã sơ tán hết, chỉ còn lại bốn người gồm có tôi, anh Trần Thụ, anh Mạnh Hà và Hoàng Mãnh, chúng tôi vẫn quyết thu bài hát để kịp truyền tải ý chí quyết không khuất phục của Hà Nội. Thế là Hoàng Mãnh đệm piano, 3 anh em chúng tôi đồng ca bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ” – nhạc sỹ Phạm Tuyên hào hứng kể.
Và ngay tối 29/12, trong chương trình “Tiếng hát về miền Nam”, bên cạnh những bài thơ, bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ” đã ngân vang trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Buổi phát thanh đêm đó gây xúc động cho nhiều người. Nhà báo Nguyễn Lưu, thành viên đội tự vệ Hà Nội năm 1972 nhớ lại: “Sau khi ga Hàng Cỏ, rồi An Dương, Khâm Thiên bị ném bom… chúng tôi vẫn chưa thấy sợ, nhưng đến khi Đài phát thanh bị trúng bom thì có lúc cũng thấy “run”. Nhưng khi nghe bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ” vang lên trên sóng, chúng tôi dường như được củng cố tinh thần tiếp thêm sức mạnh, thấy vững tin ở chiến thắng…”. Nhiều anh em nhạc sỹ ở miền Nam sau này đã kể lại với nhạc sỹ Phạm Tuyên: Khi nghe được chương trình văn nghệ đặc biệt trên sóng phát thanh đêm 29/12, mọi người biết là Hà Nội vẫn đánh giặc, vẫn ca hát và ngâm thơ… đó là tín hiệu của một ngày chiến thắng không xa! Và thật thú vị, vì ngày 30/12/1972, Mỹ đã phải chấm dứt ném bom, xuống thang mời ta trở lại bàn hội nghị tại Pari.
Chào mừng năm mới 1973, băng nhạc Hà Nội – Điện Biên Phủ với hình thức hợp xướng, do nghệ sỹ Trần Khánh lĩnh xướng, nhạc sỹ Cao Việt Bách chỉ huy và thu ở nơi sơ tán được phổ biến. Sau này, nhiều ca sỹ đã mang bài hát đi phục vụ ở các trận địa phòng không, không quân Hà Nội.
Nói về tâm trạng và cảm xúc của mình khi sáng tác bài hát này, nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự: “Có những bài ca được viết trong lúc phấn khởi, hào hứng, hoặc lúc dạt dào xúc cảm và người viết hồi hộp theo dõi sức sống của nó trong công chúng và thời gian. Nhưng cũng có những bài ca được viết ra như một sự động viên chính mình. Trong bối cảnh thật quyết liệt, mà bản thân người viết ra nó không chắc mình có còn được nghe nó vang lên thành âm thanh hay không, chứ chưa nói tới việc trông đợi nó được phổ biến rộng rãi tới mọi người. Cũng có thể nói đó là trường hợp của bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Và với tôi, đó là một trong những kỷ niệm khó phai mờ trong cuộc đời sáng tác của mình”.
Phương Lan
baotintuc.vn