Bảo vệ tiếng loa truyền thanh

40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”:

Ông Vũ Văn Viễn. Ảnh: Hoàng Thùy

QĐND – 40 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi đã gõ cửa nhà “tư lệnh” của hệ thống phát thanh thời kỳ đó – ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp truyền thanh Hà Nội. Ở cái tuổi 80, sức đã yếu, tai đã nặng nhưng nhắc đến 12 ngày đêm hào hùng ấy, ông Viễn vẫn rất hăng say và tự hào.

– Phóng viên (PV): Thưa ông, hệ thống truyền thanh của Thủ đô trong những ngày chiến tranh ác liệt của tháng 12-1972 chắc chắn phải có điều gì thật đặc biệt mới khiến phương Tây thán phục đến vậy?

Ông Vũ Văn Viễn: Hứng chịu bom đạn, nhà cửa bị phá nát, đường sá bị cày xới nhưng hệ thống truyền thanh phòng không của Hà Nội vẫn được những người công nhân cần mẫn bảo vệ, thực hiện nhiệm vụ báo động trọn vẹn, không hề bị ngừng tắt hay bất cứ một sai sót gì. Sự to rõ và trong sáng của tiếng nói Thủ đô vẫn hiên ngang vang lên trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ. Gần 200 công nhân, kể cả những công nhân sửa chữa đường dây đều an toàn, không có thương vong về người, chỉ có duy nhất một đồng chí bị thương nhẹ sau vài ngày đã bình phục. Đang ở gia đình ngày nghỉ, có báo động, có bom đạn là anh chị em không ngần ngại đạp thẳng xe đến Xí nghiệp nhận nhiệm vụ. Cả người bị bom sập hầm như anh Nguyễn Trọng Nhị nhưng vừa đứng dậy được là xông ngay vào trận tuyến. Cả những công nhân nhà cửa bị bom địch phá tan như anh Vũ Duy Lễ, Nguyễn Công Niết, Lê Quang Nhánh… cũng xếp khó khăn riêng, xông lên chiến đấu.

– PV: Đế quốc Mỹ bất ngờ tấn công và ném bom ở Hà Nội, hệ thống truyền thanh của chúng ta có rơi vào thế bị động không?

Ông Vũ Văn Viễn: Chiều 18-12-1972, Bộ tư lệnh Thủ đô đã cho nhóm phóng viên thường trú ở hầm chỉ huy Hội đồng phòng không nhân dân thành phố biết khả năng địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội đêm nay. Được lệnh của Hội đồng phòng không nhân dân thành phố, Đài truyền đi từ hầm chỉ huy của Hội đồng phòng không nhân dân thành phố lên mạng lưới truyền thanh toàn thành phố băng ghi âm tiếng còi báo động và hướng dẫn phòng không nhân dân: “Đồng bào chú ý! Giặc Mỹ đang thua to, chúng âm mưu đánh phá điên cuồng vào Hà Nội. Hội đồng phòng không nhân dân thành phố ra lệnh, khi có báo động, mọi người phải xuống hầm trú ẩn, không ai được đi lại, đứng ngồi trên mặt đất”. Đây là một mệnh lệnh báo tin có máy bay B-52 vào đánh phá Hà Nội và là mệnh lệnh cho hệ thống truyền thanh lúc đó: Phải đảm bảo đường dây luôn thông suốt.

Người dân phố Khâm Thiên đi sơ tán.Ảnh: Chu Chí Thành

– PV: Đó không phải là yêu cầu dễ thực hiện khi mà bom đạn của Mỹ dội xuống ngày càng nhiều với tần suất ném ngày càng dày đặc…

Ông Vũ Văn Viễn: Chỉ sau hai ngày đế quốc Mỹ rải thảm, những khu vực trọng điểm như ga Yên Viên, ga Dục Nội, Cổ Loa, các bến phà… là những điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật đường dây bị đánh phá nặng nề. Hơn 130km đường dây có dấu vết của bom đạn để lại, hàng nghìn chiếc loa ở nội, ngoại thành, trong đó quá nửa tổng số xã (58 xã) của 4 huyện ngoại thành bị mất tiếng. Tại tất cả những điểm này đều có mặt những chiến sĩ công nhân. Họ đang làm việc mà như chiến đấu và đã chiến đấu rất dũng cảm. Những chiếc xe đạp lọc cọc phi trên đường, đối chọi với máy bay hiện đại, bom đạn tối tân của kẻ thù.

Trên mặt trận các trạm máy, nơi đầu não phát ra các mệnh lệnh của Hội đồng phòng không cũng là nơi chiến đấu rất căng thẳng. Suốt 12 ngày đêm, những nữ công nhân như Vũ Thanh Vân, Ngô Thị Lai, Doãn Thị Chắt… đã gắn liền cuộc sống của mình với máy phát, ăn cạnh máy, nằm cạnh máy, làm việc cùng máy, thức thâu đêm với máy. Dưới tầm B-52, có lúc hơi bom dội làm rung cả máy, ánh chớp bom sáng lóe cả phòng máy nhưng chị em rất bình tĩnh điều khiển những thao tác máy chính xác và kịp thời phát đi những mệnh lệnh chiến đấu và tin chiến thắng làm nức lòng người dân Thủ đô.

– PV: Trong trận Điện Biên Phủ trên không, thời khắc nào khó khăn nhất với ông và các công nhân chiến sĩ của Xí nghiệp?

Ông Vũ Văn Viễn: Đêm 20-12-1972, Chủ tịch Hội đồng phòng không Thành phố đã điện một lần nữa xuống cho chúng tôi yêu cầu: Phải đảm bảo bằng được tiếng loa ở những khu vực trọng điểm, đặc biệt là khu ga Yên Viên, ga Dục Nội, Đông Anh… để cho đội dân quân vận chuyển hết hàng hóa tập kết ở đây đi. Số hàng hóa, thuốc men rất lớn, lên đến hàng nghìn tấn do Liên Xô ủng hộ và viện trợ chúng ta để từ đây chuyển cho cả nước, nhất là cho chiến trường miền Nam. Giặc Mỹ biết nên liên tục cho máy bay quần thảo và giã bom không ngừng nghỉ xuống khu vực này. Với tính chất quan trọng và cấp bách như vậy, ngay sau khi nhận lệnh, trong đêm 20-12, đích thân tôi đã lên đường sang khu vực này chỉ huy trực tiếp để vừa đảm bảo cho loa thông suốt vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong về người.

– PV: Ông và các đồng nghiệp của mình đã giải bài toán khó trên như thế nào?

Ông Vũ Văn Viễn: Vì bị công phá ác liệt, không kể ngày hay đêm, hệ thống truyền thanh của huyện Đông Anh bị phá hủy phải nói là rất kinh khủng. Công nhân không thể nối hết được các đường dây bị phá mà còn dễ bị dính đạn. Quan trọng, sửa chữa chậm giây phút nào, tiếng loa có nguy cơ bị ngừng giây phút đó. Đây là điều không được phép xảy ra. Cả đêm 20-12, tôi cùng các anh em ở tổ đảng của trạm Đông Anh thức trắng, họp bàn để tìm ra bằng được biện pháp thực hiện. Có rất nhiều phương án được đưa ra, tính toán… và cuối cùng rồi cũng chọn được một biện pháp hiệu quả nhất. Thay vì mắc từng loa một, chúng tôi quyết định kéo dây đến một nơi xa vùng trọng điểm (khoảng 2-3km) để đánh lừa địch, mắc ở đầu gió và sử dụng loa to hướng vào đó. Nếu một loa không đủ thì mắc cả chùm 2-3 loa. Nhờ vậy, các vùng trọng điểm vẫn duy trì được tiếng loa ngay cả khi có máy bay địch bắn phá mà không có công nhân nào thiệt mạng.

– PV: Xin cảm ơn ông!

ĐỨC HẠNH (thực hiện)
qdnd.vn