Tự hào về bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

QĐND – Vượt lên những mất mát, đau thương, quân và dân Hà Nội, nòng cốt là Bộ đội Phòng không-Không quân đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” sáng chói… 40 năm đã qua, nhưng chiến thắng này vẫn mãi lắng đọng trong tâm hồn mỗi người dân nước Việt.

Nhớ mãi 12 ngày đêm năm ấy

Còn nhớ, trước khi đánh Hà Nội và vùng phụ cận bằng máy bay ném bom chiến lược B-52, đế quốc Mỹ đã cho nhiều loại tiêm kích và cường kích khác đồng thời tấn công các kho tàng, bến bãi, khu dân cư, nhà trường, bệnh viên… Nhiều khu phố, trường học, bệnh viện, làng xã bị bon Mỹ san phẳng. Những quân và dân Thủ đô không hề nao núng. Lực lượng phòng không – không quân ta vẫn chắc tay súng đánh trả lại những đợt tấn công của kẻ thù. Còn những người công dân, nông dân chúng tôi vẫn chắc tay búa, tay cày thi đua tăng gia sản xuất. Sau mỗi trận bom của kẻ thù, chúng tôi lại mang cuốc, xẻng ra giúp bộ đội phòng không củng cố trận địa.

Cuốn sách “25 trận đánh bắn rơi B-52”. Ảnh: Nguyễn Chí Hòa

Đế quốc Mỹ định dùng sức mạnh quân sự để khuất phục nhân dân ta. Nhưng vượt lên những mất mát, đau thương, quân và dân Hà Nội, nòng cốt là Bộ đội Phòng không-Không quân đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, làm nên một trận “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải thú nhận thất bại và đặt bút ký vào bản Hiệp định đình chiến, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

40 năm đã qua, nhưng những kỷ niệm về 12 ngày đêm sát cánh cùng bộ đội phòng không – không quân chiến đấu bảo vệ Thủ đô luôn sống động trong mỗi chúng tôi. Giờ đây, ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” chúng tôi vẫn tích cực giáo dục truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc cho các thế hệ con cháu. Chúng tôi dạy thế hệ trẻ hôm nay rằng, không sức mạnh nào có thể bẻ gãy ý chí, chiến thắng được khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống văn hóa từ hàng ngàn năm đã kết tinh thành sức mạnh, thành điểm tựa cho một đất nước.

NGUYỄN VIẾT ĐỨC

(Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội)

Bắn rơi B-52 tại chỗ có ý nghĩa mở màn

Trận đánh B-52 đêm 22-11-1972 là một trong những trận đánh đẹp, thắng lợi giòn giã. Ngay ngày hôm sau ban tác chiến Sư đoàn 361, Ban Tác chiến (Quân chủng PK-KQ) từ Hà Nội vào sở chỉ huy trung đoàn ở Nghệ An để chúc mừng và họp rút kinh nghiệm trận đánh thắng B-52 của đơn vị nhằm tìm cách đánh tốt nhất, hiệu quả nhất để bổ sung vào quyển sách đỏ “Cách đánh B-52” của quân chủng PK-KP và phổ biến, rút kinh nghiệm cho các đơn vị trong toàn quân. Từ những kinh nghiệm và cách đánh có hiệu quả của E263 một trận đánh có ý nghĩa mở màn nó như một niềm khích lệ, động viên và cổ vũ cho các trắc thủ ở các đơn vị tên lửa vững tin và quyết đánh, quyết thắng B-52 cho dù chúng có dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như thế nào cũng không thể khuất phục được ý chí quyết đánh và quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Chỉ sau 26 ngày kể từ trận thua đau đêm 22-11-1972, máy bay Mỹ liều lĩnh đánh phá vào Hà Nội. Chúng tưởng sẽ “ngon ăn”. Nhưng chúng đã lầm, chúng đã bay vào thế trận của lòng dân, bay vào thế trận như thiên la địa võng, tầng tầng, lớp lớp của lực lượng phòng không: Cao xạ, tên lửa, không quân của quân và dân miền Bắc để rồi chuốc lấy thất bại nặng nề.

Trận bắn rơi B-52 tại chỗ của E263 có ý nghĩa như một trận mở màn cho trận đại thắng của bộ đội tên lửa nói riêng và lực lượng PK-KQ Hà Nội và miền Bắc nói chung đã làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Pa-ri.

ĐÀO QUANG CƠ

(Thôn Đình, Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

Thêm một tư liệu quý

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Sư đoàn Phòng không 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân) kết hợp với Ban liên lạc Bạn chiến đấu của Sư đoàn đã cho xuất bản cuốn sách “25 trận đánh bắn rơi B-52”. Cuốn sách chỉ dày 100 trang, khổ 25x27cm, được in màu bằng giấy ảnh, bìa cứng, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản vào tháng 12-2012. Đọc cuốn sách bạn đọc nói chung và thế hệ trẻ hiện nay được hiểu thêm về 25 trận đánh bắn rơi 25 máy bay B-52 của Sư đoàn Phòng không 361 trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử tháng 12-1972. Đây cũng là bài học tổng kết về xây dựng thế trận phòng không nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 361 anh hùng.

Cuốn sách còn cung cấp cho bạn đọc một số dữ liệu chính về thời gian, địa điểm, danh sách kíp chiến đấu, sơ đồ các trận đánh, diễn biến của từng trận… phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và hiểu sâu sắc hơn về truyền thống Sư đoàn Phòng không 361 anh hùng.

NGUYỄN CHÍ HÒA

(ngõ 445 đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội)

Tập làm chiến sĩ

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 23 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, ngày 20-12, thầy và trò Trường THCS Hà Trung, TP Hạ Long, (Quảng Ninh) đã có buổi hoạt động ngoại khóa “Tập làm chiến sĩ” tại Trung đoàn 213, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không – Không quân). Tại đây, thầy và trò nhà trường được lãnh đạo đơn vị giới thiệu về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không-Không quân và truyền thống đơn vị. Bên cạnh đó, thầy và trò nhà trường còn được nghe giới thiệu về truyền thống của bộ đội phòng không-không quân trong 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Cô Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường xúc động nói: Buổi giáo dục ngoại khóa này rất có ý nghĩa đối với thầy và trò nhà trường. Đối với giáo viên chúng tôi hiểu thêm về truyền thống chiến đấu kiên cường dũng cảm sáng tạo của quân đội ta, đặc biệt là các anh bộ đội phòng không-không quân trong chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Tin rằng sau buổi dã ngoại này, việc dạy và học lịch sử của nhà trường sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Các em học sinh đang tập xếp đặt nội vụ vệ sinh cá nhân. Ảnh: Cao Thanh Đông

Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 7A tâm sự: Trước đây chúng em hiểu chưa nhiều về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là về Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Nay được nghe các bác, các chú bộ đội giới thiệu về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không, chúng em đã thêm hiểu và tự hào hơn về thế hệ ông, cha mình. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác dạy trước lúc Người đi xa.

Còn theo Lê Thị Lan, học sinh lớp 8B: chuyến đi này để lại trong chúng em nhiều ấn tượng tốt đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ. Nhất là khi được tập làm chiến sĩ, chúng em rất vui và càng cảm phục các anh bộ đội.

Cao Thành Đông

(Hà Lầm, Hạ Long, Quảng Ninh)
qdnd.vn

Advertisement