Lời kêu gọi Liên hợp quốc

Kính gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc.

1. Đã hơn một tháng nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị đặt trong một cuộc xung đột vũ trang gây ra bởi các lực lượng Pháp là những lực lượng được đón tiếp thân ái trên xứ sở này khi họ vào giải giáp quân đội Nhật.

Chính phủ Việt Nam đã trình bày với Chính phủ Pháp nhiều đề nghị nhằm đạt đến một giải pháp hoà bình. Nhưng cho đến nay, những đề nghị ấy đều không mang lại kết quả gì.

Hàng ngày, lục quân, hải quân và không quân Pháp thiêu huỷ các thành phố, làng mạc Việt Nam, bắn giết dân thường Việt Nam với những máy bay và xe tǎng sẵn sàng nhả đạn. Nhiều đội quân tiếp viện Pháp tiếp tục đổ bộ vào đất Việt Nam.

Cuộc xâm lược này mà chúng tôi là nạn nhân, ngoài việc gieo rắc chết chóc và huỷ diệt trên đất nước chúng tôi, còn uy hiếp nền hoà bình thế giới trong miền Viễn Đông.

Tôi có trách nhiệm thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà yêu cầu Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước Đồng minh khác trình bày trước Liên hợp quốc về cuộc xung đột và xin tố cáo những nguyên nhân và trách nhiệm về cuộc xung đột này.

2. Trong cuộc Chiến tranh thế giới vừa qua, khi Chính phủ Pháp đã dâng Đông Dương cho Nhật Bản và đã câu kết với chúng chống lại Đồng minh thì nhân dân Việt Nam đã đứng về phía Đồng minh và đấu tranh không ngừng chống lại những lực lượng thù địch.

Khi quân Nhật bị buộc phải đầu hàng vào tháng 8 nǎm 1945, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tuyên bố thành lập vào ngày 2 tháng 9 nǎm 1945. Một Quốc hội được bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu đã bảo đảm cho đất nước một Hiến pháp dân chủ. Toàn thể nhân dân đã bắt tay vào lao động để khôi phục lại đất nước.

Chúng tôi cũng đã thực hiện những quyền dành cho nhân dân theo như những điều khoản của Đồng minh.

3. Thế nhưng, ngày 23 tháng 9 nǎm 1945, quân đội Pháp bị Nhật đánh bại từ ngày 9 tháng 3 nǎm 1945 đã trở lại núp sau quân đội Anh dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật. Đội quân Pháp này đã dần dần chiếm lại Nam Bộ, áp đặt lại chế độ bóc lột thực dân cũ và chiến tranh đã xảy ra.

4. Với thiện chí hoà bình, Chính phủ chúng tôi đã chấp nhận ký kết với nước Pháp một Hiệp định vào ngày 6 tháng 3 nǎm 1946. Theo Hiệp định này, chúng tôi chấp nhận hợp tác với nước Pháp trong khuôn khổ một Liên bang Đông Dương. Vì, một lần nữa, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi ngưỡng mộ và có một tình cảm sâu sắc với nhân dân Pháp.

Cũng theo Hiệp định này, nước Pháp công nhận nền Cộng hoà của chúng tôi như một quốc gia tự do và đồng ý rằng việc Nam Bộ trở về Việt Nam sẽ do một cuộc trưng cầu dân ý quyết định.

5. Nhưng, sau khi ký Hiệp định này, những người đại diện Pháp ở Đông Dương đã vội vã tìm cách thực hiện một ý đồ xấu xa. Họ gia tǎng những cuộc tiến công vào các vị trí Việt Nam, nặn ra nước Cộng hoà Nam Kỳ với một Chính phủ bù nhìn tay sai, tiếp tục khủng bố những người yêu nước Việt Nam, phá hoại Hội nghị Phôngtennơblô là hội nghị phải giải quyết cuối cùng những mối quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam. Trước ý đồ xấu xa đó, các mối quan hệ Pháp – Việt có thể tức khắc bị đổ vỡ.

6. Một lần nữa chúng tôi khẳng định lòng mong muốn hoà bình bằng cách chấp nhận Tạm ước 14 tháng 9 nǎm 1946 mà cốt lõi là nhằm vào việc bảo vệ những lợi ích kinh tế và vǎn hoá của Pháp ở Việt Nam.

Nhưng một lần nữa, sự không thiện chí của những người đại diện Pháp ở Đông Dương đã thể hiện bằng những biện pháp nhằm loại bỏ những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam, nhất là về thuế quan và ngoại thương.

Đó là những biện pháp như phong toả cảng Hải Phòng, chiếm đóng Lạng Sơn và những địa điểm khác là nguyên nhân gây nên cuộc xung đột hiện nay mà trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía người Pháp.

7. Là nạn nhân của một cuộc xâm lược có chủ định từ trước, chúng tôi buộc phải tự vệ chống lại một đối phương đang thực hiện phương pháp của một cuộc chiến tranh tổng lực như những cuộc bắn phá dã man làng mạc và dân thường.

Sau khi xảy ra xung đột, Chính phủ chúng tôi vẫn tìm cách tiếp xúc với Chính phủ Pháp, đã nhiều lần kêu gọi hoà bình với Chính phủ Pháp. Song những lời kêu gọi ấy của chúng tôi đều không có hồi âm.

Đấy là những sự việc đã xảy ra.

8. Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước.

Đồng thời, trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

2. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài cǎn cứ hải quân và không quân.

9. Chính sách mở cửa và hợp tác nói trên, Chính phủ Việt Nam cũng dành cho nước Pháp trong Hiệp định ngày 6 tháng 3 nǎm 1946. Nhưng những người đại diện Pháp ở Đông Dương đã tìm cách phá hoại hy vọng thiết lập một chính sách như trên ở Việt Nam. Chế độ đô hộ cũ và độc quyền khai thác là mối nguy hiểm không những cho nhân dân Việt Nam mà còn cho các nước dân chủ, vì họ cũng bị tước đoạt những lợi ích kinh tế và quyền lợi của họ không được bảo vệ.

Trong cuộc đấu tranh vì những quyền thiêng liêng của mình, nhân dân Việt Nam có một niềm tin sâu sắc rằng họ cũng chiến đấu cho một sự nghiệp chung: đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế và một tổ chức có hiệu quả cho an ninh ở Viễn Đông.

Chính vì tinh thần ấy mà Chính phủ chúng tôi trình bày với Hội đồng bảo an về cuộc xung đột hiện nay, và đề nghị Hội đồng vui lòng chấp nhận những điều mà chúng tôi đã nói ở trên để vãn hồi hoà bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ.

Bút tích tiếng Pháp,
bản chụp lưu tại
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
cpv.org.vn

Advertisement