Ký ức nhân chứng 40 năm ngày Khâm Thiên bị B-52 đánh bom
QĐND – …Cái chết của rất nhiều sinh linh bé nhỏ đã được ghi lại bằng phim ảnh trong hệ thống lưu trữ của Hà Nội. Một trong những bằng chứng đau lòng nhất là đoạn phim được thực hiện ngay sau trận ném bom phố Khâm Thiên.
Đoạn phim đặc tả sự tàn phá khủng khiếp của đợt không kích. Phố Khâm Thiên chỉ còn sót lại vài ngôi nhà. Nhà cửa bị nghiền nát. Khi máy quay đang tố cáo sự tàn phá, mắt người xem chợt dừng lại trước một cảnh tượng thảm khốc.
Nhô ra dưới đống gạch đổ là phần thân trên của một em bé. Một bé trai chừng chín, mười tuổi bị đống đổ nát đè bẹp cả cơ thể bất động.
Bàn tay của em nhỏ vươn ra…
Đôi tay cậu mở rộng ra, có vẻ như đang ôm vật gì đó vào thời điểm trước khi chết. Khi máy quay tiếp tục lướt qua, người ta đã biết được cậu bé đang cố làm gì vào thời khắc cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi ấy. Trên mặt đất, cách đôi tay cậu bé chừng nửa mét là một chiếc lồng chim bị giập nát. Trong khi các khối bê tông đổ xuống đã giết chết cậu bé, thì hai con chim yến nhỏ vẫn còn sống trong khoảng lồng còn lại.
Nỗ lực cuối cùng của cậu bé là một hành động của yêu thương-cố sức cứu sống hai chú chim yến nhỏ (Chân trần chí thép, tác giả James G. Zumwalt, NXB Tổng hợp TP HCM, 2011).
May mắn hơn, cậu bé Trần Dũng, ở ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên, sinh ngày 9-12-1972 vẫn được ở bên gia đình sau trận bom B-52 rải thảm đó.
Nhớ lại thời điểm con trai được hơn tuần tuổi, ông Trần Đình Thược cho chúng tôi hay: “Lần đầu nghe tiếng bom nổ, Dũng co rúm lại, khóc váng lên. Đấy là hai bác đã lấy bông nhét chặt vào tai Dũng rồi. Sau đó vài bữa thì Dũng quen dần với tiếng bom”.
Thậm chí ở trong hầm, bé trai đỏ hỏn vẫn cố rít vài giọt sữa ngọt ngào của mẹ. Ngày đó khó khăn trăm bề, quần áo sơ sinh không có, gia đình phải lấy chăn, màn, quần áo cũ lót thành tã, quấn vào giữ ấm cho Dũng. Dành dụm, chắt bóp, nhờ vả, ông Trần Đình Thược mới mua được ít sữa bò về cho con ăn.
Em bé bị bê tông, gạch đè chết sau trận bom
Chiến tranh quả là ác mộng, ông Trần Đình Thược thắp một nén nhang cho vợ, rồi kể tiếp chuyện: “Mẹ thằng Dũng khi sinh con chẳng có gì ăn, nhịn đói đi đẻ. Khai hoa nở nhụy xong, bác gái như cây chuối già xơ đét lại. Thương vợ sức yếu, tôi quyết định không đi sơ tán. Cứ mỗi khi loa phóng thanh báo động có máy bay, cả nhà 6 người lại xuống ngay hầm trú ẩn lòng đầy lo lắng. Ngày 26-12-1972, tôi vẫn làm lạ vì bữa đó cu Dũng không khóc gì cả. Có đòi ăn thì cũng chỉ ọ ọe cựa mình. Đêm tối, tiếng bom nổ như ngày tận thế. Dũng vẫn nằm yên trong lòng mẹ. Hai vợ chồng nhìn nhau, nhìn các con, ứa nước mắt… May sao, nhà tôi không bị trúng bom nhưng bước chân lên cửa hầm, nhìn ra bên ngoài, tôi bắt gặp vô số ánh mắt điên dại. Chỉ kịp dặn vợ con cẩn thận, tôi cầm lấy xẻng, chạy bổ sang nhà hàng xóm đào bới, cứu người. Đến tận bây giờ, tôi không thể nào quên ánh mắt mờ đục, tê dại của ông Nguyễn Văn Tùng, người cùng phố, khi mất đi người con trai, con dâu sau trận bom khủng khiếp đó…”.
… Khi ông Tùng (Nguyễn Văn Tùng-PV) vừa được kéo ra, đã có mặt ba người con trai ở đấy. Họ bảo rằng không thấy vợ chồng Giang ở đâu. Ông Tùng nhìn về phía căn hầm nơi Giang cùng vợ đã chui vào. Ông kinh hãi khi thấy nó đã bị phá hủy hoàn toàn.
“Có tới hai hố bom, một hố ngay trên nóc hầm. Tôi cùng ba người con tìm kiếm dấu vết của những người trú ẩn trong hầm đó. Nhưng chả tìm được gì”.
Ông Tùng và các con tiếp tục tìm kiếm xung quanh và phát hiện ra một điều khủng khiếp. “Tôi bắt gặp một thi thể nằm cách căn hầm mà Giang đã nấp chừng một trăm thước”, ông Tùng kể. “Dù khuôn mặt người chết đã bị phá nát nhưng qua vóc dáng và chiếc đồng hồ trên tay, tôi có thể nhận ra con mình”.
“Chúng tôi mang thi thể nó về nhà, liệm vào trong quan tài do chính quyền cấp và sau đó đưa đi an táng”.
hi thể người con dâu của ông-cũng như phần lớn những người trú ẩn trong căn hầm đó-đến nay vẫn chưa được tìm thấy; sức nổ của hai quả bom đã nghiền nát và thổi bay xương thịt họ. Người ta nói rằng có tới hai mươi bảy người trong căn hầm vào thời điểm nó bị trúng bom.
Điều đau đớn hơn nữa đối với ông Tùng là người con dâu đã có thai sáu tháng, sắp sinh đứa cháu đầu tiên cho ông (Chân trần chí thép).
Gấp lại cuốn sách “Chân trần chí thép”, anh Trần Dũng tâm sự: “Lớn lên, đọc sách báo tôi biết có hàng chục trẻ em đã chết sau trận bom đêm 26-12-1972 giội xuống Khâm Thiên. Tôi là đứa trẻ thực sự may mắn”.
Ngồi bên, ông Thược vít người Dũng xuống, xoa đầu con, bảo: “Dại mồm, ngày đó vợ con có mệnh hệ gì, chắc tôi không sống nổi”.
Bài và ảnh: HỒNG ANH và ĐÌNH DÙNG
qdnd.vn
Bài 3: Không quên quá khứ, sống cho nên người