Không quên quá khứ, sống cho nên người (Bài 3)

Ký ức nhân chứng 40 năm Ngày Khâm Thiên bị B-52 đánh bom

QĐND – “Dọc các con ngõ đều đụng xác người chết. Căn nhà số 47 phố Khâm Thiên, mọi người tìm thấy trong hầm thi thể hai mẹ con. Lúc đưa ra, người mẹ vẫn ôm siết đứa con vài tháng tuổi, hai mái đầu chụm vào nhau. Người mẹ chết rồi nhưng gương mặt, ánh mắt vẫn toát lên vẻ lo âu cho con trẻ. Tôi và những người có mặt trước cửa hầm không cầm được nước mắt. Chúng ta đang đứng ngay trên miệng căn hầm ngày xưa đó”. Nói rồi, anh Trần Đình Long cùng chúng tôi thắp hương, nghiêng mình trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên, nơi có tượng người mẹ bế con trên tay.

Anh Trần Đình Long (sinh ra và lớn lên tại số nhà 48 ngõ Lệnh Cư, phố Khâm Thiên) hồi tưởng: “Gia đình tôi ngày đó có 6 người đều không sơ tán. Mẹ vừa sinh em bé nên cả nhà quyết định ở lại. Lúc đó tôi 11 tuổi. Tối 26-12-1972, còi báo động vang lên, mọi người chui nhanh xuống hầm. Do hiếu kỳ, nên tôi chạy ra ngoài nghe còi báo động. Bố chạy ra, lôi tôi vào hầm. Chưa đầy một phút sau, tiếng nổ liên hồi vang lên. Nhà tôi tưởng chừng sập đến nơi. Tiếng bom nổ kèm theo bùn đất, bê tông, mái ngói, gỗ, ống nước kẽm tung lên khỏi mặt đất, phát ra những âm thanh ghê rợn. Vừa dứt bom, tôi chạy ra khỏi hầm, men ra đằng sau nhà. Thật khủng khiếp, một quả bom rơi đúng hồ Chùa (hồ nằm cạnh chùa, nên người dân gọi là hồ Chùa), tạo thành một hố sâu thẳm như hố tử thần, miệng hồ bị bom giội toác ra. May sao quả bom rơi xuống hồ, nếu không cả nhà tôi và dân ngõ Lệnh Cư khó lòng sống sót.

Bác Trần Đức Vinh thường xuyên đến Đài tưởng niệm Khâm Thiên để thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.

Đêm đó, không ai chợp được mắt, cứ lo máy bay địch quay lại. Gần sáng, tiếng kêu khóc thảm thiết. Tôi đi ra ngoài, thấy bộ đội công binh tập trung rất đông ở một ngôi nhà. Nghe kể, đêm qua, bom rơi trúng căn nhà nhưng chưa nổ, nên gọi bộ đội đến xử lý. Sau đó mọi người được giải thích, do nhà máy kem gần đấy bị trúng bom, nên bình ô-xy bay lên, rơi trúng nhà dân, chứ không phải bom. Trời tối, trải qua trận bom kinh hoàng, nên mọi người tưởng là bom. Nếu là bom, thì “đi” cả khu rồi”.

Cùng ra thắp hương ở Bia căm thù, có bác Trần Đức Vinh (sinh năm 1953, nhà trong ngõ Lệnh Cư). Chứng kiến “vụ ném bom thế kỷ” tại Khâm Thiên, trải qua 40 năm, những gì xảy ra buổi tối 26-12-1972 vẫn còn ám ảnh trong trí nhớ bác. “19 giờ tối ngày 26-12-1972, chúng tôi (dân phòng) được thông báo, máy bay B-52 chuẩn bị đánh Hà Nội nên phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Còi báo động rú liên tục. Chúng tôi vội xuống hầm. Gần 23 giờ, chỉ nghe thấy những tiếng “hịch, hịch”, mặt đất rung chuyển, đất dưới chân như muốn sụt xuống. Hai mẹ con tôi ngồi trong hầm chỉ biết ôm đầu, bịt tai. Khói bom ken đặc trong hầm, hai mẹ con ho sặc sụa. Ngớt tiếng đạn phòng không, chúng tôi vội lên khỏi hầm, nháo nhác gọi tên người thân, hàng xóm xem ai còn, ai mất. Tiếng gào khóc khiến tôi sởn gai ốc, lạnh sống lưng. Nghĩ lại, vẫn thấy gai người.

Trời tảng sáng, cảnh tượng dần rõ nét. Hoang tàn. Đổ nát. Chết chóc. Bom san phẳng cả khu phố. Đứng giữa phố cũng nhìn thấy ngã tư Ô Chợ Dừa. Sợ máy bay ném bom nữa, tôi đưa mẹ đi sơ tán ở Ba La – Bông Đỏ. Từ ngõ Lệnh Cư ra đến đầu ngõ chợ Khâm Thiên, xác người la liệt. Quan tài chưa có, người chết được phủ bằng những tấm chiếu rách te tua. Đưa bà cụ đi sơ tán xong, tôi đạp xe quay về Khâm Thiên, thấy một vài cỗ quan tài đóng vội.

Thanh niên được huy động, đào bới bằng tất cả những gì còn lại, từ cuốc, xẻng cho đến đòn gánh, thanh sắt, củi, thậm chí bằng tay. Cứu người trong hầm là ưu tiên số 1 nhưng đa phần những người vô tội đều đã chết. Đa phần hầm tăng xê đều đầy nước, người chết đã trương lên, phải lấy đòn gánh, buộc vào hai cánh tay, dùng sức của 5, 6 thanh niên mới kéo lên được. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ, không hiểu sao hồi đấy chúng tôi có thể vượt qua được những cảnh tượng kinh hoàng đó…”.

Ngày ngày, đi qua Đài tưởng niệm Khâm Thiên, anh Trần Đình Long, bác Trần Đức Vinh và người dân phố Khâm Thiên đều nghiêng mình cúi đầu. Bác Long tâm sự: “Tôi vẫn thường xuyên nhắc con cháu trong nhà, nếu không bận việc thì ra đài tưởng niệm thắp nén hương, dọn dẹp vệ sinh. Phải ghi nhớ những mất mát, hy sinh trong quá khứ, để sống sao cho nên người, có ích cho xã hội. Đó là điều thế hệ trẻ hôm nay nên trân trọng và gìn giữ”.

Bài và ảnh: HỒNG ANH và ĐÌNH HÙNG
qdnd.vn

Nỗi ám ảnh (Bài 1)
Sinh linh bé bỏng (Bài 2)

Advertisement