Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2012)
QĐND – Trong cuộc Chiến tranh không quân ở Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, Mỹ có dịp phô trương và thi thố các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới tính đến lúc bấy giờ. Cùng với các loại máy bay, tên lửa, súng pháo, đạn bom…, các phương tiện điện tử tân kỳ đã được đưa ra nhiều đến mức bản thân sự hoạt động của nó được coi như một cuộc chiến tranh riêng biệt, chiến tranh điện tử.
Lúc đầu Mỹ chủ yếu áp dụng biện pháp gây nhiễu ngoài đội hình. Tức là dùng các loại máy bay chuyên dụng như EB-66, EC-121 được trang bị các loại máy móc điện tử bay ngoài đội hình máy bay đi trinh sát, oanh tạc gây nhiễu để các loại trinh sát, tiêm kích, cường kích lẻn vào trinh sát, đánh phá. Chúng ta đã nhanh chóng tìm cách đánh bại thủ đoạn này bằng cách nâng cao trình độ bám sát mục tiêu của các trắc thủ, đồng thời tận dụng triệt để thời cơ khi địch bị các lực lượng Phòng không – Không quân đánh trả mãnh liệt các loại trinh sát, tiêm kích, cường kích bị bật ra khỏi cái “áo giáp điện tử” để phát hiện và tiêu diệt.
Bị thất bại, địch càng tăng cường các thủ đoạn gây nhiễu. Nhiệm vụ gây nhiễu không chỉ do các máy bay chuyên dụng thực hiện như thời gian đầu chiến tranh mà chính bản thân các máy bay đi ném bom đã được trang bị các thiết bị gây nhiễu để cùng với việc gây nhiễu ngoài đội hình tạo thành bức màn vô hình che mắt các loại ra-đa, làm nhiễu loạn hệ thống thông tin vô tuyến của ta. Chính vì thế ở một số trận, tên lửa cứ bắn lên đạn lại tự hủy hoặc rơi xuống đất, không quân xuất kích nhưng không phát hiện được địch, dẫn đường mặt đất cũng bị nhiễu nên không hỗ trợ được phi công. Xót xa hơn, một số trận địch phóng tên lửa tự dẫn thụ động Sơ-rai, Xten-đơ làm hỏng khí tài, gây thương vong cho các trắc thủ ra-đa. Thậm chí có đơn vị tên lửa đánh tới gần 10 trận mà không tiêu diệt được máy bay địch do chưa hóa giải được các thủ đoạn nhiễu của địch, trong khi đó phương pháp đánh trong nhiễu của ta hiệu quả còn thấp. Tuy nhiên sau đó không lâu Tiểu đoàn tên lửa 62 đã phát hiện ra thủ đoạn nhiễu mới của địch ảnh hưởng tới sự điều khiển của đạn tên lửa. Đây chính là thủ đoạn địch đã dùng máy gây nhiễu phát vào tần số rãnh đạn của ta một công suất lớn hơn công suất của đạn làm cho đạn tên lửa mất điều khiển.
Bộ đội ra-đa trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu.
Trong cuộc đấu trí cân não với tác chiến điện tử của địch, bộ đội Phòng không – Không quân với chủ trương “đưa máy lên cao vươn xa cánh sóng”, “vươn cánh sóng theo hướng chiến dịch”, “tiến sâu, ở lâu, trụ vững” để “vạch nhiễu tìm thù”, “tìm thù trong nhiễu”. Quân chủng đã đưa các đơn vị ra-đa vào sâu chiến trường phía Nam, lên đỉnh Trường Sơn, bố trí đội hình tạo thành trường ra-đa khép kín, kết hợp giữa ra-đa truyền thống và thiết bị quang điện tử quan sát đêm, ngày và đo xa; huấn luyện cho trắc thủ thành thục các thao tác trong thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật đồng thời không ngừng nghiên cứu các thủ đoạn, trang thiết bị mới của địch để có biện pháp đối phó. Mặt khác, ta đã nghiên cứu và phát hiện những sơ hở của địch để khai thác triệt để. Trong khi gây nhiễu chủ động, địch chỉ tập trung trấn áp các tần số sóng ra-đa của tên lửa và không quân mà bỏ qua không trấn áp các ra-đa điều khiển cao xạ của ta, có thể chúng cho rằng các loại súng pháo phòng không không có khả năng đe dọa máy bay chiến lược B-52 nên ta đã sử dụng các loại ra-đa này cung cấp số liệu để khẳng định mục tiêu B-52, nhất là trong phân biệt tín hiệu B-52 thật với tín hiệu B-52 giả và chống tên lửa Sơ-rai của địch. Chỉ bằng một biện pháp đơn giản ta đã giải quyết được một vấn đề nan giải mà kẻ địch đã phải dày công nghiên cứu để áp dụng. Chúng đã phải trả giá đắt về “điểm yếu chết người” trước trí tuệ của các chiến sĩ Phòng không – Không quân.
Đặc biệt, ta đã sớm thành lập Đội nhiễu, sau phát triển thành Tiểu đoàn nhiễu làm nhiệm vụ trinh sát điện tử, nghiên cứu, phân tích nhiễu và chống nhiễu. Trên bầu trời miền Bắc xuất hiện một loại hình trinh sát mới: Trinh sát nhiễu. Các đơn vị Trinh sát nhiễu đã thu thập các tần số gây nhiễu của địch, đo đạc các tham số của nhiễu rãnh đạn tên lửa để tìm ra nguyên nhân làm cơ sở cải tiến trang bị khí tài chống nhiễu rãnh đạn thành công.
Chuẩn bị đối phó với âm mưu đánh lớn của địch vào miền Bắc, các đơn vị trinh sát nhiễu đã được đưa về phối thuộc với các đơn vị ra-đa góp phần bổ trợ cho việc phát hiện sớm và chính xác các loại máy bay địch.
Các thủ đoạn gây nhiễu và khả năng gây nhiễu của địch tiếp tục đặt ra những thách thức mới đối với chúng ta khi chúng mở chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ I từ tháng 4-1972. Ngay ngày đầu chúng sử dụng không quân đánh dữ dội vào Hà Nội, Hải Phòng. Ở Hải Phòng, địch dùng ba tốp B-52 với 9 chiếc, ở Hà Nội địch chưa dùng B-52 nhưng với thủ đoạn gây nhiễu nặng và sử dụng máy bay chiến thuật làm giả B-52 làm ta không phân biệt được đâu là B-52 thật, đâu là giả nên tên lửa, không quân của ta đã đánh phần lớn vào các tốp B-52 giả.
Mạng ra-đa trên toàn miền Bắc được điều chỉnh, bố trí theo cụm, kết hợp giữa máy cũ và máy mới, giữa các đài ra-đa sóng mét, đề-xi-mét và xăng-ti-mét; kết hợp giữa các đài ra-đa và các trạm quan sát mắt, tạo thành trường ra-đa khép kín, có khả năng chống nhiễu cao, có thể phát hiện tốt máy bay bay thấp, bay ở tầng trung và tầng cao, tạo thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu. Chiến thuật bố trí thế trận ra-đa của ta được khái quát cụ thể: Xa bù gần, sau bù trước, hai bên sườn bổ trợ chính diện. Một số đơn vị ra-đa được đưa vào Quân khu 4 vừa làm nhiệm vụ bảo đảm phục vụ các đơn vị bảo vệ giao thông vận chuyển, phục vụ tác chiến phòng không trong chiến dịch binh chủng hợp thành ở tuyến trước, đồng thời làm nhiệm vụ cảnh giới xa cho Hà Nội, kịp thời phát hiện B-52 từ hướng tây nam và đông nam vào đánh phá Thủ đô. Các đơn vị ra-đa có kinh nghiệm phát hiện B-52 như Đại đội 45, Đại đội 16 được bố trí để thực hiện nhiệm vụ phát hiện B-52 từ bên sườn cánh sóng nhiễu của đội hình B-52. Đây cũng là một sơ hở, một “điểm yếu chết người” tiếp theo của địch mà chúng không hề hay biết. Khi B-52 bay từ U-ta-pao qua Lào theo hướng tây nam xuống và từ Gu-am qua biển Đông theo hướng đông nam vào, thì khu vực bên sườn cánh sóng nhiễu của chúng có cường độ nhiễu rất nhẹ. Đại đội 45 và Đại đội 16 với giàn trắc thủ lão luyện đã điểm huyệt chúng bằng việc phát hiện sớm, chính xác để thông báo cho các lực lượng sẵn sàng tiêu diệt.
Dân quân Hà Nội thu gom xác máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.
Ngoài ra bộ đội ra-đa đã tổ chức tốt việc rút kinh nghiệm chống nhiễu trong phát hiện B-52 của các đơn vị trên các chiến trường và tích cực tổ chức huấn luyện, giúp bộ đội thao tác, vận dụng quy trình xử lý tình huống thành thục trên máy; kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp chiến thuật với các biện pháp kỹ thuật.
Đối với tên lửa, trước khi bước vào chiến dịch ta đã chủ động bố trí đội hình thành ba vòng. Vòng ngoài, vòng giữa và vòng trong nhằm tác chiến điện tử có hiệu quả khi địch gây nhiễu tổng hợp với cường độ lớn đồng thời sẵn sàng đánh bọc lót cho nhau, sử dụng linh hoạt phương pháp bắn ba điểm và phương pháp vượt nửa góc. Đặc biệt, việc tổ chức huấn luyện bộ đội theo tài liệu “Cách đánh B-52” đã nâng cao trình độ toàn diện cho các kíp chiến đấu trong đó vấn đề tác chiến điện tử có rất nhiều nội dung, biện pháp mới được nghiên cứu, thường xuyên bổ sung vào phương án và cách đánh. Quá trình nghiên cứu ta đã biết rõ thủ đoạn gây nhiễu tổng hợp để bảo vệ B-52 vào đánh Hà Nội lần này không còn là yếu tố bất ngờ, đồng thời cường độ gây nhiễu của B-52 đã bị phân tán. Tuy địch gây nhiễu trên diện rộng, có chiều sâu nhưng ở hướng này bị nhiễu nặng, nhưng ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau các đơn vị tên lửa theo thế trận của mình có thể “nhận mặt” được B-52. Sau nhiều trận đánh thắng bằng phương pháp đánh ba điểm đã thấy rõ bàn tay khéo léo và trí thông minh của đội ngũ trắc thủ không ngừng được nâng cao. Lần này, các đơn vị nếu bị nhiễu nặng không phát hiện được tín hiệu B-52 sẽ tự tin hơn khi đánh bằng phương pháp ba điểm, các đơn vị phát hiện được tín hiệu B-52 sẽ đánh bằng phương pháp có hiệu quả nhất là phương pháp vượt nửa góc. Trước khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm Trung đoàn 263 đã bắn rơi một B-52 trên đất liền đã khẳng định “Cách đánh B-52” có cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc, các thủ đoạn gây nhiễu của địch không còn là vấn đề quá nan giải đối với ta. Trận đánh đã góp phần củng cố niềm tin bắn rơi tại chỗ B-52 bằng tên lửa SAM-2 của bộ đội tên lửa.
Để dẫn đường cho không quân chiến đấu trong điều kiện địch gây nhiễu cường độ mạnh, trên diện rộng, ta đã tổ chức cho ra-đa vòng ngoài bảo đảm dẫn đường. Với mỗi Sở chỉ huy của không quân tiêm kích, ta bố trí hai trạm ra-đa dẫn đường trên hai hướng khác nhau nhằm khắc phục những hạn chế về góc che khuất của từng trận địa và hỗ trợ cho nhau khi dẫn máy bay ta. Việc bố trí hai đài dẫn đường ở hai hướng khác nhau chính là biện pháp chống nhiễu xuyên tâm có hiệu quả nhất. Khi máy bay địch bay vào đánh phá thì đối với một đường bay có thể đài này bị nhiễu xuyên tâm nhưng đài kia không bị hoặc ngược lại. Như vậy, hai đài sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhau, quá trình dẫn đường cho máy bay ta và theo dõi địch không bị gián đoạn. Các đài ra-đa dẫn đường cho không quân còn áp dụng các biện pháp chiến thuật như tắt, mở máy để lừa lại địch…
Cuối cùng thì cái điều không một người dân Việt Nam nào muốn xảy ra đã đến vào cái buổi tối mùa đông lạnh giá năm ấy. Suốt trong mấy ngày từ giữa tháng 12, cả Hà Nội căng ra như sợi dây đàn trước khi bão táp ập đến. Căng thẳng, biết trước nhưng không ai lại tin nó đến vào cái thời điểm trời đất đang chuẩn bị sang xuân. Hơn 18 giờ ngày 18-12-1972, Đại đội 37 thuộc Trung đoàn ra-đa 292 phát hiện hai tốp F-111 xuất hiện bên kia biên giới Việt – Lào, ít phút sau tiếp tục phát hiện một tốp F-111 khác trên hướng tây nam. Sở chỉ huy Quân chủng lập tức phát lệnh báo động chiến đấu. Một số đài ra-đa được lệnh mở máy tăng cường để phát hiện F-111 bay vào nội địa nhưng vài phút sau máy bay EB-66 đã gây nhiễu nặng, Binh chủng Ra-đa chỉ thị cho các đơn vị tập trung chống nhiễu phát hiện mục tiêu. Cuộc đấu tranh điện tử giữa ta và địch bắt đầu với độ phức tạp rất cao và vô cùng quyết liệt. Cùng lúc đó Đại đội ra-đa 12 thuộc Trung đoàn ra-đa 290 và Đại đội ra-đa 16 thuộc Trung đoàn ra-đa 291 ở Diễn Châu cũng phát hiện được một số dải nhiễu mới, Đại đội 16 làm động tác chống nhiễu phát hiện B-52 và đã nhanh chóng khẳng định đó là nhiễu B-52. Nhận được thông tin, Đại đội trưởng Đại đội 45 Đinh Hữu Thuần căn cứ vào phương án chiến đấu đã quyết định mở ra-đa P.35 để tăng cường phát hiện B-52. Quyết định của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần phát ra đúng lúc lệnh của Trung đoàn trưởng yêu cầu mở máy P.35 của Đại đội 45 Đô Lương, Nghệ An cũng vừa tới. Với kinh nghiệm phát hiện B-52 trước đó mấy năm, Đài trưởng Nghiêm Xuân Tích và các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã nhanh chóng xác định được dải nhiễu của B-52. Đường bay của chúng được đánh dấu trên bảng tiêu đồ, đoạn đầu trùng khít với đường bay những lần trước chúng đánh vào Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng nhưng đến phương vị 290 độ chúng không vòng lại mà tiếp tục bay tới phương vị 300 độ hướng về phía tây bắc nước ta. Sau khi kiểm tra, Sở chỉ huy Trung đoàn 291 khẳng định B-52 đang trên đường vào đánh Hà Nội, lập tức thông tin này được báo cáo về Tổng trạm ra-đa Quân chủng. Hơn 19 giờ lệnh báo động được phát ra. Không khí ở Thủ đô Hà Nội như sôi lên khi còi báo động hú vang và trên các loại loa truyền thanh, phóng thanh vang lên giọng nói hết sức khẩn trương của nữ phát thanh viên với một thông điệp nghiêm trọng: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Hiện nay máy bay địch cách Hà Nội hơn 100 ki-lô-mét. Theo nhận định của Trung ương, đêm nay đế quốc Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 đánh hủy diệt Hà Nội để gây áp lực trên bàn đàm phán Hội nghị Pa-ri… Máy bay địch cách Hà Nội 80 ki-lô-mét. Tất cả nhân dân khẩn trương về nơi trú ẩn, lực lượng dân quân tự vệ về vị trí sẵn sàng làm nhiệm vụ cùng bộ đội Phòng không – Không quân đánh trả không quân địch…”.
Đèn điện phụt tắt. Khắp trên các ngả đường tiếng bước chân chạy rầm rập rồi tiếng nổ ầm ầm của đạn bom. Không khí như bị xé nát, tất cả rung chuyển tưởng chừng như sắp nổ tung. Các lực lượng Phòng không – Không quân có 35 phút chuẩn bị trước khi cuộc tập kích của địch vào Hà Nội bắt đầu. Đúng 19 giờ 44 phút, những vệt sáng như những dải sao băng lao vút lên bầu trời trong cái mớ âm thanh hỗn tạp của những loạt bom rền vang và các loại súng pháo phòng không bắn trả mãnh liệt. Những vệt sáng bùng lên, rơi xuống lả tả. Tên lửa của ta đã lên tiếng. Nhưng máy bay địch chưa rơi. Kíp chiến đấu nhìn nhau lo lắng. Các Sở chỉ huy lặng đi. Chả lẽ kẻ địch đã vô hiệu hóa được bộ đội Phòng không – Không quân. Những loạt đạn tên lửa tiếp tục phóng lên nhưng vẫn chưa có kết quả do trên các hướng các tốp B-52 đang bay vào đánh Hà Nội, địch gây nhiễu rất nặng.
Sau chín trận tên lửa đánh không hiệu quả và mấy lần không quân xuất kích trong đêm đầu tiên không phát hiện được mục tiêu, tư tưởng một số cán bộ, chiến sĩ tỏ ra lo lắng, hoài nghi về khả năng đánh B-52 trong nhiễu của tên lửa SAM-2 và MiG-21. Các cấp đã tổ chức rút kinh nghiệm chớp nhoáng giữa hai đợt chiến đấu và xác định nguyên nhân hai lực lượng chủ yếu chưa đánh được là do địch sử dụng đội hình lớn, đánh ồ ạt, cường độ nhiễu quá mạnh, một số đơn vị tên lửa lại chưa hề chạm trán với B-52, các trắc thủ chưa chọn và phân biệt được dải nhiễu B-52 với các loại máy bay khác. Khi xác định được chính xác thì đánh không kịp. Ra-đa dẫn đường của không quân cũng bị nhiễu nặng, khi phi công bật ra-đa trên máy bay thì bị địch phát hiện nên không sục sạo và tiếp cận được B-52. Tuy chưa bắn rơi máy bay địch trong loạt trận đầu tiên, song tinh thần chiến đấu của bộ đội rất ngoan cường, dũng cảm, có ý chí, quyết tâm cao. Đúng 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972, Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tốp máy bay đang từ hướng Tam Đảo lao xuống đánh Đông Anh. Tiểu đoàn 59 nằm ngay trọng điểm đánh phá của địch đã chớp cơ hội phát hiện chính xác dải nhiễu của tốp B-52. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, kíp chiến đấu đã phóng đạn đánh theo phương pháp ba điểm tiêu diệt chiếc B-52 đầu tiên trong chiến dịch. Bị trúng đạn, chiếc B-52 bốc cháy lao xuống cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10 ki-lô-mét. Tin Tiểu đoàn 59 bắn rơi tại chỗ B-52 đã nhanh chóng được báo cáo lên cấp trên và thông báo trong toàn quân chủng đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt đã củng cố lòng tin cho bộ đội về cách đánh B-52 trong điều kiện nhiễu phức tạp, đồng thời khẳng định khả năng chống nhiễu của bộ đội Tên lửa đã thành công. Ngay trong đêm đó quân và dân ta lại tiếp tục đánh trả quyết liệt đợt tập kích lần thứ hai của địch. Rạng sáng ngày 19 tại trận địa Chèm, Tiểu đoàn 77 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cùng kíp chiến đấu đã phát hiện tốp máy bay địch từ hướng tây bắc bay vào, đã nghiên cứu dải nhiễu xác định chính xác là B-52. Tiểu đoàn trưởng chớp thời cơ hạ quyết tâm đánh bằng phương pháp vượt nửa góc đã bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52D. Như vậy, ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch, các tiểu đoàn tên lửa đã đánh bằng cả hai phương pháp: Phương pháp ba điểm và vượt nửa góc đều bắn rơi tại chỗ B-52, càng khẳng định “Cách đánh B-52” của bộ đội tên lửa là hiệu quả; địch được che giấu trong tầng tầng lớp lớp các loại nhiễu nhưng chúng không thoát khỏi đôi mắt tinh tường của những đôi “mắt thần” và “mắt trần” của bộ đội Phòng không – Không quân.
Liên tục trong các đêm tiếp theo, bộ đội tên lửa rồi cao xạ 100mm, MiG-21 đã vít cổ hàng loạt “pháo đài bay” B-52 cùng các loại máy bay trinh sát, tiêm kích, cường kích của địch. Một trong những thành công của quân và dân ta là đã vô hiệu hóa toàn bộ các loại nhiễu của địch, trong màn nhiễu dày đặc các chiến sĩ Phòng không – Không quân bằng ý chí và trí tuệ của mình đã “vạch nhiễu tìm thù”, “tìm thù trong nhiễu”, nhận rõ mặt kẻ thù để tiêu diệt.
NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN
qdnd.vn