Tag Archive | Tập 7 (1953 – 1955)

Điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày Hồng quân Liên Xô (21-2-1953)

Kính gửi Đại Nguyên soái Xtalin,

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Hồng quân, thay mặt Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam và nhân danh tôi, tôi xin gửi đồng chí lời chúc mừng chân thành và kính chúc Hồng quân Liên Xô ngày càng hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hoà bình thế giới.

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 96,
từ ngày 21 đến 25-2-1953.
cpv.org.vn

Advertisement

Phóng tay phát động quần chúng (1-3-1953)

Nǎm nay, Chính phủ, Đảng và Mặt trận quyết định phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Đó là một việc rất công bằng và rất hợp lý. Vì sao?

Vì tối đại đa số nhân dân ta là nông dân. Trong Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tối đại đa số chiến sĩ là nông dân. Đi dân công giúp việc Chính phủ và bộ đội, tối đại đa số là nông dân. Đóng thuế nông nghiệp để nuôi bộ đội và cán bộ, nông dân cũng hǎng hái nhất. Thi đua tǎng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt cho toàn dân, nông dân cũng hǎng hái nhất. Nói tóm lại: trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, nông dân đóng góp nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất, công lao nhiều nhất. Thế mà họ lại nghèo khổ nhất, vì địa tô quá nặng, nợ lãi quá cao.

Nông dân ta có công với Tổ quốc, thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại một phần nào cho công lao của nông dân.

Triệt để giảm tô có lợi cho mọi từng lớp nhân dân như thế nào?

Có lợi cho nông dân, là sự đã đành.

Có lợi cho những nhà công nghệ, tiểu công nghệ và thương nghiệp, vì nông dân sinh hoạt khá, thì sẽ mua nhiều hàng, công nghệ và thương nghiệp sẽ càng phát triển.

Có lợi cho những người trí thức, nhà vǎn hoá. Vì nông dân “bụng no thì lo học”, và vǎn hoá nhân dân ngày thêm phong phú.

Có lợi cho quân đội ta. Vì nông dân “thực túc”, thì “binh cường”, và nông dân thanh niên sẽ càng hǎng hái tòng quân.

Có lợi cho Mặt trận. Vì sẽ đoàn kết được chặt chẽ đại đa số nông dân, và củng cố thêm công nông liên minh là nền tảng của Mặt trận.

Và cũng có lợi cho những địa chủ yêu nước. Vì đó là một dịp để họ thực hành việc “sẻ áo nhường cơm”.

Triệt để giảm tô là việc có lợi chung cho cả nước, thì vì sao cần phải phóng tay phát động quần chúng?

Vì bất kỳ việc gì, nếu không phát động quần chúng, thì không làm được triệt để. Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô đã mấy nǎm rồi, nhưng đến nay nơi thì chưa giảm, nơi thì giảm chưa triệt để. Đó là vì quần chúng chưa được phát động.

Muốn giảm tô triệt để, thì trước nhất phải phát động quần chúng nông dân, làm cho nông dân tự giác tự động, đoàn kết chặt chẽ, tổ chức vững chắc, đấu tranh hǎng hái, để tranh cho kỳ được quyền lợi chính đáng của mình.

Phải phát động những từng lớp nhân dân khác, làm cho ai cũng hiểu rõ rằng triệt để giảm tô thì họ có lợi, để mọi người đồng tình và ủng hộ nông dân.

Cũng cần giải thích cho những người địa chủ thấy rõ lợi hại đôi đường.

Để phóng tay phát động quần chúng, thì tất cả cán bộ của chính quyền và đoàn thể đều phải được đánh thông tư tưởng, phải giữ vững lập trường, thấm nhuần chính sách của Đảng, Chính phủ và Mặt trận, theo đúng đường lối quần chúng. Phải chí công vô tư, toàn tâm toàn lực phục vụ lợi ích của quần chúng nông dân (trước hết là cố nông, bần nông và trung nông). Như thế, thì việc phát động quần chúng để triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức nhất định thành công tốt đẹp.

Muốn thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và ngày thống nhất Việt Minh – Liên Việt nǎm nay, cán bộ và đảng viên cần tích cực chuẩn bị mọi mặt, quyết triệt để hoàn thành công tác phát động quần chúng.

C.B

Báo Nhân dân, số 97,
từ ngày 1 đến 5-3-1953.
cpv.org.vn

Diễn vǎn khai mạc cuộc họp kỷ niệm ngày 3-3 (3-1953) (1)

Thưa các cụ, các anh chị em và các cháu,

Tôi thay mặt Đảng Lao động Việt Nam và Mặt trận Liên – Việt hoan nghênh đại biểu nhân dân các nước bạn Cao Miên và Lào, các anh hùng và chiến sĩ thi đua ái quốc, đại biểu đồng bào miền núi và đồng bào địa phương. Tôi có lời thân ái hỏi thǎm Quân đội nhân dân đang anh dũng chiến đấu, hỏi thǎm đồng bào dân công đang thi đua phục vụ.

Đây tôi chỉ nêu vài điểm rất quan trọng về tình hình thế giới và trong nước. Tháng 10-1952, có một việc quan trọng nhất trong thế giới là Đại hội thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đại hội đã tổng kết những thắng lợi to lớn của nhân dân Liên Xô và quyết định kế hoạch tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Các đại biểu ta đi dự Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình có qua Liên Xô thì đã trông thấy sự tiến bộ to lớn ở Liên Xô về mọi mặt. Ai đã từng thấy sự đấu tranh gian khổ, kiên quyết của nhân dân Liên Xô sau Thế giới chiến tranh thứ hai, thì mới hiểu rõ sự thành công hiện giờ to lớn đến mức nào!

Một việc quan trọng nữa là ở Trung Quốc, cách mạng thành công mới 3 nǎm, do Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc lãnh đạo, do nhân dân Trung Quốc kiên quyết phấn đấu, mà nǎm nay ở Trung Quốc đang làm 3 công việc rất lớn có ảnh hưởng đến thế giới, nhất là ảnh hưởng đến nước ta. Việc thứ nhất là tǎng cường sự giúp Triều chống Mỹ. Việc thứ hai là nǎm nay, Trung Quốc sẽ có cuộc tổng tuyển cử, một cuộc tổng tuyển cử to lớn nhất trên thế giới và trong lịch sử, trong đó có độ 300 triệu người sẽ đi bỏ phiếu. Việc thứ ba là nǎm nay, Trung Quốc bắt đầu kế hoạch 5 nǎm đại kiến thiết.

Một việc nữa có ảnh hưởng, có liên quan đặc biệt về tinh thần với chúng ta là Quân đội nhân dân Triều Tiên và Quân chí nguyện Trung Quốc gần đây đã thắng lợi nhiều trận to.

Anh em ta mạnh tức là ta mạnh. Vì anh em ta mạnh càng khuyến khích, giúp đỡ cho chúng ta mạnh.

ở nước ta, do Đảng cùng Chính phủ lãnh đạo đúng đắn và kiên quyết, do nhân dân và quân đội ta cố gắng, cho nên so với mấy nǎm trước, thì về quân sự cũng như về mọi mặt đều tiến bộ khá. Nhưng chúng ta không nên tự mãn, tự túc. Trái lại, chúng ta phải nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa. Như hậu phương tiến không kịp tiền phương. Nhân dân tǎng gia sản xuất không tiến kịp bước tiến của bộ đội. Điều ấy rất rõ. Vì sao? Nhân dân ta có cố gắng không? Có. Như mọi ngành đều có hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ thi đua. Nhưng vì sao việc sản xuất của ta không tiến kịp thắng lợi quân sự? Vì đại đa số nhân dân ta là nông dân, mà nông dân thì một phần đông chưa thật sự nắm quyền chính trị, chưa thật sự được giải phóng về kinh tế.

Để sửa chữa khuyết điểm ấy, để làm cho hậu phương cùng tiến bộ như tiền phương, nhân dân cũng tiến bộ như quân đội, để bồi dưỡng sức kháng chiến càng ngày càng mạnh, Đảng, Chính phủ và Mặt trận nǎm nay kiên quyết phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Từ đảng viên cho đến hội viên trong Mặt trận, cán bộ Đảng, Quân, Dân, Chính sẽ phải tham gia phong trào phát động quần chúng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.

Từ ngày nhân dân ta nắm chính quyền thì Chính phủ đã ra thông tư giảm tô, giảm tức. Nǎm 1949, Chính phủ lại ra sắc lệnh giảm tô, giảm tức. Nhưng sự thật thì thế nào? Có chỗ làm khá, có chỗ làm vừa vừa, có chỗ không làm. Đó, một phần là vì Đảng, Mặt trận, Chính phủ đôn đốc, kiểm tra không chu đáo. Khuyết điểm ấy chúng ta phải nhận. Nhưng một phần nữa là vì trong cán bộ địa phương có một số khá đông không trong sạch, không hết lòng hết sức thực hiện chính sách của Đảng, của Chính phủ, của Mặt trận, một số khác thì tự tư tự lợi. Một cớ nữa là vì chính quyền địa phương, nhất là ở các xã, còn nằm trong tay những phần tử cũ, nói rõ là cường hào, phong kiến. Nhưng nguyên nhân thứ nhất là vì nông dân chưa được tổ chức chặt chẽ, phát động mạnh mẽ để tự giác tự động đấu tranh giành lại lợi quyền chính đáng của mình. Vì vậy, nǎm nay Đảng, Chính phủ, Mặt trận phải kiên quyết phát động quần chúng, tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng, để tranh lấy lợi quyền thiết thực của quần chúng, để bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, lực lượng sản xuất của chúng ta.

Phát động quần chúng không phải là việc hiếu hỷ. Phát động quần chúng là để đấu tranh; mà đấu tranh thì có đối tượng. Đối tượng đấu tranh là những người không thật thà giảm tô, giảm tức. Nghe nói đấu tranh thì chắc có người thắc mắc: không biết đấu tranh đến đâu, đấu tranh ra thế nào? Tôi có thể tuyên bố rằng đối tượng đấu tranh của quần chúng là những người không thực hành chính sách của Đảng, của Chính phủ, của Mặt trận, không giảm tô, giảm tức. Đối với Việt gian, đối với cường hào gian ác thì Chính phủ và nhân dân sẽ thẳng tay trừng trị. Đối với thân sĩ yêu nước, thật thà kháng chiến, thật thà làm đúng chính sách của Đảng, của Chính phủ, của Mặt trận thì chúng ta nhất định phải đoàn kết. Thế là rõ ràng.

Bây giờ, tôi xin nói qua công việc của Đảng Lao động Việt Nam. Như trong Tuyên ngôn của Đảng đã nói, Đảng phải ra sức đoàn kết toàn dân để đẩy mạnh kháng chiến. Đoàn kết các đảng bạn, các đoàn thể trong Mặt trận. Không phải đoàn kết ngoài miệng, mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thật sự. Tôi xin nói một thí dụ: Đảng Lao động có mở những lớp chỉnh huấn. Trong những lớp ấy, cũng hoan nghênh đảng viên các đảng bạn tham gia; cũng hoan nghênh các cán bộ không đảng phái tham gia. Đó là một chứng cớ đoàn kết thật sự, cùng nhau tiến bộ. Lại đoàn kết với nhân dân Miên – Lào, đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, đoàn kết với nhân dân các nước bạn khác.

Với lực lượng nhân dân ta, bộ đội ta, với tinh thần kiên quyết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, với lực lượng hoà bình thế giới, với lực lượng ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ của các nước bạn, thì cuộc kháng chiến của ta phải trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Báo Nhân dân, số 100,
từ ngày 11 đến 15-3-1953.
cpv.org.vn

—————————

(1) Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp từ ngày 25 đến 30-1-1953. Hội nghị đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình, nhiệm vụ và công tác trong nǎm 1953. Hội nghị đã kiểm điểm việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và quyết định chủ trương phát động, quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức, tiến tới thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến. Hội nghị cũng đã ra nghị quyết về các mặt quân sự, kinh tế, tài chính, công tác vùng sau lưng địch và một số vấn đề về tổ chức, xây dựng Đảng.

Điện chia buồn về việc đồng chí Clêmen Gốtvan từ trần (15-3-1953)

Kính gửi đồng chí Dapôtốtxki, Chủ tịch Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà Tiệp Khắc,

Thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nhân danh cá nhân tôi, tôi kính gửi đồng chí lời chia buồn trước cái chết đau đớn của đồng chí Gốtvan, vị Chủ tịch kính mến của nhân dân Tiệp, vị lãnh tụ thân yêu của phong trào dân chủ hoà bình thế giới.

Tôi tin chắc rằng nhân dân Tiệp sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh Đảng Cộng sản và Chính phủ Tiệp, đặng tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của đồng chí Gốtvan, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ hoà bình thế giới dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, theo đúng đường lối của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Ngày 15 tháng 3 nǎm 1953
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 102,
từ ngày 21 đến 25-3-1953.
cpv.org.vn

Bài nói tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân (3-1953)

Ai phát, ai động, ai là quần chúng?

Trước khi phát phải thế nào? Trong khi phát phải thế nào? Sau khi phát phải thế nào? Thế nào là động? Động rồi phải làm gì?

Chúng ta phải trả lời rõ những câu ấy.

Ai phát? Cán bộ phải phát. Muốn phát, thì cán bộ phải hiểu rõ chính sách của Đảng, của Chính phủ, phải hiểu quần chúng, phải gần gũi, học hỏi quần chúng. Muốn gần gũi, học hỏi quần chúng thì phải làm sao cho quần chúng yêu cán bộ, tin cán bộ. Tư tưởng cán bộ phải thông, cách làm phải dân chủ, phải chí công vô tư, đứng hẳn về phía nông dân. Trước khi phát thì phải nghiên cứu hiểu
rõ nơi mình đến làm việc: phong tục tập quán, cách làm ǎn của nhân dân, địa chủ bóc lột cách thế nào? Nguyện vọng dân ở đó thế nào? v.v..

Phát là thế nào? Là phải đoàn kết bần, cố, trung nông; phải tổ chức họ chặt chẽ; phải giáo dục cho họ giác ngộ. Bao giờ quần chúng đã tổ chức hẳn hoi, chính quyền đã trong sạch, chi bộ đã chỉnh đốn, nông hội đã vững chắc đã kéo được 90% nhân dân tức là bần, cố, trung nông, thì lúc đó mới thật động được.

Cán bộ phải tránh bao biện, phải giác ngộ cho quần chúng tự họ quyết tâm đấu tranh đòi quyền lợi của mình, lúc đó họ mới động lên được. Cán bộ không thể làm thay cho quần chúng, ban ơn cho quần chúng.

Động rồi thì làm gì? Phải triệt để giảm tô để cải thiện một chừng nào đời sống cho nông dân, tức là cho đại đa số nhân dân.

Giảm tô không phải chỉ mưu lợi nhất thời, ví dụ: trước phải nộp cho địa chủ một tạ, nay giảm được 25 hoặc 50 cân thì đưa về ǎn mấy hôm là hết: thế là chỉ cải thiện được mấy bữa. Giảm tô rồi phải thi đua tǎng gia sản xuất. Tǎng gia sản xuất để giúp đẩy mạnh kháng chiến. Giúp đẩy mạnh kháng chiến thế nào? Phải giúp đỡ Chính phủ, giúp đỡ bộ đội bằng cách thi đua đóng thuế nông nghiệp để cải thiện đời sống cho công nhân, cho bộ đội, cho cán bộ… Muốn tǎng gia sản xuất thì phải tổ chức hội đổi công.

Đánh giặc không phải chỉ bộ đội đánh mà thôi, còn có dân công nữa. Dân công từ trước lãng phí nhiều. Mấy xã ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ dân công đi có tổ chức, có giáo dục. Người ở nhà có tổ chức giúp đỡ người đi. Người đi thi đua với người ở nhà. Khi đi có hoan tống, khi về có hoan nghênh. Nói tóm lại dân công có tổ chức hẳn hoi thì làm việc được nhiều hơn dân công không có tổ chức. Khéo tổ chức dân công, không lãng phí dân công, thì ảnh hưởng tốt đến việc tǎng gia sản xuất.

Thế là phát động quần chúng giảm tô phải đi đôi với thi đua tǎng gia sản xuất, thi đua đóng thuế nông nghiệp, đi dân công, tổ chức hội đổi công.

Giảm tô thì ai có lợi? Nông dân có lợi. Ai bị thiệt? Địa chủ bị thiệt. Cho nên không phải địa chủ nào cũng sẵn sàng thi hành giảm tô. Có bọn địa chủ tìm cách chống lại. Từ chỗ nó phá hoại, đến chỗ nó liên lạc với giặc, với bù nhìn. Nông dân phải tổ chức dân quân và công an xã, để giữ lấy quyền lợi của mình, để ngǎn ngừa Việt gian, gián điệp, không để chúng nó phá. Thế là xung quanh vấn đề phát động quần chúng giảm tô có nhiều vấn đề khác nữa.

Còn phải phát triển bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ. Thí dụ: nông dân muốn học tập cày cấy, giồng giọt theo lối mới, thì phải biết chữ để xem sách báo.

Chị em phụ nữ có con, muốn tǎng gia sản xuất thì không thể mỗi người ngồi nhà giữ con. Cho nên cần tổ chức chỗ gửi trẻ.

Bộ đội cần thêm người, khi giảm tô rồi, nông dân có tổ chức rồi, thì phải giáo dục thanh niên hǎng hái tòng quân để đánh giặc, để giải phóng dân tộc, để bảo vệ Tổ quốc.

ở Liên Xô làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, rồi chia ruộng đất cho nông dân ngay. ở Trung Quốc cách mạng thắng lợi đến đâu chia ruộng đất đến đấy.

ở nước ta, chính sách ruộng đất phát triển dần lên. Nếu nông dân tổ chức giác ngộ khá thì nó phát triển nhanh; nếu tổ chức, giác ngộ kém thì nó phát triển chậm. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tổ chức và giáo dục nông dân.

Tóm lại, cán bộ phải nắm vững chính sách của Đảng, của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng, tuyệt đối không bao biện, lúc phát động nông dân phải đoàn kết giác ngộ họ. Cán bộ phải nói cho nông dân rõ: không phải giảm tô rồi là hết chuyện.

Bây giờ nói đến địa chủ:

Phát động quần chúng, lẽ dĩ nhiên là chống địa chủ phong kiến. Có cán bộ tự mình là địa chủ, hoặc bố mẹ, bà con là địa chủ, những cán bộ ấy lấy thế làm hổ nhục. Phải hiểu rằng phong kiến cũng là một bước tiến tất nhiên của xã hội. Xã hội từ chỗ ǎn lông ở lỗ, tiến đến xã hội nô lệ, tiến đến chế độ phong kiến, tiến đến xã hội tư bản, rồi tiến đến xã hội chủ nghĩa. Nếu gia đình là địa chủ cũng không có gì đáng xấu hổ. Đáng xấu hổ là khi nhân dân đã tiến bộ, xã hội đã tiến bộ, mà mình cứ khư khư giữ lấy tư tưởng địa chủ, chỉ biết lợi ích riêng của mình, không biết đến quyền lợi dân tộc, quyền lợi xã hội.

Ǎngghen dù là con nhà tư bản ông đã trở nên một người thầy dạy chủ nghĩa cộng sản cho chúng ta. ở nước ta có vài đồng chí xuất thân là địa chủ nhưng họ tự nguyện hiến hết ruộng đất để chia cho nông dân; như thế thì không có gì đáng xấu hổ. Dù mọc ở bùn thối lên nhưng hoa sen vẫn thơm đẹp. Địa chủ mà thật thà tiến bộ thì cũng như hoa sen vậy.

Cán bộ: nếu cán bộ không nắm vững chính sách, không đi đúng đường lối quần chúng, thì chính sách hay cũng hoá dở, tốt cũng hoá xấu.

Thí dụ: ở Thanh Hoá chống xa xỉ phẩm, có đúng không? Đúng. Xa xỉ phẩm của địch tung vào vùng ta, thu lấy tiền của ta, dùng tiền đó để đúc súng, đúc đạn bắn lại ta. Mua xa xỉ phẩm là giúp giặc đánh lại ta. Chính phủ cấm là đúng. Nhưng Thanh Hoá thi hành thế nào? Người ta đi xe đạp, cán bộ tịch thu, đem về mình dùng làm cho dân oán. Lại như cấm nước hoa, chặn người đi đường lại ngửi đầu; thấy thơm thì dấn đầu người ta vào nước đái! Thật là dã man! Như việc vận động dân giồng bông, lạc, đỗ. Những chỗ người ta đã giồng nhiều thuốc lá, cán bộ tự tiện nhổ hết lên. Thế là chính sách đúng, nhưng vì cán bộ làm sai, cho nên dân oán, hỏng việc.

Phong trào đấu. Đấu thì chỉ đấu với địch, nhưng có nơi thì gặp ai cũng đấu, đấu cả với cố, bần, trung nông. Thậm chí có nơi dùng nhục hình. Thế là dã man. Đảng và Chính phủ đã có chỉ thị: tuyệt đối cấm nhục hình, dù đối với người có tội cũng không được đánh đập, vì đánh đập là hành động của đế quốc và phong kiến, là dã man. Người nào có tội, thì điều tra cho ra, rồi có pháp luật trừng trị. Làm không đúng để dân hoang mang, dân oán, địch lợi dụng tuyên truyền phá hoại chính sách ruộng đất. Đó là vì cán bộ tếu, cán bộ không trong sạch, cán bộ khờ dại, mắc mưu của bọn phản động khiêu khích. Bọn phản động chui vào đoàn thể của quần chúng lợi dụng lúc đấu, xui dùng nhục hình. Có khi chính tay chúng đánh chết người để phản tuyên truyền. Nếu làm sai chính sách, không những dân ghét cán bộ, mà còn oán Chính phủ, oán Đảng. Cho nên cán bộ phải nắm vững chính sách, phải đi đúng đường lối quần chúng, đề phòng bọn phản động phá hoại.

Khi đi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý những điều đó. Sai một ly đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại.

Bất kỳ việc to việc nhỏ, lập trường phải vững, chính sách phải hiểu cho thấu, luôn luôn gần gũi học hỏi nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì cũng thành công. Trái lại thì thất bại. Có việc bề ngoài trông thì như thành công. Thí dụ: như thuế nông nghiệp. Có nơi, cán bộ bị địa chủ mua chuộc bổ đầu dân nghèo; mức thu tuy đủ, nhưng về mặt chính trị là thất bại: trút cả gánh nặng cho dân nghèo, còn bọn địa chủ không phải đóng góp. Thế là bề ngoài thì như thành công, thực ra thì thất bại.

Nói phát động quần chúng, phải nói đến đồng bào công giáo. Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói vậy là sai. Cha cố cũng có những người kháng chiến như cụ Trực, cụ Kỷ và nhiều vị khác.

ở Thanh Hoá có một thôn công giáo, ai cũng nói là khó vận động. Đồng chí Lý An tình nguyện đi. Đến thôn, thấy đồng bào lợp nhà, đồng chí An liền lên lợp nhà giúp, vừa làm vừa nói chuyện. Khi mời ǎn, đồng chí vừa ǎn vừa nói chuyện. Đồng chí An không nói mình là cán bộ, không tuyên truyền thuế, dân công gì cả. Đồng chí ấy chỉ nói những chuyện: bộ đội chiến thắng thế nào, nhân dân các nơi hǎng hái đi dân công và đóng thuế nông nghiệp như thế nào. Đồng bào nghe chuyện thích, đòi đồng chí ấy nói chuyện này rồi chuyện khác. Kết quả là họ tự động xin đóng thuế, xin đi dân công. Đồng chí An ở với dân, ǎn với dân, làm việc với dân như người trong nhà; tuyên truyền mà không ra mặt tuyên truyền. Đồng bào công giáo rất yêu đồng chí ấy. Đến Lễ giáng sinh, linh mục đến báo con chiên sửa soạn nhà thờ để làm lễ. Đồng bào bận việc cày cấy, không muốn làm. Linh mục phải nhờ đồng chí An. Đồng chí ấy đi nói chuyện từng nhà, bày cho nhân dân sắp xếp công việc và vận động họ trang hoàng nhà thờ để làm lễ. Hôm Lễ giáng sinh, đồng bào mời đồng chí An lên ngồi ngang với cha, họ nói: “Cha là cha linh hồn, anh An là cha vật chất của chúng tôi”. Chuyện này chứng tỏ đồng bào công giáo không lạc hậu, và khéo vận động như đồng chí An thì nhất định vận động được.

Tại một chỗ khác, ở giữa là làng công giáo, chung quanh là làng lương, các làng chung quanh được giảm tô, được chia công điền, tǎng gia sản xuất, làm ǎn thịnh vượng. Đồng bào công giáo

thấy vậy, tự động đi tìm cán bộ, hǎng hái tổ chức và đấu tranh đòi giảm tô, đòi chia công điền.

Nói tóm lại: đồng bào thiểu số hay là đa số, lương hay là giáo, cán bộ biết cách làm thì đều vận động được.

Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì, mình làm nấy, thân thiết như người nhà, thì có thành tích. Cô nào không hoà lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố, thì vận động không thành công.

Phát động quần chúng thành công thì nông dân được ruộng đất, được ấm no và phụ nữ được giải phóng. Phát động quần chúng thì bồi dưỡng được nông dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác kháng chiến kiến quốc. Các cô cần học tập, rèn luyện trong công tác phát động quần chúng, kết hợp nó với phong trào phụ nữ và chỉnh đốn tổ chức phụ nữ ở nông thôn.

Nói tháng 3-1953.
Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ
Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

Cột dây thép (26-3-1953)

Tôi đi công tác qua làng T.L. Đồng bào đang khai hội, kiểm điểm công tác thuế nông nghiệp. Tôi cũng tham gia. Đến mục phê bình và tự phê bình, dân làng phát biểu ý kiến rất sôi nổi. Một chị phụ nữ nói: “Gần làng ta, có một cột giây thép bị mối ǎn, ngả xuống đã 4, 5 hôm, mà các anh cán bộ vẫn chưa cho thay cột khác. Thế là không biết giữ gìn của công, như lời Bác dạy…”. Chủ tịch xã và bí thư chi bộ đều nhận lỗi, và hứa sáng hôm sau nhất định sửa lại cột giây thép.

Tiếp lời, mấy thanh niên nông dân nói: “Đó là khuyết điểm chung của mọi người. Sáng mai, thanh niên nhất định xung phong trồng lại cột giây thép”. Mọi người vỗ tay.

Một cụ phụ lão nói: “Bảo vệ của công, là bổn phận của mọi người công dân. Tôi đề nghị: Từ nay, hễ ai thấy đường hỏng hoặc cột giây thép xiêu ngả, thì phải lập tức báo cáo, để động viên dân làng đi chữa ngay”. Mọi người vỗ tay tán thành.

Tôi mừng thầm rằng: nhân dân, bộ đội, cán bộ đều biết bảo vệ của công, đó là thêm một bằng chứng tỏ rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.

C.B.

Báo Nhân dân, số 103,
từ ngày 26 đến 30-3-1953.
cpv.org.vn

Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 2 (3-1953)

Thế giới có mâu thuẫn, có hai phe.

Trong nước có mâu thuẫn, có hai phe.

Trong mình cũng có mâu thuẫn, có hai phe.

Cái đó rất dễ hiểu.

Trong mình có hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau.

Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại.

Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng.

Cải tạo thế giới là việc to, phải trường kỳ gian khổ.

Kháng chiến để cải tạo nước nhà cũng phải trường kỳ và gian khổ. Muốn cải tạo mình, cũng phải trường kỳ và gian khổ, chứ không phải là dễ đâu.

Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng nǎng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng nǎng được.

Ai cũng thấy siêng nǎng, trong sạch là tốt. Điều đó không ai chối cãi được. Thế mà vì sao vẫn không làm hay không làm được? Chẳng những không làm được mà còn làm trái lại? Đó là vì cái tâm mình không chính.

Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người không thể dùng lựu đạn mà ném vào được; nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm.

Làm không phải chuyện dễ. Nó khó như trèo núi, rất gay go và có khi nguy hiểm là đằng khác.

Như hồi trước, làm cách mạng mất đầu là thường.

Nhưng biết là phải thì làm. Mình bị hy sinh thì người khác sẽ làm. Người khác bị hy sinh thì người khác nữa lại làm.

Kiên quyết làm. Chính tâm là như vậy.

*

*      *

Bây giờ nói đến tình, đến nghĩa:

Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có.

Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò.

Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa.

Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy.

Về tình cũng thế.

Con người dù là xấu, tốt, vǎn minh hay dã man đều có tình.

Người cách mạng hiểu tình một cách khác.

Hãy cân nhắc:

Bỏ thời gian, công tác để theo đuổi một người con gái, hay bo bo muốn cho vợ con thanh nhàn nhưng không lo việc nhà việc nước. Cái nào nặng, cái nào nhẹ?

Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng, cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết

nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.

Đấy là cách hiểu xa thấy rộng.

Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn.

Phải hy sinh cái riêng cho cái chung.

Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng. Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung.

Đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc.

Vì vậy trong lúc cách mạng gay go phải chọn cái lớn. Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm. Phải dứt khoát, tuyệt đối không được chọn gia đình nhỏ.

Có một số cán bộ không yên tâm công tác là vì không hiểu cái đó. Phải hy sinh cái riêng, cái nhỏ để phục vụ cái chung, cái to.

Bây giờ trở lại phe thiện, phe ác trong mình. Thí dụ: phe thiện làm cho mình cực khổ, gay go, nguy hiểm như trèo núi; còn phe ác thì nó như đưa mình xuống núi một cách êm dịu, nhưng cái xuống đó là xuống hố.

Vì vậy phải đấu tranh.

Nếu để phe ác thắng thì gây ra chứng bệnh nói chung là cá nhân chủ nghĩa. Từ đó gây ra nhiều bệnh khác.

Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu, v.v..

Phải đấu tranh để anh thiện thắng. Nếu anh thiện trong mình thắng thì phe thiện trong nước, ngoài nước sẽ mạnh.

Làm sao để cho anh thiện thắng?

Phải học tập, học tập trong việc làm hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và áp dụng vào công tác hằng ngày.

Phải học hỏi quần chúng.

Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm, sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi.

Một cái giúp cho mình nữa là phê bình và tự phê bình.

Trong nǎm nay, có một cơ hội để cho tất cả các cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng thử thách tư tưởng, lập trường, thái độ. Tức là phát động quần chúng.

Có một câu hỏi phải trả lời dứt khoát:

Anh đứng về phe nào? Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng.

Kháng chiến tức là cách mạng, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải có chính sách ruộng đất đúng.

Ta có tán thành kháng chiến thắng lợi không?

Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi.

Phải thực hiện cho kỳ được chính sách ruộng đất. Phải dứt khoát. Không được đứng chông chênh. Không có phe thứ ba. Thế giới có hai phe. Trong nước có hai phe. Trong mình cũng có hai phe. Phải rõ ràng. Có những cán bộ hoặc là mình, hoặc bố mẹ, anh em, chú bác, có ruộng. Đối với anh em đó, việc dứt khoát không phải dễ. Nó khó như trèo núi.

Nhưng có trèo không? Trèo thì phải khó nhọc. Không phải không ai giúp anh, anh có Đảng, có nhân dân bên cạnh. Có trèo thì mới lên được đỉnh núi. Vậy phải có quyết tâm.

Tóm lại, có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.

Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lǎn xuống hố.

Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.

Quyết tâm là làm được.

Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.

Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.

Cái bí quyết thành công là có quyết tâm.

Các cô các chú có làm được như vậy không?

Nói vào tháng 3-1953.
Sách Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ,
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.21-25.
cpv.org.vn

Thư gửi các đơn vị bộ đội ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào (3-4-1953)

Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ,

Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình.

Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới các chú cần phải:

Vượt mọi khó khǎn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta;

Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn;

Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam;

Tất cả phải có quyết tâm rất cao, rất bền, tranh nhiều thắng lợi.

Bác chờ tin thắng lợi của các chú và đang chuẩn bị giải thưởng cho những đơn vị và cá nhân nào có thành tích nhất.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 3 tháng 4 nǎm 1953
HỒ CHÍ MINH

Báo Quân đội nhân dân
số 83, ngày 14-4-1953.
cpv.org.vn

Điện mừng nhân dịp ngày giải phóng nước Cộng hoà nhân dân Hunggari (3-4-1953)

Kính gửi đồng chí Racôxi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà Nhân dân Hunggari,

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày nhân dân Hunggari được giải phóng khỏi ách thống trị của bọn phát xít xâm lược Hítle, tôi kính gửi đồng chí Chủ tịch và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Hunggari lời chào mừng nồng nhiệt và lời chúc thắng lợi trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội ở Hunggari.

Chúng tôi tin chắc rằng tình hữu ái huynh đệ giữa hai dân tộc chúng ta ngày càng bền chặt trong cuộc chiến đấu chung để bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới, dưới sự lãnh đạo của Liên Xô vĩ đại.

Ngày 3 tháng 4 nǎm 1953
Chủ tịch kiêm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 105,
từ ngày 6 đến 10-4-1953.
cpv.org.vn

Nhân dịp Hội nghị Quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên (6-4-1953)

Đại biểu thanh niên của 70 nước đã họp xong hội nghị ở Viên (thủ đô nước áo), bàn cách giữ gìn quyền lợi của thanh niên. Nhân dịp này, C.B. có mấy lời cống hiến cho thanh niên Việt Nam ta:

Hiện nay, quyền lợi chung của dân tộc và riêng của thanh niên ta, đang bị bọn đế quốc Pháp – Mỹ và lũ phong kiến bù nhìn xâm phạm. Để tranh lại và để giữ gìn quyền lợi của mình, thanh niên ta:

– Cần phải hǎng hái tham gia kháng chiến,

– Cần phải rèn luyện mình thành những chiến sĩ kiên quyết và gan góc, không sợ nguy hiểm, không sợ khó khǎn,

– Cần phải yêu lao động và kính trọng của công; chống quan liêu, tham ô, lãng phí,

– Cần phải tuyệt đối yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc,

– Cần phải gắn chặt lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế chân chính, thật thà trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ.

C.B. lại trích một đoạn trong bài hát của 16 triệu thanh niên cộng sản Liên Xô, để tặng thanh niên ta:

“Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi khó khǎn,

“Chiến thắng Nam cực, Bắc cực và chân trời.

“Khi Tổ quốc bảo chúng ta làm việc gì to lớn gay go mấy,

“Chúng ta cũng quyết tâm làm được, không ngần ngại, không kiêu cǎng.”

Đó cũng là con đường vẻ vang chung của thanh niên thế giới, và riêng của thanh niên Việt Nam ta.

C.B.

Báo Nhân dân, số 105,
từ ngày 6 đến 10-4-1953.
cpv.org.vn

Bài nói chuyện ở lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá 3 (10-4-1953)

Trong khi rỗi, Bác thường đọc sách, sách mới có, cũ có. Hôm nay Bác nói một câu chuyện về sách cũ.

Ngày xưa Khổng Tử có câu: “ôn việc cũ để biết việc mới” nghĩa là ta phải ôn những việc đã qua để thấy việc mới.

I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

Trước Cách mạng Tháng Mười Nga (9), bọn đế quốc chiếm hoàn toàn thế giới. Tất cả thế giới thành một khối của đế quốc chủ nghĩa. Nhưng từ Cách mạng Tháng Mười Nga thành công thì khối đó bị mất một mảng lớn bằng 1/6 quả địa cầu. Tự nhiên thế giới chia ra hai phe: phe xã hội chủ nghĩa và phe đế quốc chủ nghĩa. Thế lực của đế quốc co hẹp lại, thị trường do đó mà cũng rút hẹp. Do thị trường rút hẹp, bọn tư bản thiếu nơi bán hàng. Vì vậy mâu thuẫn giữa chúng càng sâu sắc. Sau Đại chiến thứ hai, 3 đế quốc phát xít Đức, ý, Nhật sụp đổ, còn lại 3 đế quốc Mỹ, Anh, Pháp. Anh, Pháp sút kém vì Đại chiến thứ hai, còn Mỹ ở xa nên thiệt hại tương đối ít. Cũng sau Đại chiến thứ hai đã xuất hiện nhiều nước dân chủ nhân dân. Tiếp sau đó đến cách mạng Trung Quốc thắng lợi, cả một khối to rộng với 800 triệu người từ Đông Âu tới Việt Nam, Triều Tiên đã tách ra ngoài khối đế quốc chủ nghĩa. Làm cho lực lượng phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân mạnh lên. Trái lại phe đế quốc càng ngày càng suy sụp.

A. Phe đế quốc càng ngày càng yếu:

Có người tưởng Mỹ mạnh, nên sợ Mỹ, theo Mỹ và đầu hàng Mỹ.

Mỹ không mạnh vì:

1- Mỹ đã dựa trên một nền tảng kinh tế tổng khủng hoảng.

Vừa rồi Ngoại trưởng Chu Ân Lai và tướng Nam Nhật mới đề ra việc trao đổi tù binh mà các báo phản động đã hốt hoảng nói: “hoà bình với Mỹ còn khó chịu hơn chiến tranh”, vì không chiến tranh thì Mỹ không bán được súng đạn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp, trật tự xã hội sẽ rối loạn.

2- Mỹ cô độc, không có bạn mạnh, các nước trong phe chúng đều mâu thuẫn với nhau.

3- Chính sách gây chiến của Mỹ trái với ý nguyện của nhân dân thế giới nên nhân dân thế giới phản đối, chán ghét nó.

4- Quân đội Mỹ ít kinh nghiệm. Hải quân Mỹ không bằng hải quân Anh, cố nhiên không thể so sánh với hải quân Liên Xô. Lục quân Mỹ cũng không bằng Pháp, Nhật, Đức. Thế mà mặt trận của Mỹ lại chỗ nào cũng có, chỗ nào có tay sai của Mỹ là có mặt trận Mỹ, làm cho lực lượng dàn mỏng ra, nên phải yếu đi.

5- Mỹ gặp lực lượng đối địch lại chúng mạnh quá tức là Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân.

Trong các nước đế quốc có 3 mâu thuẫn, nhất là ở Mỹ càng sâu sắc:

a) Mâu thuẫn giữa tư bản với vô sản (công nhân).

b) Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc và phụ thuộc.

c) Mâu thuẫn giữa tư bản Mỹ và các nước tư bản khác.

Vì vậy mà mới trong 30 nǎm, lực lượng của chúng sút kém nhiều.

B. Phe dân chủ hoà bình mạnh lên:

1- Dân đông, Liên Xô dân 200 triệu, Trung Quốc rộng, dân đông gần 500 triệu, gần bằng 15 lần nước Pháp, ngoài ra còn các nước dân chủ nhân dân khác nữa. Đất rộng lại ở vào một khối suốt từ Đông Đức tới Việt Nam và Triều Tiên.

2- Tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, giữa Liên Xô với các nước dân chủ nhân dân.

3- Có nhân dân lao động tiến bộ, có hàng bao nhiêu triệu người ở các nước trên thế giới, ngay trong phe đế quốc cũng có. Cuộc tuyển cử ở Pháp cứ 4 người dân thì 1 người bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản tức là đứng về hàng ngũ Liên Xô. Các nước khác như ý cũng vậy. Có 40 đảng cộng sản lãnh đạo phong trào các nước.

Trong khối ta, thường nói Liên Xô lãnh đạo. Vì sao Liên Xô lãnh đạo các nước khác? Vì:

– Có 24 triệu công nhân có tổ chức và nhiều kinh nghiệm đấu tranh.

– Có Đảng Cộng sản Liên Xô, nhiều kinh nghiệm lãnh đạo nhất, trong sạch, mạnh mẽ nhất.

Liên Xô đã xung phong phá vỡ thị trường khối đế quốc chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, xây đắp thành trì cách mạng thế giới, lãnh đạo các nước chống chủ nghĩa đế quốc và hiện đang ra sức giúp đỡ các nước đó.

Liên Xô anh cả thì Trung Quốc anh hai, 2 nước đó hợp lại thành một lực lượng vô địch.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công làm kiểu mẫu cho cách mạng các nước tư bản thế giới thì cách mạng Trung Quốc cũng làm kiểu mẫu cho các nước thuộc địa và nửa thuộc địa.

II. TRONG NƯỚC

Liên hệ nước ta, có 2 phe có mâu thuẫn: một phe kháng chiến gồm nhân dân, bộ đội, một phe đế quốc xâm lược Pháp, Mỹ, Việt gian, phong kiến, địa chủ.

Một đằng đang lên, một đằng đang xuống.

Ôn lại ngày bắt đầu kháng chiến, bắt đầu tổ chức cǎn cứ du kích ở Cao Bằng hồi 1944. Hồi đó ta còn phải mua súng của Quốc dân đảng Trung Quốc, mua rất khó khǎn, nó bán súng không bán đạn. Thế mà ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Cố nhiên cũng do hoàn cảnh bên ngoài thuận tiện cho ta. Từ nǎm 1945 kháng chiến Nam Bộ rồi kháng chiến toàn quốc. Tại sao ta dám kháng chiến? Vì ta tin ta nhất định thắng:

1- Kháng chiến của ta là chính nghĩa, hợp với ý nguyện, được nhân dân theo, nhân dân ủng hộ.

2- Ta có chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng, có Đảng lãnh đạo.

3- Có Liên Xô thành trì cách mạng. Tuy lúc đó Đảng Cộng sản Trung Quốc còn ở Diên An cách xa ta nhiều, nhưng ta biết trước rằng cách mạng Trung Quốc nhất định thành công, cho nên ta cũng biết trước rằng kháng chiến nhất định thắng lợi.

Hồi đó Pháp nói chỉ đánh 3 tháng thì Hồ Chí Minh đổ. Đến nay Pháp chết bao nhiêu tướng tá, hao tổn bao nhiêu người, vũ khí tiền bạc, Chính phủ Pháp đổ 17 lần, thế mà Hồ Chí Minh không đổ mà kháng chiến ta lại càng mạnh.

Trước đây hậu phương ta thế nào? Bây giờ thế nào? Như vậy có thắng không? Có. Song, những cái đó chưa đủ. Ta còn khuyết điểm trong việc thi hành chính sách ruộng đất. Ai đi bộ đội nhiều nhất? Nông dân. Đóng thuế ai hǎng hái nhất? Nông dân. Dân công, ai đi nhiều nhất? Nông dân. Tóm lại, đại đa số nông dân tham gia kháng chiến. Thế mà nông dân vẫn bị đói khổ, vẫn bị địa chủ bóc lột tô tức.

Cho nên nǎm nay Đảng, Chính phủ quyết tâm phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất. Ta phải hiểu rằng cách mạng của ta là dân tộc dân chủ nhân dân, thực chất là cách mạng nông dân, mà cách mạng nông dân tức là cách mạng ruộng đất. Ba cái đó đi với nhau. Muốn kháng chiến thắng lợi phải thi hành chính sách ruộng đất. Trái lại, không tán thành chính sách ruộng đất tức là không kháng chiến, tức là không tán thành cách mạng. Tán thành đây không phải tán thành miệng mà phải thực sự tham gia thực hiện chính sách ruộng đất, đảng viên, cán bộ phải gương mẫu.

III. CÁ NHÂN CHÚNG TA

Thế giới có hai phe, trong nước có hai phe có mâu thuẫn, mỗi người chúng ta cũng có hai phe có mâu thuẫn. Một phe thiện và một phe ác.

Thiện là gì? Là làm đúng chính sách của Đảng, phục vụ quyền lợi đại đa số nhân dân (công nông), thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, để lợi ích cách mạng, nhân dân lên trên hết, trước hết; trái lại là cái ác. Hai cái đó luôn tranh đấu nhau.

Không ít cán bộ, đảng viên phạm tham ô, lãng phí, quan liêu; đó là phe ác nó thắng phe thiện. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên theo đúng chính sách của Đảng, chí công vô tư, thực hành cần kiệm liêm chính- có nhiều cán bộ trực tiếp viết thư cho Bác hứa không có tham ô, thực hiện đúng lời hứa đó và tự chỉnh huấn, rửa sạch được cái bệnh ấy – là phe dân chủ hoà bình trong người các chú thắng lợi. Nếu không là phe ác thắng trong người các chú.

Khổng Tử nói: “Mình phải chính tâm tu thân” nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới “trị quốc bình thiên hạ” được. Trị quốc bình thiên hạ đây tức là ta kháng chiến đánh Pháp, kiến quốc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được.

Các cô các chú đều là đảng viên, cán bộ tham gia gánh vác nhiệm vụ cải tạo xã hội, làm cho nước nhà tốt đẹp hơn. Đó là một việc trường kỳ gian khổ. Muốn làm được thì tự mình phải cải tạo mình trước, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, thật thà kiểm thảo, nhờ anh em quần chúng phê bình. Tất cả chúng ta đều sinh trưởng trong xã hội cũ dưới sự thống trị của đế quốc phong kiến. Mọi người chúng ta dù muốn hay không muốn đều bị thói xấu của đế quốc phong kiến truyền vào người. Vì vậy ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít. Song mình có Đảng, có chủ nghĩa Mác-Lênin, có Đảng bạn giúp, biết cách dùng phê bình, tự phê bình để tiến bộ. Chỉ cần có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, cải tạo mình, cải tạo xã hội thì nhất định làm được.

Nói ngày 10-4-1953.
Tài liệu lưu tại Bảo tàng
Cách mạng Việt Nam.
cpv.org.vn

Điện mừng nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hoà Tiệp Khắc (11-5-1953)

Kính gửi đồng chí Dapôtốtxki, Chủ tịch nước Cộng hoà Tiệp Khắc,

Nhân danh nhân dân cùng Chính phủ Việt Nam và cá nhân tôi, tôi xin đồng chí Chủ tịch nhận và chuyển đến nhân dân và Chính phủ Tiệp Khắc lời chào mừng nhiệt thành của chúng tôi, nhân dịp Quốc khánh của nước Tiệp Khắc.

Chúng tôi thành tâm chúc nhân dân Tiệp Khắc thu nhiều thắng lợi rực rỡ mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới.

Chúng tôi tin chắc tình hữu ái giữa hai dân tộc chúng ta ngày càng bền chặt dưới sự lãnh đạo của Liên Xô vĩ đại.

Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân dân, số 111,
từ ngày 11 đến 15-5-1953.
cpv.org.vn