“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là câu nói tiêu biểu của Hồ Chủ tịch được ghi ngay trong Lăng của Người ở Thủ đô Hà Nội, thật sự giản dị, dễ hiểu vì không có chữ nào khó đoán; dễ hiểu vì nó là ước vọng của các dân tộc, quốc gia và của mỗi người dân yêu nước nhưng lại là vấn đề lý luận chính trị sâu sắc, là chân lý của thời đại.
Tag Archive | Lời của Bác
5 điều Bác dạy cán bộ
Lâu nay chúng ta hay nhắc đến “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” và hầu như đều thuộc từ lúc còn học ở bậc tiểu học. Phải nói rằng đó là những lời dạy thật chân tình, giản dị và vô cùng sâu sắc. Nó như một cẩm nang để các cháu thiếu niên nhi đồng làm theo và trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân có ích cho đất nước.
Với đội ngũ cán bộ, Bác cũng có 5 điều căn dặn hết sức quý báu mà mỗi khi soi vào là một lần chúng ta có dịp nhìn nhận lại mình, tự răn mình để sống và làm việc tốt hơn. 5 điều này Bác Hồ nêu ra trong một cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20.2.1947. Cụ thể như sau:
1. Mình đối với mình. Bác dặn “Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm”.
2. Đối với đồng chí mình. Bác nêu rõ: “Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh rẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị…”.
3. Đối với công việc. Theo Bác: “Trước hết phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh…”. Bác đặc biệt lưu ý “Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì?”…
4. Đối với nhân dân. Bác nhấn mạnh “Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân, Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân”; do đó, người cán bộ phải hiểu dân cả về nguyện vọng, tâm lý, sự cực khổ… Đặc biệt là “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”.
5. Đối với Đoàn thể. Bác hết sức lưu ý “Trước lúc mình vào Đoàn thể nào phải hiểu rõ Đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Đoàn thể phải vì dân vì nước. Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành”. Đặc biệt là phải “Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể. Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi…”.
Đã hơn 60 năm qua kể từ ngày Bác Hồ dạy cán bộ 5 điều kể trên. Tuy lời nói giản dị, mộc mạc nhưng ý nghĩa thì thật vô cùng sâu sắc. Nó vẫn còn nguyên giá trị đối với việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và tác phong làm việc của người cán bộ, đảng viên trong hoàn cảnh hiện nay. Học tập và nghiền ngẫm những điều Bác dạy, mỗi cán bộ chúng ta càng hiểu mình phải làm gì để tốt hơn.
- Hà Nhiên
Trước hết là cái này
Ngày 19-5-1946, các vị trong Ủy ban đời sống mới đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cảm ơn, mời nước rồi nói:
– Tôi chưa thấy mình già ở cái tuổi ngoài năm mươi này. Vả lại chúng ta đang bận nhiều việc, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi chúc thọ.
Chủ tịch đề nghị trong Ban Đời sống mới cho biết công việc đã làm được. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, một ủy viên trong ban thưa:
– Thưa Cụ, ủy ban vận động đời sống mới đã họp liền mấy buổi, trước hết định rõ 3 nguyên tắc: dân tộc, dân chủ, khoa học…
Chủ tịch nước thoáng như có vẻ ngơ ngác, sau đó mỉm cười, nói:
– Nhân dân ta có mấy người hiểu “dân chủ, khoa học”. Tôi hỏi thật nhà văn, nếu đi vận động đời sống mới, nhà văn làm gì trước?
Nguyễn Huy Tưởng sau một phút bối rối, nói nào là ban đầu phải tuyên truyền ý nghĩa, sau đó tổ chức đội ngũ… vân vân và vân vân…
Chủ tịch lắc đầu, nhìn mọi người, rồi khẽ vỗ vào bụng mình nói:
– Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết. Phải có ăn đã. Nếu không có ăn, cũng không đi tuyên truyền được. Vậy muốn ăn phải làm gì?
– Thưa Cụ phải làm việc ạ.
– Đúng, phải làm việc, phải siêng năng, thế là “cần”. Muốn dùng tiếng gì rõ hơn cũng được, nhưng điều cốt yếu là phải thiết thực. Sau nữa, muốn cho vận động có kết quả thì cán bộ đi vận động, phải làm gì?
Các ủy viên đời sống mới, bàn thế này, luận thế kia, chưa ngã ngũ.
Chủ tịch nghiêm trang nói:
– Phải làm gương.
Và như sợ các ủy viên, cán bộ nghe chưa ra, Cụ nhắc lại:
– Mình phải làm gương.
Đôi mắt sáng hiền mà nghiêm của Cụ lần lượt nhìn mọi người như căn dặn thêm điều vừa nói.
Theo cuốn: Nhớ lời Bác dạy
Bác Hồ nêu gương nói phải đi đôi với làm
Ông Lê Bá Cải – Ủy viên Ban Liên lạc những người trực tiếp phục vụ Bác Hồ hiện ở khu tập thể Văn phòng Chính phủ phường Phương Mai (Hà Nội) còn giữ được tấm ảnh quý giá và kể những bài học Bác dạy ông còn nhớ mãi.
Bác Hồ hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Nuôi – đang chống que chọc lò rèn lưỡi cày.
Ảnh: Đinh Đăng Định
Cưa cây phải để hở mạch
Đầu năm 1953, ông Cải cùng nhiều thanh niên quê Thanh Hóa được tuyển chọn điều lên chiến khu Việt Bắc, bổ sung vào Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 – bí danh của Chủ tịch Phủ – Thủ tướng phủ tại An toàn khu (ATK) Sơn Dương, Tuyên Quang.
Cuối năm đó, một đêm cả vùng bị cơn lốc mạnh làm đổ nhiều cây chắn ngang đường. Đội được lệnh phân làm nhiều tổ đi giải tỏa các con đường mòn khi trời sáng.
Tổ ông Cải có 6 người: Nguyễn Văn Chừng, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Tước, Phạm Văn Chi và Nguyễn Văn Sách. Anh em chia từng cặp, đang chăm chú cưa từng đoạn cây thì bỗng thấy Bác đi ngựa cùng bốn người nữa đi tới.
Anh em vội đứng lên chào Bác, luống cuống quên cả việc đang làm. Bác xuống ngựa, rồi tiến tới chỗ mọi người đang bối rối. Bác bảo: – Các chú chào Bác xong lại tiếp tục công việc, khẩn trương lên chứ, sao còn đứng đấy! Lúc bấy giờ ai nấy mới vội chạy về vị trí đang làm, cầm cưa.
Nhưng luống cuống cưa mắc kẹt, kéo đẩy đều không được. Bác bảo cặp cưa Cải – Quang: – Các chú phải một chân giữ cây, một chân đè lên thân cây hai bên cho nó hở mạch thì cưa mới nhanh được.
Bác nhìn sang cặp Tước – Chi, lưỡi cưa cũng đang mắc kẹt giữa thân cây dài vắt qua đường. Người nói vui, thân mật: – Mấy chú này chắc chưa quen cầm cưa. Cây này dài, đè chân lên mạch càng ngậm chặt, các chú phải kê đỡ dưới mạch hoặc một người nâng mạch cưa lên.
Một người đi cùng Bác cũng đứng hướng dẫn thêm. Anh vừa nói, vừa chỉ tay ra hiệu. Bác đến bên vỗ vai: – Chú nói đúng. Nhưng miệng nói tay làm giúp các chú cho nhanh, càng đúng hơn.
Mọi người cùng cười vui vẻ và Bác cũng giúp một tay dọn dẹp rất nhanh một lối đi nhỏ.
May mà Bác ra sớm
Tác phong làm việc của Bác Hồ rất sâu sát và đặc biệt, giao việc cho ai, dù tin vẫn phải kiểm tra. Lần ấy, hè năm 1957, Bác tiếp Đoàn văn công Trung Quốc sang biểu diễn.
Ông Trần Quý Kiên – Phó Văn phòng được Chánh văn phòng Phan Mỹ giao nhiệm vụ trực tiếp bày bàn ghế để Chủ tịch nước tiếp khách.
Ông Cải cùng anh em được phân công xếp bàn ghế hình chữ T phủ khăn trắng và sắp ghế hai bên. Trước 8 giờ 15 phút, Bác ra xem liền hỏi: – Chú Mỹ, chú Kiên đâu? Anh em nhớn nhác nhìn nhau, vội tìm hai ông. Bác chỉ dãy bàn vội hỏi:
– Các chú quên rồi sao? Hôm nay Bác tiếp khách hoa quả. Bày chữ T thế này khách đến họ lại tưởng được ăn tiệc mặn…
Nói rồi, Bác tự tay ra hiệu mọi người xúm vào kê lại bàn ghế hình chữ U khách ngồi quanh. May, vừa bày lại xong, nhìn ra cổng Phủ Chủ tịch, đoàn xe khách đang từ từ tiến vào sân.
Tinh thần thế là tốt
Năm 1962, trên khắp miền Bắc, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp phát triển mạnh. Đâu đâu cũng nêu cao khẩu hiệu tất cả để phục vụ nông nghiệp.
Chi đoàn Thanh niên cơ quan đề xuất, được Chánh Văn phòng Phan Mỹ ủng hộ, anh em xây một lò đúc lưỡi cày 51 ở phía sau đình Hội đồng (nay là phòng họp lớn của Chính phủ).
Hôm khai lò, anh em không ngờ Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến xem. Bác hỏi đoàn viên đứng lò Nguyễn Văn Nuôi: – Các chú đúc được bao nhiều lưỡi cày rồi?
– Dạ thưa Bác, chúng cháu mới đúc thử 10 chiếc ạ!
Bác lại hỏi: – Thế các chú đúc ra định đem bán hay làm gì?
Cả Bác cháu cùng cười ồ lên. Anh em chưa ai nghĩ ra nên trả lời Bác như thế nào thì Chánh Văn phòng Phan Mỹ đỡ lời: – Thưa Bác, chi đoàn báo cáo là lưỡi cày đúc được sẽ đem tặng các hợp tác xã làm ăn giỏi ạ.
Bác khen: – … Làm được cày 51 là “Tất cả cho nông nghiệp. Tinh thần của việc làm như thế là tốt…”
Trịnh Tố Long
Theo Việt Báo
Bác Hồ nói về công tác phụ nữ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.(1) Nói chuyện tại đại hội liên hoan phụ nữ “Năm Tốt” vào ngày 30-4-1964, Bác Hồ đã giúp phụ nữ nhận thức rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.(2)
Bác không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, khuyên giới nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10-2-1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: ”Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.(3)
Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18-1-1967, Bác đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai… Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ…”. (4) Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”.(5)
Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.(6) Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực… “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo… Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan… Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng…”.(7)
Bác khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. Bác đã nói: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. (8) Bác đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ. Di chúc thiêng liêng của Người ghi rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên.
Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.(9) Ngày nay, phụ nữ nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Họ không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng có những cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ.
(1.2.3.4.5.6.7.8.9: Theo Hồ Chí Minh toàn tập)
MAI BỬU MINH
Chỉ dạy của Bác Hồ đối với người đứng đầu
Những năm gần đây, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước xuất hiện khái niệm “người đứng đầu”. Sinh thời, Bác Hồ thường dùng khái niệm: “người phụ trách”, “thủ trưởng”.
Theo định nghĩa của một số từ điển Hán Việt thì “phụ trách” là nhận gánh vác, chịu trách nhiệm về một nhiệm vụ, công tác nào đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức là người lãnh đạo, quản lý, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm cao nhất của cơ quan, tổ chức đó.
1. Do đâu mà có người đứng đầu?
Có người cho rằng mình có tài, có đức, cơ quan, tổ chức có nhu cầu thì mình được đề bạt làm người đứng đầu. Điều đó là lẽ đương nhiên nhưng chưa phải tất cả. Không ít người khi được đề bạt đã không biết ngoái nhìn quá khứ để hiểu thấu cái nôi sinh ra mình, chỉ biết có hôm nay và chặng đường phía trước mà quên cuộc cách mạng của nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, quên sự hy sinh công sức, tiền của, xương máu của biết bao thế hệ mới có cơ đồ, sự nghiệp hôm nay. Ngày 28-5-1948, khi chủ trì lễ phong hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và cấp tướng cho một số đồng chí khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao hy sinh, cố gắng của đồng bào, đồng chí. Chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất”(1). Trong một lần khác, khi nói chuyện với các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Người còn nói: Các chú có công trạng, có thành tích, được phong cấp tướng, cấp tá nhưng các chú có biết câu “Nhất nhật công thành vạn cốt khô” không? Câu ấy có nghĩa là mỗi một thành công trên con đường công danh của các chú là nhờ có sự hy sinh của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ.
Do yêu cầu mới của cách mạng và do quy luật của thời gian mà thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, trong đó có những người được giao trọng trách là người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Khi đã có quyền lực trong tay, một số người đã quên rằng quyền lực mà họ đang nắm giữ vốn không phải là của cá nhân họ (quyền lực nhà nước vốn không phải của riêng bất cứ người nào). Tất cả quyền bính trong nước là của nhân dân. Nhân dân ủy thác cho họ đại diện để sử dụng quyền lực thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Quên điều đó, người ta dễ sinh tự kiêu, tự mãn, “khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”(2). Được trao quyền quản lý, chi tiêu một khối lượng tiền của, tài sản nào đó, một số người đã cậy quyền thủ trưởng quyết định tất cả, bất chấp kỷ cương, phép nước, chỉ “lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”(3). Trong công tác nhân sự thì đối với bản thân “cố tranh cho được ủy viên này chủ tịch kia”, đối với xã hội thì giữ thói “một người làm quan, cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(4). Nhiều lần Bác Hồ đã dạy, việc nước là việc chung, tài sản của Nhà nước là của chung nhân dân chứ không phải của riêng ai, của dòng họ nào. Vì vậy, người đứng đầu phải phục tùng tổ chức, nêu gương sáng giữ gìn và bảo vệ tài sản của công, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc và nhân dân, phải chí công vô tư.
2. Sinh ra người đứng đầu để làm gì?
Đã là xã hội thì ắt phải có tổ chức, có tổ chức thì phải có lãnh đạo và quản lý, cơ chế làm việc và người đứng đầu. Lãnh đạo là dẫn dắt, phát triển cơ quan, tổ chức đúng hướng, bày tỏ quyết tâm, duy trì các chuẩn mực, là làm việc với con người (tổ chức, dẫn dắt, giáo dục, thuyết phục, cảm hóa, đoàn kết, tạo sự đồng thuận…). Vì vậy, lãnh đạo phải tập thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức là một thành viên của tập thể lãnh đạo. Bác Hồ đã dạy “vì một người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người…
ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: “Khôn bầy hơn khôn độc” là nghĩa đó”(5).
Nhưng khi đã có hội nghị, đã bàn thảo, có nghị quyết của tập thể rồi thì phải thi hành, phải có người chỉ huy, điều khiển. “Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy…
Vì lẽ đó, cho nên lãnh đạo cần phải tập thể, mà phụ trách cần phải cá nhân”(6).
Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng và Nhà nước ta là lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Nhưng không ít tổ chức đảng đã không duy trì nghiêm túc chế độ lãnh đạo tập thể, một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã phớt lờ (thậm chí vô hiệu hóa) sự lãnh đạo của tập thể, cấp ủy, độc đoán, chuyên quyền dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát, hư hao tài sản của Nhà nước, tham nhũng, gian lận… và bản thân họ cũng không được tập thể kiểm tra, giám sát, uốn nắn, giúp đỡ nên dần dần trở thành kẻ hư hỏng, sa đọa, biến chất.
Tóm lại “lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.
Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”(7).
Chính vì cần tổ chức thực hiện mà phải đặt ra chế độ thủ trưởng, một người đứng đầu để họ phụ trách công việc, chịu trách nhiệm trước cấp trên, cấp dưới, nhân dân và pháp luật. “Bất kỳ công tác gì, chiến tranh, sản xuất, giáo dục, kiểm soát v.v, cơ quan lãnh đạo cấp trên cần phải kinh qua những người phụ trách chung của cơ quan lãnh đạo cấp dưới, mỗi khi có việc gì liên quan đến một ngành hoạt động nào đó thuộc cấp dưới. Có như thế, mới đạt được mục đích phân công mà thống nhất”(8). Sinh ra người đứng đầu là để họ phụ trách, chịu trách nhiệm. Họ được giao cho một số quyền hành nhưng quyền đó bao giờ cũng có giới hạn và phải thực hiện một nghĩa vụ – nghĩa vụ của người thừa hành, chấp hành sự lãnh đạo của tập thể, của cấp trên. Quyền bao giờ cũng gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm. Người thủ trưởng (đứng đầu) không thể khi công việc thành công thì “nhô cao đầu lên” nhận vinh quang, thành tích thuộc về mình; khi khuyết điểm, thất bại thì “hạ thấp đầu xuống”, ẩn nấp sau bức bình phong tập thể, đổ trách nhiệm cho tập thể, cho cấp phó. Chính V.I.Lênin từng phê phán tình trạng này, Người đã coi đó là thói láu cá, khôn vặt của mấy ông cấp trưởng, còn tổ chức thì bất lực.
Cần trao quyền và trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, kiểm tra, giám sát họ và có chế tài thích đáng đối với những khuyết điểm, sai lầm của đơn vị do họ đứng đầu; người đứng đầu vui mừng phấn khởi nhận chức vụ, có gan sử dụng quyền lực thì cũng phải có dũng khí, can đảm nhận trách nhiệm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước và sự phán xét của công luận. Đó là lẽ tự nhiên, biểu hiện của sự công bằng, dân chủ và văn minh trong chế độ chúng ta.
3. Những người đứng đầu cần phải có phẩm chất gì?
Trước hết, họ phải có những phẩm chất của người cán bộ cách mạng như Bác Hồ đã dạy, Đảng và Nhà nước đã có các quy định rõ ràng, pháp lệnh cán bộ công chức đã xác định cụ thể. Nhưng đối với những người đứng đầu thì đòi hỏi của tổ chức và nhân dân đối với họ ở mức độ cao hơn, nghiêm ngặt hơn, ở sự nêu gương và dẫn dắt. Bác Hồ đã nhắc nhở “các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(9).
Trong tình hình hiện nay, vấn đề tư tưởng, thái độ của người đứng đầu cần phải được đặt ra một cách bức thiết. Người đứng đầu là người có trách nhiệm giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức, nhân viên cấp dưới nhưng lại đứng ngoài sự giáo dục, rất ít lắng nghe và tìm cách để biết lắng nghe những ý kiến mang tính khuyên răn, nhắc nhở của tổ chức đảng, của những người xung quanh, của cấp dưới và quần chúng. Cần phải nhắc lại lời dạy của C.Mác: Đã đến lúc các nhà giáo dục cũng cần được giáo dục, và của Hồ Chí Minh: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…
Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính.
Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”(10).
4. Làm thế nào để có người đứng đầu xứng đáng?
Trước hết là phải thực hành dân chủ, đồng thời xử lý, chấm dứt ngay các hiện tượng “các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền… khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”(11). Đảng và Nhà nước không chỉ bằng sự giáo dục, thuyết phục, kêu gọi lòng tự giác, hướng thiện mà còn phải cưỡng chế, răn đe bằng pháp luật đối với những ai “làm quan cách mạng, chợ đỏ chợ đen, khinh dân, mưu vinh thân phì gia”(12).
Cần đặt mọi người, không ngoại trừ ai trong bộ máy quyền lực của Nhà nước, dưới sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm túc theo nguyên tắc công khai, minh bạch (Bác Hồ gọi là “quang minh chính đại”). Kiểm soát cấp trên trước, cấp dưới sau, trong sạch cấp trên để chấn chỉnh cấp dưới, làm gương cho cấp dưới như Bác Hồ từng dạy và nêu gương. Cha ông ta từng tổng kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn” và chắc chắn là: Thượng chính thì hạ yên.
Có nhiều việc phải làm, phải kiên trì không thể nôn nóng nhưng cũng có những việc có thể làm ngay. Ví dụ, trong công tác phê bình, tự phê bình không nên nói chung chung mà cần rõ địa chỉ. Theo Bác Hồ thì phê bình việc chứ không phê bình người. Cần chỉ rõ việc ấy giao cho ai, ai làm, làm đúng hay sai, kết quả tốt hay xấu? Ai chịu trách nhiệm? Việc xóa bỏ chế độ bao cấp, đối với số đông cán bộ, công chức chúng ta đã làm xong nhưng với thủ trưởng, với cấp trên thì còn nhiều việc chưa làm đến nơi, đến chốn. ở đây không chỉ là vấn đề tài sản, công quỹ, tiền bạc mà quan trọng hơn là còn bao cấp, còn mập mờ thì uy tín của người được bao cấp còn bị xói mòn. Công khai chế độ, chính sách thực hiện nghiêm, không xuê xoa, nể nang bất cứ ai, càng thủ trưởng cấp trên càng phải gương mẫu, làm được như vậy thì kỷ cương, phép nước mới được duy trì. Quần chúng nhân dân rất sáng suốt, không có việc gì khuất tất có thể che mắt được dân chúng.
Chống thói hư, tật xấu của người đứng đầu trong bộ máy công quyền không phải là việc dễ, bởi vì những thói hư, tật xấu ấy là “giặc ở trong lòng” đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ “ngoại công, nội kích”. Nhưng Đảng và Nhà nước ta tin dân, dựa vào dân, “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, vậy thì tại sao chúng ta không sớm bổ sung cơ chế để nhân dân, cán bộ và quần chúng cấp dưới bày tỏ sự tín nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị mà không sợ bất cứ một sự trù úm nào?
Suy cho cùng, đó cũng là cách xây dựng, bảo vệ, giữ gìn uy tín cho người giữ trọng trách đứng đầu cơ quan, tổ chức của chúng ta.
——
(1) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, NXBCTQG, H.1994, tập 4, tr.203. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.72. (3,4) Sđd, tr.74. (5,6,7) Sđd, tập 5, tr.504-505. (8) Sđd, tr.291. (9) Sđd, tập 6, tr.480. (10) Sđd, tập 5, tr.552. (11) Sđd, tập 4, tr.47. (12) Sđd, tập 5, tr.61.
TRẦN ĐÌNH HUỲNH
TRỊNH QUANG CẢNH
Lời dặn của Bác đã đi sâu vào hàng vạn trái tim
Chúng tôi về Nông trường Đông Hiếu vào một chiều cuối năm, Giám đốc Nông trường ông Thiếu Văn Anh tiếp chúng tôi thân tình và cởi mở, ông nói rất vui: “Cán bộ công nhân viên nông trường Đông Hiếu cũng như người dân Phủ Quỳ đang nô nức chuẩn bị lễ kỷ niệm lớn nhân 50 năm ngày Bác Hồ về thăm nông trường”.
Ngày ấy, về thăm Nông trường Đông Hiếu – một trong những lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của miền Bắc, Bác đã đi thăm các cơ sở sản xuất của nông trường, gặp gỡ nói chuyện thân tình với hơn một vạn cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn.
Mọi người còn nhớ mãi lời dặn dò của Bác: “Mỗi một công nhân, mỗi một cán bộ cần đề cao tinh thần làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nông trường… Các nông trường có nhiệm vụ đoàn kết và tìm cách giúp đỡ đồng bào địa phương, vì vậy đồng bào địa phương cần đoàn kết với nông trường học tập cách lao động của nông trường xây dựng hợp tác xã cho tốt. Đời sống xã viên ngày càng ấm no, thế là XHCN”.
Đã 5 thập kỷ trôi qua, Nông trường Đông Hiếu cũng đã trải qua biết bao thăng trầm, vượt qua nhiều khó khăn thách thức vươn lên phát triển bền vững theo lời Bác dặn. Trong cơ chế nền kinh tế thị trường nghiệt ngã, cán bộ và công nhân viên đoàn kết phấn đấu không mệt mỏi gặt hái được nhiều thành tích đáng phấn khởi.
Qua việc chuyển đổi cơ chế mới, xóa bỏ quan liêu bao cấp, hiện nay nông trường thực hiện kinh doanh sản xuất bằng hình thức khoán đất cho người lao động. Với tổng diện tích quản lý 1.300 ha đã giao cho hơn 400 gia đình công nhân.
Đến năm 2010, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 400 tấn mủ cao su và gần 300 tấn cà phê, chưa kể các sản phẩm cam, mía và chăn nuôi… Ước đạt giá trị trên đất xấp xỉ hơn 22 tỷ đồng.
Nông trường đang tổ chức 8 đội sản xuất, trong đó nhiều đội làm kinh tế giỏi như đội Đồng Quang, với sản lượng kinh doanh cây cao su và cà phê gần 100 ha nhiều năm đạt và vượt chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Lương, đội trưởng đội Đồng Quang cho biết: “Các gia đình công nhân trong đội Đồng Quang không còn gia đình nào nghèo đói mà phần đông là kinh tế khá giả. Ngoài nguồn thu từ cà phê, cao su còn có các khoản thu khác như trồng mía, chăn nuôi cũng ngót nghét 50 triệu đồng/năm”.
Chúng tôi đi tham quan khu vực sản xuất, trước mắt hiện ra những cánh rừng cao su xanh ngát, mênh mông, phía Bắc nông trường những vùng cà phê trĩu quả nối nhau hút tầm mắt.
Gặp ông Phan Minh Hảo, công nhân nông trường thuộc đội Đồng Quang, ông nói: “Trước đây, công nhân chúng tôi thích trồng cà phê. Cây cà phê trồng trên đất đỏ Phủ Quỳ thơm ngon ít nơi sánh kịp. Đến mùa thu hoạch, các thương gia từ Buôn Mê Thuột ra thu mua đưa vào Đắc Lắc, cà phê Đông Hiếu trở thành thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Nhưng trồng cà phê không kinh tế bằng cây cao su. Tuy nhiên, trồng cao su vốn lớn hơn, nhưng hiện nay kinh tế gia đình đã khá hơn, các gia đình công nhân nhận đất khoán của nông trường đang chuyển hướng sang trồng cây cao su. Cây cao su có chu kỳ kinh tế kéo dài trên dưới 50 năm nhất định sẽ đem lại lợi nhuận kinh tế lớn hơn”.
Ông nói tiếp: “Hiện nay vấn đề người dân bức xúc là tại vùng trồng cà phê, cao su có nạn tranh mua cướp bán do một số đầu nậu ôm hàng. Đã lắm lúc xảy ra tranh chấp, xô xát phải gọi lực lượng công an tới mới giải quyết được…”.
Trao đổi về việc đảm bảo an ninh trật tự tại Đông Hiếu, lãnh đạo nông trường cho biết: “Để làm kinh tế tốt phải gắn liền với việc làm tốt công tác an ninh trật tự để bảo vệ cây trồng tại nông trường cho công nhân có điều kiện thâm canh. Chúng tôi thường xuyên mời Công an huyện về mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho anh em bảo vệ cũng như xây dựng lực lượng công nhân làm nhiệm vụ dân phòng. Biết kết hợp với Công an xã Đông Hiếu và Công an huyện để xây dựng mạng lưới đảm bảo ANTT, cũng như phát động người dân tự nguyện tố giác tội phạm thì địa bàn mới trong sạch, công nhân và nông dân mới yên tâm lao động sản xuất”.
Nhờ lấy dân làm gốc, địa bàn Nông trường Đông Hiếu gần đây đã đẩy lùi được tệ nạn trộm cà phê, cam và mủ cao su… Bên cạnh đó, nông trường còn tổ chức cho các gia đình công nhân cam kết với chính quyền địa phương “nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội”. Nhờ vậy, tuy là trung tâm buôn bán thương mại nhưng khu vực Đông Hiếu hiện tại ANTT khá lành mạnh.
Dẫu biết rằng thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế toàn cầu hóa, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Nông trường Đông Hiếu vẫn còn những việc làm phải trăn trở với lời căn dặn của Bác trước lúc Người đi xa.
Lê Hoa
Những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức đối với Thanh, thiếu niên, nhi đồng
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,
Trẻ con, Tháng 9-1941, sđd, t.3, tr. 203.
… Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”
Đời sống mới là:
– Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
– Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
– Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
– Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1-1946, sđd, t.4, tr. 167.
… Nay Bác viết mấy chữ, để cám ơn các cháu và khuyên các cháu:
1. Phải siêng học,
2. Phải giữ sạch sẽ,
3. Phải giữ kỷ luật,
4. Phải làm theo đời sống mới,
5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em.
Thư gửi các cháu thiếu nhi, năm 1946, sđd, t.4, tr. 421
… Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
… mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:
a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).
b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.
c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.
d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.
e) Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.
f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết.
… chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được.
Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn một trăm chương trình to tát mà làm không được.
Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17-8-1947, sđd, t.5, tr. 185-186.
… Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa.
Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu gửi cho Bác Hồ viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh.
Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học. Muốn vậy các ban phụ trách nhi đồng cần phải liên lạc với cha mẹ và thầy giáo của nhi đồng.
… Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Các bạn hãy cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi, nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc cho các em bắt chước.
Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25-8-1950, sđd, t.6, tr. 85.
2. Khuyên thanh niên:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Làm tặng một đơn vị Thanh niên xung phong, Tháng 9-1950, sđd, t.6, tr.95.
… Điều gì phải, thì cố làm cho kỳ được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ.
– Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động. Phải giữ gìn kỷ luật. Phải bảo vệ của công. Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải chú ý đến tình hình thế giới, vì nước ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đều có quan hệ với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ với thế giới…
… Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?
– Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng.
Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
Nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam,
ngày 19-1-1955, sđd, t.7, tr. 454-455.
… Thanh niên bây giờ là thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người…
Nói chuyện tại Đại hội sinh viên lần thứ hai ngày 7-5-1958, sđd, t.9, tr. 172.
Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
– Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
– Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
– Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bài nói tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa,
ngày 17-3-1960, sđd, t.10, tr. 106.
… Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo, tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa…
Nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,
ngày 20-12-1961, sđd, t. 10, tr. 489.
Hồ Chí Minh nói về trách nhiệm của nhà báo
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và coi trọng vai trò của báo chí. Bác đã sáng lập nhiều tờ báo và là một nhà báo xuất chúng với khả năng viết ít ai bì kịp. Những kinh nghiệm làm báo, những ý kiến chỉ đạo và tư tưởng của Bác đối với báo chí và người viết báo mãi mãi vẫn sáng ngời giá trị.
Từ những năm đi tìm đường cứu nước, Bác đã sáng lập báo Le Pa-ri (Người cùng khổ) với nhiều bài viết đặc sắc, nhiều tranh đả kích do Bác vẽ hết sức độc đáo. Tranh vạch trần dã tâm của bọn thực dân xâm lược. Hai hình tượng được khắc hoạ là tên thực dân béo phì ngồi trên xe tay và người lao động thuộc địa gầy yếu phải cố sức kéo nó đi! Báo ra số 1 ngày 1-4-1922, đến số 38 thì bị đình bản.
Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội do Bác sáng lập đã xuất bản số đầu tiên. Báo phát hành được 200 số, trong đó 88 số do Bác trực tiếp phụ trách, biên tập, viết bài. Báo đã đem ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin đến với công chúng Việt Nam, tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng về ý thức đấu tranh giải phóng đất nước. Trong số báo Thanh Niên ra ngày 7-11-1926 có in bức tranh cổ động của Bác hết sức đặc sắc. Bức tranh vẽ V.I.Lênin ngẩng cao đầu, tay trái chỉ vào ngôi sao năm cánh, kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới hãy liên hiệp lại để đấu tranh giải phóng cho mình khỏi ách áp bức của chế độ tư bản. Báo Thanh Niên trở thành tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản cho muôn triệu người dân đang rên siết dưới ách thực dân, phong kiến. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 21-6- 1925 làm Ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam.
Hai tờ báo Công Nông và Lính Cách Mệnh (1925-1927) được Bác dùng để tổ chức tuyên truyền trong giới thanh niên và binh lính người Việt, nhằm khơi dậy lòng yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam và làm sống lại dòng máu Lạc Hồng của những đứa con lầm đường lạc lối, hoặc bị cưỡng bức, hoặc vì miếng cơm manh áo mà trót cầm súng giặc giết hại đồng bào. Hai tờ báo cùng thực hiện sứ mệnh kêu gọi, tập hợp công nông đoàn kết vùng lên đập tan gông xiềng nô lệ.
Đặc biệt, Bác đã vẽ tranh minh họa cho Báo Việt Nam Độc lập (1941-1942). Với nét cách điệu tài tình từ bốn chữ “Việt Nam Độc Lập”, Bác đã vẽ thành một người đang thổi kèn, hàm ý giục giã toàn dân mau mau tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập. Bên cạnh đó là bốn câu thơ do Người sáng tác:
“Việt Nam độc lập” thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta”(1).
Tiếp đó là các báo Sự Thật, Cứu quốc, Quân đội nhân dân… được Bác hết sức quan tâm và trực tiếp tham gia nhiều bài viết. Bác Hồ hết sức coi trọng vai trò của báo chí. Bác từng nói: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”(2). Bác đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử của những người làm báo: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí!”(3).
Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác đã nói: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”(4). Đến Đại hội lần thứ II của Hội (1962), Bác lại nhấn mạnh: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”(5). Bác yêu cầu trước khi viết một điều gì, người viết phải tự đặt các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Báo cũng là một ngành kinh tế”(6) và “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”(7), “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do… Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”(8).
Theo Bác, văn hóa là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; ngòi bút, trang giấy chính là vũ khí chiến đấu của người làm báo. Bác đã nhiều lần căn dặn đội ngũ cán bộ, phóng viên: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”(9).
___
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 3, tr.200. (2,3,4) Sđd, tập 9, tr.415, 412. (5, 6) Sđd, tập 10, tr.131, 616, 468. (7, 9) Sđd, tập 5, tr.625. (8) Sđd, tập 8, tr.216.
Văn Khải
Vài nét về bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành về tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”
Tại kỳ họp thứ II, Quốc hội khoá XII khai mạc ngày 22.10.2007 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008, nội dung phần 7 của Báo cáo là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Thiết nghĩ, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm năm 1952, là một tài liệu tham khảo quan trọng và có ý nghĩa to lớn và vẫn mang tính thời sự.
Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 14 trang, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, (Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 1351), do Người tự đánh máy trên nền giấy khổ 20cm x 26cm và có bút tích sửa chữa.
Bài nói chuyện chia thành 3 phần rõ rệt:
Phần đầu với gần 3 trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về “tiết kiệm”. Sau khi định nghĩa “Tiết kiệm là gì?”, “Vì sao phải tiết kiệm?”. Người chỉ rõ rằng “Tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta”. “Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động”, “chúng ta phải tiết kiệm thời giờ”, “chúng ta phải tiết kiệm tiền của”, “chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để một người có thể làm việc như hai người, một ngày có thể làm việc của hai ngày, một đồng có thể dùng bằng hai đồng”. Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm… ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm”.
Phần hai của bài nói chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về những biểu hiện của nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu, mối quan hệ giữa chúng. Đồng thời, Người chỉ rõ rằng phải chống nạn tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
Người ví nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu giống như một loại cỏ: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch. Nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi”. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.
Người nêu những biểu hiện của bệnh tham ô, là “ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung để làm quỹ riêng… khai gian lậu thuế”, biểu hiện của lãng phí, như “lãng phí sức lao dộng”, “lãng phí thời giờ”, “lãng phí tiền của”.
Người nói tiếp “có nạn tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu”, “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước phải tẩy cho sạch bệnh quan liêu”.
Người kết luận “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Không chỉ thế, nó còn là “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của chúng ta, để làm hỏng công việc của ta”. Người nói, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. Người coi “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng, chính trị”.
Bằng sự phân tích, chứng minh, và với lối nói giản dị, dễ hiểu, lôi cuốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những biểu hiện của tư tưởng không lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đồng thời Người cũng đã vạch ra cách tổ chức đấu tranh với những tư tưởng đó. Theo Người có 3 bước để đấu tranh: bước 1, đánh thông tư tưởng; bước 2, chia thành nhiều tổ để nghiên cứu những tài liệu như lời dạy của Lênin, Staline, Mao Trạch Đông về tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu… Bước thứ 3 là tiến hành kiểm thảo để giải quyết các vấn đề, giải thích các thắc mắc, sửa chữa những khuyết điểm trong phong trào kiểm thảo.
Người nói, “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ, nghĩa là:
– Ai kiểm thảo đúng những người khác, sẽ được khen thưởng,
– Ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ, lỗi nặng sẽ được xử nhẹ hoặc lấy công chuộc tội (Trừ những tội lỗi đặc biệt nặng).
– Ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật
– Ai ngăn cản đe dọa những người không kiểm thảo mình, sẽ bị kỷ luật”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh một cách biện chứng: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu “là cách mạng”… “là dân chủ”. Người đề ra nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Người khẳng định, “tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng… Người gọi đó là “giặc nội xâm”.
Phần ba của bài nói chuyện gồm 6 trang, Người lược dịch những bài nói về tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và chống bệnh quan liêu của Lênin, Staline, Mao Trạch Đông để mọi người nghiên cứu.
Bài nói chuyện không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối vối hôm nay, khi cuộc vân động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang phát triển mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là cán bộ công nhân viên chức cả nước.
Lê Thị Lý
Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III
Những lời dạy của Bác Hồ với thanh niên
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại, Người Thầy, Người Cha, Người Anh kính yêu của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Cả cuộc đời Người dành trọn vẹn tình cảm, sự yêu thương của mình cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đặc biệt là lớp lớp thế hệ thanh niên – lực lượng xung kích trên các mặt trận, “rường cột” của quốc gia. Trong không ít những bức thư, những bài báo, bài thơ và bài nói chuyện với thanh niên, Bác đã gửi gắm những lời dạy chân thành và sâu sắc. Đó là ngọn đèn soi sáng cho mỗi hành động, mỗi bước đi để thanh niên Việt Nam vững bước tiến lên theo con đường mà Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn.
Năm 2011 là năm được Đảng và Nhà nước chọn làm Năm Thanh niên, cũng là năm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, xin được trích dẫn những lời dạy mà lúc sinh thời Bác đã dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam.
1. Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”.
(Thư gửi Thanh niên An Nam, 1925)
2.“… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
(Thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 9/1945).
3. “Hỡi anh chị em thanh niên Nam Bộ!
Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
(“Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, ngày 30/10/1945)
4..“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
(Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946)
5.“… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.
(“Thư gửi các bạn thanh niên”, ngày 12/8/1947)
6. “Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Bài thơ Bác tặng Đơn vị thanh niên xung phong 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn, ngày 28/3/1951)
7. “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”. Ý nghĩa của nó là: phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát. Bác mong mỗi cháu và toàn thề các cháu nam nữ thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, để xứng đáng với cái huy hiệu tươi đẹp và vẻ vang ấy”.
(Thư gửi thanh niên, tháng 4/1951, Hồ Chí Minh toàn tập)
8. “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Ðội TNXP để bảo đảm thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Nhiệm vụ của Ðội TNXP là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó, việc dễ và phục vụ đến ngày kháng chiến thành công. Ðó là nhiệm vụ rất vẻ vang của thanh niên”.
(“Ðội Thanh niên xung phong” đăng trên Báo Nhân Dân số 147, 1953)
9. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
(Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955)
10.“Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”
(“Nhiệm vụ của thanh niên ta”, báo Nhân dân ngày 20/12/1955)
11. “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
– Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
– Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
– Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa, ngày 17/3/960)
12. “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961)
13. “Bác rất yêu quý thanh niên:
– Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng.
– Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc”.
(Bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, ngày 20/12/1961)
14. “Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người”.
(Bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc, tháng 9/1962)
15. Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt.
Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.-
Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.-
Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”-
(Bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
16. “Bác muốn dặn thêm các cháu mấy điều:
– Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
– Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
– Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh, để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
– Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
– Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
(Thư gửi thanh niên Ngày 2/9/1965, Báo
17. “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng. Và, giặc Mỹ đã thua to ở hai miền nước ta, chúng đang thất bại ngày càng nặng nề hơn ở miền Nam, nhưng chúng vẫn rất ngoan cố chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước””.
(Thư khen ngợi đơn vị TNXP 333 có nhiều thành tích xuất sắc trên các tuyến đường Khu Bốn ác liệt, ngày 27/1/1969)
18. “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
(Di Chúc của Người)
Theo Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Bạn phải đăng nhập để bình luận.