Chúng tôi xuống đây có hai việc: Trước là để thǎm đồng bào Hưng Yên, thứ hai là để thǎm đê. Chúng ta cần phải chǎm lo việc đắp đê để đề phòng nạn lụt.
Nước ta hồi Pháp thuộc, bọn thực dân Pháp lấy tiền quỹ để đắp đê, nhưng chúng chỉ bỏ vào việc đắp đê rất ít, còn bỏ vào túi chúng. Bây giờ ta được độc lập, công việc đắp đê không phải là việc riêng của Chính phủ mà là của tất cả mọi quốc dân. Dân chúng có quyền kiểm soát việc làm để đề phòng những việc nhũng lạm có thể xảy tới.
Số thóc góp để đắp đê không phải là một thứ thuế mà chỉ là một thứ lạc quyên thôi, không có gì là cưỡng bách cả. Đê vỡ, ruộng mất, dân nghèo lo đói, điền chủ mất thóc mà thương gia cũng ít phát tài. Cho nên mọi người đều phải sốt sắng giúp dập vào việc đắp đê. Bằng không thì còn lụt, còn đói, còn chết nữa. Khi chưa ốm, ta phải uống thuốc phòng bệnh thì hơn là đợi ốm rồi mới uống thuốc. Vậy các nhà thân hào phải hǎng hái giúp đỡ những đồng bào khác đi đắp đê, phải giúp cho họ ǎn, phải góp tiền, thóc nuôi họ. Chỉ có cách đó là có thể ngǎn ngừa được nạn đê vỡ. Nước sông cao bao nhiêu đi nữa, mà lòng nhiệt tâm của các bạn cao hơn thì không bao giờ có lụt nữa.
Thấy anh chị em và các cháu quần tụ vui vẻ ở đây, tôi rất lấy làm sung sướng. Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói. Đồng bào ta bất kỳ là già trẻ, trai gái, lương giáo ai cũng đồng tâm hiệp lực, nhớn giúp bé, trẻ giúp già, mạnh giúp yếu thì chắc chắn thế nào cũng giành được độc lập hoàn toàn, được tự do hạnh phúc. Chúng ta nỗ lực phấn đấu thì ngày thành công cũng không xa gì.
Nói ngày 10-1-1946.
Báo Cứu quốc, số 140, ngày 12-1-1946.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.