Chúng ta phải hiểu rằng: có nhiều thứ chiến tranh: chiến tranh bằng sức người, chiến tranh bằng võ khí, chiến tranh bằng chính trị, chiến tranh bằng tinh thần, v.v..
Hiện nay, ngoài chiến tranh bằng quân sự, bọn thực dân Pháp đang dùng cách chiến tranh bằng tinh thần, chúng giả danh dân ta phát truyền đơn, dán khẩu hiệu, phao tin nhảm, mong cho dân ta hoang mang nghĩ ngợi, lo ngại. Đó là nó tấn công tinh thần chúng ta.
Người xưa có nói rằng: “đánh vào lòng là hơn hết; đánh vào thành trì là thứ hai”. Vậy một dân tộc đương vận động như dân ta bây giờ ắt phải luôn luôn chuẩn bị, đồng thời phải luôn luôn trấn tĩnh, kiên quyết sẵn sàng đối với mọi tình thế, không bao giờ rối trí sợ sệt. Chúng ta phải học gương anh dũng của dân tộc Trung Hoa trong hồi kháng chiến. Mất Thượng Hải, gìn giữ Nam Kinh, mất Nam Kinh, gìn giữ Hán Khẩu, mất Hán Khẩu, gìn giữ Trùng Khánh, đến Trùng Khánh vẫn chuẩn bị để nếu cần thì giữ nơi khác, quyết kháng chiến.
Quân địch sắp tới đâu thì dân vùng đó triệt để làm vườn không nhà trống khiến quân địch không có thức ǎn, không có chỗ ở, không có đường đi mà phải tiêu hao mòn mỏi. Còn một tấc đất, còn một người dân thì còn tranh đấu, lúc nào cũng sẵn sàng và không bao giờ do dự hoang mang: vì thế ròng rã tám nǎm trời, quân Nhật không nuốt nổi Trung Hoa và ngày nay Trung Quốc đã thắng lợi.
Kinh nghiệm của Trung Quốc bày cách thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tǎng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn.
– Toàn dân kháng chiến.
– Toàn quốc kháng chiến.
– Việt Nam độc lập muôn nǎm.
Hồ Chí Minh
Báo Sự thật, số 21, ngày 27-2-1946.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.