Thư viện

Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD)- Văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực

21:34 | 18/11/2012

(ĐCSVN) – Ngay sau Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), chiều 18/11, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD), trao đổi các trọng tâm, ưu tiên của Hiệp hội và trao đổi với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC).

*Tuyên bố nhân quyền ASEAN (AHRD) đã thể hiện nguyện vọng, quyết tâm, nỗ lực của người dân và chính phủ các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, đồng thời tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người cũng như phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tiếp tục thể hiện cam kết của ASEAN trong thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, và các văn kiện quốc tế về nhân quyền khác mà các quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia. Tuyên bố khẳng định lại các giá trị nhân quyền chung, đi đôi với coi trọng các giá trị và đặc thù của ASEAN và các quốc gia trong khu vực, quyền đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế về quyền con người. Tuyên bố Nhân quyền ASEAN gồm 7 phần: phần mở đầu, các nguyên tắc chung, các quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền phát triển, quyền hưởng hòa bình, hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

*Tại các Phiên họp, Lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, gia tăng kết nối và liên kết khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tuyên bố Phnôm Pênh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN- văn kiện chính trị
quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực

Kiểm điểm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Lãnh đạo các nước ASEAN ghi nhận các kết quả tích cực trong triển khai các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột, nhất là trong trụ cột Kinh tế ASEAN với hơn 70% chỉ tiêu đã được thực hiện. Lãnh đạo các nước nhấn mạnh ASEAN cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra, nhất là về liên kết kinh tế, triển khai kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều. Bên cạnh đó, giáo dục, tuyên truyền và quảng bá về ASEAN cũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức Cộng đồng và trách nhiệm của người dân đóng góp cho tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm… Để đạt được các mục tiêu trên, các nước nhất trí sẽ tiếp tục gắn kết và lồng ghép các kế hoạch hợp tác khu vực vào các chương trình quốc gia, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan phụ trách… nhằm bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Trước những thách thức đang đặt ra đối với khu vực, các nhà Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh Hiệp hội cần duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm trong định hướng hợp tác và cấu trúc khu vực, nhất là về các vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược chung của ASEAN về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tiếp tục phát huy tác dụng các công cụ hợp tác của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Bên cạnh đó, ASEAN cần phát huy tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, khuyến khích tăng cường hợp tác với các Đối tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống, ứng phó hiệu quả với cách thách thức đang đặt ra ở khu vực như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà Lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các Đối tác, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),… tạo điều kiện cho các Đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào mục tiêu chung là hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) với các Đối tác liên quan.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Mianma trong tiến trình hòa hợp dân tộc; ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi vũ khí hạt nhân. Về tình hình ở Dải Gaza (Palextin), các nước kêu gọi các bên chấm dứt hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông. Các Lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí tăng cường trao đổi và phối hợp lập trường về các vấn đề toàn cầu thuộc quan tâm chung tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như APEC, ASEM, G20, Liên hợp quốc,… qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN.

Về Biển Đông, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại Phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề hòa bình và an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước TAC, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, đặc biệt là cần đề cao các nguyên tắc như kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình… ASEAN cần giữ vững đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, kiên trì tham vấn và xây dựng đồng thuận – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến việc giữ vững vai trò của ASEAN trước các thách thức to lớn ở khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN đang phải xử lý những thách thức phức tạp cả truyền thống và phi truyền thống, từ những xung đột tiềm tàng tới các vấn đề xuyên biên giới như bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, ứng phó và phòng chống thảm họa thiên tai. Với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, ASEAN cần tích cực xem xét, trao đổi, phối hợp với nhau, và nỗ lực xây dựng lập trường chung ASEAN trong một số vấn đề quan trọng của khu vực. Đó cũng là một trong những biện pháp để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm của mình trong khu vực, nơi các nước lớn đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt.

Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của LHQ, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và ứng phó với các thách thức đang nổi lên như quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia… Về hợp tác Mê Công, các nước thuộc Tiểu vùng Mê Công cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảo đảm an ninh lương thực và quan trọng hơn cả là tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, trước hết là cần phải có nghiên cứu tổng thể, khách quan và khoa học về tác động đến môi trường và nguồn nước trong việc khai thác và sử dụng sông Mê Công.

Phát biểu về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ việc kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực, thù định, nỗ lực tìm giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Trung Đông.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chúc mừng Campuchia thành công trong trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2012; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Brunây trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2013 để bảo đảm năm Chủ tịch ASEAN của Brunây thành công tốt đẹp.

Tối 18/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnôm Pênh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) – văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực, và thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu”, chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR)…

Trong hai ngày tiếp theo sẽ diễn ra các Hội nghị của ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Mỹ; Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS).

* Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, chiều ngày 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Philíppin Ben-níc-nô S. A-ki-nô. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Tại cuộc hội kiến, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, nhất trí cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng và các mối quan tâm chung, coi đây là cơ sở để hai nước có thể tăng cường quan hệ lên một tầm cao mới. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ cảm ơn Chính phủ Phi-líp-pin trong việc cứu giúp các ngư dân và tàu thuyền Việt Nam gặp nạn trên biển. Thủ tướng cũng chúc mừng Chính phủ Phi-líp-pin về những thành quả phát triển và ổn định đất nước, trong đó có việc đạt được Thỏa thuận hòa bình sơ bộ với Lực lượng Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF); mong Philíppin sớm có hòa bình, ổn định lâu dài của đất nước.

Hai nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề trọng tâm của các Hội nghị ASEAN lần này, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo khẳng định cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm ở khu vực và tin tưởng rằng thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các Hội nghị liên quan lần này sẽ góp phần tích cực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng như cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thu Hiên

Theo dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Advertisement

Hạ nghị sỹ Mỹ phản đối dự luật nhân quyền Việt Nam

(VOV) – Hạ nghị sĩ Mỹ nêu rõ dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực, chính xác về tình hình Việt Nam.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 28/6 đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 (H.R. 1897), kêu gọi chính phủ Mỹ gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Dự luật cũng đề nghị Mỹ phải có thái độ ứng rắn hơn đối với Việt Nam trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega

Ngay sau khi dự luật H.R.1897 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua, Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương đã ra thông cáo báo chí phản đối quyết định trên

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Faleomavaega nêu rõ, Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực hoặc chính xác về tình hình Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu thiện chí với Chính phủ Việt Nam.

Hạ nghị sỹ Faleomavaega nói, là một cựu binh tham chiến tại Việt Nam, ông hiểu cảm xúc của những người Mỹ gốc Việt này,  nhưng mưu toan lật đổ chính quyền và đưa ra thông tin sai lệch không phải là hướng đi đúng đắn. Theo ông Faleomavaega, đã đến lúc cần gác bỏ quá khứ và bắt đầu quá trình hàn gắn.

Thông cáo khẳng định, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn cam kết đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Việt và thúc đẩy nhân quyền. Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định quốc tế cốt lõi về nhân quyền cũng như đối thoại nhân quyền với Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy, Thuỵ Sỹ và Mỹ. Việt Nam đang nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền thông qua việc củng cố hệ thống pháp luật và các quyền kinh tế-xã hội, văn hoá, đồng thời hoan nghênh hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện các chính sách nhân quyền.

Thông cáo có đoạn viết: “Tôi hiểu rõ vấn đề này vì cá nhân tôi đã gặp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi cũng làm việc chặt chẽ với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường và tự hào về mối quan hệ Mỹ-Việt. Tôi tin rằng quan hệ song phương sẽ ngày một vững mạnh. Việc thông qua một dự luật không ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị giữa hai nước”.

Hạ nghị sỹ Faleomavaega cho biết, Nghị sỹ Barbara Lee đã giới thiệu một dự luật (H.R. 2519) về trợ giúp nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam. Ông nhấn mạnh, Mỹ phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của hàng chục triệu lít chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, khiến những thường dân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em phơi nhiễm với dioxin, một trong những hoá chất độc hại nhất mà con người tạo ra. Thông cáo của Hạ nghị sỹ Faleomavaega nêu rõ, bất kỳ nghị sỹ nào thực sự tâm huyết với nhân quyền cũng sẽ đồng ý rằng, đây là vấn đề nhân quyền cần phải giải quyết.

Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 tại phiên họp toàn thể vào tháng 10 tới. Nếu được thông qua, dự luật do Hạ nghị sỹ Ed Royce và Hạ nghị sỹ Chris Smith khởi xướng sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét. Tuy nhiên, những dự luật tương tự luôn bị Thượng viện Mỹ bác bỏ./.

Nhật Quỳnh/VOV-Washington

Theo vov.vn
Vkyno (st)

Việt Nam tham gia UPR lần II về thực thi nhân quyền

(VOV) – Dự kiến, phiên UPR lần thứ II mà Việt Nam tham gia sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Ngày 26/4 tại Hà Nội, Nhóm công tác về quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Mạng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet) và Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (Cifpentại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo của các bên liên quan về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam hướng đến Kiểm điểm định kỳ toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Với việc Việt Nam đang ứng cử cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan đang tích cực chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR) lần thứ II đối với tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.

Ông Trần Chí Thành, Trưởng phòng nhân quyền, Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết: Nhà nước Việt Nam đã tham gia UPR lần thứ nhất vào tháng 5/2009. Trong lần Kiểm điểm này, báo cáo của Chính phủ Việt Nam đã được chuẩn bị với sự tham gia của một số Bộ, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo. Về báo cáo của các bên liên quan, 12 tổ chức quốc tế đã trình báo cáo lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trước phiên kiểm điểm, trong đó không có báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.

Dự kiến, phiên UPR lần thứ II mà Việt Nam tham gia sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Để chuẩn bị cho phiên này, báo cáo của các bên liên quan phải nộp chậm nhất vào ngày 17/6/2013, và báo cáo của Chính phủ sẽ nộp chậm nhất vào ngày 28/10/2013

Tại phiên UPR lần thứ II tới, lần đầu tiên, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tổ chức và tham gia xây dựng một báo cáo chính thức, độc lập và song song với báo cáo của Nhà nước để đệ trình lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Báo cáo của xã hội dân sự có sự tham gia đóng góp trực tiếp của hơn 30 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và các chuyên gia độc lập, được sự ủng hộ của nhiều tổ chức xã hội dân sự khác qua các cuộc tham vấn nhóm và tham vấn trực tiếp.

Các tổ chức xã hội dân sự tham gia tiến trình chuẩn bị báo cáo ghi nhận những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nhân quyền. Báo cáo này đồng thời chỉ ra những thách thức, đặc biệt là những thách thức về năng lực của bộ máy Nhà nước trong việc thực thi các nghĩa vụ nhân quyền.

Trên cơ sở đó, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam khuyến nghị Nhà nước Việt Nam tiếp tục có những nỗ lực toàn diện để thực thi tốt hơn nữa nghĩa vụ đảm bảo quyền con người, đặc biệt chú trọng đến các quyền dân sự và chính trị. Bên cạnh đó là nhanh chóng xúc tiến việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập, và việc sửa đổi Hiến pháp chính là một cơ hội để cơ quan này ra đời, thúc đẩy quá trình thực thi quyền con người.

Báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự không nhằm thay thế báo cáo của Chính phủ hay lặp lại các thông tin có thể sẽ được đề cập chi tiết trong báo cáo của Chính phủ. Thay vào đó, báo cáo phản ánh một số vấn đề cơ bản về nhân quyền mà cả Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang đối diện và nỗ lực vượt qua, cũng như đề đạt những khuyến nghị từ phía các tổ chức xã hội dân sự để các bên cùng cân nhắc thực hiện, hướng đến mục đích cuối cùng là vì con người tự do, bình đẳng và phát triển.

Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu (UPR) là một cơ chế được thiết lập cùng với Hội đồng Nhân quyền theo Nghi quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ ngày 15/3/2006.

Mục tiêu cuối cùng của UPR là cải thiện tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia với tác động đáng kể lên người dân trên toàn cầu. UPR được thiết kế để đẩy nhanh, hỗ trợ và mở rộng việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong thực tế.

Để đạt được điều đó, UPR bao gồm việc đánh giá các thực hành về nhân quyền của Nhà nước và nêu lên những vi phạm nhân quyền nếu có. UPR cũng nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các Nhà nước và tăng cường năng lực cho các Nhà nước để giải quyết hiệu quả hơn những thách thức về nhân quyền và chia sẻ các thực hành tốt trong lĩnh vực nhân quyền giữa các nhà nước với nhau và với các bên liên quan khác.

Theo vov.vn
Vkyno (st)

Ngược đãi tù nhân Irắc và vấn đề nhân quyền ở Mỹ

16:49 | 24/06/2004

Đến nay, việc ngược đãi tù nhân ở Irắc tiếp tục được thế giới quan tâm với những sự thật đau lòng được báo giới phanh phui, điều này không chỉ là nỗi nhục của nước Mỹ khó lòng che đậy, mà quan trọng hơn giúp người ta hiểu rõ về thực chất nhân quyền của Mỹ.

I. Hình ảnh nhân quyền nước Mỹ từ các cuộc chiến tranh trước đây…

Ỷ thế vào sức mạnh kinh tế, quân sự cộng với chính sách diều hâu, sen đầm của nhà cầm quyền Mỹ, nhân loại không chỉ chứng kiến mà còn là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, can thiệp thô bạo do Mỹ gây ra. Chỉ tính riêng 10 năm cuối Thế kỷ XX, Mỹ đã hơn 40 lần sử dụng vũ lực ở nước ngoài để trừng phạt các quốc gia không theo gậy chỉ huy của mình. Minh chứng cho sự bành trướng này là địa chỉ hơn 140 căn cứ quân sự của Mỹ hiện nay trên thế giới. Khi thực hiện các cuộc xâm lược, Mỹ không ngần ngại sử dụng các loại vũ khí giết người tàn bạo nhất, dã manh nhất nhằm buộc đối phương phải khuất phục, như vũ khí có độ hủy diệt, sát thương cao, vũ khí hóa học, các chất phóng xạ… Nhưng khốc liệt hơn lại chính là sự tàn bạo của lính Mỹ, những hành vi phi nhân tính diễn ra đối với dân thường vô tội ở chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Côxôvô năm 1999… ở rất nhiều nơi có quân Mỹ chiếm đóng, không ít những hành động vi phạm nhân quyền đã xẩy ra, khi thì tra tấn, ngược đãi tù nhân, ném bom, bắn pháo “ nhầm” vào khu dân cư, lúc thì cưỡng bức, hành hạ dân thường sở tại…

Theo điều tra, hiện nay ở Mỹ có gần 100 công ty chế tạo và bán ra nước ngoài khối lượng lớn các dụng cụ tra tấn vốn đã bị cấm sử dụng. Báo cáo điều tra của Uỷ ban Ân xá quốc tế ngày 26 tháng 2 năm 2001 đã nêu rõ, với tất cả các dụng cụ tra tấn hiện nay trên thế giới, Mỹ có khoảng 80 công ty tham gia sản xuất, bao gồm roi điện, xích chân, khóa tay có răng cưa, các dụng cụ tra tấn kỹ thuật cao có thể làm tổn thương hoặc làm chết người ngay tại chỗ. Một sự thật khủng khiếp mà văn minh nhân loại ngày nay cũng khó tin, nhưng đó lại là thực tế: Mỹ còn dùng xác trẻ em nước ngoài để làm thí nghiệm phóng xạ. Theo tờ “Tin điện hàng ngày” và “Người quan sát ở Anh” tháng 6/2001 nêu rõ, trong thập kỷ 50 của Thế kỷ XX, Mỹ thực hiện thí nghiệm mang tên “ánh sáng mặt trời”, đã mua từ nước ngoài khoảng 6000 xác trẻ em, đem hỏa thiêu rồi đưa vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu phóng xạ.

Nếu chúng ta ngược dòng thời gian vài chục năm trở về trước, nhân loại chứng kiến cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ gây ra ở Việt Nam, mặc dù là kẻ bại trận, nhưng các tội ác mà Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam là hết sức to lớn, những vũ khí giết người hàng loạt đã được sử dụng, khoảng 80 triệu lít chất độc, trong đó có chất độc da cam, đã để lại cho dân thường vô tội những di chứng chiến tranh nặng nề, đến nay sau ngót 30 năm chiến tranh đã đi qua, nỗi đau vẫn còn đó. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều cuộc tàn sát đẫm máu, vi phạm thô bạo các quyền cơ bản của con người, biết bao nhiêu sự thật đến nay còn chưa được phanh phui. Năm 1969, dưới thời của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ký giả người Mỹ Seymour Hersh đã đưa ra ánh sáng vụ thảm sát Mỹ Lai (ngày 16/3/1968), chỉ hơn 2 giờ đồng hồ, lính Mỹ đã giết hại 504 người chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Đó là một chút phác thảo về hình ảnh nhân quyền của Mỹ trong các cuộc chiến tranh đã đi qua.

II … đến vụ ngược đãi tù nhân Irắc…

Về vấn đề ngược đãi tù nhân Irắc, đặc biệt là ở nhà tù Abu Graib đến nay càng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, một lần nữa hình ảnh sự thực về nhân quyền của Mỹ được làm rõ, cho dù nhà cầm quyền Mỹ cố tình che đậy, xoa dịu dư luận. Tờ Washington Post ngày 21/5/2004 lại tiếp tục công bố những hình ảnh mới về vụ ngược đãi, vi phạm nhân quyền, kèm theo lời kể “sinh động” của 13 tù nhân ở nhà tù Abu Graib. Toàn bộ lời kể có tuyên thề của các tù nhân này, được ghi chép lại trong suốt 5 ngày, dài trên 65 trang giấy, nói về những điều họ chứng kiến bên trong nhà tù, như: “Họ bị đánh đập một cách dã man, liên tục bị xâm hại tình dục bởi các binh sĩ làm ca đêm tại khu 1A; một số khác kể rằng, họ bị buộc phải từ bỏ đạo Hồi, phải ăn thịt lợn và uống các chất kích thích trong tháng Lễ Ramadan trái với quy định của đạo Hồi”; tù nhân Hiadar Sabar Abed Miktub al-Aboodl số13077 phẫn uất kể rằng:“Họ buộc chúng tôi bò quanh sàn giống như loài chó và chúng tôi phải sủa giống chó. Nếu không, họ bắt đầu thụi vào mặt, vào ngực chúng tôi một cách không thương tiếc… sau đó, họ đưa chúng tôi về các buồng giam, lột chiếu lên và đổ nước ra sàn và bắt mọi người phải ngủ trong tư thế úp bụng xuống sàn, đầu tỳ lên những chiếc túi và họ chụp hình”. Một tù nhân khác đã mô tả những hành vi độc ác, phi nhân tính của lính Mỹ như sau: “Người quản giáo bắt tôi trườn trên sàn và nhổ nước miếng vào lưng tôi, đạp vào lưng, đầu và chân tôi… một số người trong số họ đè đầu, một số khác thì đập vỡ chiếc đèn phốt pho, đổ chất độc này lên người tù nhân khiến toàn thân anh ta sáng rực lên”. Mohanded Juma tù nhân số 152307 cho biết, anh ta bị lột truồng trong 6 ngày liền, phải nhặt thức ăn do quản giáo ném xuống nhà vệ sinh để ăn, rằng: “họ bắt chúng tôi xếp hình, hai người làm đáy, hai người chồng lên trên, hai người xếp tiếp và trên cùng là một người. Cuối cùng họ chụp hình trong khi tất cả chúng tôi đều trần như nhộng”.

Cũng cần lưu ý rằng, “lính Mỹ thường xuyên hạ nhục tù nhân Irắc” là kết luận được nêu trong bản báo cáo dài 24 trang, do Hội chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) công bố vào ngày 10/5/2004, trong đó có đoạn: “Chứng kiến những vụ việc như vậy, Đoàn ICRC đã bỏ dở chuyến thăm và yêu cầu nhà chức trách giải thích. Sĩ quan tình báo quân sự cho biết việc đó nằm trong quá trình thẩm vấn”. Cũng theo báo cáo của tổ chức này cho biết, các sĩ quan tình báo liên quân ước tính 70-90% số tù nhân ở Irắc bị bắt giam nhầm, rằng ngược đãi tù nhân “không phải là các vụ hiếm gặp và có thể được coi là hành động thường làm của liên quân”. ICRC khẳng định đã nhiều lần thông báo về các vụ ngược đãi với nhà chức trách, trong báo cáo có đoạn: “Thái độ thời ơ của liên quân và việc không nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác về những người bị tước quyền tự do cho gia đình họ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của lực lượng chiếm đóng với cư dân Irắc”.

Vấn đề ngược đãi tù nhân Irắc của lính Mỹ đã bị nhiều nước lên án, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ. Đài Truyền hình “ Tấm gương” của Đức ngày 14/5/2004 đưa tin lính Mỹ đã tra tấn đến chết một tù nhân Irắc và có trong tay lời tố giác và các tài liệu về sự ngược đãi nhiều tù nhân khác. Chính phủ Italia đã ra tuyên bố kịch liệt lên án lính Mỹ ngược đãi tù nhân và yêu cầu trừng phạt một cách thích đáng những thủ phạm gây ra các vụ việc trên. Ngoại trưởng các nước Nga, Pháp và Canada bày tỏ quyết tâm sẵn sàng thảo luận bất cứ nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc để chấm dứt tình trạng rối loạn hiện nay. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Đan Mạch cũng hết sức bối rối trong việc quyết định có nên kéo dài sự hiện diện của 1000 binh sĩ nước này ở Irắc sau ngày 30/6 hay không? Tại cuộc gặp của các ngoại trưởng nhóm các nước phát triển G8 ở Oasinhtơn cùng thời gian trên, ngoại trưởng Đức Giô-xca Phi-sơ cho biết, trong các cuộc thảo luận, Tổng thống Mỹ Bush đã cam kết rằng, ông ta sẽ theo đuổi đến cùng vụ bê bối này và đưa các thủ phạm ra trước pháp luật, phải chăng đây chỉ là những thủ đoạn nhằm xoa dịu dư luận của nhà cầm quyền Mỹ, khi sự thực về hình ảnh “nhân quyền và văn minh” của Mỹ bị thế giới chê bai. Cũng có lẽ nhờ đó, đợt đầu 315 tù nhân trong tổng số khoảng 3800 tù nhân ở nhà tù Abu-Graib được thả tự do, một số lính Mỹ bị ra tòa và một vài quan chức, tướng lĩnh bị điều chuyển. Tuy nhiên có nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld- người gia lệnh, cho phép quân nhân hạ nhục tù nhân để lấy cung, đang được đích thân Tổng thống Mỹ hết lòng bảo vệ !

Thực tế đó như nhiều nhà phân tích khẳng định, đó là vết nhơ của nước Mỹ về nhân quyền trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

III …và nhân quyền tại Mỹ, những giọng lưỡi đạo đức giả…

Nói về nhân quyền tại Mỹ, đã có nhiều quốc gia lên tiếng phê phán. Điều đáng nói là Mỹ luôn tự cho mình cái quyền phán xét các nước khác về nhân quyền, còn ở ngay tại nước Mỹ thì sao?

– Nước Mỹ là xã hội tràn đầy bạo lực:

Mỹ là nước có số lượng người dân giữ súng đạn nhiều nhất trên thế giới, theo số liệu của Cục điều tra Liên bang Mỹ, trong tháng 9-11/2001, số lượng súng, đạn và chất nổ ở Mỹ tăng từ 9-22%, chỉ riêng tháng 10/2001 có tới 1,02 triệu khẩu súng được đăng ký sử dụng. Bình quân mỗi năm ở quốc gia này có tới 15.000 người bị chết do súng đạn. Cần lưu ý rằng, lịch sử nước Mỹ đã có tới 3 tổng thống bị ám sát, trong đó 2 người bị chết, 1 bị trọng thương. Những cảnh tượng đau lòng xẩy ra do dùng súng đạn xuất hiện thường xuyên, như: Ngày 15/7/2001, một học sinh 15 tuổi của trường trung học thuộc Bang California đột nhiên dùng súng bắn vào bạn học cùng lớp của mình làm 2 học sinh bị chết và 13 người khác bị thương; ngày 7/3/2001 một nữ học sinh 14 tuổi ở Bang Pensynavila đã dùng súng bắn chết bạn học của mình ở ngay trong nhà ăn; ngày 7/9/2001 một người đàn ông dùng súng xông vào một gia đình ở ngoại ô thành phố Los Angeles, bắn chết 3 người, bắn bị thương 2 người khác… các thông tin này được nêu thường xuyên trên các phương tiện thông tin ngay ở Mỹ.

Vấn đề bạo lực trong xã hội Mỹ được coi là căn bệnh kinh niên, năm 1998 tại quốc gia này có tới 12,47 triệu vụ án phạm tội, 1,53 triệu vụ án về bạo lực và 17.000 vụ mưu sát. Như vậy, nếu tính bình quân cứ 100.000 người dân thì có 4.616 vụ án phạm tội, 566 vụ án bạo lực. Từ năm 1977-1996 đã có hơn 400.000 người Mỹ bị mưu sát (con số này lớn gấp 7 lần số lính Mỹ bị chết trong chiến tranh Việt Nam). Một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng bạo lực ở Mỹ là ngay từ bé, thanh thiếu niên đều chịu tác động của những phim ảnh bạo lực. Nghiên cứu một chương trình truyền hình hàng ngày từ 8h-9h tối trong một năm, nội dung bạo lực được đăng tải tăng 78%, ăn nói thô tục tăng 71%. Riêng Hãng Truyền hình Côlômbia được xếp là tương đối sạch sẽ thì mỗi giờ cũng có 3,2 cảnh bạo lực.

– Quyền tư pháp của công dân bị vi phạm nhiều:

Số án tử hình ở Mỹ ngày càng tăng, chỉ tính riêng từ năm 1976 đến nay, theo thống kê của giới chuyên môn, Mỹ đã hành quyết hơn 600 người, trong đó không ít trường hợp bị oan ức. Bên cạnh đó, số người bị giam giữ trong các nhà tù của Mỹ cũng đứng đầu thế giới. Từ năm 1992-2000, có 670.000 người bị đưa vào nhà tù, như vậy cứ 100.000 dân thì có 476 người bị giam giữ. Mỹ lên án các quốc gia khác về tỷ lệ tù nhân trong nhà tù cao, trong khi đó nhà tù ở Bang Caliornia theo thiết kế chỉ chứa được 2.200 người, nhưng hiện nay Mỹ đã giam tới trên 4000 tù nhân.

Bên cạnh đó, nước Mỹ ngày nay càng chứng kiến nhiều hành động phi nhân tính xuất hiện, tháng 2/2002 dân chúng Mỹ cũng như thế giới rất sửng sốt về chuyện 3 công ty hỏa táng ở thành phố Atlanta đều nhận tiền dân thuê hỏa táng cho thân nhân của họ, nhưng cả 3 công ty đều đưa những xác này vào chất đống trong rừng. Người ta phát hiện hành động vô nhân tính này đã diễn ra trong 15 năm qua và ít nhất 300 thi hài đã bị ném vào rừng !

– Tình trạng nghèo đói, vô gia cư ở nước Mỹ ngày càng tăng lên:

Từ năm 1979-1999, sự chênh lệch về tài sản giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp ngày càng tăng lên, chênh lệch bình quân thu nhập của 5% gia đình giầu nhất so với thu nhập bình quân của 20% gia đình nghèo nhất ở Mỹ đã tăng từ 10 lần lên 19 lần. Hiện nay, chỉ với 1% người giầu nhất nước Mỹ đã chiếm 40% tài sản của Mỹ, trong khi đó 80% dân số nước Mỹ chỉ chiếm 16% tài sản. Sự thật ấy có bất công hay không?

Theo Báo cáo hàng năm của Hội nghị Thị trưởng các thành phố Mỹ công bố tháng 12/2001, trong các thành phố chủ yếu của Mỹ số người chịu đói rách, không có nhà tăng nhanh trong năm 2001. Điều tra ở 27 thành phố cho thấy, số người yêu cầu cứu tế thực phẩm đã tăng 23%, yêu cầu khẩn cấp về nhà ở tăng 13%. Ngay Bộ Lao động Mỹ cũng phải thừa nhận, số người sống nhờ vào chế độ cứu tế hiện nay là 4,02 triệu người; hơn 2 triệu người không có nhà ở, ban đêm những người này thường ngủ ở vỉa hè, công viên, trong các thùng xe rác…Một điều nghịch lý là, ở Mỹ giá trị về tính mạng của người giầu và người nghèo rất khác nhau. Theo tờ “ Liberation”của Pháp số ra ngày 9/1/2002 công bố: Quỹ bồi thường Liên bang của Chính phủ Mỹ quy định mức bồi thường cho nạn nhân trong sự kiện 11/9 được căn cứ theo tuổi tác, mức lương và số người trong gia đình, sau đó mới cộng thêm bồi thường về mặt tinh thần, theo đó nếu nạn nhân là phụ nữ thì chồng và 2 con được bồi thường 500.000 USD, ngược lại nếu nạn nhân là nam giới, là nhà quản lý kinh doanh ở phố Wall, thì vợ góa và 2 con của ông ta sẽ được bồi thường lên tới 4,5 triệu USD, thật phi lý làm sao !

– Sự ngược đãi phụ nữ và bạo lực với trẻ em đang ngày càng tăng:

Theo thống kê chính thức của Mỹ, cứ 15 giây thì có một phụ nữ bị đánh, hàng năm có khoảng 700.000 vụ phụ nữ bị cưỡng hiếp. Trong nhà tù, hầu hết các nữ tù nhân thường xuyên bị quấy rối tình dục, bị giám thị cưỡng hiếp. Theo điều tra của Tổ chức Ân xá quốc tế về trẻ em thì ở Mỹ, quyền lợi của trẻ em không được đảm bảo chắc chắn. Mỹ là một trong 2 nước trên thế giới không chịu ký vào Công ước về quyền trẻ em, là một trong 5 nước trên thế giới vẫn thực hiện án tử hình đối với phạm nhân là thiếu niên. Điều đáng nói ở đây là, tình trạng trẻ em bị mất tích ở đây cũng rất nghiêm trọng. Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ công bố năm 2001, năm 1999 có 750.000 trẻ em bị mất tích, chiếm 90% số người bị mất tích trong cả nước, như vậy bình quân một ngày có 2.100 trẻ em dưới 17 tuổi bị mất tích.

– Sự vi phạm nhân quyền ở Mỹ còn thể hiện ở tình trạng phân biệt chủng tộc: Theo Tạp chí “Diễn đàn kinh tế thế giới” số tháng 7+8 năm 2000 cho biết, trong số 535 nghị sĩ quốc hội Mỹ giai đoạn này thì chỉ có 19 nghị sĩ người gốc Mỹ La Tinh có quyền bỏ phiếu chiếm 3,4%, trong khi tỷ lệ người gốc Mỹ La Tinh của dân số Mỹ là 12,5%; người da đen tuy chiếm 13% số dân Mỹ nhưng chỉ chiếm 5% trong số quan chức dân cử. Bên cạnh đó, tỷ lệ người da đen thất nghiệp cao gấp 2 lần so với người da trắng. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, tại Mỹ khi cùng phạm một tội như nhau thì người da mầu bị trừng phạt nặng gấp hai, ba lần người da trắng. Số người da đen bị kết án tử hình do giết người da trắng nhiều gấp 4 lần số người da trắng bị tử hình khi giết người da đen.

Sự thật về nhân quyền ở Mỹ như đã nêu trên là điều đáng hổ thẹn trong thế giới ngày nay, ấy vậy mà Mỹ vẫn phớt lờ, vẫn luôn mồm dùng giọng lưỡi đạo đức giả để nêu ra cái gọi là “báo cáo nhân quyền của Mỹ”. Ngày 17/5/2004 chậm hơn 12 ngày so với dự kiến, bản báo cáo mang tên” Hỗ trợ nhân quyền và dân chủ: “Thành tích Mỹ năm 2003-2004” dài 270 trang cuối cũng đã được công bố, vẫn theo kiểu đạo đức giả như trước, lần này tổng cộng có tới 101 nước trên thế giới theo Mỹ là “có vấn đề về nhân quyền” . Phần nói về Đông á – Thái Bình Dương (dài 27 trang), trong năm 2003 các nước “có vấn đề về nhân quyền”, được Bộ Ngoại giao Mỹ “nhắc nhở” ở khu vực này bao gồm: Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, FiJi, Indonesia, CHDCND Triều Tiên, Lào, Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Thái Lan và Việt Nam… vẫn là những điệp khúc: “ngược đãi, tra tấn tù nhân, thiếu tự do chính trị, bắt cóc, giết người bất đồng chính kiến, o ép người thiểu số…”. Thật là điển hình của thói đạo đức giả, đúng như nhiều nhà bình luận đã nêu, Mỹ khi nói về nhân quyền ở các nước khác trước tiên hãy sờ tay lên gáy mình đã !

_______________________________

Tài liệu tham khảo
– Tài liệu Hội nghị công tác tư tưởng – văn hóa toàn quốc (16/4-18/4/2002)
– Lính Mỹ thường xuyên hạ nhục tù nhân Irắc – Báo cáo của ICRC
– Báo cáo nhân quyền của Mỹ- Tiếng còi lạc điệu (Báo tuổi trẻ)

Theo dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Phản đối việc áp đặt các tiêu chuẩn để trở thành thành viên Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc

21:21 | 05/04/2005

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại cuộc hội thảo “Phản ứng đối với các đề nghị của Tổng Thư ký LHQ về cải tổ Ủy ban nhân quyền LHQ” tổ chức tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), nhiều đại biểu tham dự đã phản đối việc áp đặt tiêu chuẩn để trở thành viên Ủy ban nhân quyền LHQ.

A-xma Gian-han-gi, nhà hoạt động nhân quyền Pa-ki-xtan kiêm báo cáo viên đặc biệt của LHQ, cho rằng việc áp đặt tiêu chuẩn như vậy là “mưu toan nguy hiểm” muốn dán nhãn phê chuẩn trước đối với các nước muốn trở thành thành viên Ủy ban nhân quyền LHQ.

Đại sứ Ai-len bên cạnh Ủy ban nhân quyền LHQ ở Giơ-ne-vơ Me-ri Uê-lân nhấn mạnh rằng bà không đồng ý với nhận xét trong báo cáo của TTK LHQ cho rằng nhiều nước tìm cách trở thành thành viên Ủy ban nhân quyền LHQ để bảo vệ mình và đả kích các nước khác. Bà cho rằng nhận xét này không đúng và là sự phủ nhận những nhân tố tích cực của Ủy ban trong việc xác lập sự hợp tác giữa các nước, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác.

Còn Giáo sư Xtê-phen Tô-pơ, Chủ tịch Nhóm làm việc của LHQ về nhân quyền đã phê phán các nước phương Tây thiếu nghiêm túc khi đưa ra các nghị quyết mới về nhân quyền nhưng không cung cấp các nguồn thông tin phù hợp. Ông kêu gọi LHQ cần đánh giá đúng thực tế về hoạt động Ủy ban nhân quyền LHQ./.

(TTXVN)

Theo dangcongsan.vn
Vkyno (st)

Đạo lý chính trị trong nhân quyền

Việc Hãng AP tố cáo Chính phủ Mỹ trộm dữ liệu điện thoại:
Về mặt đạo lý, những người nhân danh bảo vệ “giá trị Mỹ”, mang sẵn thiên kiến với “chính quyền Cộng sản” đã áp dụng “chuẩn mực kép” (applying double standards) đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được.

Khổng Tử có một danh ngôn mà cả phương Đông và phương Tây đều ngưỡng mộ, đó là “Điều gì mình không muốn thì không nên áp dụng cho người khác”. Trong quan hệ quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, điều này có nghĩa, những vấn đề nhân quyền trong nước mà người dân đang bức xúc, luật pháp quốc gia không cho phép mà ở trong nước chưa giải quyết được thì không nên rao giảng cho các quốc gia khác. Đó là đạo lý chính trị của nền văn minh nhân loại.

Vừa qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, người ta được biết: “Associated Press (AP) tố cáo chính phủ Mỹ ăn trộm dữ liệu điện thoại” với nội dung: Chính quyền Mỹ đã tìm cách nắm thông tin về các nguồn tin mật của AP. Hãng này lên án chính phủ Hoa Kỳ bí mật thu thập dữ liệu các cuộc gọi của phóng viên của họ và xem đây là “sự xâm phạm ở quy mô lớn và chưa từng có”. Bản tin này còn nói rõ: Hôm thứ sáu, ngày 10/5/2013, Giám đốc Điều hành của hãng, ông Gary Pruitt, nói hãng tin của ông đã được cho biết Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thu thập dữ liệu các cuộc gọi đi từ hơn 20 đường dây… Phản ứng về vấn đề này, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Darrell Issa, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ của Hạ viện, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.`

Thượng nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện thì nói: “Tôi rất phiền lòng trước những cáo buộc này và muốn nghe lời giải thích từ chính phủ”. Còn Liên đoàn Quyền công dân Mỹ thì xem đây là hành vi chính quyền “uy hiếp báo chí”.

Liên quan đến câu chuyện trên, người ta nhớ đến quyền giữ bí mật cá nhân ở Anh. Vừa qua, Chính phủ Anh bị Tổ chức Privacy International (Tổ chức Bảo mật Quốc tế) kiện ra Tòa án Tối cao ở London (16/3/2013) về việc một số quan chức Anh liên quan đến Công ty Gamma International – bị tố cáo là đã bán công nghệ theo dõi cá nhân cho một số chính phủ mà người ta gọi là “độc tài” như Bahrain, Ethiopia, Turkmenistan…

Việc cá nhân hay cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ, Anh quốc có vi phạm pháp luật về quyền con người hay không? Vì sao họ làm như vậy? Điều này hãy để các cơ quan pháp lý và người dân ở các quốc gia đó trả lời. Song về mặt đạo lý, những người nhân danh bảo vệ “giá trị Mỹ”, mang sẵn thiên kiến với “chính quyền Cộng sản” đã áp dụng “chuẩn mực kép” (applying double standards) đối với Việt Nam là không thể chấp nhận được. Chẳng hạn trong các báo cáo, nghị quyết, dự luật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong đó người ta lên án, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí. Thậm chí có người cho rằng: Chính quyền Hà Nội bắt bớ, cầm tù nhiều người dựa trên những điều luật “mơ hồ” và họ đòi xóa bỏ Điều 88 về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”; Điều 79 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong Bộ luật Hình sự 1999 của Việt Nam.

Điều đáng tiếc là trong những báo cáo, dự luật, nghị quyết, điều trần, người ta đã cóp nhặt những thông tin đã bị bóp méo, xuyên tạc làm căn cứ.

Trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, dân chủ, nhân quyền đang là một vấn đề cần giải quyết, nhưng đó không phải là một trở ngại không thể vượt qua. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân Việt Nam. Hoa Kỳ có thể đóng góp thiết thực hơn để giải quyết những vấn đề nhân quyền trong “tầm tay” của mình: chẳng hạn, Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn vào việc giúp đỡ nạn nhân chất độc dioxin/da cam; xóa bỏ rào cản thương mại cho cá basa Việt Nam được tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng.

Thiết nghĩ, những nỗ lực của Việt Nam có thể xem là “đủ” đối với những người có thiện chí, thật sự  mong muốn Việt Nam thịnh vượng, người dân được hưởng các quyền con người một cách thiết thực. Tất nhiên, điều đó sẽ không bao giờ là “đủ” đối với những người luôn mang sẵn định kiến đối với “chính quyền Cộng sản Việt Nam”, hy vọng dùng áp lực chính trị, kinh tế và các thủ đoạn khác hòng xóa bỏ chế độ xã hội hiện hữu, đưa Việt Nam sang con đường khác

N.H.
cand.com.vn

Bộ Ngoại giao Mỹ chớ quên những dữ liệu quan trọng này!

(ĐCSVN) –  Hàng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ có Báo cáo về tình hình nhân quyền trên thế giới. Mỹ tự cho mình có  cái quyền được “phán xét” về tình hình nhân quyền của nhiều nước, nhưng lại “quên”, hoặc cố tình quên những hồ sơ nhân quyền của chính nước mình. Những người quan tâm tới vấn đề nhân quyền, xin được lưu ý một số sự việc xẩy ra mới đây, mong rằng Bộ Ngoại giao Mỹ chớ quên những dữ liệu quan trọng này!

Tội phạm bạo lực ngày càng gia tăng ở Mỹ tạo ra nhiều mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống, tài sản và an ninh cá nhân của người dân nước này. Theo tạp chí Newsweek, trong vòng một tháng qua, tại Mỹ đã có 58 người chết vì các vụ tấn công bằng súng. Các phương tiện thông tin của chính nước Mỹ đã thông tin đến bạn đọc của mình một số vụ thảm sát cụ thể như sau: Rạng sáng ngày 4-4-2009, một tay súng đã gây ra vụ bắn giết và bắt giữ hàng chục con tin ở một Trung tâm dịch vụ nhập cư Bing-ham-tơn, New York khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Đây chỉ là vụ mới nhất trong số hàng loạt vụ xả súng giết người hàng loạt tại Mỹ. Sát thủ gây ra vụ thảm sát trên, nhằm để trả thù vì mất việc làm, kém tiếng Anh. Cũng trong ngày 4-4, một người cha bắn chết năm ngưòi con rồi tự sát vào tối thứ bảy. Trong khi hai vụ xẩy ra ngày 4-4, ở New York chưa khép lại thì lại xẩy ra một vụ vừa giết ba cảnh sát. Trước đó đã xẩy ra một vụ có 33 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi một kẻ tấn công vào trường Đại học Công nghệ Virgnia. Ngày 1-1- 2009 (hồi 20 giờ) đã xẩy ra một vụ xả súng giết người hàng loạt tại một Trường trung học ở Chi-ca-gô (CVC) nằm ở phía nam thành phố này. Năm người bị thương nặng, ba người nguy kịch, bốn người thiệt mạng trong hai vụ bắn giết liên tiếp hôm chủ nhật 9-12-2008 tại các Nhà thờ ở bang Co lo ra do. Rồi cũng địa phương trên, ngày 2-2-2009 đã xẩy ra vụ bắn giết tại khu mua sắm làm năm phụ nữ bị chết

Nguyên nhân xẩy ra những vụ xả súng giết người hàng loạt gần đây, đương nhiên do công tác quản lý xã hội quá kém, nhưng cũng có một nguyên nhân quan trong khác là việc Chính phủ cho phép sử dụng súng cá nhân quá rộng rãi. Tòa án tối cao Mỹ xác nhận rằng, người Mỹ có quyền sở hữu và sử dụng súng. Các con số thống kê cho biết, có khoảng 200 triệu khẩu súng cá nhân ở Mỹ, trong đó có từ 60 đến 80 triệu khẩu súng ngắn. Hiện nay đang có câu hỏi cho Chính phủ của Tổng thống B. Obama về việc bao giờ sẽ đưa ra một điều luật hạn chế súng cá nhân, thế nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy đây không phải là ưu tiên của Tổng thống B.Obama, mặc dù ông đã hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử. Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ đã từng nêu các vấn đề khó khăn đối với việc kiểm soát những người không đủ tư cách mua vũ khí, nhất là những loại vũ khí có tính sát thương cao. Những vị lãnh đạo này còn tỏ ra sốt sắng hơn sau những vụ giết người hàng loạt mới đây. Cũng có người lo ngại rằng nghề mua bán vũ khí ở Mỹ đang phát đạt là do dân Mexico tăng cường khả năng tự vệ bằng cách mua súng tại Mỹ để chuyển lậu vào Mexico trong các vụ giữa các tập đoàn buôn lậu ma túy gây bất an cho họ. Tuy nhiên, những nhà vận động cho một cơ chế kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn tại Mỹ đang yên lặng, ngay cả những người trong đội ngũ của Tổng thống B.Obama tại Nhà Trắng cũng vậy. Ông Peter Hamm, Giám đốc truyền thông của chiến dịch Brady ngăn ngừa bạo động do súng nói: “Thật là khó hiểu, ngay cả Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, Ngoại trưởng Hillary Clinton hay Chánh văn phòng Nhà Trắng Rahm Emannuel cũng im lặng về vấn đề kiểm soát súng đạn”.

Khi mà súng đạn còn được tự do sử dụng, thì chẳng có gì đảm bảo chắc chắn rằng, những vụ xả súng giết người hàng loạt như đã từng xẩy ra có thể chẩm dứt tại nước Mỹ này!

Trong khi những vụ xả súng giết người còn đang gây xôn xao dư luận tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, thì mới đây ở Mỹ lại Công bố các kỹ thuật tra tấn của CIA, đã sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố dưới thời Tổng thống Bush, mà Tổng thống Barack Obama đã phải thốt lên: “Đây là một chương đen tối và đau đớn trong lịch sử của chúng ta”!

Bốn bị vong lục công bố ngày 16-4 vừa qua, đã mô tả chi tiết các kỹ thuật tra tấn tàn bạo được CIA sử dụng trong các nhà tù bí mật của mình. Theo New York Times, trong vài chục trang giấy, những kỹ thuật để lấy thông tin từ các nghi can khủng bố được đưa ra chi tiết như việc bắt các nghi can cởi hết quần áo, giội nước lạnh 5oC vào người, không cho ngủ 11 ngày liên tiếp, đặt nghi can vào các thùng tối chật hẹp rồi cho côn trùng vào để gây sợ hãi, tát vào mặt trấn nước để bức cung…Đây là các tài liệu của văn phòng tư vấn pháp lý OLC của Bộ Tư pháp Mỹ từ tháng 8-2002 tới tháng 5-2005. Các biện pháp tra tấn đã được chấp thuận kể từ năm 2002 và một số biện pháp còn được áp dụng tới tận năm 2005 cho đến khi báo giới và truyền thông lên tiếng kịch liệt về việc ngược đãi tra tấn tù nhân của CIA tại các nhà tù bí mật. Theo New York Times, các kỹ thuật này được coi là một trong những tài liệu được giữ tuyệt mật dưới thời chính quyền Bush.
Một số quan chức cao cấp trong chính quyền ông B.Obama, trong đó có Bộ Trưởng Tư pháp Eric H.Holde jr nói, ít nhất trong số 14 biện pháp này (trấn nước) là hành vi tra tấn phi pháp. Theo New York Times, chính Mỹ từng truy tố một số thẩm vấn viên Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ II vì sử dụng biện pháp trấn nước và một số biện pháp khác được nêu trong bị vong lục. Hầu hết các biện pháp tra tấn trên, đã được báo cáo của Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế nêu lên năm 2006 sau khi phỏng vấn 14 nghi phạm từng bị bắt giữ. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên hình thức nhốt vào hộp kín và sử dụng côn trùng để gây sợ hãi được biết đến. Một điều e ngại hơn cho CIA là những tiết lộ mới có thể dẫn tới áp lực yêu cầu điều tra chi tiết các chương trình chống khủng bố của chính quyền Bush hoặc truy tố những người đã tham gia các chương trình tra tấn. Chỉ vài phút sau các bị vong lục được công bố, thượng nghị sĩ Patrick Lealy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thượng viện tuyên bố, các thông tin mới cho thấy chính phủ cần thành lập một ban độc lập để điều tra vụ việc này. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, mặc dù Tổng thống B.Obama chỉ trích chương trình tra tấn tù nhân dã man, nhưng lại nhấn mạnh: “sẽ không được cái gì cả, chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực khi chỉ trích quá khứ”. Ông cũng cho biết, những quan chức CIA làm việc theo chỉ thị của Bộ Tư pháp sẽ không bị truy tố!

Thiết nghĩ chẳng phải bình luận gì thêm, tự bản thân các sự kiện trên đã nói lên tất cả. Chỉ mong rằng những người soạn thảo Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ chớ có “quên” hoặc “cố tình quên và lờ đi” các dữ kiện trên!

Minh Sơn (Tổng hợp)
dangcongsan.vn

Không được lợi dụng nhân quyền làm công cụ chính trị

Hội nghị Bộ trưởng Không liên kết về Quyền con người và Đa dạng văn hoá:

(ĐCSVN)- Trong các ngày từ 3 – 4/9/2007, tại Tê-hê-ran, thủ đô nước Cộng hoà Hồi giáo I-ran đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Không liên kết về Quyền con người và Đa dạng văn hoá (KLK). Tham dự Hội nghị có trên 90 đoàn các nước thành viên, trong đó 56 đoàn ở cấp Bộ trưởng, và 8 đoàn quan sát viên. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran, Mốt-ta-ki đã được bầu làm Chủ tịch Hội nghị.

Hội nghị nhằm triển khai quyết định Hội nghị Thượng đỉnh KLK lần thứ 14 (La Ha-va-na, Cuba – 9/2006) đề cao quan điểm của KLK về tôn trọng chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hoá trong thực hiện các quyền con người, đặc biệt là quyền tự quyết dân tộc và quyền phát triển, góp phần đẩy mạnh đoàn kết, nâng cao vai trò và tiếng nói chung của Phong trào.

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều nước tập trung nhấn mạnh đa dạng văn hoá là di sản chung của nhân loại, tôn trọng đa dạng văn hoá, thúc đẩy đối thoại là cơ sở vững chắc để thực hiện hiệu qủa quyền con người, đồng thời củng cố và tăng cường hoà bình, hữu nghị và hiểu biết giữa các dân tộc. Một số nước bày tỏ lo ngại khuynh hướng bá quyền văn hoá; phản đối chính sách áp đặt quan điểm, giá trị phương Tây, sử dụng nhân quyền làm công cụ chính trị can thiệp, gây sức ép trong quan hệ quốc tế, đe doạ bản sắc, di sản văn hoá đa dạng của các dân tộc, các quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia. Các thành viên đều khẳng định cần tăng cường đoàn kết và phối hợp hơn nữa đề bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Phong trào trên các vấn đề đa dạng văn hoá và nhân quyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng, Trưởng đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh, trong khi thừa nhận giá trị phổ biến của các quyền con người, các nước cần tôn trọng quyền tự quyết lựa chọn và cách tiếp cận và đề nhân quyền phù hợp với các điều kiện thực tế của đất nước mình về trình độ phát triển, về các giá trị đặc thù về văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng tôn giáo. Nhân quyền không được sử dụng làm công cụ chính trị mà cần là yếu tố giúp các nước, các xã hội xích gần lại nhau hơn. Chỉ có thông qua hợp tác và đối thoại chân thành trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, các nước và dân tộc mới có thể hiểu biết, học hỏi lẫn nhau, làm giàu nền văn hoá nhân loại, từ đó thu hẹp sự khác biệt nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người.

Thứ trưởng Lê Văn Bàng khẳng định Việt Nam chủ trương đối thoại, hợp tác và chia sẻ với tất cả các nước trong lĩnh vực văn hoá và nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, Việt Nam cũng kiên quyết phản đối áp đặt về văn hoá nhân danh nhân quyền. Việt Nam đã đi đầu chống lại chủ nghĩa thực dân và đế quốc, giành lại độc lập và quyền làm người. Ngày nay Việt Nam đã và đang phấn đấu để toàn dân được hưởng các quyền về kinh tế, văn hoá và quyền con người. Việt Nam kiên quyết chống lại chính sách ”tiêu chuẩn kép” về nhân quyền. Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ các nước KLK về vấn đề nhân quyền tại LHQ. Đây là vấn đề nguyên tắc. Việt Nam kêu gọi tất cả các thành viên KLK hãy đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và ủng hộ lập trường đúng đắn của Phong trào về vấn đề nhân quyền.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố và Chương trình Hành động, trong đó có sáng kiến thành lập Trung tâm KLK về Quyền con người và Đa dạng văn hoá tại Tê-hê-ran nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác về vấn đề nhân quyền và văn hoá giữa các nước thành viên Phong trào và các nước khác nhằm thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị.

PV
dangcongsan.vn

HRW – phi lý và kỳ quái

Gần đây, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW – viết tắt theo tiếng Anh: Human Rights Watch) là tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở thành phố New York, Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra thông báo, nhận xét sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối, bác bỏ vì nó có quá nhiều điều phi lý đến mức kỳ quái.

Sự phi lý và kỳ quái trước hết ở chỗ: là một tổ chức tư nhân, nhưng HRW lại tự xác định cho mình “chức năng nhiệm vụ” là “giám sát tình hình nhân quyền trên toàn thế giới”. Điều đó có nghĩa là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ các nước bằng cách đưa ra các thông báo phán xét về tình hình nhân quyền, yêu cầu chính phủ nước sở tại phải làm thế này, thế khác để “bảo đảm nhân quyền” theo quan điểm của HRW. Không hiểu vì lý do và động cơ gì mà từ nhiều năm nay, HRW lại có sự “quan tâm đặc biệt” đến tình hình nhân quyền Việt Nam – một dân tộc, một đất nước đã bao lần phải đứng lên đấu tranh, giành quyền sống, quyền làm người từ tay  thực dân, đế quốc xâm lược! Và ngày nay, đang giành được những thành tựu nổi bật trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, đi đầu trong công cuộc “xoá đói giảm nghèo”, thực hiện các “Mục tiêu Thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc, được dư luận thế giới thừa nhận, đánh giá cao. Chỉ riêng trong tháng 3/2011, HRW đã hai lần ra thông báo, kiến nghị tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Sự phi lý và kỳ quái thể hiện rất rõ trong nội dung những thông báo, kiến nghị đó của HRW.

Lần thứ nhất là vào hồi đầu tháng 3/2011, khi biết tin Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh chuẩn bị mở phiên toà phúc thẩm xét xử ba bị cáo, gồm: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương phạm tội “Phá rối an ninh trật tự” nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Điều 89, bộ Luật Hình sự nước Cộng hoà XHCH Việt Nam, HRW đã ra thông cáo yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh huỷ bỏ bản án, trả tự do cho ba bị cáo, vì cho rằng họ chỉ hành động theo đúng “quyền con người”. Dư luận cho rằng, Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã xử đúng người, đúng tội, theo đúng luật pháp Việt Nam. Giả sử, nếu có xử oan sai thì chỉ có Toà án nhân dân tối cao của Việt Nam khi xử giám đốc thẩm mới có quyền huỷ bỏ bản án đó. Ấy vậy mà RHW lại ngang nhiên giành cái quyền đó cho mình. Đó thật là điều phi lý đến mức kỳ quái, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Lần thứ hai là thông báo mà HRW đưa ra ngày 30/3/2011 với tiêu đề “Việt Nam: người Thượng bị đàn áp nghiêm trọng”, trong đó cũng chứa đựng rất nhiều điều phi lý và kỳ quái. HRW “bắc chõ nghe hơi”, dựa trên những thông tin sai lệch, chủ yếu do những phần tử “bất đồng chính kiến”, hoạt động chống phá chế độ cung cấp, đưa ra con số “hàng trăm người Thượng bị kết án tù từ năm 2001 đến nay”, hay “hàng trăm người bị ép buộc từ bỏ đạo Tin Lành Đề-ga” trong năm 2010 đến đầu năm 2011, để rồi kết luận: “người Thượng bị đàn áp nghiêm trọng”, rằng Việt Nam: “đã gia tăng đàn áp giáo dân người dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên, những người lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai”. Rồi họ lớn tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam “phải ngay lập tức công nhận các hội nhóm tôn giáo độc lập và để cho họ thực hành tín ngưỡng của mình”, vì theo họ “tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do theo các tôn giáo được nhà nước phê duyệt mà thôi”. Thật nực cười!

Sự thực là, một số giáo dân thuộc dân tộc thiểu số Tây Nguyên vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật, nhưng HRW với dụng ý xấu đã đánh tráo khái niệm, biến việc đó thành: Việt Nam “đàn áp nghiêm trọng”, hay “gia tăng đàn áp giáo dân người dân tộc thiểu số bản địa vùng Tây Nguyên”. Đây là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật với dụng ý xấu hết sức phi lý và kỳ quát.

Cần khẳng định là ở Việt Nam nói chung, trong đó có Tây Nguyên không thể có chuyện người dân “lên tiếng đòi tự do tôn giáo và đòi quyền sở hữu đất đai” theo đúng luật pháp mà lại bị “đàn áp nghiêm trọng”. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu đúng pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục mà làm những việc sai trái, chính quyền luôn kiên trì giải thích, nhắc nhở để họ không tái phạm, chứ không hề có chuyện bắt bớ, tù đày, “đàn áp nghiêm trọng” như HRW vu cáo. Chỉ những kẻ chủ mưu phá rối trật tự, an toàn xã hội, bất chấp những lời khuyên răn, cảnh cáo, cố tình phạm pháp đến mức nghiêm trọng mới bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Thử hỏi HRW có tư cách gì, có quyển uy gì mà ra lệnh cho Việt Nam – một quốc gia có chủ quyền phải “ngay lập tức” làm theo ý chí, theo quan điểm “tự do tôn giáo” của họ! Điều này cũng thật phi lý và kỳ quái.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều có đầy đủ các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Đây cũng là lẽ thông thường, bởi bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, kể cả Mỹ cũng đều làm như vậy. Hơn nữa, có thứ tự do, dân chủ nào ở các nhà nước pháp quyền hiện nay mà lại không nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được bảo đảm bằng pháp luật? Cái thứ “tự do ngoài vòng pháp luật” mà HRW đưa ra chỉ có thể là thứ tự do của các loại tội phạm, của chủ nghĩa khủng bố đang bị cả loài người lên án! Tiếp tay, cổ vũ cho thứ tự do như thế thì chẳng phải là phi lý và kỳ quái lắm sao!

Pháp luật Việt Nam không cho phép những thứ tự do làm hại, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân, sự ổn định, phát triển của đất nước. Pháp luật Việt Nam không thừa nhận những thứ tà đạo có hại cho người dân, hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, núp dưới danh nghĩa đạo này, đạo kia để hoạt động chống phá đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Vào cuối năm 1992, một số thế lực phản động ở trong và ngoài nước do Ksor Kơk cầm đầu bịa ra cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập” và “Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên nhằm tuyên truyền, kích động cho sự chia rẽ, ly khai, gây bạo loạn ở một số nơi. Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là “Nhà nước Đề-ga độc lập”, coi đây là âm mưu chia cắt sự toàn vẹn lãnh thổ và gây mất an ninh trật tự của đất nước và khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “Đạo Tin lành Đề-ga” ngoài đạo Tin lành đã tồn tại ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Bởi vì “Tin lành Đề-ga” thực chất là một tổ chức chính trị dưới vỏ bọc tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động với mục tiêu thành lập “Nhà nước Đề-ga độc lập” ở Tây Nguyên. Giờ đây, HRW vu cáo Việt Nam “ép buộc hàng trăm người phải từ bỏ đạo Tin lành Đề-ga”, rõ ràng đã để lộ rõ ý đồ can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động chủ nghĩa ly khai, muốn làm sống lại thây ma “Nhà nước Đề-ga độc lập” mà nhân dân Việt Nam đã chôn vùi từ lâu.

Việc Nhà nước \/iệt Nam không thừa nhận cái gọi là “Tin lành Đề-ga” không có nghĩa là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, hay đàn áp tôn giáo, “vi phạm nhân quyền” như HRW cùng các thế lực thù địch thường rêu rao. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là “Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, và không tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được quy định và bảo đảm trong Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước và trên thực tế. Tháng 2 năm 2007, Việt Nam công bố “Sách trắng về tôn giáo”, trong đó nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo… Đại đoàn kết toàn dân tộc với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung.”

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo…, đều có mặt ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó khoảng 20 triệu tín đồ của 6 tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành, Hồi giáo) đang hoạt động bình thường, ổn định, chiếm 25% dân số. Cho đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận tư cách pháp nhân cho 15 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét theo tinh thần của “Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”. Có thể khẳng định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam: Riêng tại Tây Nguyên, có 21 dân tộc thiểu số (khoảng 1,5 triệu người), trong đó có gần 300 ngàn người theo Công giáo và gần 400 ngàn người theo đạo Tin lành đều sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường; số còn lại không theo đạo nào, nhưng tất cả đều được bình đẳng, đều được thụ hưởng sự ưu tiên đặc biệt trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Theo thống kê năm 2010, trong khi kinh tế cả nước tăng trưởng khoảng 6,3% thì khu vực Tây Nguyên tăng trưởng 11,9%, giá trị tổng sản phẩm tăng 2,8 lần; tổng thu ngân sách năm 2010 tăng bảy lần so với năm 2001. Trên cơ sở đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ đói nghèo không ngừng giảm. Đồng bào từ cuộc sống du canh, du cư hiện nay đã tiến tới định canh, định cư, trồng lúa nước, cao su, cà phê. Mô hình các gia đình người dân tộc thiểu số có vài héc-ta cà phê, nhà cửa khang trang, có đủ máy móc, công cụ sản xuất; phương tiện nghe nhìn, giao thông hiện đại không còn hiếm thấy. Hằng năm, Trường Đại học Tây Nguyên đón nhận hàng trăm con em đồng bào các dân tộc thiểu số vào học; hàng chục, hàng trăm bộ Sử thi Tây Nguyên được phục hồi, bảo tồn; “Không gian văn hoá cồng chiêng” được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại; các đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương phát bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… Đó là bức tranh thực tế rất sinh động về nhân quyền ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên của Việt Nam. Tiếc thay, HRW lại không hề đề cập tới!

Chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, mang đầy tính nhân văn và quyền con người. Tuy nhiên, các vấn đề dân tộc, tôn giáo là hết sức phức tạp, nhạy cảm; việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo có lúc, có nơi còn chưa đúng, chưa đầy đủ là điều khó tránh khỏi. Dù thế nào thì những luận điệu “Việt Nam không có tự do tôn giáo”, hay “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp người dân tộc thiểu số Tây Nguyên”…, là hết sức phi lý. Đảng, Nhà nước Việt Nam là của dân, không bao giờ hành động như vậy. Bởi vì, nếu làm thế thì Việt Nam làm sao có được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo để mà chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh vệ quốc trước đây và sự ổn định, phát triển cùng những thành tựu trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước như hiện nay!

Đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ nhân quyền là việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả, hàng triệu con người trên thế giới đã và đang làm việc đó một cách thật sự và công tâm, không thiên lệch, không vụ lợi và cũng không ngạo mạn tự cho mình như một quan toà tối cao muốn phán xét nước nào tùy hứng. Nhân loại tiến bộ không thể đồng tình, không thể dung thứ cho những kẻ lợi dụng vấn đề nhân quyền, giương chiêu bài “bảo vệ nhân quyền” để làm những điều phi lý và kỳ quái như HRW.

Nếu gọi là có vấn đề nhân quyền thực sự và gây nhức nhối lương tâm loài người ở Việt Nam, thì đó là hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin và hàng triệu nạn nhân bom mìn do cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại, mà hiện nay Việt Nam và Mỹ đang phải giải quyết. Nếu HRW thực sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì hãy quan tâm, góp phần giải quyết vấn đề này, thay vì thỉnh thoảng lại “chọc gậy bánh xe” đưa ra những báo cáo, chỉ trích hết sức phi lý và kỳ quái về nhân quyền, tự do tôn giáo đối với Việt Nam./.

(Theo tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Mối quan hệ giữa toàn cầu hoá kinh tế và dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế hiện nay

Toàn cầu hoá kinh tế (TCH KT) thực chất là một quá trình quốc tế hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất, nhờ những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu.

Như vậy có thể nói, TCH KT là bước tiến bộ vượt bậc của văn minh loài người, là xu thế khách quan của thời đại, tạo cho các quốc gia-dân tộc những cơ hội, điều kiện thuận lợi mới vô cùng quan trọng cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tham gia hội nhập vào quá trình TCH KT đã trở thành yêu cầu cấp thiết cho sự tồn tại và phát triển của các nước. Nhưng quá trình TCH KT đang diễn ra hiện nay, khi mà trình độ phát triển của các nước rất không đồng đều, một số nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ do có ưu thế gần như tuyệt đối về kinh tế, về khoa học-công nghệ, nên đang nắm giữ vai trò chủ đạo, thao túng, chi phối ”luật chơi”, biến TCH KT thành “sân chơi” bất bình đẳng, bất công, chứa đựng thiều thách thức, nguy cơ đến sự an nguy và tồn vong cho các nước, nhất là các nước đang phát triển và chậm phát triển. Sự bất bình đẳng và bất công trước tiên phải kể đến là sự bất bình đẳng về lợi ích mà các nước được hưởng nhờ TCH KT đem lại thể hiện rất rõ ở tình trạng phân hoá ngày càng sâu sác về mức sống và điều kiện sống giữa các tầng lớp người ở các nước, các khu vực và trên toàn thế giới. Theo báo cáo của các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) và kể cả của Ngân hàng Thế giới (WB), của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) thì trong những thập kỷ gần đây, tình trạng phân hoá giầu nghèo trên thế giới đang có chiều hướng ngày càng tăng. Nếu như tỷ lệ chênh lệch giữa thu nhập của 5% số người giầu nhất và 5% số người nghèo nhất năm 1960 là 3011, năm 1990 là 6011, thì hiện nay tỷ lệ đó là khoảng trên 8011. Các nước công nghiệp phát triển với 20% dân số thế giới hiện chiếm giữ 80% GDP toàn cầu, trong khi đó các nước nghèo nhất cũng chiếm 20% dân số thế giới chỉ được hưởng có 1% GDP của thế giới. Như vậy rõ ràng hoàn toàn không phải như luận thuyết mà một số học giả phương Tây cho rằng, trong TCH KT, ”các bên cùng thắng”, ”tất cả cùng thắng”, mà TCH KT hiện nay (do một số nước tư bản phương Tây chi phối), chỉ đem lại cho một số nước giầu, một số nước tư bản phát triển những khoản lợi nhuận khổng lồ, còn số đông các nước còn lại, nhất là các nước đang phát triển, chậm phát triển được hưởng phần lợi ích rất nhỏ, không đáng kể; thậm chí một số nước nghèo còn bị loại ra rìa của quá trình TCH KT. Nghĩa là trên thế giới hiện nay, chỉ có một nhóm người được hưởng những điều kiện của cuộc sống văn minh hiện đại do TCH KT đem lại, còn tuyệt đại đa số nhân dân đang phải sống trong tình cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Một thống kê mới đây của LHQ cho thấy, trên toàn thế giới hiện có trên 1 tỷ người nghèo, trong đó hơn 800 triệu người thiếu ăn và hằng năm có khoảng 80 triệu người chết đói. Tình trạng phân hoá giầu nghèo cũng diễn ra sâu sắc ở ngay trong những nước tư bản phát triển nhất. Ở những nước này, bên cạnh tầng lớp giầu có được đặc quyền, đặc lợi, sống trong dư thừa với những điều kiện đảm bảo tốt nhất, văn minh nhất (tất nhiên tầng lớp này chiếm số ít), cũng đang tồn tại những tầng lớp người nghèo khổ, sống ”dưới đáy” xã hội, mà người ta thường dè bỉu, gọi mỉa mai đó là ”thế giới thứ tư”.

Đói nghèo đã trở thành vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu cộng đồng quốc tế, đứng đầu là LHQ đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng xem ra cuộc chiến chống đói nghèo vẫn còn là cuộc chiến lâu đài và vô cùng nan giải. Tình trạng đói nghèo trên thế giới càng bị trầm trọng thêm, khi sức ép mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại trong quá trình TCH KT, có nguy cơ biến các nước đang phát triển, chậm phát triển thành thị trường lệ thuộc tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, nguy hiểm hơn là trở thành ”các bãi rác” thải công nghiệp cho các nước công nghiệp phát triển. Bất công hơn nữa, các nước đang phát triển và chậm phát triển còn phải hứng chịu những hậu quả xấu từ sự suy thoái, xuống cấp của môi trường sinh thái, dịch bệnh, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do lượng khí thải độc hại từ các nhà máy của các nước công nghiệp phát triển gây ra, mà không hề được quan tâm đến hay được đền bù thoả đáng. Và tất nhiên do trình độ kém phát triển nên việc giải quyết các hậu quả kể trên đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển cũng khó khăn hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Nhiều quốc gia châu Phi hiện đang bất lực trước sự hoành hành của nạn dịch bệnh AIDS, sự suy kiệt nguồn nước sạch và tình trạng sa mạc hoá.

TCH KT trong điều kiện các nước tư bản phát triển nắm giữ ưu thế chủ đạo không những không thể giải quyết được mà đang làm cho tình trạng đói nghèo trên thế giới thêm sâu sắc, khoảng cách giầu nghèo ngày càng lớn hơn, mà người phải hứng chịu những hậu quả đáng buồn này tất nhiên không phải ai khác, chính là nhân dân các nước nghèo, các nước đang phát triển, chậm phát triển. Thêm vào đó, quá trình TCH KT này cũng đang đặt quyền về chủ quyền quốc gia, về quyền tự quyết dân tộc của các nước đang phát triển và chậm phát triển trước những thách thức mới to lớn không thể xem thường. Dưới sức ép của chủ nghĩa tự do mới -một biến tướng của CNTB hiện đại- trong TCH KT với nội dung cốt lõi là tư nhân hoá triệt để, thị trường tự do phi điều tiết, lại trong điều kiện tiềm lực và sức cạnh tranh yếu kém, có nguy cơ đẩy các nước đang phát triển và chậm phát triển thành thị trường lệ thuộc vào vốn đầu tư, nguồn tài chính của nước ngoài; nghiêm trọng hơn, trở thành những con nợ của các nước tư bản phát triển. Sự phụ thuộc về kinh tế không thể không dẫn đến sự phụ thuộc về chính trị và các mặt khác. Nhiều người gọi đây là hình thức xâm lược mới (”xâm lược mềm”) của các nước tư bản phát triển đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển trong thời kỳ TCH KT. Đặc trưng của hình thức bị ”xâm lược mềm” là, quốc gia về danh nghĩa vẫn còn biên giới lãnh thổ, nhưng thực chất độc lập tự chủ thì không còn, quốc gia-dân tộc không còn quyền tự quyết định vận mệnh tương lai của mình. Các nước đang phát triển và chậm phát triển cũng có thể bị ”thua tại sân nhà” bởi sự thâm nhập của các nền văn hoá ngoại lai không lành mạnh thông qua mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, làm hư hỏng tầng lớp thanh, thiếu niên- những người làm chủ tương lai của đất nước, nếu như trong quá trình hội nhập không chú trọng giáo dục lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự lực tự cường, giữ vững bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Cuộc “xâm lược mềm” của các nước tư bản phát triển đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển diễn ra lâu dài thầm lắng, luồn sâu, bám chắc vào mọi mặt đời sống, mọi tầng lớp xã hội; chiến tuyến và đối tượng đều không rõ ràng, khó nhận biết. Chính vì thế nên tính chất của “xâm lước mềm” vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, các nước đang phát triển và chậm phát triển còn phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn là bị một số nước tư bản phương Tây can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ, dựa trên luận thuyết mới của CNTB trong thời kỳ mà họ gọi là ”ngôi làng toàn cầu”, là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, ”nhân quyền không biên giới”. Các nước tư bản phương Tây này còn trắng trợn đòi được quyền tiến công vào bên trong lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền để thực hiện cái gọi là can thiệp ”nhân đạo”, bảo vệ nhân quyền và giải tỏa tai họa. Nhân quyền được đề cập đến ở luận thuyết này tất nhiên là nhân quyền của phương Tây và cứ theo luận thuyết này thì bất cứ nước nào, quốc gia nào không theo, không thực hiện dân chủ theo giá trị của phương Tây thì đều có thể bị họ dùng sức mạnh kinh tế, chính trị, thậm chí dùng sức mạnh quân sự tiến công, do đó họ đã chà đạp lên quyền tự do dân chủ của nhiều quốc gia, dân tộc.

Đối với nhân loại, TCH KT trong điều kiện các nước tư bản phát triển đang thao túng đã thực sự là cuộc đấu tranh và dân chủ, nhân quyền là một mặt trận trọng yếu. Các hội nghị nhân quyền thế giới tổ chức những năm gần đây đều nhất trí cho rằng, việc thực hiện nhân quyền phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Đây là điều kiện đầu tiên và cũng là điều kiện tiên quyết của nhân quyền. Không có chủ quyền quốc gia thì cũng không có nhân quyền. Việc bảo đảm nhân quyền liên quan đến hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi nước. Nghĩa là, các nước căn cứ vào đặc thù về kinh tế, chính trị-xã hội, về truyền thống văn hoá của đất nước mình để hiện thực hoá các giá trị phổ biến của nhân quyền. Các nước đều có quyền tự quyết định chế độ chính trị, kiểm soát và tự do sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tự do theo đuổi đường lối phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của mình. Các quyền của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ của cá nhân đó đối với đất nước, nhân dân và nhà nước của họ. Đồng thời, cũng chỉ rõ, nhân quyền của phương Tây, mà theo đó quyền con người chỉ tồn tại với ý nghĩa là quyền tự do cá nhân, tuyệt đối ”thờ phụng” tự do cá nhân trong mọi điều kiện, ở mọi khu vực, và quyền tự quyết chỉ tồn tại với ý nghĩa là quyền tự quyết của một nhóm người, là không thể đại diện cho tính phổ biến của nhân quyền trên thế giới và việc phương Tây cố tình áp đặt giá trị nhân quyền của họ đối với các nước là một trong những nguyên nhân làm bùng phát những xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo hiện nay trên thế giới.

TCH KT trong điều kiện các nước tư bản phương Tây đang chi phối, thao túng và dân chủ, nhân quyền phương Tây mà họ đang rêu rao không nhằm mục tiêu nào khác là thực hiện bằng được TCH CNTB. Ở đây cần nhận thức sâu sắc rằng, tham vọng TCH CNTB sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, bởi chính những mâu thuẫn của CNTB được TCH tạo ra ngày càng trở nên gay gắt trên quy mô thế giới, dẫn đến TCH cuộc đấu tranh chống tư bản lũng đoạn quốc tế. Hơn nữa, chính ”chủ nghĩa tư bản (cũng) chống chủ nghĩa tư bản” quyết liệt trên thương trường, điều này sẽ ngăn cản khả năng nhất thể hoá thế giới theo hướng TBCN. Những năm qua, phong trào chống TCH KT TBCN, với tư cách một lực lượng chính trị trên vũ đài chính trị thế giới, đang ngày càng phát triển, hoạt động với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú, hiệu quả. Hẳn mọi người đều nhớ hàng trăm cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ với sự tham gia của hàng chục vạn người nổ ra mới đây ở Niu Y-oóc, ở Oa-sinh-tơn (Mỹ), ở Luân Đôn (Anh) và ở nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, phản đối mưu đồ, thủ đoạn của CNTB, CNĐQ lợi dụng TCH KT để thống thị thế giới, đang làm thế giới trở nên bất công, bất bình đẳng, mất dân chủ và mất ổn định. Trong hội nhập quốc tế, các nước thực hiện chính sách hội nhập kinh tế với những lộ trình, bước đi phù hợp với khả năng và yêu cầu của đất nước, trên cơ sở phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của quốc gia, hội nhập kinh tế gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác khu vực, liên khu vực, quốc tế trong cuộc đấu tranh cho một TCH KT chân chính, mà trong đó mọi quốc gia-dân tộc đều có quyền độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, tự quyết định chế độ chính trị-xã hội của mình, có quan hệ bình đẳng và tiếng nói ngang nhau trong giải quyết các vấn đề quốc tế, vì mục tiêu chung xây đựng một thế giới hoà bình, ổn định, dân chủ hợp tác và phát triển.

Theo Đồng Đức, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tháng 11/2004