QĐND – Trong gần 5 năm tiến hành đàm phán để đi đến thắng lợi cuối cùng ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, có rất nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử ngoại giao Việt Nam. Từ thỏa hiệp nhỏ nhất như chọn bàn đàm phán (tròn hay vuông) cho đến thỏa hiệp lớn nhất về chấm dứt chiến tranh, tất cả vẫn còn in đậm trong tâm trí những người tham gia buổi tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Hiệp định Pa-ri 1973: 40 năm nhìn lại” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tại Hà Nội, hôm 17-1.
“Điểm cộng lớn” cho đoàn đàm phán
Từng là sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp trong những năm 60 của thế kỷ trước, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội là người có nhiều cơ hội tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giúp đỡ bà Bình một số việc trong quá trình đàm phán.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Hồi tưởng lại quá khứ hào hùng 40 năm về trước, với chất giọng Huế nhẹ nhàng, bà Ninh cho biết, không khí ở Pa-ri những năm 60 của thế kỷ trước thật đặc biệt. “Khi đó, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang ở đỉnh cao. Chúng tôi, những sinh viên, sau đó là những giảng viên tại Pa-ri, cũng hồ hởi tham gia vào phong trào này. Có những người hy sinh việc học tập để tham gia vào các phong trào giải phóng dân tộc như in và rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, hậu thuẫn cho phái đoàn của ta ở Pa-ri. Có người đến 4, 5 năm vẫn chưa tốt nghiệp được. Đối với chúng tôi khi đó, bằng cấp là thứ yếu. Công việc chủ yếu của chúng tôi là kiếm sống để tham gia phong trào giải phóng dân tộc”, bà Ninh cho hay.
Nhắc đến Hiệp định Pa-ri, không thể không nói đến vai trò đặc biệt của nữ Trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Thị Bình. Bà Ninh cho biết, việc cử bà Bình là phụ nữ duy nhất làm Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tham gia đàm phán khiến những người không hiểu về Việt Nam cho rằng, người phụ nữ đó chắc chỉ biết ngồi đọc tuyên bố chứ làm gì có tài đàm phán và biết tranh thủ dư luận.
Thế nhưng, suy nghĩ ấy đã nhầm. Sự xuất hiện của bà Bình ở Pa-ri đã là “điểm cộng lớn” cho đoàn đàm phán của ta, tạo lợi thế trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận thế giới, đặc biệt là đối với báo chí. Bà đã tạo ấn tượng khi thể hiện là người có thể kết hợp “cương-nhu” mà chúng ta áp dụng trên bàn đàm phán. Bà có phong cách đi đứng nhanh nhẹn, nói năng, đối đáp, xử trí linh hoạt. Thêm vào đó, bà sử dụng tiếng Pháp lưu loát, hiểu biết sâu rộng về tiếng Anh. Có thể nói, bà Nguyễn Thị Bình là một trong những “át chủ bài” của đoàn đàm phán Việt Nam. Bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ “kép” của một trưởng đoàn là đàm phán, đồng thời tranh thủ dư luận. Nói theo cách nhận xét của bà Ninh, bà Nguyễn Thị Bình đã góp phần quan trọng tạo ra “phong thái ngoại giao Việt Nam”, đàng hoàng, tự tin, cần thì rất cương quyết, nhưng đồng thời cũng mềm mỏng và uyển chuyển.
Vì sao chọn Pa-ri là địa điểm đàm phán?
Để Mỹ và Việt Nam đi đến giai đoạn cuối cùng là ký Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973, hai bên đã phải trải qua những cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng. Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hội nghị ở Pa-ri có những đặc điểm mà các hội nghị quốc tế khác không có. “Chúng tôi mất hơn một tháng để lựa chọn địa điểm, mất hơn hai tháng để giải quyết vấn đề bàn vuông hay bàn tròn”.
Giáo sư Giăng Crít-tốp-phơ Nô-en (Bộ Ngoại giao Pháp) phát biểu tại Hội thảo.
Giải thích vì sao lựa chọn Pa-ri là địa điểm đàm phán, ông Huỳnh cho biết, ban đầu Mỹ yêu cầu Việt Nam mở hội nghị tại Viêng Chăn vì lúc đó chính quyền Viêng Chăn thân Mỹ. Chúng ta đề nghị tổ chức ở Phnôm Pênh bởi khi đó Quốc vương Xi-ha-núc ủng hộ cách mạng Việt Nam. Mỹ tiếp đó đề nghị một loạt nước ở Đông Nam Á có quan hệ với Mỹ. Việt Nam phản đối và đề nghị tổ chức ở Ba Lan, Liên Xô và Trung Quốc. Việt Nam đề nghị Ba Lan có nhiều ý nghĩa, đó là đối chọi với Mỹ, đồng thời cũng tranh thủ các nước XHCN đã giúp đỡ Việt Nam. Mỹ phản đối Ba Lan và sau đó đưa ra 11 nước ở khắp các châu lục trên thế giới… “Trong tổng số 20 nước mà Mỹ đề nghị lại không có Pháp. Chúng ta đã nghiên cứu hiện tượng này và tiến hành thăm dò quan điểm của Pháp. Pa-ri cho biết, họ ủng hộ ý kiến của ta. Vì vậy, sau một tháng cân nhắc, chúng ta thông báo cho Mỹ đề nghị chọn Pa-ri là địa điểm đàm phán và cử Bộ trưởng Xuân Thủy sang đàm phán. Đề xuất này cuối cùng được Mỹ chấp thuận. Chọn được Pa-ri là rất thuận lợi cho Việt Nam về mặt vị trí và phối hợp để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế”, ông Huỳnh nhớ lại.
Câu chuyện “nhỏ”, ý nghĩa “lớn”
Những câu chuyện kể về nghệ thuật “đánh-đàm” của những người từng có mặt ở Pa-ri những năm 1960-1970 khiến các học giả quốc tế đến từ Pháp, Mỹ tham dự hội thảo đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả thực, đối với họ, Hiệp định Pa-ri mà họ biết đến hầu hết là qua những trang tài liệu, sách báo ở các thư viện nước ngoài. Nhưng những câu chuyện “nhỏ” có ý nghĩa “lớn” này thì không phải lúc nào họ cũng có dịp được nghe.
Giáo sư Pi-e Giuốc-nu (Pierre Jourrnoud), thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp, Học viện Quốc phòng Pháp, cho biết khi các cuộc đàm phán được diễn ra tại Pa-ri, giới ngoại giao Pháp đã gợi ý về các giải pháp mang tính nhân nhượng và thỏa hiệp để tìm lối thoát cho cuộc chiến và kết tội tất cả những ai nuôi tham vọng leo thang chiến tranh, đặc biệt là chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh của Ních-xơn và các trận ném bom xuống Hà Nội-Hải Phòng vào tháng 12-1972. “Hiệp định Pa-ri đã thể hiện một trong những nguyên tắc mà chính quyền Pháp bảo vệ và một số thỏa hiệp theo gợi ý của giới ngoại giao Pháp”, Giáo sư Giuốc-nô cho hay.
Giáo sư Pi-e A-xơ-lanh (Pierre Asselin), tác giả cuốn sách “Nền hòa bình mong manh”, cho biết, ông thật sự ngưỡng mộ về tài trí của Việt Nam trong quá trình đàm phán ở Pa-ri. Nó góp phần giúp ông hiểu được vì sao người Việt Nam luôn tự hào về chiến thắng này. Mặc dù ông A-xơ-lanh còn có một số nhận xét trái chiều về Hiệp định Pa-ri, song ông A-xơ-lanh khẳng định rằng, nhờ có Hiệp định Pa-ri, hòa bình đã lập lại trên đất nước Việt Nam là điều không thể bàn cãi.
Bài và ảnh: Linh Oanh
qdnd.vn