Từ thắng lợi chiến trường đến thắng lợi ngoại giao

Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973 / 27-1-2013)

Kỳ 1: Làm lung lay ý chí xâm lược

QĐND – Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri 40 năm về trước có ý nghĩa về quân sự, chính trị và đối ngoại to lớn. Thắng lợi lịch sử này là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự thất bại của quân đội Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn; tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc của ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đi đến thắng lợi hoàn toàn…

Nêu cao chính nghĩa

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân miền Nam, ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ðể cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược, từ “chiến tranh đặc biệt” chuyển thành “chiến tranh cục bộ”, thực chất là “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh. Một mặt, Mỹ ồ ạt đưa quân chiến đấu vào miền Nam, mặt khác, tiến hành leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Về phía ta, ngay từ đầu, Ðảng ta đã nhận định rằng, Mỹ buộc phải “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh là vì chúng đang ở trong thế bị động về chiến lược. Mặc dù Mỹ đưa vào miền Nam mấy chục vạn quân và đánh phá ác liệt miền Bắc, nhưng so sánh lực lượng giữa ta và địch không có thay đổi lớn. Ta có cơ sở chắc chắn để giữ vững thế chủ động trên chiến trường, đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch. Trên thực tế, Mỹ càng leo thang chiến tranh thì càng vấp phải những đòn giáng trả mãnh liệt của ta. Về mặt chính trị, ta nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến đấu, bóc trần bộ mặt xâm lược và tính chất nguy hiểm của các hành động leo thang chiến tranh cùng thủ đoạn đàm phán hòa bình giả hiệu của Mỹ. Ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt vô điều kiện mọi hành động chiến tranh chống miền Bắc.

Quân giải phóng trên đường vào Huế trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong Xuân Mậu Thân 1968 cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Ðêm ngày 31-3-1968, phát biểu ý kiến trên đài truyền hình Mỹ, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thừa nhận thất bại trong Xuân Mậu Thân và thông báo, đã ra lệnh chấm dứt mọi cuộc tiến công bằng máy bay và tàu chiến chống miền Bắc Việt Nam, trừ khu vực phía bắc khu phi quân sự. Ông ta còn cam kết “sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường xuống thang” và không ra tranh cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trước tình thế đã thay đổi có lợi cho ta, bằng một đòn tiến công ngoại giao mới, ta chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ bắt đầu tại Pa-ri. Gần sáu tháng sau đó, hai bên đi đến thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước VNDCCH từ ngày 31-10-1968, đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập tại Pa-ri một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: VNDCCH, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (sau này là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

“Vừa đánh, vừa đàm”

Ngày 25-1-1969, Hội nghị Pa-ri về Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”. Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: Giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; giữa hòa bình với chiến tranh. Ðó là cuộc đối thoại giữa hai lực lượng đối đầu trên chiến trường, một bên là lực lượng xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế yếu về chính trị, tinh thần; một bên là lực lượng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị-tinh thần, chính nghĩa. Ðó còn là cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao, một bên là nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường; một bên là nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Ở Pa-ri đã diễn ra một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau.

Cả ta và đối phương đều đến hội nghị với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ cũng nói muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Có nghĩa là Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ không làm được trên chiến trường.

Lập trường bốn bên, mà thực chất là của hai bên, Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn hội nghị, đến mức nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong thời gian này, trên chiến trường, cả hai bên Việt Nam và Mỹ đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Phía ta, coi Hội nghị Pa-ri không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường mà còn là một mặt trận. Mặt trận ấy không chỉ có ý nghĩa tuyên truyền cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam, mà còn đem lại sự xác nhận những kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Theo đánh giá của phía VNDCCH thì: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.

Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Cam-pu-chia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ… trong năm 1972 đã làm quân Mỹ – ngụy bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán.

Ngày 8-10-1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22-10-1972, phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định thực hiện chủ trương có ý nghĩa chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ của “Việt Nam hóa chiến tranh”, nghĩa là “Mỹ hóa” trở lại một phần cuộc chiến tranh. Ngày 6-4-1972, Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam và trở lại đánh phá miền Bắc.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần này, Mỹ thực hiện leo thang nhanh, đánh phá với cường độ cao trên cả hai miền Nam, Bắc và coi đó là một biện pháp quyết định. Theo đó, từ đầu tháng 4 đến tháng 5-1972, Mỹ đã huy động tới hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật (1300 chiếc), 45% máy bay ném bom chiến lược B-52 (150 chiếc), 60 tàu chiến, trong đó có 5 tàu sân bay và 5 tàu tuần dương. Chỉ tính riêng lực lượng không quân Mỹ đánh Việt Nam gần bằng lực lượng không quân của ba nước mạnh nhất Tây Âu lúc đó là Anh, Pháp và Tây Đức cộng lại. Với quyết định quay trở lại đánh phá miền Bắc, Tổng thống Mỹ Ních-xơn hy vọng sẽ bóp nghẹt miền Bắc, cắt đứt nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào miền Nam Việt Nam, làm cho miền Bắc suy yếu, buộc phải thương lượng với Mỹ trên thế thua.

Đánh giá đúng tình hình, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ đạo tập trung đập tan những cố gắng quân sự cuối cùng của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri. Đảng ta nhận định: Mỹ trắng trợn gây trở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân trên quy mô lớn, nhằm hạn chế thắng lợi của quân dân miền Nam, hòng cứu vãn tình thế suy sụp của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cố giữ cho cục diện chiến trường miền Nam không xấu hơn nữa đối với chúng. Từ kinh nghiệm của cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Đảng chỉ đạo miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Lực lượng phòng không kiên quyết giáng trả không quân Mỹ những đòn đích đáng.

———-

(còn nữa)

Thượng tướng LÊ HỮU ĐỨC, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
qdnd.vn

Advertisement