Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973 / 27-1-2013)
Kỳ 2: Mỹ lật lọng và hành động của chúng ta
Nhận định chính xác
QĐND – Tháng 2-1971, sau khi đánh giá những thắng lợi của cả hai miền đã đạt được, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 19 khóa III đã phân tích tình hình và dự báo âm mưu, thủ đoạn sắp tới của đế quốc Mỹ trên cả hai miền Nam-Bắc: “Trên chiến trường miền Nam, chúng sẽ ráo riết “bình định” giành giật quyết liệt với nhân dân ta và phá hoại các vùng giải phóng; đồng thời, chúng sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới, tìm cách liều lĩnh mở những cuộc phản công cục bộ, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam”. Hội nghị khẳng định: “Chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này. Phải động viên sự cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền nước ta, ra sức thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn…”.
Năm 1972, cả Việt Nam và Mỹ đều nhận định là năm quyết định cho cuộc chiến tranh. Vì vậy, các cuộc đàm phán dần đi vào thực chất, càng về cuối càng có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, hai bên vẫn chưa thực sự đi vào đàm phán, vẫn nỗ lực trên chiến trường và thăm dò nhau trên bàn hội nghị. Cuộc gặp riêng từ ngày 8 đến 12-10-1972 là mốc đánh dấu bước chuyển căn bản của cuộc đàm phán. Trong đó, phía Việt Nam đưa ra Văn bản Dự thảo hiệp định hoàn chỉnh và đề nghị Mỹ ký ngay hiệp định đó. Hai bên thỏa thuận ngày 31-10-1972, sẽ ký hiệp định chính thức tại Pa-ri. Hiệp định Pa-ri đã có thể được ký kết theo đúng lịch trình nếu không có sự lật lọng từ phía Mỹ. Ngày 22 và 23-10-1972, Mỹ đòi hoãn ngày ký để thảo luận thêm.
Toàn cảnh Lễ ký kết Hiệp định Pa-ri, ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu.
Ngay sau khi Mỹ lật lọng, tráo trở, trì hoãn việc ký hiệp định, đòi Việt Nam nhân nhượng thêm, ta quyết định công bố dự thảo hiệp định đã thỏa thuận giữa hai bên và tuyên bố không gặp lại trước ngày tuyển cử như Mỹ đề nghị. Đảng ta nhận định: Mỹ muốn tiếp tục kéo dài chiến tranh trong một thời gian nữa để giành thắng lợi về quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.
Trước những diễn biến mới của tình hình, Quân ủy Trung ương nhận định: Mỹ sẽ tập trung đánh phá ác liệt từ Thanh Hóa trở vào, đồng thời chúng có thể sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sắp hoàn toàn thất bại.
Đúng như dự kiến, sau ngày 23-10-1972, đặc biệt là sau khi trúng cử tổng thống (8-11-1972), Tổng thống Mỹ Ních-xơn ráo riết chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới. Mỹ trở giọng đe dọa, phá ngang làm cho cuộc đàm phán tại Hội nghị Pa-ri bị gián đoạn. Đồng thời, Mỹ tập trung lực lượng không quân ở mức cao nhất để đánh phá ngăn chặn các tuyến giao thông từ nam vĩ tuyến 20 trở vào, trọng điểm đánh phá là các tuyến vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam.
Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc từ ngày 18 đến 30 tháng 12-1972. Tổng thống Mỹ Ních-xơn hy vọng rằng, với sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, Mỹ sẽ đạt được mục đích. Nhà sử học người Mỹ Giơ-lin-gơ-rin-út tiết lộ: “Tổng thống Ních-xơn, Cố vấn Kít-xinh-giơ và 1.700 nhân viên đội bay B-52 thực hiện cú đấm chiến lược này đều có niềm tin mãnh liệt ban đầu về kết quả chiến đấu. Với cả guồng máy đồng bộ và tính năng vũ khí như thế, Mỹ cho rằng, hệ thống ra-đa trinh sát phòng không và tên lửa SAM-2 của Bắc Việt Nam cũng không thể nào “với tới” được.
“Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” và thắng lợi ở Pa-ri
Nhưng với ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, để giành thắng lợi về quân sự và chính trị, quân dân miền Bắc đã kịp thời giáng trả đế quốc Mỹ những đòn đích đáng. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 được ví là trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ, bắn cháy 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, 5 máy bay F.111, nhiều B-52 bị bắn rơi ngay tại thủ đô Hà Nội, hàng chục phi công bị bắt sống, trong đó có nhiều phi công lái B-52.
Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam và thất bại trong cuộc tập kích đường không chiến lược vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc Việt Nam, ý chí đàm phán trên thế mạnh của Nhà Trắng đã bị đè bẹp. Thất bại nặng nề về quân sự và chính trị trên cả hai chiến trường buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngừng ném bom bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra, kể từ ngày 30-12-1972. Ngày 6-1-1973, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chỉ thị cho Cố vấn đặc biệt Kít-xinh-giơ cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe và nhấn mạnh là sẵn sàng chấp nhận văn bản đã thỏa thuận tháng 10-1972, buộc phải chấp nhận kết quả đàm phán ngoài mong muốn. Ngày 8-1-1973, Mỹ phải tiếp tục nối lại cuộc đàm phán trên thế yếu tại Hội nghị Pa-ri.
Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược B-52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Pa-ri. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn của Chính phủ VNDCCH tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.
Ngày 23-1-1973, Hiệp định và các nghị định thư được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn Kít-xinh-giơ ký tắt. Thất bại nặng nề về quân sự của Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc-những cố gắng quân sự cuối cùng – buộc Mỹ phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973.
Trong thời gian gần 5 năm, Hiệp định Pa-ri đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ, trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có tại miền Nam) “cùng rút quân”.
Với thắng lợi của Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, tạo tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Hiệp định Pa-ri 1973 phản ánh được ở mức cao thắng lợi về quân sự và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.
Hiệp định Pa-ri về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước. Đây là thắng lợi về quân sự và chính trị có ý nghĩa lịch sử, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Cội nguồn của thắng lợi Hội nghị Pa-ri là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam là văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Là đỉnh cao và là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, cuộc đấu trí hết sức gay go, quyết liệt nhưng cũng rất hào hùng của nhân dân ta, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng và của Bác Hồ. Hội nghị Pa-ri và Hiệp định Pa-ri mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, phát huy cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá.
———
Kỳ 1: Làm lung lay ý chí xâm lược
Thượng tướng LÊ HỮU ĐỨC, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
qdnd.vn