QĐND-LTS: Còn có những “quả bom” gây sốc tâm lý tại Nhà Trắng, Lầu Năm Góc trong Lai-nơ-bếch-cơ II, góp phần chặn bàn tay cuồng chiến của phe diều hâu, củng cố phong trào hòa bình Mỹ. Đó là các vụ phản chiến của các quân nhân Mỹ, trong đó có cả những phi công lái B-52, F4…
Người phản chiến đầu tiên
Tháng Giêng năm 1973, trong khi người dân Mỹ nóng ruột chờ tin ký kết Hiệp định Pa-ri, tờ Thời báo Niu Y-oóc (NY) số ra ngày 20-1-1973 đưa lại tin của Hãng AP, phi công F4 đã từ chối không bay đi không kích Bắc Việt Nam ngay từ ngày đầu (18-12-1972) của chiến dịch ném bom ồ ạt Hà Nội – Hải Phòng. Đó là Đại úy Đoai-tơ I-van (Dwight Evans), 26 tuổi, thuộc phi đội chiến thuật số 34 đóng tại Thái Lan, bị đưa ra tòa án binh. Cùng kỳ, hai viên phi công khác lái B-26 thuộc trường hợp tự giác phản kháng nhiệm vụ chiến đấu (consientious objector) đã bị buộc giải ngũ khỏi Không lực Mỹ.
Báo NY cũng cho hay từng có các vụ phản chiến khác, thuộc về một phi công F4 nữa và một phi công lái trực thăng chiến đấu AC-123… Tuy nhiên, đã nổ thêm một “quả bom” trong lòng Không lực Mỹ và cả ở Nhà Trắng, Lầu Năm Góc: Đó là, đang đối đầu với án phạt tù tại Tòa án binh cùng Đại úy Đoai-tơ I-van còn có một người lái “Pháo đài bay”.
Phi công Mỹ bên xác máy bay B-52 bị bắn rơi ở Hà Nội. Ảnh: Cảnh trong phim “Hà Nội – Bản hùng ca” của Điện ảnh Quân đội.
Đúng ngày đầu của đợt sau của chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II (sau khi ngưng ném bom ngày Nô-en) ngày 26-12-1972, Đại úy Mai-cơn Hếch (Michael Heck), 30 tuổi, viên lái trưởng của một kíp bay B-52 đã chống lại lệnh điều đi ném bom miền Bắc Việt Nam, cho dù SAC- Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ cố nhấn mạnh là chỉ có một trường hợp người lái B-52 phản chiến thôi.
Câu chuyện của Mai-cơn Hếch
Phi trường U-ta-pao, vào cái đêm 26-12 ấy, lái trưởng B-52 Mai-cơn Hếch đã nói với cấp trên là quyết định phản chiến của anh ta dựa trên những suy xét về đạo lý, và các quan điểm khoa học (moral considerations and matters of science).
Sau chiến tranh, các cựu chiến binh Mỹ làm rõ đoạn tường thuật trên của NY (số ra ngày 9-2-1973). Khi nhận thấy các mục tiêu biên đội mình phải đánh phá là các bệnh viện và các khu dân cư, Đại úy Hếch đã trích dẫn các nguyên tắc của Tòa án quốc tế Nuremburg để từ chối tham gia Cuộc ném bom dịp Giáng sinh[1].
Quay lại đêm 26-12, cấp trên của Đại úy Hếch hẳn đã vô cùng bất ngờ (cho dù vào 26-12 đã có nhiều chuyến B-52 bị hủy bỏ vì lý do “kỹ thuật”?) vì phi công Hếch từng bay 175 phi vụ chiến đấu, được thưởng Huân chương Thập tự bay (Flying Cross) hạng cao và mề đay Không lực Mỹ (Air Medal).
Vẫn theo một bản tin của NY, khi nghe tin các cuộc ném bom ồ ạt vào các thành phố Bắc Việt Nam được lệnh tiếp tục vào 26-12, Đại úy Hếch “đã đi đến quyết định không trở thành một bộ phận của nó (phi vụ ném bom vào dân cư), và kiên quyết trình bày quyết định này với cấp chỉ huy”. Khi được hỏi phải chăng đây là một vụ phản chiến tự giác, hay do các nguyên nhân khác (không mang tính chất chính trị), Đại úy Hếch khẳng định mình đã trở thành một quân nhân chống chiến tranh một cách tự giác.
Về những động thái xảy ra với Mai-cơn Hếch quanh vành móng ngựa Tòa án binh, người dân Mỹ phải chờ tới số báo NY ra ngày 9-2-1973 cho hay, mặc dù Tòa án binh định kết án tù Mai-cơn Hếch với tội danh chống quân lệnh, nhưng đấu tranh của luật sư đến từ Liên đoàn quyền công dân Mỹ (American Civil – Liberties Union) đã buộc Lãnh đạo Không lực Mỹ phải chấp nhận, về căn bản, yêu cầu được giải ngũ của “bị cáo” Mai-cơn Hếch, với những điều kiện không ưu đãi, bất chấp bản lý lịch đầy những “công trạng” trước đó của Đại úy Hếch.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại của NY, bà Giôn W.Hếch (John W. Heck), thân mẫu của Đại úy Hếch, ngụ tại Chula Vista, California nhấn mạnh bà rất hãnh diện vì anh: “Tôi rất tự hào về con trai mình. Con tôi đã có đủ dũng khí đi đến cùng với niềm tin của mình, đã nói lên tiếng nói của lương tâm nước Mỹ”.
Trước đó, song thân của Mai-cơn Hếch cũng nhấn mạnh với Tạp chí Time (số ra ngày 22-1-1973) rằng, họ không ngạc nhiên sự kiện đó, vì đã nhận thấy những tâm trạng chống chiến tranh của con mình trong các thư gửi về gia đình. Cha của Mai-cơn Hếch nói, cuộc ném bom vào dịp Giáng sinh là “giọt nước làm tràn ly” (the last straw) dẫn tới quyết định phản chiến của con trai ông.
Theo NY số ra ngày 9-2-1973, gia đình và những người đồng quan điểm với Đại úy Hếch nghĩ rằng, Lãnh đạo Không lực Mỹ sẽ buộc phải đưa trả anh về quê hương trong vòng tuần tới.
Vu khống
Một số quan chức Lầu Năm Góc thời đó luận giải quyết định chống Lai-nơ-bếch-cơ II của Mai-cơn Hếch là “do quá mệt mỏi vì chiến trận”. Tuy nhiên, một phóng viên Mỹ lúc đó đã sang tận U-ta-pao để phỏng vấn Hếch nhân sự kiện này cho hay, người phi công B-52 bày tỏ đã “quá mệt mỏi trong tàn sát phụ nữ và trẻ em Việt Nam”[2].
Một sĩ quan cấp cao của Không lực Mỹ thì ám chỉ quyết định này của Hếch là do “quá sợ” phi vụ đánh phá miền Bắc do B-52 bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, Đại úy Hếch khẳng định quyết định phản chiến của anh không liên quan gì đến sự sợ hãi. Hếch nhấn mạnh anh từ chối tất cả các nhiệm vụ, dù là bay ở miền Nam Việt Nam khi không bị ai bắn, dù là chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần mặt đất như lắp bom hay tiếp nhiên liệu. “Các mục đích của cuộc chiến tranh Việt Nam không biện hộ được cho hủy diệt và tàn sát hàng loạt”, Hếch nhấn mạnh trong bài báo “Từ chối ném bom” (Bombing Fallout) của tờ Time, số ra ngày 22-1-1973.
Sau khi trở lại Hoa Kỳ, Mai-cơn Hếch đã mở một cuộc họp báo. Theo bài tường thuật “Người cựu phi công B-52 vững vàng với quyết định của mình” của Thời báo Niu Y-oóc số ra ngày 17-2-1973, Hếch tuyên bố: “Cho tới nay, tôi càng tin tưởng chắc chắn vào điều mình đã làm. Lẽ ra tôi phải làm điều này sớm hơn”.
Phản ứng dây chuyền
Khẳng định của Bộ chỉ huy Không lực Mỹ là chỉ có một phi công B-52 phản chiến tới lúc này đã sai. Sự kiện “Mai-cơn Hếch” đã có phản ứng dây chuyền. Tại Tòa án Liên bang Mỹ, tháng 4-1973, bốn người lái B-52 của Không lực Mỹ đã cùng đứng tên với Ê-li-da-bét Hôn-dơ-man (Elizabeth Holtzman), nữ nghị sĩ bang Niu Y-oóc (New York), trong một vụ kiện đòi điều tra tính hợp hiến của các vụ không kích vụng trộm Cam-pu-chia xảy ra sau khi Hiệp định Pa-ri đã ký kết. Vụ “bốn phi công B-52” này, gồm cả một con “át” đã bay tới 230 phi vụ chiến tranh, đã làm Lầu Năm Góc trải qua một cơn sốc.
Các phi công B-52 ở căn cứ trên đảo Guam mở một chiến dịch phản đối các hành động ngoan cố, tiếp tục chiến tranh của tập đoàn Ních-xơn. Sách Hãy cho hòa bình một cơ hội: Khám phá phong trào hòa bình Mỹ[3] dẫn một bức thư gửi Thượng nghị sĩ Ét-uốt Ken-nơ-đi (Edward Kenendy), có đoạn viết: “Tôi ước mong mình có được quyết định đúng đắn như Đại úy Mai-cơn Hếch, hoặc của những quân nhân phản chiến Mỹ mà Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ đang cực lực buộc tội, để làm được điều gì hơn… Hằng ngày, hằng giờ, bàn tay chúng tôi vẫn đang vấy máu trong các cuộc ném bom mất trí (insane) này”.
Theo hồ sơ của một tổ chức CCB Mỹ ở Việt Nam, những vụ ném bom thảm sát dân thường theo lệnh của Nhà Trắng, như Lai-nơ-bếch-cơ II, đã khởi phát một cuộc khủng hoảng tinh thần sâu sắc trong các kíp lái máy bay B-52 thời kỳ chiến tranh Việt Nam[4].
———-
[1] Chủ đề: (Phản chiến bằng cách) rút lựu đạn: chuyện hoang đường hay thực tế (Fragging: Myth or Reality?), lưu trữ trên Trang điện tử http://www.vvawai.org/archive/sw/sw41/myth-or-reality.html.
[2] Lời đầu sách Sổ tay phóng viên (Associated Press Reporting Handbook, NXB McGraw-Hill Companies, 2002), đăng trên http://www.ereader.com/servlet/mw?t=book&bi=6353&si=59
[3] Give Peace a Chance: Exploring the Vietnam antiwar Movement, của Melvin Small và một số tác giả khác, NXB Syracuse University Press, 1992.
[4] Chủ đề: (Phản chiến bằng cách) rút lựu đạn: chuyện hoang đường hay thực tế (Fragging: Myth or Reality?), lưu trữ trên Trang điện tử .
Trong đánh giá hiệu lực của các cuộc tiến công đường không của Mỹ, trước sau như một, CIA kết luận rằng, các cuộc tiến công không làm giảm khả năng hậu cần duy trì chiến tranh của Bắc Việt Nam, rằng Bắc Việt Nam có thể có đủ khả năng chịu sự trừng phạt, rằng ý chí của Hà Nội không bị lung lay trong khi hệ thống phòng không không ngừng được cải tiến của Hà Nội (do Liên Xô và Trung Quốc cung cấp) gây thiệt hại ngày càng tăng cho máy bay Mỹ (tướng 4 sao Bru-xơ Pan-mơ.JR (Bruce Palmer, Jr) trong cuốn “Cuộc chiến tranh 25 năm: vai trò quân sự của Mỹ ở Việt Nam”. N.Y. Touchstone, 1984. tr.163). |
LÊ THÀNH
qdnd.vn