“Bom thông minh’ là một trong những thứ vũ khí nguy hiểm mà Mỹ đưa vào sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Năm 1965, Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder) đánh phá dữ dội miền Bắc Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch này phá hoại cầu cống, bến bãi, kho tàng, căn cứ quân sự ở miền bắc. Đặc biệt là Mỹ âm mưu ngăn chặn đường tiếp tế của miền bắc vào miền nam Việt Nam.
Để đánh phá các mục tiêu hiệu quả bằng rocket, bom không điều khiển đòi hỏi các máy bay chiến đấu Mỹ như F-100, F-105, A-4, A-6… phải bay ở độ cao thấp nhưng như vậy Không quân Mỹ khi phải đối phó hỏa lực phòng không dày đặc, nhiều tầng nhiều lớp của quân dân miền bắc Việt Nam.
Mạng lưới phòng không miền bắc trang bị đủ loại vũ khí do Liên Xô viện trợ. Ở tầm thấp có súng máy phòng không (12,7mm và 14,5mm), pháo tầm thấp (23mm, 37mm).
Ở tầm trung có pháo 57mm, 85mm, 100mm được dẫn bắn bằng radar điều khiển hỏa lực. Trên tầm cao, quân “giặc trời” phải kinh hồn bạt vía với “rồng lửa” SA-2.
Không quân Mỹ có thể tiến hành gây nhiễu radar dẫn bắn pháo tầm trung và tên lửa SA-2 giảm bớt hiệu quả những loại vũ khí đó. Nhưng, đối với pháo tầm thấp thì thủ đoạn này không giải quyết được vấn đề.
Vì vậy, bom có điều khiển là lựa chọn tối ưu nhất để máy bay ném bom có thể hoạt động ở tầm cao vừa có thể công kích mục tiêu đạt độ chính xác lớn.
Hệ thống phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của quân dân miền Bắc Việt Nam là cơn ác mộng đối với phi công Mỹ.
Một trong những loại bom có điều khiển đầu tiên mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam là AGM-62 Walleye. Đây là loại bom có điều khiển dẫn đường TV, trên thân có 4 cánh lớn, mang đầu đạn thuốc nổ mạnh 113kg.
AGM-62 không có động cơ nhưng nó hoàn toàn có thể bay lướt tới mục tiêu dưới sự hỗ trợ hệ thống dẫn đường TV. Ở đầu mũi quả bom có chứa camera TV và đầu dò điện tử.
Camera TV sẽ truyền hình ảnh tới màn hình trong buồng lái. Trên cơ sở đó, viên phi công sẽ dễ dàng tìm thấy mục tiêu trên màn hình của mình, chỉ định sẽ đánh vào đó và phóng quả bom. Công việc còn lại là quả bom sẽ tự tiến về hướng mục tiêu được chỉ thị.
Trong quá trình sử dụng, người Mỹ nhanh chóng nhận ra nhược điểm của AGM-62. Nó thường không khóa được mục tiêu hoặc “mất khóa” trong quá trình bay. Nguyên là mục tiêu bị che phủ bời tầng mây thấp, sương mù – đặc trưng khí hậu ở các nước Đông Nam Á.
Bom lượn AGM-62.
Bên cạnh AGM-62, Không quân Mỹ đưa vào thử nghiệm ở chiến trường Việt Nam loại GBU-12 HOBOS. GBU-12 không hẳn là một loại bom điều khiển mà nói đúng hơn là loại bom được trang bị 1 bộ phụ kiện biến “bom ngu” thành “bom thông minh”.
Thành phần của một bộ GBU-12 gồm: đầu mũi gồm camera TV và đầu dò điện tử, bốn cánh nhỏ ở đuôi để điều khiển bom lượn tới mục tiêu. Bộ phụ kiện này được lắp cho bom Mk84 (925kg). Cách thức hoạt động của GBU-12 tương tự AGM-62.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sử dụng, AGM-62 và GBU-12 đều không đạt được những thành công như mong đợi do nó sử dụng công nghệ camera TV lỗi thời. Những hậu duệ sau này của bom dẫn đường TV được sử dụng khá thành công tại cuộc chiến tranh vùng vịnh 1991.
Bom dẫn đường bằng laze GBU-1/B.
Sau này, Mỹ áp dụng phương pháp điều khiển bằng laze cho bom thông minh. Mở đầu là loại bom GBU-1/B, ra đời từ giữa những năm 1960.
Bom GBU-1/B bao gồm: một quả bom thông thường M117 loại 343kg, thiết bị điều khiển và dẫn đường bằng laze KMU-342. Ngoài ra, bom có thêm thiết bị chỉ thị mục tiêu laze AVQ-9 Pave Light, do tập đoàn Martin Marietta chế tạo. (Năm 1995, hãng này sát nhập với Lockheed trở thành tập đoàn Lockheed Martin nổi tiếng). Thiết bị này còn có tên gọi khác là “zot box”, gồm kính ngắm quang học và bộ phận phóng laze đặt ở buồng lái phía sau chiếc F-4D.
Sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí (WSO) trên chiếc F-4D sẽ ngắm tìm mục tiêu qua kính của “zot box” và ấn cò bắn tia laze. Một chiếc F-4 khác mang và ném bom laze.
Không lâu sau đó, AVQ-9 được thay thế bởi AN/AVQ-10 Pave Knight, là container được treo dưới cánh máy bay, đầu mũi của thiết bị này chứa bộ phận phát chùm tia laze và camera TV. Camera TV sẽ truyền những hình ảnh về màn hình đặt ở buồng lái của sĩ quan WSO, anh ta sẽ “dễ dàng” hơn trong việc xác định mục tiêu để chiếu tia laze.
Bom điều khiển bằng laze GBU-1/B được triển khai lần đầu vào năm 1968 trong phi đội tiêm kích chiến thuật số 8 (căn cứ Ubon, Thái Lan). Nó nhanh chóng được sử dụng ném bom các mục tiêu cầu, đường, quân sự ở miền Bắc Việt Nam.
Cầu Hàm Rồng bị đánh sập một nhịp, ảnh chụp từ máy bay trinh sát Mỹ.
Không quân Mỹ thực sự tự hào khi loại bom dẫn đường bằng laze này chứng minh được hiểu quả trong các chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam. Nếu trước đây, họ phải mất nhiều lần ném bom với số lượng bom lớn và phải trải qua nhiều lưới lửa phòng không nguy hiểm mới có thể phá hủy mục tiêu. Thì nay, họ chỉ mất 1 hoặc 2 quả bom dẫn đường laze là có thể phá hủy mục tiêu ở độ cao bay an toàn.
Thấy được hiệu quả cao của loại bom laze này, Mỹ chi tiền đầu tư mạnh phát triển bộ phụ kiện cho bom thông thường sử dụng công nghệ đầu dò laze. Bộ phụ kiện GBU-1/B lắp cho bom thông thường M118 loại 1.300kg, Mk84 loại 908kg và Mk83 loại 454kg. Như vậy, Mỹ đã xây dựng được một gia đình bom dẫn đường bằng laze.
Việt Nam đối phó bom laze Tính tới cuối tháng 5/1972, Không quân Mỹ đã đánh hỏng 68 cây cầu ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều cây cầu (như cầu Hàm Rồng) đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực vào miền Nam. Đứng trước tình hình đó, Quân chủng Phòng không Không quân cùng Viện kỹ thuật quân sự đã phối hợp nghiên cứu chống tác hại do bom laze gây ra. Quân đội ta đã tìm cách để kiếm được một đầu dẫn laze còn nguyên vẹn từ địch. Ngay sau đó, các cán bộ ta “mổ xẻ” tìm ra nguyên lý hoạt động đầu tự dẫn laze. Đầu tự dẫn bom laze là sự kết hợp quang học, cơ khí và điện tử. Đầu dò của bom có gắn 4 quang trở bằng silic gắn với các kênh bán dẫn và vi điện tử làm nhiệm vụ khuếch đại tín hiệu điện. Tín hiệu điện tác động vào động cơ nhỏ, động cơ quay nhờ hệ thống cơ khí làm lệch bánh lái bom, bom chuyển hướng vào nơi có cường độ tín hiệu laze cao nhất do một máy chiếu laze làm (AVQ-9 hay AVQ-10). Sau khi nghiên cứu kỹ cơ chế của bom laze, bộ đội ta bắt đầu tìm và đưa ra phương án đối phó với loại bom “nguy hiểm” này. Phía ta tiến hành thả khói ngụy trang bảo vệ mục tiêu. Lực lượng bộ đội hóa học tích cực tham gia thả khói phủ kín mục tiêu chủ yếu quan trọng ở Hà Nội. Quân ta còn cơ động linh hoạt dùng xe thả khói ở các phố lận cận cơ sở kinh tế xã hội quan trọng khiến cho gió đổi hướng thì mục tiêu vẫn phủ kín. Việc thả khói giúp che giấu mục tiêu, làm giảm tầm nhìn của phi công địch. Việc xác định chính xác và phóng tia laze dẫn đường cho bom vì thế mà khó khăn hơn. Điều này, ít nhiều làm giảm thiệt hại cho ta trong các chiến dịch phá hoại miền bắc bằng Không quân của Mỹ trong năm 1972. |
>> Chuyên trang: Cha ông ta đánh giặc
Lê Nam (tổng hợp)
baodatviet.vn