Chiến tranh Việt Nam là như thế đó

QĐND-Thượng tướng Khiu-pê-nen A-na-tô-li I-va-nô-vích sinh ngày 25-5-1928 tại thành phố Xanh Pê-téc-pua trong một gia đình công nhân. Ông đã trải qua cuộc đời phục vụ quân ngũ từ chức vụ chỉ huy trung đội đến chức vụ Tư lệnh tập đoàn quân phòng không độc lập, Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô. Từ tháng 12-1972 đến tháng 1-1975, ông là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi trích đăng hồi ký “Chiến tranh Việt Nam là như thế đó” của ông, đoạn nói về Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Ngày 14-12-1972, tôi đáp máy bay sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau suốt một ngày đêm bay một mạch bằng máy bay IL-18 theo lộ trình Mát-xcơ-va – Ta-sken – Đê-li – Can-cút-ta – Răng-gun – Viêng Chăn – Hà Nội, đến sáng ngày 15-12, chúng tôi đã tới sân bay Gia Lâm. Trên dọc đường, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những hành động dã man của đế quốc Mỹ. Ngay từ những giờ đầu tiên có mặt ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những gì được nhìn thấy đã buộc tôi phải đánh giá theo cách mới đối với quan niệm về cuộc xung đột vũ trang ở Đông Nam Á.

Trước khi diễn ra chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II” của không quân Mỹ, phía Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp: Sắp xếp lại các đơn vị quân đội; hoàn thiện công tác kỹ thuật xây dựng các trận địa và khâu ngụy trang các trận địa; các đơn vị và các phân đội chiến đấu đã trải qua thực tiễn chiến đấu tại Quân khu 4…

Các khâu chuẩn bị tổ chức và tác chiến đều được thực hiện theo đúng các luận điểm cơ bản của học thuyết chiến tranh nhân dân: Dùng lực lượng ít để thắng kẻ địch có ưu thế về số lượng; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh thông thường, kết hợp chặt chẽ hoạt động chiến đấu của quân chính quy với hoạt động chiến đấu của quân địa phương và dân quân tự vệ. Do đó, nhiệm vụ của bộ đội tên lửa phòng không, của bộ đội pháo cao xạ, của không quân tiêm kích là tiêu diệt địch, bảo toàn lực lượng của mình.

Ngày 16-12, chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng địch tiến hành các đòn oanh tạc, đến ngày 17-12 đã xác định được chính xác thời gian diễn ra đợt oanh tạc thứ nhất.

Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Đại tá Lê Văn Tri (sau này là Trung tướng) đã triệu tập tất cả các sĩ quan chỉ huy sư đoàn và trung đoàn tại Sở chỉ huy trung tâm và giao nhiệm vụ chiến đấu. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội tên lửa phòng không là tiêu diệt các máy bay ném bom B-52. Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu không phải là phòng thủ cơ sở, tức là không để địch đánh phá cơ sở, mà chủ yếu là bắn rơi máy bay. Nhiệm vụ của không quân tiêm kích là chỉ hành động bằng những lực lượng thường trực.

Buổi chiều tối ngày 18-12, đã vang lên còi báo động máy bay địch. Không quân Mỹ đã mở đầu chiến dịch trên không mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” bằng một trận bắn phá ồ ạt mà lực lượng nòng cốt của trận bắn phá này là máy bay ném bom chiến lược B-52.

Vào lúc 12 giờ ngày 19-12, chúng tôi đã sơ bộ tổng kết cuộc đánh trả của phòng không-không quân của Việt Nam. Tổng cộng đã bắn rơi 5 máy bay: Hai chiếc B-52, hai chiếc F4, một chiếc F111.

Chúng tôi đã tiến hành phân tích cặn kẽ các hoạt động tác chiến, nêu lên những điểm tích cực cũng như những điểm thiếu sót trong hoạt động của sở chỉ huy và của các khẩu đội binh chủng phòng không-không quân, đưa ra những đề xuất, đặc biệt trong vấn đề điều khiển của các khẩu đội thuộc sở chỉ huy của các trung đoàn.

Cuộc chiến trên không của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước vào giai đoạn mới. Trên thực tế, Mỹ đã tung ra tất cả những lực lượng không quân và hải quân hiện có của Mỹ ở Đông Nam Á để chống lại Việt Nam. Các hoạt động tác chiến của lực lượng không quân Mỹ diễn ra hồi tháng 12-1972 là đỉnh điểm của toàn bộ cuộc chiến trên không của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô Khiu-pê-nen và phi công Phạm Tuân ở sân bay Nội Bài ngày 28-12-1972. Ảnh: Sách “Chiến tranh Việt Nam là như thế đó”.

Theo ý đồ của ban lãnh đạo chính trị-quân sự của Mỹ thì những cuộc giội bom dữ dội và ồ ạt vào Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vào những thành phố khác thuộc các tỉnh trung tâm phải làm suy sụp tinh thần, bẻ gãy ý chí kháng cự của nhân dân Việt Nam và qua đó buộc ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký hiệp định theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

Để giải quyết các nhiệm vụ đề ra đạt được mục tiêu chính trị cơ bản, bộ chỉ huy của Mỹ tại chiến trường đã thực hiện từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972 chiến dịch tấn công từ trên không được hoạch định kỹ lưỡng, với việc điều động tất cả lực lượng không quân: Không quân chiến lược, không quân chiến thuật và máy bay của hải quân. Tổng cộng trong chiến dịch này đã huy động hơn 800 máy bay chiến đấu, trong đó có 83 máy bay ném bom chiến lược B-52, 36 máy bay chiến thuật F111, 54 máy bay của hải quân A-7D đã có sẵn tại khu vực chiến trường. Một bộ phận lực lượng thuộc Hạm đội 7 đã được huy động để bảo đảm chiến dịch trên không này.

Trong cuộc đấu này, người thắng là bộ đội phòng không Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đã đóng góp phần to lớn vào thắng lợi của Việt Nam. Họ đã anh dũng và hy sinh quên mình trong khi thực hiện nghĩa vụ quân nhân để giúp nhân dân Việt Nam theo tinh thần quốc tế chủ nghĩa.

Theo các số liệu của Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, thì từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974, đã có 6.359 sĩ quan và tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ và hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Tổn thất về người trong thời gian đó là 13 người, trong đó 4 người hy sinh trên các trận địa chiến đấu.

Đã có 2.190 quân nhân Liên Xô được tặng các phần thưởng nhà nước của Liên Xô, đã có hơn 3000 chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bìa cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là như thế đó”. Ảnh: TRUNG NGUYÊN.

Trong đợt đánh trả chiến dịch trên không mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” Đại tá C.X.Ba-ben-cô (sau này là Trung tướng), trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiết lập được những quan hệ mang tính chất hết sức cầu thị, thân hữu và đầy tin cậy với vị Tư lệnh Phòng không-Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri. Thông thường, những khuyến cáo của ông đều luôn luôn được chấp nhận và thực hiện. Về phần mình, ông Ba-ben-cô luôn được phía Việt Nam cung cấp kịp thời những tin tức chính xác tạo điều kiện cho các chuyên gia Liên Xô đưa ra những đề xuất đáp ứng tình hình mới xuất hiện.

Kỹ sư trưởng về tên lửa phòng không, Đại tá M.E.Xa-pen-cô đã có những cố gắng to lớn. Duy trì khí tài trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trong những điều kiện của Việt Nam, nhất là trong thời gian tác chiến-đó là nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Trong quá trình hiện đại hóa các khí tài đã có sự tham gia của Đại tá M.E.Xa-pen-cô. Ông đã quy định chế độ kiểm tra gắt gao đối với chất lượng những sự cải tiến. Các khí tài chỉ được chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi đã có quyết định phê chuẩn của Đại tá Xa-pen-cô.

Thiếu tướng không quân, Anh hùng Liên Xô M.I.Phê-xen-cô được cử làm Trưởng nhóm chuyên gia không quân Liên Xô bên cạnh Tư lệnh không quân Việt Nam. Đồng chí Phê-xen-cô cũng được các phi công Quân đội nhân dân Việt Nam rất tín nhiệm. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là đào tạo các phi công chiến đấu và các kíp sĩ quan cho sở chỉ huy. Theo thông lệ, trong các trận không chiến phần thắng thuộc về các phi công Việt Nam. Tháng 12-1972, Mỹ đã bị tổn thất 7 máy bay trong các trận không chiến, phía Việt Nam chỉ bị tổn thất 3 chiếc.

Tôi đã giữ liên lạc thường xuyên với Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài. Về cơ bản, chúng tôi đã cùng đồng chí Tài giải quyết mọi vấn đề về hợp tác kỹ thuật-quân sự. Trường hợp giải quyết những vấn đề phức tạp nhất thì chúng tôi gặp Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, thỉnh thoảng có gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông thường, trước khi bước vào thảo luận, các vấn đề được nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ sau đó mới đưa ra quyết định.

Cả trong thời gian yên tĩnh, hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cũng rất căng thẳng. Cần tiến hành phân tích sâu sắc các hoạt động tác chiến của Quân chủng Phòng không-Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, thu thập một khối lượng lớn các số liệu về các trận đánh của bộ đội phòng không và về các trận không chiến, về tổ chức, lập kế hoạch, chỉ huy các phân đội, các đơn vị và các liên đội thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, về hoạt động và khả năng của lực lượng không quân Mỹ ở Đông Nam Á, đánh giá tình hình và đề ra những đề xuất cụ thể không chỉ đối với phía Việt Nam, mà cả đối với Binh chủng phòng không Liên Xô.

Thượng tướng KHIU-PÊ-NEN (ĐÀO TẤN ANH – NGUYỄN ĐẶNG NGUYÊN (dịch)
qdnd.vn

Advertisement