Nằm trong khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hầm chỉ huy tác chiến – Bộ Tổng tham mưu được đánh giá là một trong những di tích Cách mạng – Kháng chiến quan trọng hàng đầu, góp phần vào thành quả vĩ đại của sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Hầm chỉ huy tác chiến đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Đồng chí Đào Đình Luyện – Tư lệnh binh chủng
Phòng không không quân báo cáo Bộ Tổng Tham mưu
kế hoạch chiến đấu bảo vệ vùng trời Hà Nội
“Tổng hành dinh quân sự”
Xây dựng từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (cuối năm 1964 đến đầu năm 1965), Hầm chỉ huy tác chiến do Trung đoàn 259 – Cục Công binh thiết kế và thi công. Diện tích 64m2 được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, hầm được chia làm 3 phòng chính gồm phòng giao ban và phòng trực ban tác chiến, phòng đặt trang thiết bị, động cơ.
Theo Đại tá Đặng Phan Thái, cửa hầm bằng thép tấm, 2 lớp, chống được sức ép nguyên tử và tia phóng xạ cũng như hơi độc. Trong hầm có hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ… Nội thất hầm, đồng bộ với hệ thống tiêu đồ, thông tin liên lạc, còi báo động, loa phóng thanh thông báo về máy bay địch. Đặc biệt, 28 máy điện đàm trong hầm luôn đảm bảo liên lạc thông suốt để kịp thời tổng hợp tình hình mới nhất của các Bộ, báo cáo tình hình với cấp trên, nhận mệnh lệnh và phát lệnh.
Đây là nơi làm việc liên tục 24/24 giờ của kíp trực Ban tác chiến (khoảng 10 người) do Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm với nhiều nhiệm vụ quan trọng, trên khắp các chiến trường miền Bắc, miền Nam và Đông Dương; cả trên bộ, trên không và dưới biển. Với thủ đô Hà Nội, phải báo động kịp thời cho nhân dân phòng tránh máy bay địch.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu, người được điều động về Hầm từ đầu năm 1968 nhớ lại, với vai trò là Trung tâm chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, tất cả các sự kiện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra đều có sự tham gia tích cực từ Hầm chỉ huy tác chiến. Mà điển hình nhất là chỉ huy đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 vào Hà Nội của không quân Mỹ.
Ảnh: TL
Giọt nước mắt trong hầm
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã được sống trong “những giây phút không cầm được nước mắt, ôm choàng lấy nhau” giữa Hầm chỉ huy tác chiến khi nghe tin từ đài quan sát trong Hoàng thành, chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi: “Lúc ấy, trong hầm chỉ huy có các đồng chí lãnh đạo cao cấp như Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Yên Mai, Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng… và chúng tôi, những người trong kíp trực ban, các tiêu đồ viên, liên lạc viên… Tất cả đều vui mừng khôn xiết. Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gọi điện thoại biểu dương bộ đội phòng không Hà Nội”.
Trước đó, khi nhận được nhiều tin tức tình báo quân sự cho thấy, Mỹ đang tập trung lực lượng quân sự không quân và hải quân để thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, các cán bộ Cục Tác chiến, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Ninh được yêu cầu trực 24/24h dưới hầm. Nhờ thế mà khi nhận được tin cấp báo của đồng chí Phan Mạc Lâm, cán bộ của Cục Quân báo và sau đó bộ đội ra-đa phòng không bắt được tín hiệu nhiều tốp B52 đang bay dọc sông Mêkong để ra phía Bắc, nhóm trực ban tác chiến đã hội ý và quyết định báo cáo ngay với đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Do tình hình nguy cấp, thiếu tướng Ninh đã liều xin phép đồng chí Văn Tiến Dũng được kéo còi báo động phòng không sớm. Đồng chí trả lời “Được” và nói sẽ đến Hầm ngay… Mỗi người phụ trách một việc: báo cáo qua điện thoại ưu tiên số 1 với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, mở micro thông báo tình hình cho Đảng, chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước… Riêng Thiếu tướng Ninh lĩnh nhiệm vụ ấn còi báo động phòng không không quân, khi đó đặt trên Hội trường Ba Đình, nóc nhà Quốc hội. Từng hồi còi rú lên rất lâu và khẩn thiết để thông báo với đồng bào rằng giặc sắp ném bom, đồng bào phải xuống hầm ngay. Việc báo động đã được thực hiện trước khi bom rơi 25 phút.
Vẹn nguyên giá trị lịch sử
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để phục hồi, tu bổ lại di tích đặc biệt này bởi qua mấy chục năm đóng cửa, các thiết bị trong hầm phần lớn đã bị hỏng… Sau nhiều nghiên cứu, khảo sát và gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tổ chức hội thảo khoa học,… được tiến hành trong hai năm qua, di tích Hầm chỉ huy tác chiến đã chính thức mở cửa để đón khách tham quan.
Bước qua cửa hầm, du khách có thể nhận ra bốn cabin trực điện thoại phục vụ chỉ huy chiến đấu còn đó. Mỗi hiện vật như radio, quạt, la bàn, thước chỉ huy… trong phòng trực ban tác chiến hay các bức ảnh tư liệu, bản đồ chiến sự, bản đồ căn cứ không quân, hải quân và binh lực chủ yếu của Mỹ cùng đồng minh, bản đồ lực lượng phòng không – không quân bảo vệ miền Bắc… đã làm sống lại căn hầm khi xưa với trọn vẹn tầm quan trọng của lịch sử. Không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mãi về sau.
G.Anh
daidoanket.vn