Nhanh như… “Sóng Điện”

QĐND – Chúng tôi đến Đoàn Thông tin Sóng Điện (Lữ đoàn 26, Quân chủng Phòng không – Không quân) đúng dịp cán bộ, chiến sĩ ở đây đang phấn đấu thi đua đạt thành tích cao nhất trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, thiết thực kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (20-7-1965), Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, bảo đảm thông tin thông suốt, phục vụ bộ đội không quân, tên lửa, pháo phòng không chiến đấu và chiến thắng không quân của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Đặc biệt, trong Chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, đơn vị đã cùng quân, dân cả nước nói chung, bộ đội phòng không – không quân nói riêng và quân dân thủ đô Hà Nội làm nên một “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày ấy, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị suốt đêm ngày không ngủ, dưới những làn mưa bom, bão đạn của quân thù, bình tĩnh thu các tín hiệu thông tin của ra-đa; hoặc đọc chính xác các thông tin phát trên mạng tình báo B1 (thông tin báo động) toàn quốc; đánh dấu tọa độ đường bay của máy bay địch… phục vụ bộ đội ta chiến đấu. Trong Chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy, dưới đám nhiễu dày đặc của máy bay địch, lọc được nhiễu, “bắt” chính xác các tốp máy bay, đặc biệt là B-52 trở nên cực kỳ khó khăn. Nhưng với ý chí và nghị lực, bằng đôi mắt tinh tường, đôi tai thính, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều người còn nhớ tới nữ chiến sĩ một tuổi quân Nguyễn Thị Hường – cô gái vùng đất vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) nổi tiếng đã phát hiện, đánh dấu tọa độ đường bay B-52 đầu tiên vào Hà Nội đêm 18-12-1972.

Các chiến sĩ tiêu đồ Đoàn Thông tin Sóng Điện đánh dấu tọa độ đường bay.

Đoàn Thông tin Sóng Điện giờ đây đã có một “cơ ngơi” khá khang trang, bề thế. Lớp chiến sĩ trẻ hôm nay của đơn vị cũng đã có những bước trưởng thành mới. Đại tá Khương Minh Cương, Chính ủy Lữ đoàn 26 hồ hởi thông báo: “Năm nào, đơn vị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu rất cao, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Những năm gần đây, năm nào chúng tôi cũng được Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân chủng khen thưởng”.

Đến Tiểu đoàn 16, chúng tôi gặp Trung sĩ Nguyễn Thị Minh, người con gái vùng đất Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) trước giờ vào ca trực. Minh cho biết, sau khi học lớp tự động hóa đường bay tháng 6-2011, cô chính thức được tham gia làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Gần 2 tuổi quân, Minh vừa được Đảng ủy Lữ đoàn xét kết nạp vào Đảng. Một sự ghi nhận cố gắng nữa của cô gái đất nhãn lồng là năm 2012 này, Minh được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và là “Gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2012” của Quân chủng. Chứng kiến buổi kiểm tra tiêu đồ tại đây, nhìn những nữ binh nhì mới chưa đầy một tuổi quân, tay kẹp cây bút chì xanh đỏ, tai đeo cáp, mắt chăm chú nhìn vào tấm bản đồ trên bảng mi-ca trong suốt, họ đang “vẽ” lên những đường bay giả định từ nhiều hướng, nhiều tọa độ khác nhau phục vụ sở chỉ huy xử lý tình huống nhanh chóng và chính xác. Binh nhì Bùi Thị Hà, quê ở Tiền Hải, Thái Bình thổ lộ: “Lúc đầu, nghe tín hiệu báo vụ, đánh dấu tọa độ trên bản đồ khó lắm, nhưng được các anh, các chị đi trước hướng dẫn, bây giờ chúng tôi không những quen rồi mà còn “đi” chì nhanh và chính xác nữa!”. Còn Binh nhì Lê Thị Thảo, quê ở Ý Yên, Nam Định giọng đầy tự hào: “Chúng tôi rất tự hào vì được kế thừa truyền thống của các chị đi trước…”.

Gặp những chiến sĩ trẻ măng đang đứng xếp hàng chuẩn bị vào ca trực, chúng tôi thầm nghĩ: Họ đã và đang là những “chủ nhân” thực sự của Đoàn Thông tin Sóng Điện anh hùng trong việc làm chủ khoa học kỹ thuật, xứng đáng với truyền thống “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” của bộ đội thông tin liên lạc mà các thế hệ cha anh đã xây dựng và vun đắp.

Bài và ảnh: LÊ QUÝ HOÀNG
qdnd.vn

Advertisement