Mặc dù đã sử dụng những vũ khí tối tân nhất, nhưng cuối cùng đế quốc Mỹ cũng đã phải chịu khuất phục trước tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân Thủ đô Hà Nội. 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “Siêu pháo đài bay B52” đã bị bắn hạ trong 12 ngày đêm oanh kích Hà Nội. Chiến thắng vang dội này thực sự là một trận Điện Biên Phủ trên không của quân, dân Việt Nam anh hùng.
Quân thù khiếp sợ
Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, trong vòng 12 ngày đêm (từ 18 đến 30-12-1972), Mỹ đã huy động hàng trăm lượt các loại máy bay tiêm kích, máy bay cường kích tấn công bắn phá và dội bom vào Hà Nội. Tuy nhiên, trước sự chặn đánh quyết liệt của lực lượng Không quân Việt Nam với những chiếc MiG 19, MiG 21; sự chiến đấu mưu trí, dũng cảm của lực lượng Phòng không với lưới lửa dày đặc đã khiến quân thù khiếp sợ, không thể tiếp cận và đánh phá chính xác mục tiêu là những kho xăng, sân bay, nhà máy, nhất là Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không của ta.
Chỉ trong vòng 12 ngày đêm, Mỹ đã phải tiêu tốn hàng tỉ đô la một cách vô ích cho những tấn bom, những quả tên lửa được phi công Mỹ trút bừa bãi khi vào gần đến bầu trời Hà Nội. Có những tên phi công sừng sỏ, có rất nhiều kinh nghiệm tác chiến do đã từng tham chiến tại các chiến trường cũng đã bị bắn hạ, buộc phải nhảy dù và bị bắt sống. Điều khiến không lực Hoa Kỳ phải hổ thẹn là những máy bay hiện đại “Thần sấm”, “Con ma”, “Siêu pháo đài bay B52” được điều khiển bởi những phi công dày dạn chiến trường, lại bị tiêu diệt bởi những phi công trẻ thậm chí chỉ mới xuất kích lần đầu và phương tiện của họ cũng chỉ là những chiếc MiG già nua từ sau Thế chiến thứ II.
Nhiều phi công Mỹ khi bị bắt đã thú nhận không thể tưởng tượng được rằng Việt Nam chỉ với tên lửa Sam 2, máy bay MiG cũ kỹ lại có thể bắn rơi được B52 và những máy bay tiêm kích hiện đại khác. Và khi được biết những người đã hạ đo ván mình là những phi công trẻ chưa có kinh nghiệm không chiến, thậm chí có người mới xuất kích lần đầu, các phi công Mỹ đã cúi đầu kính phục. Không chỉ vậy, tin đồn Việt Nam có những vũ khí mạnh có thể bắn hạ bất cứ máy bay hiện đại nào khiến những phi công Mỹ hoang mang, lo sợ, hoặc là không dám xuất kích, hoặc là trút bom bừa bãi rồi quay về giữ lấy mạng sống.
Chiến thắng vang dội
Trung tướng Trần Hanh không sao quên được hình ảnh chiến đấu anh dũng, mưu trí của phi công Trần Việt khi đối đầu với hàng đàn máy bay địch. Được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến Miếu Môn (Hà Tây cũ), Trần Việt có nhiệm vụ xua đuổi và bắn hạ các máy bay hộ tống B52, để tạo điều kiện cho tên lửa của lực lượng phòng không đỡ “nhiễu”, tập trung tiêu diệt B52. Mặc dù chưa có kinh nghiệm thực tế chiến đấu không chiến, nhưng Trần Việt đã khiến cho các phi công Mỹ “lão làng” lái những chiếc máy bay hiện đại như F4, F105… phải lúng túng, không thể gây nhiễu và bảo vệ phi đội B52 được. Trong khi địch đang chưa biết xoay sở ra sao thì bất ngờ Trần Việt áp sát một chiếc tiêm kích, phóng tên lửa chính xác tiêu diệt gọn. Viên phi công bắt buộc phải bật dù nhảy xuống đất Hòa Bình và bị bắt sống.
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng với tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường, với những lối đánh sáng tạo, mưu trí, trong vòng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, quân và dân Thủ đô đã bắn hạ 81 máy bay các loại, trong đó có tới 34 Siêu pháo đài bay B52. Lầu Năm Góc không khỏi kinh hoàng, bởi từ trước tới nay, B52 là niềm tự hào bất khả chiến bại của họ. Chưa có bất cứ lực lượng Phòng không – Không quân nào trên thế giới có thể bắn hạ Siêu pháo đài bay B52, vậy mà một đất nước nhỏ bé như Việt Nam, với những vũ khí có thể nói là thô sơ lại làm nên kỳ tích bắn hạ tới hơn phân nửa số pháo đài bay họ có. Từ trước tới nay, B52 đến đâu là tàn sát, là san phẳng đến đó. Vậy mà khi đến Hà Nội chúng không những không đạt được mục đích biến Hà Nội quay về thời kỳ đồ đá mà còn phải chịu tổn thất nặng nề.
Tiểu đoàn 59 Trung đoàn 261 bắn tan xác chiếc B.52 đầu tiên
đêm 18-12-1972 trên bầu trời Hà Nội
Ảnh: Hoàng Long
Mừng vui xen lẫn đau thương
Nhắc đến chiến thắng oanh liệt của trận Điện Biên Phủ trên không, Tướng Hanh không khỏi bồi hồi xúc động: “Mặc dù chúng ta đã chiến thắng vang dội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris, ký kết hiệp định hòa bình. Tuy nhiên, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ đã hy sinh, nhiều người dân vô tội đã chết bởi hàng tấn bom đạn của kẻ thù. Tâm trạng của mình và người dân Hà Nội nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đan xen cảm xúc giữa mừng vui trong chiến thắng, đau thương bởi những tổn thất, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ…”, Tướng Hanh chia sẻ.
Có dịp trò chuyện với ông Lê Hòa Bình – người từng tham gia lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô chống trả lại các trận oanh kích của máy bay Mỹ, ông cho biết vẫn nhớ như in hình ảnh những người dân vô tội ở phố Khâm Thiên đã chết thảm như thế nào; hình ảnh những đứa trẻ mếu máo vì lạc cha mẹ khi tìm nơi trú ẩn tránh máy bay Mỹ ném bom, những đường phố bị cày sâu bởi bom đạn, những mái nhà còn bốc khói nghi ngút khi còi báo yên… Nhưng bên cạnh những hình ảnh bi thương ấy, nổi lên những hình ảnh anh hùng của những người dân quân tự vệ với súng trường trong tay hiên ngang bám trụ chờ giặc tới, những chiến sĩ phòng không mặt đen nhẻm khói súng vẫn vững vàng trên mâm pháo, những Anh hùng Phạm Tuân, Trần Hanh, Vũ Xuân Thiều… còn mãi trong lòng ông Bình như chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. “Hồi đó, mọi người dân Hà Nội đều chung một quyết tâm là phải đánh thắng giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Vì thế, ai có khả năng làm việc gì đều cố hết sức, mong góp chút sức lực nhỏ bé của mình để đánh đuổi quân xâm lược…”, ông Bình cho biết.
“Những năm tháng hào hùng ấy, trên tất cả các phố phường Hà Nội đều toát lên hào khí Thăng Long – Hà Nội, hào khí kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm dù phải hy sinh xương máu. Mọi người đều hừng hực khí thế quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó chính là sức mạnh đoàn kết – sức mạnh lớn nhất dẫn đến thắng lợi của chúng ta, của dân tộc Việt Nam…”, Trung tướng Trần Hanh nhấn mạnh.
Báo động, báo yên…
“Máy bay địch cách Hà Nội 70km. Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 50km. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu…”. Từ các loa phóng thanh công cộng được bố trí trên khắp phố phường Hà Nội, giọng của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn vang lên dõng dạc, rõ ràng, bình tĩnh trong những năm tháng chống Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đánh phá Hà Nội. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại những âm điệu này, cụ Kiều Văn Lư – một thầy giáo về hưu, chủ Lư trà quán ở Khu tập thể Thanh Xuân (Hà Nội) không khỏi bồi hồi. Cụ nói: Báo động rồi lại báo yên, vẫn cái chất giọng ấy, chị đã làm ấm lòng bao con người phải chịu đau thương, mất mát, trấn an mọi nỗi lo âu, thôi thúc mọi người hăng say chiến đấu. Chị Nguyễn Thị Thìn ngày ấy là phát thanh viên của Đài truyền thanh Hà Nội (tiền thân của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội bây giờ). Những người cùng thời với chị kể lại: Chị rất đẹp và gan dạ. Ngày ấy, Đài đóng ở khu vực Bờ Hồ. Nhiều lúc chị phát thanh ngay trên mặt đất, khi cái chết cận kề nếu đài bị dính bom nhưng chất giọng của chị vẫn không hề thay đổi.. “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý!…”. Sau ca trực được đưa xuống hầm trú ẩn của Bộ chỉ huy chiến sự thành phố, nhiều lúc không kịp bật băng ghi âm soạn sẵn, chị vẫn phát thanh đĩnh đạc, rõ ràng từng tiếng một. Lâu dần thành quen, hòa bình rồi gặp lại, nhiều người vẫn nhắc đến chị, yêu cầu chị phát lại những lời năm xưa, cho vơi kỷ niệm. Nhưng giờ đây không một ai có thể làm được điều đó nữa vì chị đã đi xa, rất xa về cõi vĩnh hằng. Viết những dòng chữ muộn mằn này tôi ngậm ngùi vì trong tay vẫn còn nắm giữ bức ảnh này của chị, chưa trả lại được… Trần Ngọc Kha |
Lê Anh Đức
daidoanket.vn