Hà Nội 12 ngày đêm – Bản Anh hùng ca Máu và Hoa – Bài 5: Tài tình nghệ thuật quân sự Việt Nam: “Dụng binh như thần”

Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta gần như thường xuyên phải chiến đấu chống giặc ngoại xâm và luôn chiến thắng oanh liệt. Mỗi chiến công vang dội trong lịch sử đều sáng lên nghệ thuật quân sự tài tình của dân tộc. Và chiến thắng 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không cũng không ngoại lệ. Nhờ có nghệ thuật quân sự khéo léo mà chúng ta đã đánh bại một đế quốc sừng sỏ nhất thế giới.

Ảnh: Hoàng Long

Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử

Năm 938, quân Nam Hán tràn sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng xuống dòng sông Bạch Đằng. Vấp phải bãi cọc, quân Nam Hán phần bị chết đuối, phần bị giết, thiệt hại đến quá nửa, Hoằng Thao bỏ mạng tại chỗ.

Khi quân Tống xâm lược nước ta lần thứ 2, Lý Thường Kiệt đã đánh giá đúng mưu đồ tiến quân của giặc và có kế hoạch đối phó tài tình: đánh bại cánh quân đường thủy, không cho hợp quân với đường bộ; bố trí lực lượng chặn đánh địch trên các cửa ải biên giới nhằm tiêu hao sinh lực địch, đồng thời làm chậm bước tiến của chúng; và đặc biệt là xây dựng chiến tuyến nam sông Như Nguyệt (sông Cầu) để phòng ngự với mục đích hạn chế sở trường dùng kỵ binh của giặc, phát huy sở trường đánh thủy của ta.

Hay trận Đông Bộ Đầu (năm 1258) trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất cũng thể hiện rõ nghệ thuật quân sự tài tình của quân dân ta. Nhà Trần đã tạm thời rút lui để tránh sức mạnh ban đầu của địch. Sau đó ngày đêm tổ chức tập kích, quấy rối khiến địch không dám đóng quân trong thành mà đưa quân về đóng ở bến Đông Bộ Đầu. Sau 9 ngày vào Thăng Long, giặc Nguyên Mông đã mất hết nhuệ khí và đây cũng là thời cơ để nhà Trần phản công với chiến thắng Đông Bộ Đầu vang đội. Sau đó, quân Nguyên Mông hai lần xâm phạm bờ cõi của nước ta đều bị quân và dân nhà Trần đánh bại bằng những chiến thuật quân sự tài tình ở trận Vạn Kiếp (2-1285) trong lần xâm lược thứ 2 và trận Bạch Đằng (4-1288) trong lần xâm lược thứ 3.

Phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự tổ tiên, vận dụng sáng tạo

Nói về nghệ thuật quân sự trong thắng lợi 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng Trần Hanh khẳng định: Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng; sự chỉ huy tài tình của Đảng, Nhà nước trong việc vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của ông cha, đánh giá tương quan lực lượng từ đó quyết định lối đánh để phát huy tối đa sở trường của ta, hạn chế sở trường của địch. Ông lấy ví dụ: Xét về tương quan lực lượng, ta và địch chênh lệch nhau quá nhiều: Mỹ có hàng trăm máy bay và các phương tiện tác chiến điện tử hết sức hiện đại, trong khi ta chỉ có ra đa cũ kỹ, máy bay Mig, pháo cao xạ và tên lửa Sam 2. “Nếu chỉ có lòng dũng cảm mà không có cách đánh phù hợp thì sẽ khó nắm phần chắc thắng. Phải có sự vận dụng sáng tạo trong chiến đấu. Chẳng hạn, máy bay Mig có trang bị tên lửa nhưng nếu cứ bắn từ xa thì sẽ không hiệu quả, mà phải tiếp cận gần thì mới ăn chắc. Đó là lý do vì sao chưa có nước nào trên thế giới bắn rơi được máy bay B52 mà chỉ có Việt Nam làm được điều đó” – Tướng Trần Hanh chia sẻ.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, việc dùng pháo cao xạ và tên lửa làm sao cho hiệu quả cũng là nghệ thuật của quân đội ta. Ông cho biết, sau một thời gian nghiên cứu cách đánh của địch, ta phát hiện ra quy luật: Ban ngày Mỹ chỉ đưa các máy bay do thám, trinh sát điện tử và các loại tiêm kích vào vừa để quấy nhiễu, vừa để bắn phá nhỏ lẻ. Đến đêm, các phi đội máy bay B52 mới mò vào ném bom. Do vậy, ban ngày lực lượng phòng không hầu như chỉ cho pháo cao xạ bắn dọa máy bay địch, hỗ trợ cho không quân xua đuổi chúng. Tên lửa của ta lúc đó không “xuất đầu lộ diện” để địch không biết thực lực quân sự của ta ra sao, đồng thời cũng không phát hiện được những nơi bố trí trận địa tên lửa. Khi máy bay B52 vào, “rồng lửa” của ta mới xuất kích khiến địch bất ngờ không kịp trở tay và bị bắn hạ. Điều đó minh chứng vì sao ngay trong đêm đầu tiên, ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52 Mỹ, 5 máy bay tiêm kích, bắt sống 7 giặc lái Mỹ.

Trung tướng Trần Hanh nhấn mạnh, phong ba bão táp ở từng chặng đường lịch sử đã hun đúc nên tinh thần thép của mỗi người dân Việt Nam. Và bất cứ kẻ thù nào của dân tộc Việt Nam khi vấp phải tinh thần thép ấy đều phải chùn bước. “Bên cạnh tinh thần thép, dân tộc Việt Nam lại có truyền thống “dụng binh như thần” truyền từ đời này sang đời khác, khiến bất cứ kẻ thù nào dù mạnh tới đâu khi tới xâm lược nước ta đều phải nếm mùi thất bại và tiu nghỉu quay về nước, từ bỏ dã tâm bành trướng” – Tướng Trần Hanh đúc kết.

Lê Anh Đức
daidoanket.vn

Advertisement